Phải bảo vệ trẻ em an toàn trước đại dịch Covid - 19

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em trong đại địch Covid-19 do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức, theo số liệu báo cáo cho thấy, tính đến ngày 31/8, cả nước đã có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 em. Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ tư tại TP.HCM, có gần 250 trẻ em bị mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ.

Đây là thực trạng đáng lo ngại, cần phải có giải pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Có thể nói, đại dịch đã cướp đi rất nhiều sinh mạng, trong đó có người thân của trẻ em; phút chốc các em trở thành những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Đại dịch đã làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ về kinh tế nên việc chăm sóc, giáo dục các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng; do chất lượng dinh dưỡng giảm sút nên ảnh hưởng rất lớn đến thể chất của các em.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, rất nhiều trẻ em thuộc đối tượng cách ly y tế theo quy định, nhiều em phải tự chăm sóc trong khu cách ly hoặc ở nhà một mình do cha mẹ phải đi cách ly, do đó, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý các em. Ngoài ra, các em còn là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình, có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, xâm hại trên môi trường mạng,…

Do các em chưa phải là đối tượng được tiêm vaccine phòng dịch nên không có sức đề kháng để miễn dịch, vì vậy, các em có nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong là rất cao. Mặt khác, khi các em thuộc đối tượng bị cách ly y tế hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ thì không thể có điều kiện để tham gia học tập.

Bảo vệ trẻ em chính là bảo vệ tương lai đất nước. Chính vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần phải đề ra các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19; cần thành lập các cơ sở nuôi dưỡng để thu dung, chăm sóc trẻ em mồ côi và tạo điều kiện để các em tham gia học tập, không để các em đi lang thang, tự kiếm sống.

Chính quyền địa phương cần phải ra soát để nắm bắt số lượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết, giúp các em ổn định cuộc sống; tích cực hỗ trợ các em tham gia học tập, không để trường hợp nào bị bỏ lại phía sau. Đối với trẻ em bị nhiễm bệnh Covid-19 phải được ưu tiên trong khám và điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Đối với những địa phương phát sinh các ổ dịch, cần khẩn trương xét nghiệm và tách các em ra khỏi vùng có dịch để chăm sóc; đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất để bảo vệ các em. Đối với những trẻ em bị sang chấn tâm lý do đại dịch, cần phải có phương pháp điều trị hợp lý để đưa các em về trạng thái bình thường, giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng.

Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh chiều 8/9, TPHCM đã ghi nhận 13 trẻ tử vong vì COVID-19. Còn theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng nhiều người, khiến gần 250 trẻ em ở TPHCM rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ.

Theo đó, từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 14.800 trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19. Trong đó, hơn 12.000 trẻ đã khỏi bệnh; đang điều trị cho khoảng 2.800 trẻ em. Đại dịch COVID-19 đã khiến 13 trẻ em tử vong, tỷ lệ trẻ em tử vong là 0,1% so với tổng số ca tử vong của toàn thành phố. Tổng số người tử vong tại TPHCM do COVID-19 tính từ đầu năm đến chiều 8/9 là 11.206 người.

Trong 13 nạn nhân này, đại diện Sở Y tế cho biết có nhiều trường hợp trẻ mắc các bệnh lý nền, trong đó có cả mắc bệnh ung thư. Theo phân tích của BS Nguyễn Hữu Hưng, trẻ mắc COVID-19, tình trạng chuyển nặng xảy ra ít hơn ở người lớn do sức đề kháng tốt hơn. 

Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, tới hết tháng 8 vừa qua, đã có hơn 11.822 trẻ em mắc COVID-19, và hơn 27.334 trẻ em là các trường hợp tiếp xúc gần (F1). Trong đó, TPHCM có số trẻ em mắc COVID-19 nhiều nhất cả nước với 2.463 em (trong tổng số hơn 40.500 người mắc bệnh).