Phát ngôn khiến đối thủ rên xiết có phải là cứu cánh cho doanh thu chạm đáy của MWG

Nguyễn Huệ

Tập đoàn bán lẻ MWG đang gặp bài toán khó về tăng trưởng trước những cơn gió ngược của điều kiện kinh tế vĩ mô cùng sự vươn lên của các đối thủ trong ngành. Hiện, chuỗi Điện Máy Xanh đang là đơn vị đóng góp phần lớn doanh thu cho tập đoàn.

“Tiếng rên xiết” chắc chắn là âm thanh đang khiến ngành bán lẻ ICT (thiết bị công nghệ - PV) xôn xao trong thời gian vừa qua. Đây là phát ngôn của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hôm 8/4.

Khi ông lớn cũng phải “dọa dẫm”

Tại sự kiện ông Tài đã nói về việc giá sản phẩm Apple của chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) đang cao hơn nhiều so với các bên khác. Chủ tịch TGDĐ cho rằng do công ty không quá căn ke về chênh lệch giá Apple so với đối thủ đã tạo ra khe hở để các đối thủ của “ông lớn bán lẻ” này kiếm khách hàng. Ông Tài cho rằng tình trạng này cần được chấm dứt và “tiếng rên xiết” sẽ kéo dài.

Từ lâu, MWG vẫn giữ vững “ngôi vương” nhà bán lẻ top 1 Việt Nam. Nếu tính toàn bộ hệ thống bán lẻ thiết bị công nghệ điện máy của MWG, quy mô cửa hàng đã chạm con số 3.385 (gồm Thế Giới Di Động; Điện Máy Xanh, TopZone), gấp 3,4 lần so với đơn vị xếp sau là FPT Retail (Mã: FRT) với tổng cộng 985 của hàng.

Nhờ vị thế ông lớn dẫn đầu ngành, chiếm lĩnh phần lớn thị phần mảng bán lẻ ICT, MWG có thể mặc sức đưa ra mức giá cao hơn hẳn các đơn vị khác, không chỉ ở sản phẩm của Apple mà còn nhiều thiết bị khác như TV, máy giặt, tủ lạnh... Trong những năm qua - ở điều kiện bình thường, TGDĐ vẫn duy trì doanh thu cao nhờ uy tín từ một chuỗi bán lẻ có quy mô phủ rộng lớn, độ nhận diện top 1 thị trường.

Tuy vậy, những dự báo thiếu tích cực về mảng ICT trong năm 2023 đã khiến một ông lớn như TGDĐ phải chơi bài ngửa, tăng thêm nhiều ưu đãi để giữ vị thế, đi kèm với những động thái cứng rắn với đối thủ dù lãnh đạo MWG từng phát biểu họ không quan tâm đối thủ đang làm gì.

Theo nhận định của CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thị phần cho hai ngành hàng di động và điện máy đều trên 50% ở hiện tại. Mức độ mua sắm của hai ngành hàng này đã có sự bão hoà ở thời điểm hiện tại. Trong 2-3 năm tới, sự phát triển của hai ngành hàng này sẽ ngang ngửa nhau.

Từ nhận định của ông Hiểu Em, có thể thấy bài toán tăng trưởng ở mảng di động và điện máy của MWG đang rất khó nhằn. Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I, MWG ghi nhận doanh thuần đạt 26.990 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 20% mục tiêu năm (135.000 tỷ).

Đáng chú ý, ông lớn bán lẻ này không công bố lợi nhuận - đây là tháng thứ hai MWG không công bố lợi nhuận trong các báo cáo định kỳ. Tính riêng tháng 3, doanh thu của MWG đạt 7.980 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái (11.084 tỷ). Doanh thu online luỹ kế ba tháng giảm 38% so với cùng kỳ và chiếm 14% tổng doanh thu của MWG.

Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX) đóng góp 49,3% vào doanh thu của MWG, chuỗi Thế Giới Di Động chiếm 24,6%, chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) là 23,6% và 2,5% còn lại đến từ doanh thu khác.

MWG cho biết sức mua điện thoại, điện máy đang giảm mạnh hơn trong những tháng đầu năm. Tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao đang diễn ra với nhóm khách hàng trung - cao cấp. Ban lãnh đạo MWG đã nhiều lần nói về vấn đề suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, nhóm khách hàng thu nhập thấp lại gặp khó trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức trả góp.

Về chuỗi TGDĐ và ĐMX, tổng doanh thu hai chuỗi giảm 34% so với mức nền cao của quý I/2022, doanh thu của hầu hết các sản phẩm điện thoại và điện máy giảm từ 25% đến 35% so với cùng kỳ, máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh khoảng 40-50%. Các sản phẩm ICT chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số từ kinh doanh online của TGDĐ và ĐMX. Do đó, doanh thu online cũng sụt 40% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo MWG dìm đối thủ

Tại cuộc họp nhà đầu tư cập nhập kết quả kinh doanh quý I, ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận năm 2023 không thuận lợi cho sức mua của ngành bán lẻ. “Lình xình” là từ ông Tài dùng cho tình hình kinh tế vĩ mô. Nhà lãnh đạo MWG cho rằng tình hình tương lai bất ổn khiến người tiêu dùng e dè xuống tiền với các sản phẩm giá trị cao như điện thoại, TV… Do đó, người tiêu dùng sẽ dành tiền cho những mặt hàng thiết yếu nhiều hơn, tập trung ở mảng điện máy, thực phẩm…

Doanh nghiệp cho biết tháng 4 bắt đầu vào mùa nắng nóng là đợt bán hàng cao điểm với sản phẩm điện lạnh, dự kiến doanh số máy lạnh trong tháng 4 năm nay có thể tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ. Như vậy, MWG có thể sẽ tập trung vào chuỗi ĐMX với các chiến lược ưu đãi giá để kích cầu, tăng doanh thu.

dmx1-1683694000.png

Ngay từ đầu năm, lãnh đạo MWG nhận định những khó khăn này sẽ không tồn tại trong ngắn hạn và việc công ty liên tiếp “hụt” mục tiêu dự báo có thể thấy mức kỳ vọng ở mảng bán lẻ điện máy của MWG cũng đang là dấu chấm hỏi lớn.

Chiến lược cạnh tranh về giá có thể đoán được ở điều kiện nhu cầu thị trường giảm nhưng động thái này sẽ kéo biên lợi nhuận của chuỗi giảm và liệu TGDĐ hay ĐMX có thể duy trì chính sách giá này trong bao lâu. Chưa dừng lại ở đó, MWG có thể giảm giá trong thời gian dài để chờ thị trường phục hồi và sau đó, khi thị trường được cải thiện, doanh nghiệp có đối mặt với áp lực từ người tiêu dùng khi tăng giá sản phẩm hay không.

Tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch HĐQT MWG đã đưa ra một phát ngôn có thể xem là gây sốc với toàn ngành. Theo đó, ông Nguyễn Đức Tài đã không ngần ngại tiết lộ chiêu trò của một số cửa hàng điện máy khi bán hàng trưng bày cho người tiêu dùng nhưng lại đóng hộp, dán seal và bán với giá hàng mới.

“Trước đây, tôi phát hiện ra mình mua phải một sản phẩm hàng trưng bày nhưng phải mua với giá hàng mới. Tôi cũng từng đi mua TV ở một doanh nghiệp không tiện nói tên và biết rất rõ hành động đó. Sau một thời gian trưng bày thì được chùi rửa lại, đóng vào thùng và bán như hàng mới. Rồi một chiếc TV mới lại được mang ra trưng bày và quá trình cứ quay vòng. Và tôi tin là thị trường laptop cũng vận hành như vậy. Những chiếc laptop các bạn mua chưa chắc bạn là người được khui seal đâu. Nó được trưng bày, bật lên một thời gian rồi xoay vòng để đưa đến tay các bạn. Ngay vào thời điểm tôi nói chuyện đó, tình trạng này vẫn còn đang diễn ra trên thị trường”, ông Tài nói.

Phát ngôn của ông Tài có thể được xem là “đòn vỗ mặt” với các đối thủ ở thị trường bán lẻ điện máy. Ở vị thế dẫn đầu ngành, việc đưa ra thông tin như vậy được xem là cách gián tiếp để ông Tài thị uy và đề cao sự uy tín của MWG, đi kèm với việc “dìm” những đối thủ khác trong ngành – một mũi tên trúng hai đích. Điều này rõ ràng nhiều các đối thủ của MWG cảm thấy khó chịu.

dmx2-1683694000.png

Nếu nhìn vào những lùm xùm trong quá khứ, phát ngôn của ông Tài có đang bỏ qua Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động hay không? Những năm gần đây, chuỗi BHX vướng phải rất nhiều lùm xùm về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm. Năm 2022, BHX phải lên tiếng xin lỗi vì bán “rau dỏm”, không rõ nguồn gốc, đi từ chợ vào siêu thị và gắn mác VIETGAP. Trước đó, chuỗi này cũng dính lùm xùm vì tăng giá nhu yếu phẩm trong mùa dịch – điều mà ông Tài phải thừa nhận là bài học sâu sắc đối với MWG.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Tuấn (chuyên gia trong lĩnh vực điện máy) cho biết: “Đa phần các mặt hàng điện máy khi nhập về đều phải bóc seal để kiểm tra sản phẩm. Ví dụ như nhập 100 chiếc TV cần phải bóc hộp để kiểm tra. Ông Tuấn cho biết, việc bóc seal (đối với thiết bị điện máy) không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng cần hiểu rõ bản chất của việc này, việc bóc seal, bóc hộp đơn giản là để kiểm tra sản phẩm có bị bóp méo, bị vỡ hay không chứ chưa kích hoạt bảo hành, chưa sử dụng nên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.”