Vào một ngày giữa năm 2007, Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN khi đó là Chủ tịch Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hương Sắc mời Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc vừa nghỉ công tác về làm Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Thế là kể từ đó, tôi có cơ hội được làm việc và thường xuyên gần gũi với Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc.
Hơn 10 năm gần gũi, đồng hành với Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc và nhiều vị nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước để tập trung cho nhiệm vụ “Phát triển Sinh vật cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao” theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ.
Nữ sĩ Sầm Phố và con cháu trong gia đình. |
Nữ sĩ Sầm Phố và họ Tạ ở Hoành Sơn
Cũng bằng ấy thời gian giúp tôi thêm hiểu về họ Tạ ở Hoành Sơn (Nam Đàn, Nghệ An). Mạch nguồn “nước mát” trong truyền thống vàng son của họ Tạ ở Hoành Sơn không thể không kể đến Nữ sĩ Sầm Phố - Nguyễn Thị Đào (1885 - 1975). Bà được biết đến là mẫu thân của hai nhà trí thức tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh: Giáo sư Tạ Quang Bửu và Nhà báo lão thành Quang Đạm (Tên thật là Tạ Quang Đệ).
Cho đến tận bây giờ, trong sâu thẳm ký ức của Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc (là con trai của Nhà báo Quang Đạm, cháu ruột của Giáo sư Tạ Quang Bửu) thể hiện trong cuốn sách “Nước mát từ nguồn” là những trang viết đầu tiên về bà nội của ông: Nữ sĩ Sầm Phố. Trong cuốn Từ điển Nhân vật xứ Nghệ tôn vinh Nữ sĩ Sầm Phố “là một hiền mẫu, suốt đời nuôi các con học tập thành đạt và thành danh”. Còn với Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc khi nghĩ về bà nội là thấy rõ chân lý của người xưa nói về vai trò của người mẹ trong gia đình truyền thống của người Việt: “Phúc đức tại mẫu”.
Trong bài hồi ký về “Một cuộc đời làm báo” của Nhà báo lão thành Quang Đạm cũng đã dành những trang viết trân trọng nhất về thân mẫu của mình: “Mẹ tôi kết hôn với bố của tôi là Tạ Quang Diện. Sinh thời, bà là người giỏi chữ Hán, đồng thời cũng là một nữ sĩ khá nổi tiếng trên văn đàn bấy giờ với bút danh Sầm Phố...”.
Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu và người dân Nam Đàn (Nghệ An) vẫn ngợi ca ba “truyền thống gia truyền” của họ Tạ ở Hoành Sơn mà Nữ sĩ Sầm Phố đã góp công giữ gìn. Một là truyền thống gia học (học tại nhà, cha dạy con chữ, không đi dạy trường lớp nào). Hai là truyền thống nghĩa tình thủy chung son sắc (không lấy hai vợ, thủ tiết thờ chồng). Ba là truyền thống trọng đạo hiếu (một lòng thờ mẹ kính cha, anh em trên thuận dưới hòa, con hiền cháu thảo, chỉ thờ cúng gia tiên, không mê tín dị đoan hay cúng bái quỷ thần...).
Nữ sĩ Sầm Phố - Nguyễn Thị Đào (1885 - 1975). |
Họ còn kể về hành trình vào kinh thành Huế rất giống nhau của những nhà nho yêu nước như gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cụ Phan Bội Châu và gia đình họ Tạ ở Hoành Sơn. Mối quan hệ đặc biệt giữa ba gia đình nhà nho yêu nước trên còn được sử sách lưu truyền đến mai sau.
Chuyện kể rằng, vào một ngày tháng 6 năm Ất Sửu (1925), chồng nữ sĩ Sầm Phố qua đời để lại cho bà hai con nhỏ là Tạ Quang Bửu và Tạ Quang Đệ và một món nợ lớn trị giá hơn 400 đồng thời đó. Nữ sĩ Sầm Phố một mình tần tảo nuôi các con ăn học và ngày càng lâm vào nghèo túng. Trong tình thế gian nan ấy, một cứu tinh đã đến với gia đình bà. Đó là một người đồng hương Nam Đàn có tên thường gọi là Bạch Liên. Người ân nhân mà Nữ sĩ Sầm Phố dặn hai con Tạ Quang Bửu và Tạ Quang Đệ gọi là “O Thanh” để tỏ lòng yêu quý, kính trọng như với chị ruột của cha mình.
Bà giải thích cho các con biết, “O Thanh” chính là con gái đầu lòng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và là chị gái của cậu Côông (Cung), người mà về sau này Giáo sư Tạ Quang Bửu và Nhà báo Tạ Quang Đệ mới nhận ra là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Nhờ sự giúp đỡ của “O Thanh”, bao công đèn sách cậu học trò Tạ Quang Bửu không làm mẹ thất vọng. Cậu là một trong những học sinh xuất sắc của trường Quốc học Huế và Vinh vừa đỗ Tú tài ở Hà Nội, được lựa chọn sang Pháp đào tạo vào năm 1929.
Lúc chia tay, cậu học trò Tạ Quang Bửu đã ôm Nữ sĩ Sầm Phố vào lòng và thổn thức những tâm sự từ ruột gan: “Con mong mẹ luôn giữ gìn sức khỏe và hãy yên tâm về con”. Rồi cậu Bửu quay lại căn dặn em trai là Tạ Quang Đệ: “Hãy hết lòng hầu hạ mẹ. Số phận đã trao cho anh vai trò làm anh, song đó là một sai lầm của số phận, mong em sửa sai thật tốt cho anh”.
Ngọn bút vinh Quang, cuộc đời thanh Đạm
Khi cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Trung Quốc rồi đưa về giam lỏng ở Huế. Lúc này, O Thanh đã bàn với Nữ sĩ Sầm Phố dẫn cậu hai Tạ Quang Đệ đến tới nhà cụ Phan, xin cụ nuôi dạy thành người. Cụ Phan vui vẻ nhận lời. Chỉ ít bữa sau, với tính tình hiền lành ngoan ngoãn và tư chất thông minh, cậu hai Tạ Quang Đệ được cụ Phan rất yêu mến.
Nhà báo Tạ Quang Đệ sau này tâm sự: Thời gian sống trong nhà cụ Phan tuy không dài nhưng thực sự rất quan trọng trong cuộc đời của ông. Bởi lẽ nếp sống, nhân cách, tư tưởng tiến bộ của cụ Phan Bội Châu đã tạo nên những ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm không thể nào phai mờ và đã theo ông đi cùng năm tháng.
Nhà báo Quang Đạm (1913 - 1999). |
Sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng thiết tha đề nghị cụ Phan lúc này tổi cũng đã gần 65, sức đã yếu nên không cho phép hoạt động quá nhiều. Khi cụ Phan nghỉ dạy, Nữ sĩ Sầm Phố đã nhờ Tiến sĩ Đinh Loan Tường chỉ dạy thêm cho cậu hai Tạ Quang Đệ trước khi thi vào trường Quốc Tử Giám (Hà Nội). Năm đó, không phụ lòng của mẹ, sự giúp đỡ của O Thanh, cụ Phan và Tiến sĩ Đinh Loan Tường, cậu hai Tạ Quang Đệ đã đạt điểm xuất sắc ở ba môn thi là Quốc văn, Hán văn và Pháp văn. Sau khi tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, ông được bổ đi làm việc ở phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian này, ngoài những việc ở tri huyện, ông cùng với một giáo viên dạy lớp nhất có tên Võ Chương có những đóng góp cho việc xây dựng và phát triển phong trào địa phương. Cũng trong giai đoạn này, ông thường xuyên trao đổi ý kiến về thời sự, chính trị với cụ Đặng Thai Mai. Và nhờ đó, mà ông dần dần có quan hệ tốt với khá nhiều người đang hoạt động có tổ chức mà sau này ông mới biết họ là Việt Minh.
Đến khoảng cuối tháng 8 năm 1945, cụ Hoàng Đạo Thúy và cụ Đặng Thai Mai viết thư nhắn ông Tạ Quang Đệ ra Hà Nội để làm việc cho Văn phòng Bộ Nội vụ và bác Võ Chương cũng được mời ra Hà Nội làm vệ sĩ cho Bác Hồ và được Bác đặt tên là “Trường” (Một trong bảy người giúp việc của Bác Hồ là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi).
Ngày 15/5/1946, ông Tạ Quang Đệ được tín nhiệm giao làm Thư ký riêng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Sau khi công việc ổn định, theo đề nghị của cụ Đặng Thai Mai, ông chuyển sang dạy Việt văn và Pháp văn ở Trường Phan Chu Trinh của Mặt trận Việt Minh mở cho con em những người hoạt động chính trị ở Hà Nội.
Nước mát từ nguồn, một cuốn sách của Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc. |
Năm 1947, đồng chí Trường Chinh thông tri cho Nhà báo Tạ Quang Đệ làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương và Ủy viên Tòa soạn báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân Dân). Sự nghiệp báo chí của Nhà báo Tạ Quang Đệ bắt đầu từ đây. Ông gắn bó với báo Nhân Dân cho đến ngày nghỉ hưu, tháng 9 năm 1979 dưới bút danh Quang Đạm.
Từ khi nghỉ hưu (1979), cây bút của ông ngày càng phóng khoáng, toàn diện, sâu sắc hơn. Nhiều công trình, bài viết mang tính chuyên khảo của ông lần lượt được công bố trong sự chào đón của bạn đọc. Các tác phẩm đáng kể của nhà báo Quang Đạm là: Nho giáo xưa và nay (1993), Tư văn qua các triều đại; Một nghề đáng quý là tổng tập hơn 50 bài viết và công trình tiêu biểu của nhà báo Quang Đạm, trong đó có bài nổi tiếng Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam và một số bài đăng trên báo Sự Thật và báo Nhân Dân (Một số tác phẩm được xuất bản sau năm ông mất - năm 1999).
Suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Tuy nhiên, đã có tổ chức đánh giá chưa thật đầy đủ về ông. Chính điều này, làm Nữ sĩ Sầm Phố vô cùng buồn thương. Bà khóc thầm nhiều đêm! Năm 1975, trước khi bà ra đi về với cõi vĩnh hằng vẫn khắc khoải niềm tin người con thứ hai của bà sẽ sớm được minh oan.
Trong một lần trò chuyện với người viết bài này, Giáo sư Vũ Khiêu đã chia sẻ: “Tôi có hai người bạn tri âm đầy tâm huyết, tài năng, đức độ và một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc có nhiều duyên nợ, truân chuyên trên bước đường sự nghiệp. Đó là Giáo sư Trần Văn Giàu và Nhà báo Quang Đạm. Lịch sử sẽ minh xét một cách công bằng nhất với họ. Với nhà báo lỗi lạc Quang Đạm tôi chỉ nói ngắn gọn là “Ngọn bút vinh Quang- Cuộc đời thanh Đạm”.
Nhà báo Quang Đạm (người ngoài cùng bên phải) trong một buổi làm việc với Bác Hồ tại Việt Bắc. |
Lê Quý Đôn trong thời đại Hồ Chí Minh
Cũng tài năng, nhiệt huyết và đồng hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc như Nhà báo Quang Đạm, Giáo sư Tạ Quang Bửu thi đỗ vào Trường Centrale (A) Paris năm 1930, học Toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh) từ 1930 đến 1934.
Trở về nước, ông từ chối làm quan, chỉ nhận dạy Toán và tiếng Anh tại trường Thiên Hựu, một trường trung học tư ở Huế. Ông nhận thấy khó có thể hiểu sâu văn hóa Việt Nam và phương Đông nếu không học kỹ chữ Hán. Ông lên Bến Ngự xin thụ giáo cụ Phan Bội Châu, miệt mài nghiền ngẫm loại văn tự khó bậc nhất thế giới này. Ông dần tự đọc hiểu Luận Ngữ của Khổng Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử và nhiều tác phẩm kinh điển khác của triết học phương Đông trong nguyên văn Hán ngữ. Vốn kiến văn uyên bác ấy giúp ông gặt hái nhiều thành quả về sau...
Tháng 8/1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng. Từ tháng 9/1945 đến tháng 1/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong chính phủ lâm thời, phụ trách giao thiệp với Mỹ và Anh. Từ 11/1945 đến ngày Toàn quốc kháng chiến, ông vừa tham gia các công việc của Chính phủ, vừa giảng dạy Vật lý tại Trường Đại học Hà Nội. Từ 3/1946, ông được Quốc hội cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 6/1946, ông tham gia đoàn đàm phán ở Fontainebleau, được đồng chí Phạm Văn Đồng cử sang Thụy Sĩ dự kỉ niệm 200 năm Hội Khoa học Thụy Sĩ và tìm hiểu mua vũ khí. Những ngày toàn quốc kháng chiến, ông được giao nhiệm vụ đảm bảo vận chuyển cơ sở vật chất - kĩ thuật quân sự lên chiến khu.
Tháng 7/1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ 8/1947 đến 8/1948, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao. Từ 9/1948 đến 1961, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và kiêm nhiệm nhiều cương vị khác.
Ngay trong mấy năm đầu chống Pháp vô cùng khó khăn, ông liên tiếp cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách như: Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử - Hạt nhân - Vũ trụ tuyến...Sau này, Nhà xuất bản Giáo Dục đã in lại những tác phẩm trên.
Năm 1954, ông tham gia đoàn đàm phán của chính phủ ở Genève. Sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954), với cương vị Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã hết lòng xây dựng đội ngũ các nhà toán học Việt Nam. Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, ông đã mời nhiều nhà toán học Pháp được tặng Huy chương Fields như Laurent Schwartz hay Alexandre Grothendieck sang thăm Việt Nam, đọc bài giảng về các vấn đề toán học hiện đại nhất.
Tác giả bài viết và Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc (con trai Nhà báo Quang Đạm) tại Hội báo toàn Quốc năm 2019. |
Nhà ngôn ngữ học toán học người Mỹ Noam Chomsky, người được tạp chí Mỹ Newsweek (Tuần Tin tức) đánh giá là “một trong những nhà bác học lớn nhất thế kỷ 20”, nhiều lần sang thăm Việt Nam và trò chuyện với Giáo sư Tạ Quang Bửu. Trở về Mỹ, N. Chomsky viết bằng tiếng Pháp: “Monsieur Ta Quang Buu est un homme d’une intelligence formidable!” (Ông Tạ Quang Bửu là một người thông minh khủng khiếp!).
Nếu Giáo sư Tạ Quang Bửu với kiến thức uyên bác của mình trên các lĩnh vực toán học, vật lý, quân sự…đã có những đóng góp to lớn cho khoa học Việt Nam và được tôn vinh là Lê Quý Đôn trong thời đại Hồ Chí Minh thì Nhà báo Quang Đạm một trong những cây bút tiên phong và bản lĩnh được ví như “Từ điển sống” của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Phúc Đức tại mẫu, nước mát từ nguồn
Phát huy truyền thống khoa bảng "Phụ tử đăng khoa" của gia đình họ Tạ ở Hoành Sơn, ngay từ nhỏ Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc đã mang trong mình cốt cách của "Nho gia". Ông theo học trường Thủy sản Trung ương, là kỹ sư thủy sản và công tác liên tục trong ngành thủy sản. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 8 (1996 - 2001) và 9 (2001 - 2006). Tháng 11 năm 1996, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Sau khi nghỉ hưu năm 2007, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịnh Thường trực Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, Chủ tịch Hội KHKT Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam. Con trai đầu của Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc là Tạ Quang Thành sinh năm 1974, hiện là cán bộ Hải quan. Cậu con trai thứ hai của ông là Tạ Quang Anh sinh năm 1982 đã nhận bằng Tiến sỹ ở Paris năm 2011, tại trường đại học Ecole Centrale Paris nơi mà 80 năm trước Giáo sư Tạ Quang Bửu theo học.
Tương tự, những người con của Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng đều thành đạt như: Thiếu tướng Tạ Quang Chính - Nguyên Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Tạ Quang Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục ứng dụng công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Tạ Quốc Quang - Giám đốc Công ty chế biến sản phẩm dầu khí, Phó Tổng giám đốc Liên doanh dầu khí Việt - Hàn; Tạ Tuyết Mai - chuyên viên UNDP của Liên Hợp Quốc…
Noi gương sáng mẹ chồng là Nữ sĩ Sầm Phố, bà Hoàng Thị Kim Oanh (vợ Giáo sư Tạ Quang Bửu), bà Nguyễn Thị Sâm (vợ Nhà báo Quang Đạm), Nhà báo Thanh Châu (Cựu phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam là vợ của Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc) và những nàng dâu họ Tạ khác đã tiếp nối truyền thống gia phong luôn thấu hiểu rõ vai trò của người mẹ, người phụ nữ trong gia đình: "Phúc Đức tại mẫu. Nước mát từ nguồn".
Thật tự hào về xứ Nghệ anh hùng, nơi đã sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, nhiều bậc trâm anh thế kiệt, nhiều tài năng xuất chúng đã có nhiều đóng góp cho non sông Đất nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!