Nông thôn mới Hà Nội: Thành trì vững vàng trong đại dịch

Xuân Nguyên (thực hiện)

Trải qua một năm khó khăn do đại dịch COVID19 tác động đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, năm 2021, mặt trận nông nghiệp, phát triển nông thôn nói chung, phong trào xây dựng Nông thôn mới Thủ đô đã thực sự trở thành "thành trì" vững chắc góp phần ổn định an sinh xã hội, trụ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế.

Năm 2021, một năm tiếp tục có nhiều khó khăn với các ngành các cấp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành các cấp, công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội đã thu được nhiều kết quả tích cực. Để rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội.

anh-chi1-1642661993.jpg Ông Nguyễn Văn Chí, P.Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội

PV: Xin ông có thể biết một số kết quả nổi bật trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội trong năm 2021?

Ông Nguyễn Văn Chí: Như chúng ta đã biết năm 2021 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn với các ngành các cấp, tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về“Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tếnông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Sở Nông nghiệp & PTNT, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành các cấp, công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Đến nay, Thành phố có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Còn 06 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó:Các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ứng Hòa và Mê Linh đã tham mưu UBND Thành phố trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Huyện Ba Vì và huyện Mỹ Đức đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đang tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2022.

Xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu: Thành phố đã có 379/382 xã (chiếm 99,21%) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Văn phòng Điều phối NTM Thành phố đã tham mưu trình UBND Thành phố quyết định công nhận thêm 03 xã còn lại của huyện Mỹ Đức đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số có 382/382 (đạt 100%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đưa tổng số Thành phố có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đặc biệt có 5 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Xã Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tổ chức sản xuất, Du lịch. Xã Thọ Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Giáo dục, Y tế. Xã Liên Hà đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tổ chức sản xuất. Xã Song Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Xã Tân Hội đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Văn hóa, Giáo dục, Y tế).

cay12-1642662070.jpg Một hoạt động do Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Quỹ Văn hiến Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội thực hiện

PV: Được biết trong năm 2021, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực, ông có thể nói rõ hơn về hoạt động này?

Ông Nguyễn Văn Chí: Thực hiện các Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội: số 146/KH-UBND ngày 14/6/2021 thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội năm 2021; số 220/KH-UBND ngày 06/10/2021 đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2021 với mục tiêu Thành phố phấn đấu đánh giá phân hạng ít nhất 400 sản phẩm. Đến nay, có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã gồm: Quốc Oai (31 sản phẩm), Hoài Đức (53 sản phẩm), Ba Vì (54 sản phẩm), Đan Phượng (18 sản phẩm), Sóc Sơn (15 sản phẩm), Thanh Trì (09 sản phẩm), Mỹ Đức (11 sản phẩm), Ứng Hòa (10 sản phẩm), Chương Mỹ (40 sản phẩm), Đông Anh (40 sản phẩm), Phúc Thọ (25 sản phẩm), Mê Linh (20 sản phẩm), Gia Lâm (40 sản phẩm), Phú Xuyên (40 sản phẩm), Thạch Thất (20 sản phẩm), Sơn Tây (44 sản phẩm), Thường Tín (49 sản phẩm), Thanh Oai (26 sản phẩm), Ba Đình 5 sản phẩm), Tây Hồ (7 sản phẩm), Hoàng Mai (3 sản phẩm), Đống Đa (2 sản phẩm), Long Biên (10 sản phẩm), Thanh Xuân (03 sản phẩm), Hoàn Kiếm (08 sản phẩm), Hà Đông (12 sản phẩm) được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố đánh giá, phân hạng đủ điều kiện trình UBND Thành phố quyết định công nhận (vượt kế hoạch Thành phố giao 400 sản phẩm OCOP năm 2021).

PV: Trong năm qua, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội đã có nhiều hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại điện tử, chuyển đổi số. Vậy ông có thể chia sẻ những hoạt động nổi bật trong công tác này?

Ông Nguyễn Văn Chí: Nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trên cơ sở thực hiệu hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thúc đẩy sự phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo.

ocop1-1642662271.jpeg Sản phẩm OCOP của Hà Nội được giới thiệu tại "Ngày hội livestream đặc sản OCOP lần 1" diễn ra vào đầu tháng 6-2021.

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội phối hợp với một số đơn vị tổ chức một số sự kiện quảng bá, kết nối giao thương trên nền tảng số: Sự kiện “Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội” ngày 06/6/2021, với 10 chủ thể tham gia và là chương trình đầu tiên tại Việt Nam, có ý nghĩa tích cực đối với các chủ thể OCOP Hà Nội trong bối cảnh thiếu đầu ra cho các sản phẩm cũng như sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; Tổ chức Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn (ngày 01/9/2021) và Tổ chức khai trương mô hình thí điểm “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” (ngày 24/9/2021). Đặc biệt qua diễn đàn đã tiêu thụ được hơn 650 tấn bưởi Thồ của Huyện Phú Xuyên đến kỳ thu hoạch.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố đã phối hợp với Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và Phát triển cộng đồng tổ chức được 05 khóa học miễn phí về xúc tiến thương mại nông nghiệp và bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (Livestream) với số lượng gần 500 học viên tham dự của 273 đơn vị sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản và sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội và thuộc 20 tỉnh, Thành phố: Hòa Bình và Hà Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Gia Lai, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Thuận, Hải Dương, Khánh hoà, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Sau khóa học, các chủ thể đã chủ động Livestream bán hàng trực tuyến sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.

Có thể khẳng định qua 05 lần tổ chức mô hình thí điểm “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” và Chương trình thí điểm sự kiện “Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền” trên nền tảng kỹ thuật số của Chợ đêm trên mây thành phố Hà Nội vào 20h30 thứ 6 hàng tuần, có trên 50 chủ thể tham gia với trên 1.000 đơn hàng, nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

cho-1642662371.jpg Mô hình "Chợ đêm trên mây" do Hà Nội khởi xướng

Bên cạnh đó, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội cũng đã tổ chức thành công 04 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn giới thiệu và bán hàng online, offline các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền năm 2021 với thời gian 05 ngày/01 tuần hàng tại các Trung tâm thương mại trên địa bàn 04 quận nội thành: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy. Trong năm 2021, Văn phòng Điều phối NTM Thành phố tổ chức 02 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (các tỉnh Miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng) tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội và tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại ngày Hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu từ ngày 23/12 đến 27/12/2021.

PV: Trên cơ sở những thành công đã đạt được trong năm 2021, trong năm 2022, công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhằm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh nông thôn được giữ vững.

ntm1-1642662544.jpg
ntm2-1642662563.jpg Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của cấp ủy và chính quyền các cấp

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội tập trung rà soát, tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố sửa đổi, ban hành các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tham mưu UBND Thành phố ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp, theo các mức độ trên cơ sở Bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tổ chức Đoàn thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Đoàn thẩm định, đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Phấn đấu năm 2022, có thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm các cấp, từ cán bộ huyện, thị xã, cho tới lãnh đạo các xã, thôn phù hợp với tình hình mới và cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm mới dự thi. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn hiệu lực phân hạng sản phẩm OCOP. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng sao.

Ngoài ra, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online...để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và Quốc tế quan tâm và sử dụng; Tổ chức Diễn đàn quốc tế về Sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, hàng thủ công mỹ nghệ và tại Hà Nội theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND Thành phố và Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội.

PV. Xin trân trọng cảm ơn ông!