Phát triển năng lượng tái tạo, một số vấn đề cần trao đổi

Ở nước ta hiện nay, tiềm năng thủy điện lớn cơ bản đã khai thác hết, nhiệt điện than khó tìm được nguồn vốn quốc tế do những cam kết chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu; điện khí giá cao thiếu ổn định và phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu thế giới. Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường...

Phát triển năng lượng tái tạo, quá trình nhìn lại

Trước năm 2017, các dự án đầu tư, phát triển năng lượng sinh thái và điện mặt trời ở nước ta nhìn chung ít được đề cập trên thị trường. Ngày 11tháng 4 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định này đã kích thích năng lượng điện mặt trời phát triển mạnh, làn sóng đầu tư  điện mặt trời mở rộng nhanh; thậm chí phát triển tràn lan có nguy cơ dẫn đến phá vỡ qui hoạch đất đai nông nghiệp và đất dùng vào công nghiệp. Cùng với xu thế này, lượng cung mạnh, nhất là ở các tỉnh miền Trung, khiến mạng lưới truyền tải của ngành điện (EVN) không đáp ứng kịp thời, đã dẫn đến quá tải.

nl-1624845524.jpg

      Nguồn năng lượng từ điện mặt trời, điện gió     

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương, Phạm Nguyên Hùng,  cho biết, tính đến hết năm 2020, trong tổng công suất nguồn điện của cả nước khoảng 69.300 MW, công suất năng lượng tái tạo đã chiếm trên  25,3% tổng công suất của hệ thống điện (đạt 17.400 MW). Hết năm 2020, cả nước có 148 hệ thống điện mặt trời quy mô lớn với hơn 8.000 MW công suất, trên 104.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 7.000 MW và năng lượng điện gió có hơn 500 MW. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đang được gấp rút triển khai. Tính đến hết ngày 16 tháng 6 năm 2021, công suất và sản lượng của hệ thống điện toàn quốc đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, Trongg ngày 02 tháng 6, công suất hệ thống điện quốc gia đạt 41.558 MW, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 7,9% so với công suất cực đại 38.518MW của năm 2020. Đáng chú ý là, sản lượng của toàn hệ thống điện đã đạt 880,3 triệu kWh, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 10,3% so với sản lượng cực đại của năm 2020.

Theo đại diện Bộ Công Thương, hàng loạt dự án nhiệt điện than chậm tiến độ sau năm 2020, đã tạo nguy cơ rõ rệt về thiếu hụt nguồn cung. Để bổ sung cho nguồn thiếu hụt này, trong ngắn hạn cần phát triển năng lượng tái tạo. Từ đó, hàng loạt chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đã ra đời, Chỉ trong một thời gian ngắn, điện năng lượng tái tạo đã đạt trên 17.000 MW công suất, đủ bù đắp vào sự thiếu hụt của cả hệ thống điện Quốc gia.

Năng lượng tái tạo đã góp phần tích cực giả quyết khó khăn, song do việc phát triển quá nóng điện mặt trời, việc truyền tải điện lên lưới không theo kịp đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo chia sẻ, khó khăn cắt giảm công suất khiến doanh thu  của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh. Phó Giám đốc đầu tư Tập đoàn Hoành Sơn cho biết, các nhà máy thuộc tập đoàn đã phải cắt giảm từ 30% đến 50% công suất, thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi ngày, gây khó khăn trong việc thu hồi vốn và chi trả lãi vay ngân hàng. Nhiều công ty thậm chí đã phải lấy nguồn từ dự án khác để chi trả nợ ngân hàng, điều này đã làm đảo lộn kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Các nhà phân tích nhận định, nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió có đặc điểm chung là không liên tục, khả năng điều chỉnh hạn chế và khả năng lưu trữ không nhiều do chi phí cao. Việc đầu tư xây dựng điện NLTT thường rất nhanh trong khi lưới điện truyền tải, phân phối đòi hỏi phải có thời gian, thường bổ sung không kịp. Mặt khác, đa phần các dự án lại tập trung chủ yếu tại một số khu vực có tiềm năng. Do đó lưới điện thường bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện vào những thời điểm lượng điện tạo ra lớn hơn so với nhu cầu tiêu thụ.

Phân tích nguyên nhân, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã nhận xét, điện mặt trời rất phù hợp với xu thế phát triển, song do sự lúng túng và bị động trong thực hiện quy hoạch nên đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, cần có giải pháp kịp thời xử lý trong thời gian tới. Nhằm khắc phục hiện tượng cắt giảm công suất của các dự án năng lượng tái tạo, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Bộ Công Thương cho rằng, cần tập trung đầu tư và đưa vào vận hành các dự án truyền tải.

Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng điện trung bình đạt 9%/năm; riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid19 tăng trưởng điện chỉ đạt trên 3%, Tiếp nhận năng lượng tái tạo liên quan đến an toàn hệ thống, cần huy động công suất dự trữ từ nhiều nguồn khác trong khi lại phải cắt giảm công suất từ nguồn tái tạo lúc dư thừa, Chỉ khi nền kinh tế hồi phục và phát triển mạnh mới có thể hi vọng phát huy tối đa công suất các nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo.

Tích tích trữ năng lượng là một giải pháp, nhưng theo các nhà quản lý hiện nay giá thành hệ thống tích trữ còn cao, áp dụng loại hình này chưa hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần chuẩn bị chính sách, khung pháp lý, kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm phát triển các nước thành công để cụ thể hóa thành quy định của Việt Nam.

nl1-1624845581.jpg

Đường dây cao thế trong lưới điện Việt Nam

Giải pháp và những khuyến nghị từ góc nhìn nghiển cứu và quản lý

Để đưa các dự án điện mặt trời vận hành tối đa công suất, nhiều phân tích cho rằng, có thể tính đến giải pháp tương lai như sử dụng hệ thống pin tích trữ phục vụ nạp-xả điện hoặc có chính sách bán trực tiếp điện mặt trời cho các khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào quy định của Nhà nước, những hướng dẫn cụ thể và nhất là hạ tầng phục vụ.

Trong xu thế phát triển của công nghệ và thị trường, giá điện gió, điện mặt trời ngày càng cạnh tranh hơn so với các nguồn điện truyền thống. Định hướng gia tăng tỷ trọng điện năng lượng tái tạo trong tổng nguồn Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đưa ra là rất kịp thời, nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế thiên nhiên mang lại, để đưa ngành điện Việt Nam phát triển bền vững và thực hiện tốt các cam kết bảo vệ môi trường toàn cầu.

Muốn phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững điều cần là phải tập trung vào những nội dung chính sách phù hợp, nâng cấp hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành.Thời gian qua, các tổ chức quản lý nhà nước đã tập trung vào xây dựng tầm nhìn và quy hoạch tông thể năng lượng cho giai đoạn tới, các tổ chức nghề nghiệp xã hội đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề sống còn này trong đời sống và nhiều tổ chức nghiên cứu đã có những phân tích đề xuất và khuyến nghị cụ thể đến các cơ quan nhà nước.

Theo đó, trước hết Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, thích hợp với thị trường của từng loại hình công nghệ năng lượng tái tạo, như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC). Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng tái tạo phân tán, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ là các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... ;lắp đặt điện mặt trời áp mái để cung cấp cho chính nhu cầu của mình kết hợp cùng điện mua từ lưới.

Cùng với những vấn đề chính sách, đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ điện tái tạo (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy BESS...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống. Tăng cường kết nối lưới điện khu vực là những việc làm cấp bách, cần tiến hành khẩn trương. Những công việc này giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời đảm bảo vận hành an toàn và nâng cao hiệu quả của  toàn hệ thống điện

Từ thực tế hạ tầng truyền tải yếu kém, chưa sẵn sàng trong khi sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo đã dẫn đến nhiều tắc nghẽn. Các nhà phân tích cho rằng, những năm sắp tới phải huy động nguồn điện chạy dầu đắt đỏ, ô nhiễm nhưng vẫn không đủ nguồn cung. Để bù đắp sự thiếu hụt này, cần phải bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện gió. Giai đoạn vừa qua, sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời, nhất là điện áp mái đã gây khó khăn giải phóng công suất nguồn. Mặt khác, phụ tải giảm cũng gây khó khăn vận hành để tiêu thụ được hết tổng nguồn điện năng lượng tái tạo làm ra.

Việc đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới là cần thiết để bù đắp lượng công suất thiếu hụt do các nguồn nhiệt điện than, điện khí chậm tiến độ, Thực tế diễn ra đã phát sinh những hạn chế, đòi hỏi phải đầu tư thêm lưới điện để đấu nối và truyền tải dẫn đến những khó khăn và phức tạp trong vận hành dẫn đến tăng chi phí chung là điều khó tránh.

Thay lời kết

Từ yêu cầu nguồn điện phải đáp ứng tốt tiêu chí an ninh cung cấp, thỏa mãn các cam kết với quốc tế về giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong quá trình sản xuất, các dự án điện tái tạo cần phát triển với chi phí thấp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người tiêu dùng. Chương trình phát triển nguồn điện trong Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh, dành ưu tiên cao cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG và từng bước giảm dần việc phát triển các nhà máy sử dụng than trên toàn quốc.

Từ vai trò là yếu tố mang tính quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của năng lượng điện, hy vọng, việc xây dựng, hoàn thiện và sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII sẽ mở ra những hướng phát triển mới để huy động tốt hơn nguồn năng lượng tái tạo trong phát triển bền vững, đáp úng đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia./.