Niềm vui của những thiên thần áo trắng ở Trung tâm Hồi sức COVID-19 TPHCM

Ở trong những Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Vậy nên, để những bệnh nhân nguy kịch có thể thở được bình thường là cả một quá trình nỗ lực của các y, bác sĩ và cả người bệnh.

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, đặt trong khuôn viên Bệnh viện Dã chiến số 14 (quận Tân Phú, TP.HCM). Mỗi ngày, số bệnh nhân giảm nhẹ nhiều lên, khỏi bệnh trở về nhà tăng lên chính là niềm mong mỏi, niềm hạnh phúc nhất của các y bác sĩ.

- Ngon lành chưa?

- Dạ, ngon lành rồi, chiều nay về. Ok ạ.

- Rồi. Trong quá trình điều trị nằm viện ở đây thì ăn uống, chăm sóc nhiệt tình không?

- Có ạ, nhiệt tình, rất là chu đáo, cảm ơn mấy bác, các cô các chú ở đây. Rất là ok number one...

Đây là cuộc trò chuyện của Điều dưỡng trưởng Lê Văn Sáng với nữ bệnh nhân hơn 50 tuổi, từng suy hô hấp nguy kịch, hiện đang chờ xuất viện tại khu bệnh nhẹ trong Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.

Trung tâm này đang điều trị tích cực cho khoảng 600 người, đều là những bệnh nhân COVID-19 nặng được chuyển đến từ các cơ sở y tế tuyến dưới. Trung tâm có 3 khu điều trị, bao gồm hồi sức tích cực, thoát hồi sức và khu bệnh nhẹ, đủ điều kiện ra viện, với sự huy động nguồn nhân lực hỗ trợ ở Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa.

Điều dưỡng trưởng Lê Văn Sáng cho biết, tại đây đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc bệnh nhân, bao gồm cả chăm sóc thể chất và tinh thần. Để người bệnh COVID-19 phục hồi tốt, từ khi thành lập, Bệnh viện Trung ương Huế đã xây dựng một quy trình chăm sóc toàn diện bệnh nhân từ vấn đề ăn uống, vệ sinh cá nhân và phục hồi chức năng.

Theo anh Lê Văn Sáng, khi được vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân không những được thoải mái tinh thần mà còn giảm nguy cơ nhiễm trùng còn về ăn uống phải bảo dinh dưỡng, tùy theo tình trạng từng bệnh nhân cũng sẽ có chế độ ăn đặc biệt điều chỉnh.

"Có thể hỗ trợ thêm sữa để đảm bảo cho các bệnh nhân đủ calorie theo tính toán của các y bác sĩ. Thì sự cân đối này, ngoài chăm sóc thì phải dựa vào những chỉ số xét nghiệm, để làm sao chăm sóc cho bệnh nhân một cách tốt nhất", Điều dưỡng trưởng Lê Văn Sáng nói.

Trong Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, bộ phận điều dưỡng làm việc đến 200% công suất, nhằm hỗ trợ liên tục, đảm bảo cho người bệnh phục hồi tốt. Bên cạnh đó, họ còn kiêm luôn việc làm công tác tư tưởng, liên hệ trực tiếp cho người nhà để thông báo tình hình bệnh nhân hàng ngày để người bệnh  và người nhà cùng an tâm.

Để giảm tải một phần công việc cho nhân viên y tế ở đây, giúp cho đội ngũ y bác sĩ tập trung vào việc chăm sóc, điều trị và phục hồi cho người bệnh, Trung tâm đã đưa 3 robot vào “làm việc”, đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, thuốc men đến từng phòng bệnh.

Khu vực hoạt động của robot tập trung chủ yếu ở khu vực “thoát hồi sức” hay còn gọi là “vùng vàng”, nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 từng nguy kịch đã hồi phục, có thể tự ăn uống. Khi được nhân viên điều khiển từ xa đến nơi cần giao đồ, robot này sẽ tự động phát ra âm thanh “Tâm An phục vụ bạn ở đây, xin mời mở cửa”, điều này cũng khiến các bệnh nhân lấy làm thích thú và thoải mái, bớt căng thẳng.  

Mới đây, ngày 7/9, Trung tâm này đã cho xuất viện 18 bệnh nhân từng nguy kịch và đang có hàng chục bệnh nhân chuẩn bị ra viện. Từ những lo lắng tột cùng khi không may mắc COVID-19 rất nặng, không ít bệnh nhân ngập tràn hạnh phúc, chờ đợi khoảnh khắc để sớm trở về nhà.

Hành trình vượt qua cơn bạo bệnh của những bệnh nhân này không ai giống ai, nhưng điểm chung của họ là nhận được sự sẻ chia, tình yêu thương của các thầy thuốc, giúp họ vượt qua nỗi đau của bệnh tật.

"Trong một ngày, bác sĩ đến hỏi thăm em mấy lần lận, nói chung là em bị rất nặng. Các bác sĩ trên đây rất vất vả, cảm thấy rất là tội luôn ấy. Từ lúc tôi vô đây trị bệnh, bác sĩ rất là tốt, ăn uống rất ngon, rất là sạch, tôi có nhu cầu gì thì các y bác sĩ giúp đỡ thôi. Tôi gọi là "rất good". Bác sỹ phục vụ từng bữa ăn cho bệnh nhân, từng viên thuốc, từng ly thuốc, từng ly nước, nói chung là hỗ trợ đủ thứ", một bệnh nhân được ra viện chia sẻ.

Tại TP.HCM, số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM vẫn còn cao, song tỉ lệ tử vong đã giảm sâu trong những ngày vừa qua, số ca xuất viện ngày càng nhiều hơn. Bằng cái tâm và tinh thần chiến đấu của lực lượng y bác sĩ, hy vọng sẽ có nhiều bệnh nhân chiến thắng được bệnh tật, đại dịch sớm được kiểm soát và cuộc sống bình thường sẽ  sớm trở lại ./.