Ôi quê tôi

Xã nhà quê tôi hiện tại đã phấn đấu hoàn thành đạt 19 tiêu chí của xã "Nông thôn mới", ngoài điện-đường-trường-trạm được nhà nước và nhân dân cùng làm đã đầu tư khá khang trang. Điện chiếu sáng ban đêm, đường bê tông khắp nọi nẽo, cây hoa cây cảnh được trồng hai bên đường trông rất bát mắt.

271472401-449819523291850-5605473746513217908-n-1641871471.jpg

Xóm tôi cũng có xe ô tô hót rác vào tận cửa nhà gom đi...Đúng là như mơ đối với nhiều người dân cách đây hai ba mươi năm về trước. Nhà cửa cao đẹp cũng thi nhau mọc lên từ nguồn tiền con cái đi XKLĐ gửi về hay bỏ nông xa quê vào tận Sài Gòn làm đủ nghề gom tiền để tích cóp làm nhà. Người ta làm nhà to đẹp sao mình lại không làm được? Vậy là cứ thi đua nhau nên làng quê bây giờ trông như phố thị vậy.

Xem ngay: Dự án The Global City Quận 2

Cuộc sống mới tại quê nông thôn mới cũng bắt đầu đổi khác, người ta ít quan tâm thăm hỏi qua lại với nhau hơn bởi nhà nào cũng xây hàng rào bốn phía xung quanh, cổng được đầu tư bằng cửa sắt luôn đóng kín mít. Có nhà còn nuôi chó dữ để canh cổng, mà cái thứ chó má cả ngày bị nhốt trong biệt phủ cứ thấy bóng người trước cổng đã sủa um lên. Mà cũng phải thông cảm cho nó chứ, nó có thấy người lạ bao giờ đâu cơ chứ, vậy nên mới thấy bóng người đã ra rả sủa để chứng tỏ đã làm tốt nhiệm vụ ông chủ giao phó. Dạo tôi còn ở quê cuộc sống đơn giản hơn nhiều, cũng mảnh vườn ấy ngôi nhà kia thôi nhưng hai ba nhà ở cạnh nhau vẫn nói chuyện qua lại với nhau, có ấm trà ngon hay chai rượu nhạt cũng ới nhau sang góp vui cho thêm phần tình cảm. Mà hồi đó người ta chỉ cần bước qua hàng rào vườn trồng băng cây lúp xúp được cắt tỉa gọn gàng ngang đầu gối là sang ngay nhà hàng xóm. Nhà bên cạch có khách đến chơi nhà bên kia cũng biết và nếu chủ nhà cần cái gì để tiếp khách mà hàng xóm có là chi viện luôn. Còn bây giờ hàng xóm có ốm đau bệnh tật thì chẳng ai biết, chỉ biết được nếu phải đi nằm viện.

Cuộc sống thường ngày của người dân quê tôi bây giờ cũng đã mang dáng dấp của người thành phố, có cuộc sống văn minh hơn, có tính ganh đua hơn trước rất nhiều, thanh niên ăn mặc chưng diện, cũng comle giầy da bóng loáng, xe máy đời mới phóng ầm ầm suốt ngày, ít hộ còn giữ nghề nông, ruộng đất vườn tược, thứ mà đã mất bao nhiêu mồ hôi nước mắt thậm chí cả máu xương của cha ông trước đây đánh đuổi giặc Tây mà có trong cải cách ruộng đất, bây giờ bỏ hoang hay cho người khác cày cấy vô tư. Nhiều người sống tốt từ nguồn thu nhập khác ngoài việc làm nông bán lưng cho trời bán mặt cho đất trên đồng ruộng.

271348375-449820216625114-347158362363184516-n-1641871502.jpg

Xóm Độc Lập nay cũng mọc lên xưởng cơ khí gò hàn, xưởng mộc dân dụng, cửa hàng cung cấp ga thay củi, quán ăn sáng, quán nhậu, hiệu may mặc, quán làm đầu thậm chí có cả quán Nail Salons đàng hoàng, quán cà phê, bia rượu …thậm chí có cả quán Karaoke tự túc tay vịn đỏ đèn quanh năm. Mà người quê tôi bây giờ có nhiều tập quán mới lắm, gặp nhau là nhậu lai rai vài chai, có việc đến nhà nhau là rót rượu thay nước chè mời khách, thậm chí tự sản xuất rượu lấy để uống cho đã, vừa an toàn không phải uống rượu rởm pha cồn, vùa có “hèm”để nuôi mấy con lợn cho chóng lớn. Các quán nhậu ở đâu cũng có, mà đa số là thanh niên đua đòi nhau thể hiện đẳng cấp để không phải mang tiếng thua ai, thua người ta là một điều sỹ nhục của người quê tôi, kể cả uống đến say mèm, lao xe máy đến tai nạn cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Là người nông thôn nhưng sáng nào cũng phóng xe máy đi ăn sáng, chẳng như ngày trước sáng dậy phải nhóm lửa nấu ăn để cả nhà cùng ăn vội để ra đồng làm việc, mà có gì đâu, nồi cháo tấm múc được vài chén, rổ khoai, sắn vừa đổ ở nồi ra còn nóng hôi hổi, để ăn cả ngày không hết.

Nhiều nam thanh nữ tú quê tôi bây giờ cứ thoát ly đi làm ở thành phố một thời gian ngắn đã kẻ giọng bắc, người giọng nam mỗi lần về quê chơi ra vẻ thức thời, dân chơi phố thị, không còn là công dân quê bọ trọ trẹ như trước. Tôi cam đoan là đa số người dân quê không thích như vậy, các cụ ngày trước có nói rằng chửi cha không bằng pha giọng, ấy vậy mà họ vẫn tự hào khi bỏ cả lời ăn tiếng nói của cha ông. Khi về quê có cụ hỏi tôi, mi đi hơn 40 năm sao vẫn còn giữ cái “trọ trẹ” của miềng thế, tôi cười nói rằng có khó gì đâu mà không nói được giọng Hà Nội hay giọng Sài Gòn, có điều chả ai cho thêm được cái gì cả nên không tập thôi, nói vui thế thôi nhưng tôi cho rằng đó là do nhận thức và bản chất của từng con người, đối với tôi không gì hơn khi mình luôn được là con người của xóm Độc Lập từ bao đời nay.

271584359-449819996625136-4086592274782311533-n-1641871471.jpg

Hôm vừa rồi về quê ăn tết sau gần 40 năm thấy cánh thanh niên xóm mà đa số là đang đi làm ăn hay học tập ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh mấy ngày tết đến chúc mừng năm mới từng nhà với một chiếc xe ba gác chở âm ly, loa đài, ácquy đến tận từng nhà, đến đâu không khí nhà đó rộn ràng âm thanh của những bản nhạc sôi động cùng với các điệu nhảy chào mừng đảm bảo là không có trường lớp âm nhạc hay múa nào trên thế giới đào tạo, hay biên đạo múa. Không gian đầy ắp một không khí năm mới cực kỳ sôi động, mới lạ với những lời chúc mừng đầu năm quyện hòa nhạc rooc với những tiếng hô.. dô, dô.. để nâng cốc trước khi uống bia rượu. Tôi được biết đã nhiều năm nay trai gái trong xóm luôn duy trì tổ chức như vậy trong dịp tết đến xuân về, tôi đố tìm được mô hình văn hóa làng xã như vậy có ở nơi đâu trên đất nước hình chữ S này? Chỉ có dân xóm Độc Lập của tôi mới có.

 

Theo Chuyện Làng quê