10 năm qua, huyện Phúc Thọ đã huy động được trên 3.400 tỷ đồng đầu tư thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Huyện đã phát động các xã, thị trấn ra quân xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu, chỉnh trang cảnh quan nông thôn, lắp đặt biển chỉ dẫn tên đường, ngõ xóm... Huyện cũng đã quy hoạch lại hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với 480 ha vùng trồng rau an toàn, 454 ha hoa, cây cảnh, 960 ha cây ăn quả và trên 3.400 ha lúa chất lượng cao... Đến nay, huyện hình thành được 8 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản như mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, Xuân Phú, Vân Phúc…
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND Huyện cho biết: “Huyện đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới 20/20 xã, quy hoạch trung tâm hành chính xã, điểm dân cư nông thôn 21/21 xã, thị trấn theo quy định, chất lượng quy hoạch được nâng cao, cơ bản bám sát thực tế và các yêu cầu phát triển của địa phương; tiếp tục quan tâm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn. Hiện tại, Huyện đã hoàn thành một số công trình giao thông lớn như: Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 421, tỉnh lộ 419, đường Thọ Lộc - Võng Xuyên - Phương Độ, hoàn thiện đường Thanh Đa - Tam Thuấn - Hát Môn, phấn đấu xây dựng Phúc Thọ thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến”.
Chị Đàm Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Vân Phúc chia sẻ: “Hội LHPN xã đã vận động chị em phụ nữ thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm xây dựng tuyến đường hoa, cây xanh tạo bóng mát góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; Nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sinh thái cho các hội viên và nhân dân trong xã”.
Xã Hát Môn đã đạt chuẩn xã nông thôn mới và đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chị Đinh Thị Hải, Chủ tịch Hội LHPN xã Hát Môn cho hay: “Qua các mô hình như “ Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, “Bát gạo nghĩa tình trao nhận yêu thương”, Hội LHPN xã Hát Môn đã hỗ trợ cho các hội viên có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, Hội LHPN xã cũng đã xây dựng các tuyến đường hoa, tuyến đường phụ nữ tự quản để hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.
Với sự chung tay góp sức của các cấp Hội LHPN, các tuyến đường trục chính liên thôn, liên xã đều đã hình thành các tuyến đường hoa khoe sắc, là điểm nhấn cho cảnh sắc làng quê yên bình, đáng sống. Đến nay, 100% xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Đánh giá về điểm nổi bật trong công tác xây dựng Nông thôn mới của huyện Phúc Thọ, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết, Nghị quyết Đại hội huyện Phúc Thọ nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, Phúc Thọ huy động tối đa mọi nguồn lực để sớm xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến. Để đạt được mục tiêu này, Phúc Thọ sẽ duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt theo quy định, hướng dẫn của thành phố; hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo quy hoạch; hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn ở khu dân cư kết nối với trục giao thông liên xã, tỉnh lộ, quốc lộ; tiếp tục đầu tư kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất tập trung, hiện đại, công nghệ cao.
Cũng theo ông Ngọ Văn Ngôn, cuộc vận động “Ba sạch”: Nước sạch - môi trường sạch - nông nghiệp sạch là điểm sáng tạo của Phúc Thọ trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 sẽ tiếp tục được thực hiện với yêu cầu, chất lượng cao hơn; đẩy mạnh phát triển phong trào “Đẹp nhà, sạch ngõ, xanh làng”, “Đường có hoa, nhà có số, ngõ có tên”; thực hiện cải tạo ao, hồ, trồng hoa, cây xanh...; xây dựng thôn, tổ dân phố kiểu mẫu về cảnh quan môi trường. Cùng với đó là mở rộng các vùng sản xuất rau an toàn; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển hệ thống nước sạch, bảo đảm 100% hộ dân trên địa bàn huyện được dùng nước sạch.
"Phúc Thọ được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, có điều kiện địa lý tự nhiên, đất đai thuận lợi để phát triển kinh tếnông nghiệp và du lịch sinh thái. Từ định hướng trên, huyện đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới 20/20 xã, quy hoạch trung tâm hành chính xã, điểm dân cư nông thôn 21/21 xã, thị trấn theo quy định, chất lượng quy hoạch được nâng cao, cơ bản bám sát thực tế và các yêu cầu phát triển của địa phương; tiếp tục quan tâm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn. Hiện tại, huyện đã hoàn thành một số công trình giao thông lớn như: Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 421, tỉnh lộ 419, đường Thọ Lộc - Võng Xuyên - Phương Độ, hoàn thiện đường Thanh Đa - Tam Thuấn - Hát Môn...", ông Ngọ Văn Ngôn chia sẻ.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phúc Thọ là vành đai xanh, hành lang xanh của thành phố và cụ thể hóa các mục tiêu của Đại hội đại biểu lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện, Phúc Thọ quyết tâm xây dựng huyện thành vành đai xanh, vùng quê trù phú và đáng sống. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, không chỉ bộ mặt nông thôn của huyện được đổi mới mà cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất được đầu tư kiên cố, nhân dân đồng thuận trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, huyện Phúc Thọ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nhân rộng những mô hình canh tác có giá trị kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, từng bước phấn đấu trở thành huyện nông mới điển hình của thành phố Hà Nội. |
---
CHUYÊN TRANG VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI