Những người giúp việc gia đình là một nghề được xã hội biết đến, chúng ta gọi họ nôm na là Ô sin; một danh từ được nhập vào từ sau khi có bộ phim truyền hình Nhật bản về một cô gái có số phận vất vả, lam lũ. Ô sin gia đình thì có nhiều loại công việc: trông trẻ, nấu ăn, giặt giũ, quét dọn lau chùi ...với thời gian và thù lao do thỏa thuận hai bên chủ nhà và người làm công.
Trong phạm vi bài viết này tôi đề cập tới Ô sin chăm sóc người già và người bệnh. Chúng ta ai cũng có cha mẹ già cần phụng dưỡng và chăm sóc. Tùy hoàn cảnh gia đình và thực lực kinh tế mà có thể thuê người chăm sóc các cụ. Ô sin họ cũng là con người cần được tôn trọng. Có những gia đình trả tiền hậu hĩnh nhưng Ô sin vẫn bai bai chủ nhà vì cách cư xử.
Tôi đã gặp trong bệnh viện một dạng Ô sin chuyên nghiệp, chuyên chăm sóc người bệnh. Họ có hiểu biết sơ qua về cách sử dụng các thiết bị chăm sóc, cách vệ sinh đúng cách, cho người bệnh ăn uống khoa học.... mà chúng ta có khối người còn bỡ ngỡ. Một cứu cánh cho những gia đình neo người, bận rộn và nhiều lý do không thể chăm sóc người thân, phó thác cho người ngoài.
Khi đã làm nghề này họ chấp nhận công việc không hề nhàn hạ, chăm sóc người bệnh từng tý một, chầu chực và theo dõi tiến triển bệnh tật của người bệnh. Có những người tận tâm đến nỗi tôi cứ ngỡ họ là con, cháu của người bệnh vậy.
Ví dụ như tối hôm qua, cũng khá muộn, nhà tôi có mượn thừa một cái ghế gấp để cho người nhà bệnh nhân đêm có thể ngả lưng một chút; tôi ngỏ ý cho chị Ô sin giường đối diện mượn một cái (không lấy tiền nhé), chị bảo:
- Tiên lượng của cụ bà hôm nay kém lắm, tôi phải thức đêm để theo dõi, không dám ngả lưng đâu.
Quả nhiên, cả đêm chị vò võ chăm cụ bà thật. Nghĩ bụng: sao gia đình này tốt phước quá!
Tôi kể về một cô Ô sin khác. Cũng là Ô sin chăm bệnh, thành thạo công việc, khéo mồm mép xã giao, cô này trẻ và khỏe mạnh, chăm cụ bà giường bên cạnh. Khi có con cháu họ vào thăm cô linh hoạt, đón ý họ và nói những lời khiến họ an tâm.
Đến khuya, mọi người trong phòng không nghe tiếng quát tháo nhưng cô ta đấm vào vai và lưng cụ thùm thụp, phát vào mông đen đét. Mọi người bất bình và lên tiếng góp ý (mọi ngưòi là mấy người nhà trông bệnh trong phòng, còn các cụ toàn thở ô xy, chả hơi đâu mà để ý bởi đang đánh vật với bệnh tật). Cô ta bảo làm vậy để tẩm quất mạch máu lưu thông. Bác sỹ trực chạy sang quát bắt dừng tay. Một lúc sau vẫn vậy!
Thật không thể chấp nhận loại người nhẫn tâm như vậy. Sáng hôm sau bà cụ chuyển đi, chả kịp và cũng chả có điều kiện mà góp ý với người nhà nữa.
Sẽ có ý kiến rằng: sao mà tác giả nhiều chuyện, rỗi hơi chuyện thiên hạ, dù sao cũng là nghề mưu sinh của người ta. Nhưng ta cũng nên hiểu khi người bệnh ốm, nhất là các cụ cao tuổi, chống chọi với bệnh tật, sống chết mong manh, đau đớn và tủi thân. Con cháu túc trực bên cạnh cũng an ủi và là chỗ dựa tinh thần cho các cụ vượt qua cơn nguy khốn. Nếu không có điều kiện mà phải thuê người ngoài thay ta chăm sóc các cụ thì nên tìm hiểu chọn người có tâm mà thuê. Như trường hợp tôi kể trên chỉ là một ví dụ thôi, còn thì nhiều lắm (ông cụ nhà tôi bệnh nặng, nằm viện cũng khá nhiều lần). Đừng khoán trắng cho Ô sin! May mắn thì thuê được người tốt, không may thì thuê phải loại vô nhân.
Có câu chuyện thật như này: bà cụ là Việt kiều Canada, trong một lần về thăm Hà Nội bị bệnh nặng phải nhập viện. Sẽ chẳng có điều gì đáng tiếc nếu cô con dâu không sang Đức chăm cô con gái (cháu nội cụ) đẻ. Ở nhà còn anh con trai và năm cô con gái bà cụ. Họ thống nhất thuê Ô sin, tiền do anh con trai trả. Anh cũng bận rộn với cửa hàng may đo trên phố cổ, nhất lại là dịp thời vụ cuối năm tết đến. Các cô con gái có nhiệm vụ thay nhau vào đôn đốc Ô sin và theo dõi bệnh tình của mẹ. Người nọ dưa người kia, khoán trắng cho Ô sin, lúc nào anh con trai chạy được vào với cụ chỉ được một chốc một lát. Cụ nặng quá không qua khỏi và mất lúc nào không biết, con cháu không bên cụ lúc lâm chung.
Vậy nên chúng ta nếu còn cha mẹ hãy để ý các cụ, đành rằng cuộc sống cơm áo gạo tiền bức bách. Có câu:
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Tôi cầu chúc cho các cụ luôn mạnh khỏe, sống đầm ấm hạnh phúc bên con cháu ah!
Những người giúp việc họ đi làm lấy tiền, đó là đồng tiền chân chính. Không loại trừ một số người bắt chẹt chủ nhà nói giá cao sẽ được dịch vụ tốt hơn như người phụ nữ tôi kể đã mát xa cho cụ bà quá dã man. Giá dịch vụ 1 ngày là 400 ngàn đồng. Chị phụ nữ thức vò võ cả đêm để chăm cụ bà như mẹ đẻ là Ô sin lĩnh lương tháng. Lương của chị là 7 triệu đồng. Một số người quan niệm “tiền nào của ấy”, cứ trả thật hậu sẽ có dịch vụ tốt nên phó thác các cụ cho người ngoài. Ô sin làm nghề này phải có tâm đức, nếu không lại tạo nghiệp mà thôi!
Bài này tôi viết khi chăm ông cụ bố tôi nằm bệnh viện Xanh pôn, cũng đã mấy năm rồi nhưng tính thời sự thì còn nguyên.
Theo Chuyện quê