Nhà báo, nhà thơ Hồng Vinh. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương) là một nhà báo, nhà thơ.
Thơ của Hồng Vinh tự nhiên, không nệ vào kỹ thuật sắp xếp câu chữ, vần điệu cầu kỳ. Ông làm thơ bằng cái tâm hơn là sự cầu kỳ gọt giũa. Ngôn ngữ thơ Hồng Vinh là rung động của những cảm xúc, những nghĩ suy thẩm mỹ.
GS.TS, Nhà báo Bùi Quảng Bạ chia sẻ rằng khi đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh, ông cảm nhận sâu sắc tâm hồn, tình cảm, tấm lòng và nhân cách thi sĩ.
Hình ảnh người cha, người mẹ, người anh trong day dứt quê nghèo, đã hiện lên chân chất mà đầy thương cảm: “Gió đông thổi dọc kiếp nghèo/Áo sờn một tấm tóp teo thân già” (Cha vẫn còn đây); “Oằn vai mẹ không đủ ăn, xong nợ/Ba anh con xa xót phận tá điền”(Nhớ mẹ).
Đọc thơ Hồng Vinh, ta thêm tin yêu vào cuộc sống này một cách thành thực, tình người, niềm tin vẫn là chủ đạo: “Hoa pháo bừng nở đất trời/Lung linh mắt huyền xao động/Hồng Hà phù sa lặng trôi/Con chữ dâng dâng như sóng/Bãi bờ màu xanh lan tỏa/Tứ thơ ào ạt ùa về/Trái tim rộn ràng nhịp lá/Rung rinh nốt nhạc Tình ca!” (Tình ca).
Đặc biệt, tập thơ tuyển này có nhiều bài tình ca về những vùng đất trải dài khắp dải đất hình chữ S, đậm chất anh hùng sử thi, với 54 dân tộc anh em, đã và đang sát cánh bên nhau lao động, chiến đấu, vượt lên địch họa, thiên tai, tràn đầy khí phách quật cường và niềm lạc quan cách mạng.
Từ xứ Lạng - phên giậu biên cương phía Bắc, có “núi Mẹ, núi Cha tuyết trắng đầu năm”(Đất nước tình thương), qua miền Trung “chảo lửa, bão dồn” (Đau đáu miền Trung), đến Năm Căn, vùng cực nam Tổ quốc “bỗng gặp trăm quê ở mỏm đất tột cùng” với những con người bình dị, kiên trung “vớt phù sa khóm, ấp đắp bồi, kế tiếp sự nghiệp cha ông mở cõi ra biển lớn (Từ rẻo đất tột cùng).
Có lúc Hồng Vinh lại thưởng thức vẻ đẹp Hà Nội bằng sự huy động các giác quan để cảm nhận cái tinh tế đầu thu: “Đàn sâm cầm Hồ Tây chao nghiêng mỗi sớm/Đường Bà Triệu sấu rơi/Cốm làng Vòng toả hương xóm, phố” (Chớm thu).
Hồng Vinh cũng rất nhạy cảm với bước đi của thời gian. Không có sự trải nghiệm, thấu hiểu, thấu cảm, khó có thể viết được những câu xao động người đọc thế này: “Hình như Thu đã về/Lá cuộn xoay xào xạc/Tôi và em lại gặp/Giữa sắc trời hanh hao…/Hình như lòng nôn nao/Mong quay về thu trước/Đầy vơi bao khao khát/Cúc rực vàng triền sông…/Có thể em đã quên/Có thể em vẫn nhớ/Giữa giao mùa thu - hạ/Nắng và mưa cũng chờ…” (Hình như và có thể).
Nhà báo, nhà văn Hữu Ước cho hay, ông đã đọc hết các tập thơ và các bài bình luận thơ Hồng Vinh. Ông đánh giá, thơ Hồng Vinh có tính tìm tòi rất cao, lại chân thành. Từ ngữ trong sáng, linh hoạt. Bài nào cũng có câu khiến ông tâm đắc.
Nhà thơ Trần Gia Thái lại chia sẻ: “Mộc mạc và tươi nguyên, giản dị đến chân thành, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Những trang thơ bừng tỏa một niềm tin. Đó là cảm nhận của tôi về thơ của nhà thơ Hồng Vinh”.
Cuốn "Thơ Nguyễn Hồng Vinh - Tuyển chọn". Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Với Nguyễn Hồng Vinh, kỷ niệm không hoàn toàn đồng nghĩa với quá khứ, càng không bao giờ thuộc về dĩ vãng. Để trụ vững giữa sóng gió cuộc đời thì kỉ niệm là sự hiện hữu, là hành trang song hành nâng đỡ mỗi bước ta đi: "Năm tháng trôi đi ấp ủ ước mơ/Thành quả chín trong tầm tay tôi hái/Thành sắc màu thời gian tôi nhớ mãi/Dẫu thơ tôi chưa nói được bao điều" (Sắc màu thời gian).
99 bài thơ như 99 lát cắt, đa chiều của “chất” Hồng Vinh. Thơ ông không ồn ào, không sử dụng ngôn từ sắc lẹm, càng không tỉa tót giũa mài tô vẽ cảm xúc. Ông viết như một sự tự thân, tự nhiên, trung thực như cái lẽ thường tình phải thế.
Nhật Nam