Khi còn ở trên chùa Mai Sơn Tự cùng sư phụ Hoằng Nhân, thầy Huyền Diệu đã rất mê truyện Tây Du Ký, trong đó, nhân vật mà thầy thần tượng nhất là sư thầy Huyền Trang. Trong mắt thầy Huyền Diệu, Ngài là một con người giàu tình thương, lòng bao dung, độ lượng, có lý tưởng cao quý, không những cho đất nước Trung Hoa mà cho cả nhân loại. Cho nên càng đọc, tìm hiểu về Ngài, thầy càng yêu quý, ngưỡng mộ, muốn noi gương Ngài sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Lúc học tại trường Đại học Sorbone (Pháp), thầy được đọc tập sử liệu đặc sắc “Đại đường Tây Vực ký” của ngài Huyền Trang. Chuyến hành hương thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của thầy Huyền Trang cùng nhân cách lồng lộng của ngài càng tưới tẩm, thôi thúc khát vọng cháy bỏng bao năm trong thầy Huyền Diệu. Thầy bắt đầu lao vào nghiên cứu đất nước, con người và nền văn minh Ấn Độ với ước vọng tha thiết được một lần trong đời đặt chân đến đất Phật, chiêm bái một trong bốn thánh địa của Phật giáo. Đó là vườn Lâm Tỳ Ni (Nepal), nơi Đức Phật giáng trần. Bồ Đề Đạo Tràng (Bouddha Gaya), nơi Phật đắc đạo. Lộc Uyển (Sarnath), nơi Ngài thuyết giảng lần đầu tiên và Câu Thi Na (Kushiagar), nơi Phật nhập Niết bàn. Thầy không quên hàng đêm, chắp tay ngửa mặt lên trời niệm Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu xin Ngài gieo duyên đủ đầy cho thầy. Và rồi, một ngày cuối năm 1969, khi còn đang theo học tại Đại học Nantes và Sorbonne, thầy đã có chuyến đến Bồ Đề Đạo Tràng lần đầu tiên trong đời. Chẳng là một số người quen trong trường biết thầy am hiểu về nền văn minh Ấn Hà nên đã đề nghị thầy tổ chức một đoàn thăm viếng Ấn Độ, vừa là để du lịch, vừa nghiên cứu.
Bouddha Gaya là một thị trấn nhỏ thuộc bang Bihar ở miền Đông Bắc Ấn Độ, cách thủ đô New Delhi chừng 1.000km. Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất thiêng, được mệnh danh là cái nôi của Phật giáo, nơi Phật Thích Ca thành đạo, trong lòng thầy Huyền Diệu dâng trào một niềm xúc động và hạnh phúc lớn lao. Sau hơn 1.000 năm phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ, cho đến thế kỷ thứ 13, những cuộc xung đột đẫm máu đã phá hủy gần hết những di tích quý báu vô giá của Đạo Phật. Vì thế, tại chính cái nôi đầu tiên của Phật giáo, đạo Phật bị hao mòn, trong khi đó, Phật giáo vẫn tiếp nối và phát triển mạnh ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều đó, khiến thầy Huyền Diệu ứa lệ vì buồn tủi, xót xa. Nhưng điều xót xa hơn nữa là trong khi các ngôi chùa của Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan, Tây Tạng, Nepal, Bhoutan… hiện diện ở đây đã từ lâu và đang góp phần làm hồi sinh Bồ Đề Đạo Tràng thì Việt Nam, với bề dày lịch sử đạo Phật hơn 2.000 năm, vẫn chưa có một ngôi chùa nào. Từ sâu thẳm trái tim mình, thầy Huyền Diệu khởi ước muốn làm thế nào để xây dựng một ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi thánh địa nhằm góp phần giữ gìn di sản tinh thần vô giá của nhân loại, đồng thời, giúp cho Phật tử Việt Nam khi đến vùng đất thiêng này chiêm bái có chỗ dừng chân trang nghiêm, thanh tịnh để có được sự an lạc, tăng trưởng thêm Bồ đề tâm. Sực nhớ đến các hồi ký của các bậc chân sư thường ghi rằng, nơi đức Phật đắc đạo rất linh thiêng, nếu người nào thành tâm cầu nguyện sẽ được chứng giám, thầy Huyền Diệu bèn quỳ rạp trước Tháp Đại Giác, phát tâm khấn nguyện. Kể từ đó, mong mỏi xây dựng một ngôi chùa Việt trên đất Phật trở thành nỗi ưu tư triền miên trong thầy. Có điều, thầy biết, ước mơ ấy quá xa vời vì lúc đó, thầy chỉ là một sinh viên nghèo, lại vô danh nơi xứ lạ.
Liên tiếp mấy năm sau, vào dịp nghỉ hè, thầy Huyền Diệu lại tổ chức đưa mọi người sang Ấn Độ và Nepal hành hương, chiêm bái. Những gì thầy tiếp thu được từ các vị thầy của mình trước đây, thầy dốc lòng đem ra chia sẻ với họ. Bởi vậy, nếu như trước kia, mọi người trong đoàn coi thầy như một hướng dẫn viên du lịch thì bây giờ, họ coi thầy như một vị thầy với một thái độ hết mực kính trọng và luôn chăm chú lắng nghe.
Cho đến năm thứ ba hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng, trong lúc thầy và mọi người ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề, bỗng nhiên mọi người đề nghị: “Thưa thầy! Tại sao hầu hết các nước đều đã xây dựng chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng mà Việt Nam lại không? Lần nào sang đây, thầy trò mình cũng phải ăn nhờ ở đậu tại chùa Miến Điện. Thiết nghĩ, thầy nên nghĩ đến việc xây dựng một ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật”. Thầy Huyền Diệu giật mình. Ngẫm ngợi một lát, thầy bảo: “Đây chính là nỗi niềm thao thức của tôi ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến đây. Nhưng hiềm nỗi tôi nghèo quá, làm sao đủ sức xây cất nổi một ngôi chùa. Sở dĩ các nước khác họ làm được là vì chính phủ họ bỏ tiền ra”. Mọi người đồng thanh nói: “Thầy đừng lo. Mấy năm nay chúng con theo học thầy. Nay chúng con xin được góp sức giúp thầy đạt ý nguyện”. Thầy Huyền Diệu vội nhắc nhở: “Chúng ta đang ngồi dưới cội bồ đề linh thiêng nên không thể nói năng tùy tiện. Nếu vị nào hứa mà không giữ lời e rằng phải đầu thai kiếp khác để trả cho xong đó”.
Sau lần ấy, thầy trò chia tay nhau, mỗi người một ngả. Người về Úc, kẻ về Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha…. Công việc bộn bề khiến thầy cũng quên đi lời hứa của những học trò ấy.
Tốt nghiệp đại học Nantes, thầy Huyền Diệu được bổ nhiệm làm trợ lý cho người thầy của mình tại trường là giáo sư Yves Durant. Ngài là một giáo sư nổi tiếng, xuất thân dòng dõi quý tộc, thuộc một dòng họ lâu đời của nước Pháp. Một lần, vào kỳ nghỉ hè, giáo sư Yves Durant nhờ thầy Huyền Diệu trông coi nhà dùm. Hai vợ chồng đi nghỉ dưỡng ở Châu Âu. Đó là một tòa lâu đài bề thế, nguy nga với lối kiến trúc hoàng gia, với những tiện nghi vô cùng đắt đỏ. Trước khi giao nhà, giáo sư dặn dò thầy đủ thứ, trong đó, một trong những việc quan trọng nhất là chăm chút đàn chó cưng. Thầy Huyền Diệu lo lắm. Thầy xuất thân con nhà nghèo. Cả đời sống khổ hạnh. Nay, bỗng dưng phải cai quản cả một cơ ngơi bề thế, hoành tráng, kiểu cách, xa xỉ của người dòng dõi vua chúa, làm sao tránh khỏi bỡ ngỡ, lo sợ.
Thầy được sắp xếp ở trong một căn phòng riêng đầy đủ tiện nghi. Hằng ngày, bên cạnh việc trông coi mọi việc trong tòa nhà một cách chu đáo, thầy còn siêng năng tưới vườn hoa. Chiều chiều lại dẫn đàn chó đi dạo. Một hôm, trong lúc đi thơ thẩn trong sân, khi đến chỗ gara để xe ô tô ở kế bên chuồng ngựa, thấy nơi này không được sạch sẽ, thầy Huyền Diệu liền đi đôi ủng cao cổ, cầm vòi xịt nước tẩy rửa những chỗ phân ngựa rơi rớt, rồi dùng chổi quét dọn, lau chùi. Bỗng nhiên, thầy nhìn thấy trong góc nhà xe có một vật gì lóe sáng. Thầy vội nhặt lên, đem rửa sạch. Thầy giật mình. Đó là một chiếc nhẫn gắn viên đá óng ánh. Dưới ánh nắng chiều, nó lóng lánh thật đẹp. Lần đầu tiên trong đời cầm trên tay một viên đá, thầy chẳng phân biệt được đây là loại đá gì? Thầy vội vã thay quần áo, đi ngay xuống vùng Deauville, nơi có các sòng bạc và trường đua ngựa danh tiếng, thu hút nhiều khách du lịch giàu tiền lắm bạc, đặc biệt là các triệu phú người Ả Rập. Đến khu vực chợ trời của dân chuyên mua bán nữ trang, thầy đưa chiếc nhẫn ra nhờ định giá. Chủ cửa hàng đo đạc, săm soi một hồi rồi xuýt xoa bảo: “Đây là hột xoàn loại tốt nhất. Nếu ông đồng ý bán, tôi trả 50.000 đô la Mỹ”. Trời! Thầy Huyền Diệu sững sờ, không tin vào tai mình. Đứng như trời trồng một lúc, thầy lấy lại viên đá bỏ túi rồi vội vã quay đi. Thầy đến ngay một cửa hàng tạp hóa, mua ngay mấy chiếc kim, bỏ viên hột xoàn vào túi trong rồi cẩn thận gài chặt lại. Đi vài bước, thầy lại đưa tay sờ túi xem viên kim cương còn nằm yên ở đó hay không. Đầu óc thầy rối bời, mê mị. Về đến nhà, thầy đóng chặt cửa phòng, leo lên giường, bật đèn, ngồi ngắm viên kim cương suốt đêm. Số tiền 50.000 đô la là cả một gia tài lớn lúc bấy giờ, đủ để mua một căn nhà ba bốn phòng ngủ tại kinh đô ánh sáng. Thầy nghĩ: “Có lẽ vì mình nghèo quá nhưng có lòng từ bi, nhiều tánh tốt, nhờ ơn đức cha mẹ, thầy tổ… nên Phật Trời thương mà ban lộc chăng?”. Nhưng cũng ngay lúc đó, những lời dạy của ân sư Hoằng Nhơn bỗng văng vẳng bên tai: “Phàm cái gì là của người khác thì chớ có tham” làm tắt niềm hứng khởi. Rồi thầy lại tự bào chữa: “Không! Rõ ràng mình không ăn cắp. Chẳng qua nhờ lòng tốt, chịu thương chịu khó, tự nguyện lau dọn nhà cửa nên mới tình cờ nhặt được của rơi”. Cứ thế thao thức suốt cả tháng trời, thầy Huyền Diệu không sao ngủ được. Đêm đêm, thầy cứ bị dằn vặt bởi ý nghĩ: không biết nên trả chiếc nhẫn quý hay giữ làm tài sản riêng đây? Nghĩ đến việc trả lại, thấy tiếc đứt ruột vì đi dạy học cả đời, chắc gì được một số tiền lớn như thế. Mà không trả lại, thầy thấy mình như có tội, lương tâm cắn rứt thế nào ấy.
Trong lúc đang phân vân lưỡng lự trả lại hay không trả, thầy tiếp tục đi đến cửa hiệu kim hoàn tại quảng trường Place Vendôme nổi tiếng thanh lịch, nơi những tay triệu phú và các ông vua dầu hỏa thường lui tới tìm mua nữ trang cho các mệnh phụ phu nhân. Một lần nữa, ông chủ cửa hiệu kim hoàn nơi này xác nhận, đây là viên kim cương đắt giá và nhìn thầy với ánh mắt đầy nghi ngờ khiến thầy phải vội vã bỏ đi ngay.
Thầy gầy sọp đi. Mắt thâm quầng. Ai trông thấy cũng nghĩ thầy bị bệnh. Cuối cùng, thầy đành phải hé lộ với vài người bạn thân thiết và hỏi ý kiến họ về hướng giải quyết. Ai cũng bảo “Thầy nên giữ lại vì đó là của thầy, do thầy nhặt được chứ đâu phải đi ăn cắp”. Nghe vậy, thầy cũng yên tâm nghĩ rằng, việc mình làm không có gì sai quấy. Thầy bèn quấn chặt chiếc nhẫn trong túi vải, đặt trong chiếc hộp gỗ sơn mài rồi bí mật nhét dưới gầm tủ. Thế nhưng, từ vài người bạn thân được thầy hỏi ý kiến, chuyện thầy nhặt được chiếc nhẫn quý bỗng lan truyền nhanh như gió. Nhiều người nghe tin, vội tò mò kéo tới nài nỉ thầy cho xem viên kim cương khiến thầy hốt hoảng, lo sợ: “Không khéo, viên ngọc quý này lại hại đến tính mạng ta”. Nghĩ vậy, thầy quyết định không lưu lại lâu đài nữa mà ra mướn khách sạn bên ngoài để không ai biết chỗ ở của mình mặc dầu sự sang trọng, tiện nghi của khách sạn chẳng thể so sánh với tòa lâu đài của giáo sư Yves Durant.
Khoảng một tuần sau, vợ chồng giáo sư Yves Durant trở về nhà, kết thúc kỳ nghỉ hè. Nghe nói thầy Huyền Diệu đang ở tại khách sạn, giáo sư cười đùa: “Gớm! Dạo này tiền bạc rủng rỉnh lắm hay sao mà anh lại ra ở bên ngoài cho thêm tốn kém”.
Buổi tối hôm đó, thầy Huyền Diệu không thể ăn được vì hồi hộp và căng thẳng. Chờ cho ông bà Durant ăn uống xong, thầy đặt chiếc hộp bên trong có chiếc nhẫn kim cương lên bàn. Hai vợ chồng rất ngạc nhiên vì không phải dịp sinh nhật hay Giáng sinh, sao thầy Huyền Diệu lại bỗng dưng tặng quà? Một lát sau, bà vợ từ từ mở nắp hộp. Vừa nhìn thấy chiếc nhẫn, bà vô cùng sửng sốt rồi ôm chầm lấy thầy Huyền Diệu khóc nức nở. Khóc một hồi, bà bảo: Đây là chiếc nhẫn gia bảo từ thời các vua Louis truyền lại trong dòng họ Yves mà giáo sư đã trân trọng trao cho bà trong ngày cưới. Thế rồi sau đó, chiếc nhẫn đột nhiên biến mất. Gia đình bà đã lật tung tất cả đồ đạc trong tòa lâu đài, săm soi từng ngóc ngách mà vẫn không tìm ra. Cả hai ông bà đều rất buồn rầu, khổ sở vì chiếc nhẫn không chỉ giá trị về mặt vật chất mà quan trọng hơn, đây là vật gia bảo truyền qua nhiều đời, một kỷ niệm của dòng họ. Thật bất ngờ khi chiếc nhẫn lại nằm bên đống phân ngựa một cách bí ẩn như thế.
Kể từ ngày đó, mối quan hệ giữa giáo sư Yves Durant và thầy Huyền Diệu trở nên thân thiết hơn. Ông bà coi thầy như một thành viên trong gia đình, thậm chí, ông còn quyết định ghi tên thầy vào di chúc, cho thầy thừa hưởng một phần gia tài ngang bằng với ba người con. Bởi thế, các con của giáo sư, trước kia vẫn tỏ ra quý mến thầy nhưng kể từ bấy, thái độ của họ bắt đầu thay đổi. Họ nhìn thấy bằng con mắt nghi ngại, bực bội, khinh bỉ. Thầy Huyền Diệu nhận thấy rất rõ điều ấy nên cương quyết từ chối nhưng giáo sư Durant không đổi ý. Cuối cùng, thầy phải mời các con của ông đến văn phòng luật sư. Tại đó, thầy ký giấy khước từ tất cả quyền lợi của mình được hưởng trong di chúc và nhường lại cho họ toàn quyền sử dụng. Hành động ấy khiến các con của giáo sư vô cùng ngạc nhiên. Thầy giải thích: “Vì cha mẹ anh chị có lòng quý mến tôi nên mới làm như vậy. Nhưng cá nhân tôi, không bao giờ tôi nhận khoản tài sản ấy. Các anh chị cứ yên tâm”.
Một thời gian sau, cả hai ông bà giáo sư đều tha thiết nhờ thầy Huyền Diệu hướng dẫn học, tu tập Phật pháp. Một hôm, trong lúc nói chuyện, đột nhiên giáo sư gọi thầy Huyền Diệu là “Thầy” khiến thầy Huyền Diệu vừa ngạc nhiên, vừa sượng sùng. Thấy vậy, giáo sư Yves Durant giải thích: “Trước đây, anh là học trò của tôi. Nhưng bây giờ, sau một thời gian được anh hướng dẫn tu tập, tôi cảm nhận rõ sự thanh thản, an lạc trong tâm hồn, điều mà từ xưa đến nay tôi chưa từng có. Vì vậy, tôi xem anh như một người thầy về tâm linh. Về kiến thức đời thường, tôi là thầy của anh nhưng về mặt tâm linh, anh lại là thầy của tôi”. Nghe vậy, thầy Huyền Diệu cười: “Thôi thì chúng ta cùng là thầy của nhau. Thầy qua thầy lại thế là huề”.
Sau này, giáo sư Durant chính là người yểm trợ tích cực nhất cho thầy Huyền Diệu trong việc xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại Ấn Độ. Không những thế, tất cả những vị trí, việc làm của thầy, nhờ có sự can thiệp nhiệt tình của giáo sư mà được thuận buồm xuôi gió. Thậm chí, trong suốt quá trình xây chùa, ông nhiều lần nài nỉ cho thầy mượn tiền nhưng thầy luôn từ chối. Thầy nghĩ: “Người ta càng tốt, càng quý mình, mình càng phải giữ gìn. Vả lại, cuộc đời vốn vô thường, chẳng may có điều gì rủi ro xảy ra thì lấy gì mà trả nợ?”.
Giáo sư Durant quan tâm công việc của chùa Việt Nam chẳng khác gì việc của bản thân. Không chỉ giúp cho Việt Nam Phật Quốc Tự ở Ấn Độ, ông còn nhiều lần can thiệp với các vị chức sắc cao cấp trong chính phủ Nepal để hỗ trợ cho thầy Huyền Diệu trong việc xây dựng chùa Việt Nam tại Lumbini, ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần ở Nepal. Một lần, ông điện thoại cho vị đại sứ Pháp ở Nepal yêu cầu giúp đỡ thầy và ân cần giới thiệu thầy là thầy của ông. Thế là Tòa đại sứ Pháp tại Nepal chuẩn bị tiếp đón long trọng người thầy của vị đại giáo sư quý tộc Durant mà họ tưởng tượng phải là một nhân vật đường bệ. Hôm đó, thầy Huyền Diệu đi từ ngôi chùa đang xây dựng ngổn ngang tới Tòa đại sứ Pháp với bộ đồ làm việc đầy bụi bặm. Đến nơi, đã thấy viên Bí thư thứ nhất của đại sứ túc trực chờ đón. Nhưng ông này không thèm để mắt đến thầy, một anh chàng gầy gò, ốm yếu, ăn mặc lôi thôi. Có lẽ, ông tưởng rằng thầy là một trong số những người đến đây chầu chực xin visa vào nước Pháp. Lúc ấy đã quá giờ hẹn nên viên bí thư có vẻ bồn chồn đi tới lui. Thầy bèn tiến đến trước mặt ông và xưng danh. Sau một thoáng sửng sốt, bối rối, ông rối rít xin lỗi thầy. Ông vội vã chạy vào bên trong báo với viên đại sứ rồi trở ra mời thầy vào. Thoáng nhìn thầy Huyền Diệu, vị đại sứ quay qua hỏi cấp dưới bằng tiếng Pháp: “Anh có lầm không? Tôi đang chờ tiếp vị giáo sư của ngài Durant kia mà?”. Ông ta tưởng rằng thầy Huyền Diệu không biết tiếng Pháp nên nói rất to. Thầy Huyền Diệu không lấy làm ngạc nhiên vì đây là cảnh thầy thường xuyên gặp phải. Cũng bởi thầy ít chú trọng trau chuốt vẻ ngoài cho phù hợp với một vài chức danh mình đang mang. Cuối cùng, cũng giống như viên Bí thư thứ nhất, ông đại sứ giật mình và liên tục xin lỗi thầy.
Kể lại cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện trên, thầy Huyền Diệu cười bảo: “Ở đời, đúng là ở hiền gặp lành, nhân lành quả ngọt, việc lành dẫn đến duyên lành. Rõ ràng, nếu như trước đây, tôi giữ lại chiếc nhẫn kim cương để đổi lấy một căn nhà thì chưa chắc nó còn tồn tại được đến ngày nay. Trong khi đó, có thể nói toàn bộ các khoản tiền giáo sư đã giúp cho ngôi chùa Việt Nam sau này tính ra gấp mấy lần trị giá chiếc nhẫn kim cương trước đây. Đó cũng là nhờ tôi luôn tâm niệm làm theo lời dạy của vị ân sư Hoằng Nhơn mà trong đời tôi đã thu lượm được nhiều kết quả vô cùng tốt đẹp. Tôi thường gọi đó là phép mầu mà mọi người đều có thể có được”.
Trích trong tập phóng sự Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu tập 2 – NXB Hội nhà văn 2017.