PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI VỚI QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Lê Thành Ý 

Với bờ biển dài và các nguồn gió dồi dào, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi. Điện gió ngoài khơi, có thể cung cấp tới 12% tổng lượng điện vào năm 2035, giúp đất nước tránh phát thải hơn 200 triệu tấn CO2 và làm lợi cho nền kinh tế ít nhất là 50 tỷ USD.

Tại Hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều học giả và các nhà quản lý trong, ngoài nước vào tháng 9 năm 2020, đại biểu tham dự đã thảo luận và phác họa một lộ trình phát triển ngành điện Việt Nam 10 năm tới và định hướng đến năm 2045. Lộ trinh này thu hút được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và quản lý ở các cấp. Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ để xây dựng một lộ trình phát triển. Sau thời gian dài chuẩn bị, ngày 13 tháng 06 năm 2021, báo cáo cuối cùng về “Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam” đã được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) công bố. Đây là một công trình trong những nghiên cứu với mục tiêu thúc đẩy nhanh điện gió ngoài khơi ở những thị trường mới nổi và hỗ trợ cho các quốc gia trong lĩnh vực này.

Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam cung cấp những phân tích chiến lược về tiềm năng phát triển năng lượng gió ngoài khơi; xem xét cơ hội và thách thức trong các kịch bản tăng trưởng, nhằm cung cấp những bằng chứng hỗ trợ Chính phủ trong thiết lập chính sách, quy định, quy trình và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự phát triển thành công ngành công nghiệp còn mới mẻ này. Chương trình được khởi xướng bởi nhóm quốc gia thuộc W.B tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của Chương trình Phát triển Gió Ngoài khơi của Nhóm Ngân hàng Thế giới.

 

Kỳ 1  Xu hướng phát triển toàn cầu và những kinh nghiệm rút ra

1.1.Xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi

Các dự án năng lượng tái tạo trên bờ thường bị hạn chế bởi mật độ dân cư địa phương và tình trạng cạnh tranh trong sử dụng đất. Điện gió ngoài khơi, nếu được lắp đặt và phát triển đúng cách, thường không tác động lớn đến những đối tượng sử dụng biển khác.Trong tầm nhìn toàn cầu đến năm 2050, công suất điện gió ngoài khơi sẽ đạt 1,4 TW với 39,3% ở Châu Á, 32,1% ở châu Âu và châu Mỹ chiếm gần 17,9%. Nguồn năng lượng này sẽ cung cấp 5.400 TWh mỗi năm, tương đương khoảng 10% nhu cầu điện toàn thế giới.

hcm-111-1624455303.jpg
Chú thích ảnh

Điện gió ngoài khơi đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước, đáng chú ý là ở Tây Bắc Âu và Trung Quốc. Điện gió ngoài khơi thành công ở Anh, Đức, Đan Mạch và Hà Lan…. Chính phủ những nước này đã thực hiện và duy trì một khung chính sách khuyến khích phát triển thông qua các đơn vị phát triển và nhà đầu tư tư nhân. Nhiều quốc gia đã sử dụng quy trình trong quy hoạch không gian biển, để cân bằng nhu cầu của các bên có liên quan và những hạn chế về môi trường. Qua đó, họ đã nhận ra, nếu khung chính sách ổn định và hấp dẫn tối thiểu 10 năm, các đơn vị phát triển sẽ xây dựng được những trang trại gió cung cấp điện năng với chi phí thấp và không phát thải carbon để tiếp sức cho nền kinh tế.

Khung chính sách và quy định của nhiều Chính phủ đã nhằm vào tạo quy trình vững chắc, minh bạch và kịp thời cả về cho thuê đáy biển lẫn cấp phép dự án, đồng thời xem xét việc đầu tư vào lưới điện và cơ sở hạ tầng để có được danh mục dự án tiềm năng lâu dài. Chính phủ đã hiểu được những gì cần phải làm, để đảm bảo các dự án có thể thu hút được vốn cạnh tranh theo một lộ trình ổn định và hấp dẫn đối với lượng điện tạo ra từ các dự án.

Bài học thành công ở nhiều quốc gia cho thấy, cần phải có quy trình cấp phép rõ ràng, hiệu quả kết hợp với quy chuẩn tốt cho đánh giá tác động môi trường xã hội (ĐTMX), được chỉ đạo bởi một tổ chức có trách nhiệm cụ thể, nhằm tạo cơ sở để ra các quyết định.

Chủ đầu tư trang trại gió ngoài khơi phải đối mặt với những rủi ro trong phát triển và xây dựng dự án. Rủi ro này liên quan đến tốc độ gió và hiệu suất dự án, rủi ro bổ sung còn do cắt giảm lưới điện, giá bán điện thay đổi hoặc phát sinh thêm chi phí tài chính của dự án, dẫn đến tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng. Ở những nước có tốc độ phát triển dự án nhanh, việc quản lý rủi ro thực hiện thông qua hợp đồng, được Chính phủ bảo đảm với chính sách ổn định. Môi trường đầu tư và chính sách minh bạch, ổn định giúp các đơn vị phát triển và nhà đầu tư tin tưởng vào chế độ pháp lý,tài chính và thuế để cân nhắc, củng cố niềm tin vào quy trình cho thuê, cấp phép cũng như khả năng bảo lãnh của các ngân hàng cho trang trại gió .

Kinh nghiệm rút ra từ nhiều quốc gia còn cho thấy: Ngoài khu vực cho thuê biển có nhiều hấp dẫn, cần tạo niềm tin cho các đơn vị phát triển dự án điện và chuỗi cung ứng thông qua danh mục các dự án tiềm năng đủ lớn và rõ ràng, để có thể cam kết đầu tư và liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh.

Do áp lực giảm chi phí lớn và thiếu quan tâm đến lợi ích của chuỗi cung ứng đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư. Mặt khác, yêu cầu quá cao đối với tỷ lệ nội địa hóa cũng làm gia tăng chi phí, khiến tăng trưởng thị trường bị chậm lại. Một chiến lược ngành tốt là phải cân bằng được chi phí đối với người tiêu dùng và tạo ra việc làm mới. Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi có thể giúp Chính phủ tìm ra cách tối ưu để đạt được những mục tiêu này.

Điện gió ngoài khơi cần đầu tư vào các cơ sở hạ tầng mới để tối đa hóa hiệu quả. Ngành điện và Chính phủ cần cùng làm việc để thỏa thuận về những gì phải làm và cách thức tài trợ cho những công việc đó. Ở Đông và Đông Nam Á, ngành điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với những thách thức mới do động đất, sóng thần, bão và các điều kiện về mặt bằng so với ở châu Âu. Điều kiện cụ thể về trang trại gió và năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) tại mỗi quốc gia cũng dẫn tới nhiều cơ hội giảm chi phí năng lượng nhờ đổi mới sáng tạo.

Nhiều nước đã rút ra bài học kinh nghiệm đó là: Đầu tư chiến lược xây dựng cảng biển và lưới điện có thể làm tăng tốc điện gió ngoài khơi và giúp giảm được chi phí. Về lưới truyền tải, nếu không có sự can thiệp mang tính chiến lược, từng dự án đều phải xây dựng hệ thống truyền tải riêng để kết nối vào bờ. Việc củng cố lưới truyền tải cho từng dự án dẫn đến truyền tải điện năng trên toàn quốc sẽ bị kéo dài và điện gió ngoài khơi có thể bị kìm hãm phát triển hoặc kém hiệu quả đầu tư.

Ngày nay, thị trường điện thế giới có những khác biệt, có thị trường tự do và thị trường chịu sư kiểm soát hoàn toàn của nhà nước. Tuy nhiên, ở bất cứ thị trường nào, năng lực cạnh tranh đều tác động đáng kể đến giảm giá điện. Trong môi trường cạnh tranh với số lượng dự án đủ lớn và hợp đồng mua bán điện (PPA) minh bạch, các dự án tốt được xây dựng sẽ mang lại những giá trị cao. Đối với thị trường điện gió ngoài khơi, một thị trường công suất 3 GW, là đủ để duy trì nhiều hơn một công ty trong nước, nhưng đối với thị trường khu vực lại cần đến ít nhất 7 GW mỗi năm.

Từ kết quả nghiên cứu thị trường toàn cầu, các nhà phân tích rút ra, ngày càng có nhiều quốc gia hiểu được lợi ích của điện gió ngoài khơi. Sau khi lắp đặt thành công, những quốc gia thiếu nguồn năng lượng không còn phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nhờ đó đã tăng cường được an ninh năng lượng.

Tại châu Âu, điện gió ngoài khơi có chi phí cạnh tranh hơn so với các các nhà máy nhiên liệu hóa thạch và việc tài trợ cho những dự án điện này trở nên dễ dàng hơn. Trong xu thế chi phí toàn bộ vòng đời dự án điện gió giảm nhanh và chi phí sử dụng nhiên liệu hóa thạch gia tăng, các nước trên thế giới đang hướng mạnh vào phát triển năng lượng tái tạo. Do các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn có thể xây dựng nhanh, tạo nhiều việc làm kể cả trong giai đoạn xây dựng và vận hành. Mặt khác, ít phát thải carbon, ít gây ô nhiễm không khí và sử dụng lượng nước và đất rất thấp, điện gió ngoài khơi đang là xu thế phát triển phổ biến toàn cầu. Ngày nay, các dự án điện gió ngoài khơi ở thị trường trưởng thành thường có công suất từ 0,5 GW đến 1,5 GW, nhiều tuabin lớn với công suất tới 15 MW đã được đưa ra thị trường.

* 1GWh điện từ nhiên liệu hóa thạch tiêu thụ 15 triệu lít nước; phát thải 500 tấn carbon (CO2), 1,1 tấn SO2 và 0,7 tấn NOx. Trang trại điện gió công suất 1 GW có thể tiết kiệm hàng năm 65 tỷ lít mước, giảm hơn 2,2 triệu tấn CO2 và vòng đời có thể kéo dài trên 25 năm. Với công suất 96 GW vào năm 2018, Hiệp hội Năng lượng gió Hoa Kỳ ước tính, điện gió đã tiết kiệm được 9,4 tỷ US$ cho sức khỏe cộng đồng.

                                                                                          Nguồn W.B 2021

1.2.Thách thức phát triển điện gió ngoài khơi

Giống như bất kỳ một công nghệ mới nào, việc đầu tư vào hạ tầng điện gió ngoài khơi có những thách thức đáng kể về tính biến đổi, công nghệ, chi phí, lợi ích và những cân nhắc về môi trường và xã hội

Dễ dàng nhận thấy, tốc độ gió trung bình biến đổi theo mùa, nhưng sản lượng điện cần thay đổi chỉ khoảng 10% qua nhiều năm theo rõi. Trong những thị trường trưởng thành, dự báo về sản lượng điện cần có tác động cả từ phía cung lẫn cầu để đảm bảo việc cung cấp liên tục. Mặt khác, đầu tư vào chuyển đổi năng lượng lại liên quan đến đầu tư vào công nghệ lưới điện và các nguồn linh hoạt về giải pháp lưu trữ cũng như quản lý năng lượng.

Việc giảm chi phí điện gió ngoài khơi phụ thuộc vào sự phát triển và hỗ trợ từ công nghệ mới, cụ thể là, tuabin gió ngoài khơi lớn với rôto được thiết kế phức hợp cho những nơi có tốc độ gió thấp cùng với mọi công việc hậu cần và thiết bị liên quan đến việc sử dụng. Nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa khẳng định những tuabin lớn sẽ được phát triển hay không. Ngoài ra, những giải pháp giải cụ thể như bão nhiệt đới hoặc cải tiến sản xuất, lắp đặt, vận hành và độ tin cậy của các trang trại gió, đều là những vấn đề đòi hỏi phải có những nghiên cứu khảo sát sâu hơn trên thị trường toàn cầu.

30 năm qua, ngành điện gió đã đổi mới nhanh chóng và điều này sẽ còn tiếp tục. Tuy nhiên vẫn còn rủi ro về thị trường để thúc đẩy đổi mới ở một số lĩnh vực. Ngoài ra, rủi ro về chủng loại cũng là vấn đề đáng kể đối với độ tin cậy, đặc biệt là công nghệ tuabin gió ngoài khơi với quy mô lớn. Ở châu Âu, khởi đầu điện gió ngoài khơi có chi phí đắt hơn nhiều so với các công nghệ điện truyền thống. Trên các thị trường mới nổi, không phải tất cả đều giảm được chi phí, vì chuỗi cung ứng và kinh nghiệm cần có thời gian để phát triển.

Chi phí khi bắt đầu có thể cao, nhưng sẽ giảm xuống nhanh hơn so với ở một thị trường đã được thiết lập. Ngành điện gió mới xuất hiện cách đây 30 năm và chưa đầy 20 năm đối với điện gió ngoài khơi. Mặc dù có nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn cầu tham gia, nhưng bất kỳ ngành công nghiệp non trẻ và phát triển nhanh nào cũng có những thách thức về việc mua bán sáp nhập và nhất là thay đổi chiến lược với tốc độ nhanh hơn .

Khối lượng lớn mở ra nhiều lợi ích, nhưng điều này cũng đòi hỏi các Chính phủ phải thực hiện cấp bách và cam kết mạnh hơn về chi phí và nguồn lực. Trong đó, có tài trợ công để hỗ trợ thực hiện, nguồn này bao gồm cả chi phí cho các nghiên cứu hạ nguồn.

Như với bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng nào, trang trại gió ngoài khơi có tác động cục bộ đến môi trường sống, các đối tượng sử dụng biển và cộng đồng ven biển địa phương. Những tác động này có thể ở quy mô quốc tế khi tính tới những tác động tích lũy và khó quản lý. Các bãi triều ven bờ có tầm ảnh hưởng lớn đối với sinh kế, từ việc đánh bắt cá đến hoạt động ven biển và đa dạng sinh học. Những dự án gần bờ nằm ở các khu vực đa dạng sinh học trọng điểm (Key Biodiversity Areas)có môi trường sống quan trọng hoặc nhạy cảm của động vật hoang dã sẽ tác động đến môi trường và khó đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.

Trong những thị trường điện gió ngoài khơi trưởng thành, quy trình đánh giá tác động môi trường và xã hội (ĐTMX) vững chắc và mức độ tham gia của các bên liên quan được sử dụng để đảm bảo những tác động này cần được nhận diện và quản lý. Điều này đòi hỏi phải thu thập khối lượng đáng kể dữ liệu cơ sở về môi trường và xã hội mà việc thu thập đòi hỏi nhiều thời gian, cần được quan tâm ngay từ trước khi cấp phép để có đủ thời gian cho thu thập dữ liệu trước khi xây dựng.