Phải sâu sát như thế mới khống chế được dịch CoVid 19

Mấy vị cựu chiến binh  tổ dân phố sau khi được  tiêm phòng CoVid 19 trên đường về nhà đã đàm đạo hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính trên VTV1 làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang sáng qua (13/9)  – Nơi tình hình dịch có nhiều diễn biến đáng lo ngại.

Các vị đều tấm tắc khen:  Thời buổi bây giờ công nghệ 4.0 hiện đại thật, không còn tù mù như trước đây nữa. Tại trung tâm Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ở Hà Nội, Thủ tướng họp trực tuyến với 317 xã, phường, thị trấn, 26 huyện, thị xã của hai tỉnh xa xôi ở phía Nam là  Tiền Giang, Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch Covid -19.

bac-6861-1631593488.jpgThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và tổn thất khác - Ảnh: VGP

 

Đáng chú  ý tại cuộc họp, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi rất cụ thể với lãnh đạo hai tỉnh và một số phường tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang): Số ca mắc trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm? Thứ hai, chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày? Điều này rất quan trọng vì tốc độ xét nghiệm mà chậm hơn tốc độ lây lan thì không ngăn chặn được dịch. Thứ ba, tại những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn theo các Công điện của Thủ tướng hay chưa?

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thừa nhận còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, “chặt ngoài nhưng lỏng trong”. Tỉnh đã phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục, ông Bình cho biết. Tỉnh cũng mới chỉ triển khai các tổ y tế, chưa lập các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn. Việc trả kết quả xét nghiệm PCR có lúc chậm.

Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải nắm rất chắc các số liệu để lãnh đạo, chỉ huy phòng chống dịch hiệu quả. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không phải chi hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và nhiều thứ khác nữa”.   

Với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, ngoài các câu hỏi nêu trên, Thủ tướng hỏi kỹ về số ca tử vong trên địa bàn. Ông Vĩnh nêu một số lý do khiến có nhiều ca tử vong, như số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỉ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức COVID-19 (ICU). Những ngày gần đây, sau khi các bệnh viện dã chiến và ICU đi vào hoạt động, công tác sàng lọc tại tầng 1 và tầng 2 tốt hơn, trang thiết bị và đội ngũ y tế đầy đủ hơn, thì số ca tử vong giảm.

Thủ tướng hỏi thêm, Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa? 

Nghe Chủ tịch Tiền Giang cho biết tỉnh đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà, Thủ tướng nhấn mạnh: Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau. “Người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì mới có thể phân loại, điều trị ca bệnh sớm, giảm số ca tăng nặng, giảm tử vong. Nếu xã, phường, thị trấn nào cũng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì chắc chắn hệ thống y tế sẽ quá tải”. Thủ tướng “thực sự sốt ruột” với tình hình Tiền Giang chuyển từ “xanh” sang “đỏ”.

Thủ tướng bày tỏ chưa hài lòng vì trong quá trình thực hiện, một số lãnh đạo địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể; nhận thức chưa đầy đủ để thực hiện xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch…; đây là nguyên nhân khiến giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu.

Qua truyền hình và các phương tiện truyền thông, các vị cựu chiến binh tổ dân phố cảm nhận  thấm thía, lần đầu tiên thấy người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn, không tránh né khi nhận xét “Các đồng chí phải rất cụ thể, cứ lơ mơ thì làm sao mà chỉ huy được,…”.

hn1as-1631593746.jpgLấy mẫu xét nghiệm CoVid 19 tại Hà Nội. Ảnh: HNMO

 

Rồi  mấy vị cựu chiến binh còn  nhắc lại hình ảnh cách nay 2 tuần, vào cuối chiều ngày 31-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), nơi có ổ dịch tại phố Nguyễn Trãi được coi là đang diễn biến phức tạp nhất tại Hà Nội với 349 ca mắc COVID-19. Thủ tướng cũng kiểm tra sở chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch của phường. Tuy nhiên, khi đến đây, sở chỉ huy phòng chống dịch không có người trực. Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra quy chế làm việc và quyết định thành lập sở chỉ huy. Phải mất 20 phút sau đó, đại diện phường mới đưa ra được quyết định thành lập sở chỉ huy phòng dịch, còn quy chế hoạt động thì không có. Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, phường Thanh Xuân Trung đang khuyết Bí thư Đảng ủy phường. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình Quận uỷ Thanh Xuân, bởi đang là điểm nóng của dịch mà chậm kiện toàn lãnh đạo là khuyết điểm, đồng thời yêu cầu “kiện toàn ngay lập tức”. Sáng 2-9, Ban thường vụ Quận ủy Thanh Xuân đã tổ chức công bố Quyết định điều động, chỉ định cán bộ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung, nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận. Công tác phòng chống dịch tại đây có người chỉ huy thì mới chuyển biến tích cực.

Việc Thủ tướng bất ngờ kiểm tra không báo trước tại tâm dịch phường Thanh Xuân Trung đã chỉ rõ nhiều tồn tại, yếu kém,  đồng thời yêu cầu phải khắc phục ngay đã đánh động cho toàn thành phố Hà Nội, nhất là đội ngũ cán bộ phường và quận bớt quan liêu, xa rời dân.  

hn2as-1631593866.jpgHà Nội đang tăng tốc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: HNMO.

 

Tiếp đến chỉ trong vòng 3 ngày (từ 5 đến 8/9), lãnh đạo Hà Nội 2 lần bị Thủ tướng Phạm Minh  điểm tên mà nhiều người cho là bị “ thẻ vàng” nhắc nhở  vì ban hành quy định về giấy đi đường liên quan đến phòng chống CoVid 19 gây phiền hà, ùn tắc giao thông khiến dân chúng bức xúc.

Không những vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu quân đội và 11 tỉnh, thành phố hỗ trợ  Hà Nội nhân lực y tế tập trung  thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng dịch CoVid 19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong vòng một tuần, đến ngày 15/9 là phải xong. Trên cơ sở đó, Hà Nội mới từng bước không chế được dịch.

Lãnh đạo phải sâu sát như thế mới khống chế được dịch CoVid 19, sớm trở lại trạng thái bình thường mới để thực hiện mục tiêu kép, vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, không để ại bị bỏ lại phía sau, vừa phát triển kinh tế xã hội trong năm 2021.

Bộ Y tế cho biết, tại Kiên Giang, trong đợt dịch thứ 4 đến 13/9/2021, ghi nhận tích lũy 3.034 ca mắc, 25 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, ghi nhận 1.217 ca, trong đó có 776 ca ghi nhận tại cộng đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc tăng 559, số ca tại cộng đồng tăng 203 ca.  Trên địa bàn tỉnh hiện có 07 huyện có nguy cơ rất cao, 03 huyện có nguy cơ cao và 05 huyện đang ở trạng thái bình thường mới. Tại cấp xã, có 20/144 xã có nguy cơ rất cao, 32/144 xã có nguy cơ cao, 01/144 xã có nguy cơ và 91/144 xã ở trạng thái bình thường mới.

Tại Tiền Giang, kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận tích lũy 12.205 ca mắc, 299 ca tử vong. Từ ngày 29/6/2021, trung bình có 190 ca/ngày, cao nhất là 234 ca/ngày. Trong 7 ngày qua, Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.

VXB