“Ong Chăm” và đôi cánh “Mẹ ong” giữa đại dịch

Theo bà Phan Vũ Diễm Hằng, mỗi người dân đều có thể góp một phần nhỏ cho đất nước như việc tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ, chia sẻ với lực lượng chống dịch, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Dù hầu hết những thành viên của Ong Chăm đều đã lớn tuổi và là cán bộ hưu trí, song mọi người đều nỗ lực cố gắng tiết kiệm, làm thêm các việc phù hợp với sức khỏe để có kinh phí triển khai các hoạt động an sinh xã hội”.

ong-cham1-1629772345.jpg“Mẹ ong” Phan Vũ Diễm Hằng (trái ảnh) trao quà từ thiện cho hoàn cảnh khó khăn

Hành trình của “Ong Chăm”

Ngày 21/8, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), nhóm thiện nguyện “Ong Chăm” đã trao tặng 730 suất quà cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 đang giãn cách theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại các phường Khương Đình, Hạ Đình, Thanh Xuân Nam, Kim Giang.

Đây là những địa bàn có đông người dân ngoại tỉnh về thuê trọ để đi học, đi làm và không kịp về quê trước khi thành phố áp dụng giãn cách. Đa phần các hộ dân đều không có công việc ổn định và thu nhập bấp bênh nên khi dịch bệnh đến đời sống của họ đã khó khăn, thiếu thốn thì lại chật vật gấp bội.

730 suất quà được trao tặng lần này là tấm lòng, sự chung tay đóng góp của rất nhiều cán bộ hưu trí thuộc “Ong Chăm” và bè bạn, cùng khoản tiền bán các loại nông sản mà một số thành viên trong nhóm trồng được và ủng hộ bằng hiện vật. Thay mặt nhóm “Ong Chăm”, và Phan Vũ Diễm Hằng, Trưởng nhóm cho rằng: “Suất quà bằng vật chất là không nhiều nhưng ở đó chất chứa biết bao tấm lòng, sự sẻ chia, đùm bọc với tinh thần “Tương thân tương ái”… Được trao tận tay đến những hoàn cảnh này, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các phường và đặc biệt là các cô bác cán bộ tổ dân phố đã nhiệt tình khảo sát, lên danh sách và giúp đoàn trao tặng đúng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Được tận mắt thấy những hoàn cảnh như thế này chúng tôi lại càng thêm động lực đến với nhiều hoàn cảnh hơn nữa những mong có thể giúp được họ phần nào”.

Ông Hà Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Xuân Nam bày tỏ: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường và các gia đình được nhận hỗ trợ của nhóm “Ong Chăm” rất xúc động, biết ơn trước tấm lòng của các cô chú, anh chị. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, kính chúc các cô chú, anh chị mạnh khỏe, bình an, tiếp tục tỏa sáng lòng nhân ái, giúp đỡ người khó khăn trong cuộc sống bình thường cũng như khi chống dịch để tất cả chúng ta “không ai bị bỏ lại phía sau””.

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh, người hành trình cùng nhóm “Ong Chăm” cho biết: “Cho đến hôm nay nhóm Ong Chăm đã phối hợp với chính quyền dịa phương triển khai tặng  được gần 1.000 suất quà với tổng số gần 10 tấn gạo. Ngoài ra còn nhiều thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác cho những hoàn cảnh khó khăn bị tác động của đại dịch COVID-19”. Rất xúc động và biết ơn các cô chú đã dành một phần lương hưu của mình để làm việc thiện. Dù trước đây hay những ngày cả nước gồng mình trong đại dịch, “Ong Chăm” đã và đang tiếp tục hành trình bền bỉ, “đôi cánh” chở đầy nhân ái đến với con người.”

Nhiều năm nay, cái tên nhóm “Ong Chăm” đã trở nên quen thuộc với những người làm công tác an sinh xã hội của cả nước nói chung và vùng cao, biên giới nói riêng với những hoạt động ý nghĩa như quyên góp đồ dùng sinh hoạt, xây trường hay nhận đỡ đầu cho các cháu mồ côi, cơ nhỡ... Những thành viên của “Ong Chăm” sau khi hoàn thành trách nhiệm với công việc và về nghỉ hưu đã chọn cho mình những phần việc thật giản dị và vô cùng cao quý. Người có của góp của, người có tri thức góp tri thức, người góp công… họ đã mang các kinh nghiệm trên rất nhiều phương diện để áp dụng trong nhiều hoạt động thiện nguyện với phương châm “tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất và lâu dài nhất”.  Việc ra đời của nhóm “Ong Chăm”, hoạt động thiết thực hơn 6 năm qua gắn liền với hành trình bền bỉ của “mẹ ong” Phan Vũ Diễm Hằng.

Phan Vũ Diễm Hằng là cháu nội của cụ Phan Kế Toại – Khâm sai Đại thần Bắc Bộ của triều đình Bảo Đại, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chị chính là nữ sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt giải 3 tại Kỳ thi Olympic Toán quốc tế IMO, sau đó chị theo học tại Trường Đại học Quốc gia Moskva và về công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.  Năm 1996, sau khi nghỉ việc để tham gia công tác tại các dự án phi chính phủ và dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng của Liên hiệp quốc, chị Hằng đã có cơ hội được gặp gỡ và chứng kiến những câu chuyện vô cùng đặc biệt tại các địa phương xa xôi của đất nước. Hành trình thiện nguyện bắt đầu từ đó.

Nhóm “Ong Chăm” luôn lấy hiệu quả và tính bền vững lên trên hết. Thay vì phải tốn tiền, tốn công sức thị sát từng vùng, nhóm đã tổ chức được mạng lưới kết nối từ những người bạn để có thể tìm đến những nơi khó khăn, cần thiết nhất, kể cả nơi xa xôi hẻo lánh. “Ong Chăm” luôn hướng đến việc thúc đẩy chính quyền địa phương, gia đình các em nhỏ cùng tham gia vào các hoạt động.

Tấm lòng của một “ong thợ”

Phương Thị Lệ Hạnh ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội là thành viên tích cực của nhóm “Ong Chăm”. Ngoài ra chị còn là người cùng với Thiếu tá, nhà văn Biên phòng Phạm Vân Anh thành lập nhóm thiện nguyện “Biên cương trong tôi” hướng đến biên giới, hải đảo. Với Phương Hạnh cũng như các thành viên trong nhóm, làm việc thiện bằng hành động cụ thể, làm không cần nói.

ong-cham2-1629772345.jpgHôm nay 24/8, nhóm “Ong Chăm” trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lâm, Hà Nội

Ít ai biết rằng, cuối năm 2020, khi nhận được thông tin cần người thử nghiệm Vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen phát triển ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, Phương Hạnh đã đăng ký cho gia đình mình đã tiêm thử nghiệm 2 đợt. Dù mới trong quá trình thử nghiệm, nghĩa là đối diện với nhiều yếu tố bất trắc, nguy hiểm, nhiều thông tin của những người thiếu trách nhiệm, gây nhiễu dư luận...nhưng Phương Hạnh vẫn quyết định tiêm, phần vì tin tưởng vào nên y học của đất nước, phần vì mong muốn nhanh chóng có được vaccine Made in Việt Nam. Phương Hạnh cũng chính là người phụ nữ đầu đăng ký hiến tạng cho phi công người Anh điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Trước đó, năm  2009 - 201, chị cũng là một trong những người đầu tiên tham gia thử nghiệm vaccine phòng cúm A (H5N1).

 “Đến vắc xin thử nghiệm tôi cũng như rất nhiều người dân khác còn sẵn sàng thì hà cớ gì những vaccine đã được cấp phép người dân lại chần chừ, lựa chọn. Theo tôi, không kén chọn vaccine cũng là biểu hiện của lòng yêu nước, thể hiện niềm tin vào Đảng và Nhà nước”, Phương Hạnh chia sẻ. “Tiêm vaccine là yêu nước”, không chỉ đối với Việt Nam, bất cứ quốc gia nào cũng phải kêu gọi ý thức và trách nhiệm công dân của họ như vậy.

“Làn sóng thứ 4” của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, đất nước đang cần vaccine tiến tới miễn dịch cộng đồng, đưa đất nước nào trạng thái “bình thường mới”.

Thời gian qua TP.HCM vẫn đang phong tỏa, nhiều tỉnh, thành phố khác trong đó có Hà Nội giãn cách. Tuy nhiên với tốc độ lây lan mạnh của chủng virus Delta việc kiểm soát dịch chưa mang lại hiệu quả cao. Số ca mắc vẫn tăng, đặc biệt là ngoài cộng đồng. Mức độ hạn chế đi lại như hiện nay vẫn chưa đủ để ngăn chặn dịch. Trong thời gian phong tỏa, các phương án "Nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp" đã được áp dụng, nhưng các phương án này vẫn không đủ khả năng kiểm soát dịch. "Ai ở đâu ở yên đó" nhằm đề cao đến trách nhiệm cá nhân, ý thức phòng dịch giữa người với người.

Theo Phương Hạnh, mỗi người dân đều có thể góp một phần nhỏ cho đất nước như việc tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ, chia sẻ với lực lượng chống dịch, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch hay đơn giản là tự giác “Ai ở đâu ở yên ở đó”. Các y bác sỹ, công an, quân đội… căng mình trong các “tâm dịch”, chịu đựng biết bao vất vả và đã có tổn thất về người do bị nhiễm SARS-CoV-2 vì cuộc sống bình yên, hà cớ gì người dân không tự giác chấp hành 5K, “ở nhà” vì mình và cộng đồng?