Phiên tòa được xử lưu động vào buổi sáng mùa đông, trời âm u, bàng bạc một màu lạnh lẽo. Dòng người đổ về khu xử án chen lấn để nhìn bằng được khuôn mặt những kẻ giết người phi tang cướp của đang đứng trước vành móng ngựa. Tôi cũng tìm cho mình một chỗ để theo dõi phiên tòa. Ba khuôn mặt non choẹt xanh xao đưa đôi mắt sẫm màu u buồn tìm người thân. Hàng ghế trên, những khuôn mặt khắc khổ, nhăn nheo. Những đôi mắt và khuôn mặt nhòe nhoẹt nước, những bàn tay lặng thầm kéo vạt áo lên lau đi những giọt đau. Không có tiếng khóc, chỉ có nước mắt và những cái cúi đầu… Tiếng loa vang lên, giọng vị thẩm phán chùng xuống mà vẫn đanh sắt lại: Một tử hình, một chung thân và một hai mươi tám năm. Tất cả lặng đi. Một không khí lạnh ngắt bao trùm trong một quãng thời gian dù rất ngắn. Những tiếng thở dài buông thõng khắp mọi nơi.
- Anh ơi…ơi…ơi…!
Tiếng gọi xé cả căn phòng, cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi lao vút lên phía các phạm nhân. Nó lao về phía tội phạm nhận bản án tử hình. Mặc cho hai người công an lôi ra, nó vẫn cố hết sức lao vào. Chiếc xe chở phạm nhân mở sẵn cửa, các phạm nhân được đưa ra ngoài. Đâu đó đã có những tiếng nấc đau đớn: Con ơi…!
Cậu bé vừa khóc vừa như lấy hết sức lực để lao lại bằng được với người anh nhận án tử hình của nó. Thân hình gầy tong nhỏ bé của nó nhanh như sóc chui lách giữa những người công an rồi ôm cứng lấy anh… Tử tù khụy xuống, khuôn mặt thanh tú trắng bệch khóc nấc lên. Cậu em ôm chặt lấy anh gào khóc, nó van xin nức nở: “Chú cho cháu ôm anh cháu tí thôi … Chú ơi, chú mở còng cho anh cháu ôm cháu tí thôi; Chú ơi…cháu xin chú, cháu xin chú, một tí thôi…”. Kẻ tử tù choàng đôi tay bị còng qua cổ em trai nhanh như cẳt rồi ôm chặt lấy. Không ai cầm được nước mắt trước sự việc quá bất ngờ này. Chiếc xe chở tội phạm sập cửa, chốt khóa và từ từ chuyển bánh, cậu bé lại vủng khỏi tay người thân lao theo đập đập vào cửa xe…. “Anh ơi…anh ơi”…. Dòng người giãn dần, chiếc xe chạy nhanh hơn, đôi chân nó cũng chạy nhanh hơn…Nó cắm đầu cắm cổ lao theo chiếc xe… chiếc xe vù đi, chỉ còn nó liêu xiêu giậm chân giậm cẳng rồi đổ sụp xuống trong khói bụi…
Tôi chuyển về trường mới.. Bước vào lớp, học trò háo hức đón chào. Những ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười hồn nhiên. Tôi đưa mắt bao quát một lượt những gương mặt học trò của tôi và chợt sững lại ở bàn cuối cùng… Cậu học trò một mình một bàn với đôi mắt buồn sâu hun hút, không cười, chạm ánh mắt tôi cậu ấy quay ra ngoài cửa sổ… Tôi không nhớ mình đã gặp ở đâu nhỉ? Tôi hỏi mọi người về cậu học trò, một đồng nghiệp nói với tôi:
- Nó là con nhà ông X, có thằng anh giết người, tòa xử tử hình mấy năm trước đấy.
Tôi nhớ ra, hình ảnh cậu bé gào khóc bám chặt lấy kẻ tử tù hôm nào rồi đổ sập giữa mịt mù khói bụi trong buổi sáng mùa đông năm ấy trở về. Tự nhiên tôi như muốn khóc, thương đôi mắt buồn sâu hun hút vừa tránh ánh mắt của tôi nhìn về xa xôi…
- Sao cậu ấy lại ngồi một mình?
- Thì có đứa nào chơi với nó đâu.
- Sao lại thế được…?
Một đồng nghiệp bĩu môi: Đấy, đến phần cô cả đấy. Tôi bắt đầu những tiết giảng văn của mình, những tiết học trôi qua, học trò như quên thời gian… Các bạn ấy bắt đầu chờ đợi những giờ Văn. Tôi và học trò lớp tôi gần gũi, thân thiết nhanh hơn tôi nghĩ. Giờ ra chơi chúng chặn tôi ở cửa lớp để chuyện trò. Niềm vui rộn ràng trong những ánh mắt long lanh. Duy chỉ có Thái, cậu học trò bàn cuối, em trai kẻ tử tù, là chỉ đứng từ xa nhìn lại, đôi mắt cứ lẳng lặng buồn. Đôi mắt trong những tiết học luôn quay đi khi chạm ánh mắt tôi dù bất cứ lúc nào. Tôi kéo học trò lại gần thì thầm:
- Sao bạn Thái không lại đây chơi với cô trò mình mà cứ đứng vơ vẩn một mình dưới gốc cây kia nhỉ?
Không đứa nào nhìn lại phía sau, có lẽ hình ảnh đó đã quá quen rồi. Chúng chụm đầu vào tôi khe khẽ.
- Anh của bạn đấy giết người bị tử hình đấy cô, bố mẹ bọn em cấm chơi với bạn ấy, ở xóm không ai đến nhà hay nói chuyện với bố mẹ bạn ấy đâu cô ạ… Mà bố mẹ bạn ấy cũng chả đi đâu, chả đến nhà ai.
- Thế à, thế mà cô không biết.
- Ai mà nói đụng đến anh của bạn ấy là bạn ấy đánh luôn đấy cô. Bọn em sợ và ghét lắm.
- Ừ, cô biết rồi…
Tôi vẫn lên lớp với những giờ văn, tình cô trò mỗi ngày vun vén thêm bao tin yêu. Bao chuyện buồn chuyện vui bắt đầu thủ thỉ đem ra kể. Đứa thì bố say lùa mấy mẹ con đánh tối ngày, có đêm ngủ ngoài hè mùa đông rét cóng. Đứa thì bố mẹ mất ở với bà, đứa thì không biết bố, chỉ có mẹ thôi nhưng mẹ đi làm nên ở với Bác… Nhiều khi nỗi khổ cực được kể bằng nét hồn nhiên, cứ hất mái tóc, vuốt giọt nước mắt rồi kể. Lòng tôi se sắt buồn, tự nhiên thấy mình chợt nhỏ bé giữa dòng đời khi cần lấp đầy bao khoảng trống thơ dại bên tôi. Tôi bắt đầu cho kế hoạch của mình. Sao lại để cậu học trò cô đơn ngay giữa những trái tim đầy yêu thương được? Tôi ngồi cùng Thái bên bờ sông mênh mông, qua con sông này là ra tới biển. Chiều hoàng hôn buông ráng đỏ miên man theo dòng trôi, những cánh diều trên đê chao liệng trong gió. Thái ngước nhìn những cánh diều, nhìn dòng sông, ánh nhìn xa xăm già dặn.
- Hồi nhỏ chiều nào anh cũng đưa em ra đây chơi cô ạ! Mới nói thế thôi là khóe mắt buồn đã long lanh.
- Anh của em làm diều giỏi lắm cô à, nhà nghèo nên không có tiền mua đâu, toàn anh làm thôi. Nhưng diều của hai anh em lúc nào cũng bay cao nhất.
Tôi khẽ gật đầu. Rồi em kể tiếp, kể hối hả vội vàng như nếu dừng lại thì tôi sẽ không còn ngồi bên cạnh để nghe em kể nữa. Dòng ký ức xối xả buông, lúc nghẹn ngào hân hoan, lúc ngậm ngùi xót xa đầy nước mắt. Ký ức của em là hình ảnh người anh gầy gầy thư sinh, nụ cười hiền và thương em hết mực. Trong ký ức ấy, có con đường trơn trượt, nắng chưa kịp có lối lại đã lầy lội hết cả một mùa mưa. Ai cũng quen với hình ảnh người anh sắn quần cõng em trên lưng mỗi buổi tan trường. Có cánh đồng bao mùa anh lặn lội, có đôi bàn tay nhỏ bé của anh móc cua bầm dập, sưng tấy hết mùa này sang mùa khác. Có đông về lạnh cóng đôi vai gầy vì nhường áo cho em. Có những mùa xuân nối tiếp mùa xuân mong manh áo cũ để dành em cả bộ đồ mới đón giao thừa. Có những đồ chơi kết bằng lá dừa, mỗi lần đeo chiếc đồng hồ bằng lá dừa lên tay em anh lại hứa: “Sau này lớn lên đi làm anh sẽ mua cho hai anh em hai cái đồng hồ giống nhau em nhé”. Ở trong miền ký ức ấy có khói bếp cay mắt những chiều nhớ mẹ đợi cha… Có bữa cơm cà lúc no lúc đói. Về miền ký ức ấy, nước mắt tôi rơi theo những giọt nước mắt của trò .
- Em thương anh em lắm, em thương lắm cô ạ, không hiểu sao anh ấy lại làm vậy. Em không thể hiểu điều gì xảy ra trong cái đêm kinh hoàng đó…
Những dồn nén cứ thế theo nước mắt tức tưởi tuôn. Tôi có cảm giác nỗi đau khổ ấy đang vỡ vụn ra thành ngàn vạn mảnh sắc nhọn trong lòng Thái. Tất cả thật quá sức chịu đựng của em.
- Các bạn không chơi với em cũng được, em một mình cũng được. Không ai đến nhà em cũng được. Em cũng quen rồi. Chỉ là đừng ai nói đến anh của em. Em muốn tất cả mọi người quên anh của em đi. Một mình em thương và nhớ anh thôi là đủ …
Trời chiều đổ bóng loang một vệt dài tối sẫm trên mặt sông. Những cánh diều đã được thu lại, chỉ còn một bóng chim chiều mải miết đơn độc trên cao. Tôi vẫn âm thầm thực hiện kế hoạch của mình. Hết học kỳ một, lớp tôi không còn cậu học trò ngồi một mình ở bàn cuối, không còn cậu học trò lang thang vơ vẩn trên sân trường chả biết đứng vào đâu trong những giờ chơi. Ánh mắt đã bớt buồn, nụ cười đã trở về trên khuôn mặt già trước tuổi của cậu học trò nhỏ. Nhìn Thái giữa bạn bè, lòng tôi thật an yên. Thực ra những điều ấy phải thuộc về Thái, cậu ấy có lỗi gì đâu. Chỉ là cuộc đời nghiệt ngã đã lấy đi và tôi chỉ đưa tất cả mọi thứ về đúng chỗ mà thôi. Mỗi ngày qua đi, nghĩa tình buộc chặt Thái bên tôi. Cậu ấy học tốt dần lên. Nhìn cậu học trò luôn dành phần nặng nhọc trong những ngày lao động, tay quẹt mồ hôi, khuôn mặt lem nhem, cái dáng vội vàng để kéo bạn trượt chân bị ngã rồi xoa xoa vết đau của bạn khiến tôi nghèn nghẹn. Buổi học hôm ấy tôi không có giờ, vừa tan trường một tí thì thấy mấy học trò hớt hải lên nhà tìm tôi.
- Cô ơi,bạn Thái đánh bạn Hùng lớp B, kiểu chi mẹ bạn Hùng cũng đến chửi nhà bạn Thái. Bố bạn Thái sẽ đánh bạn khiếp lắm cô à.
Tôi hối hả lấy xe, chở thêm cô học trò chỉ nhà. Tôi cũng chưa đến nhà Thái lần nào.
Người phụ nữ đứng trước cửa nhà Thái khuôn mặt phừng phừng đang xỉa xói: “Cái loại khốn nạn không biết dạy con. Còn đứa nữa định để nó đi ăn cướp giết người nữa à”… Vừa thấy tôi là chị ấy lôi thằng con lại: “Đây, cô xem, nó đánh con tôi sưng mặt bầm môi lên thế này à. Cái loại con nhà khốn nạn rứa chứ…”
- Chị bình tĩnh, có gì chị vào nhà nói với bác ấy.
- Tôi vào làm gì cô, cái loại cả làng cả nước không ai thèm nhìn mặt…
- ….
- ….
- Thôi, chị cứ về đi, có gì mai em trao đổi lại với chị. Để em vào xem sao.
Thái đang dúm dó ở góc hè, chiếc roi mấy vun vút quật xuống thân hình gầy còm của em. “con xin bố, con đau lắm bố ơi, con xin bố” . .
Người bố vẫn nghiến răng vụt “Tao khổ lắm nhục lắm rồi, có biết không con ơi… trời ơi, trời ơi, trời ơi”. Cứ mỗi tiếng “trời ơi”, chiếc roi lại quật xuống đầy đau đớn. Tôi bàng hoàng trước cảnh tượng đó, run lên rồi ngây đơ ra. Rồi như sực tỉnh, tôi lao lại giữ chặt cánh tay đang giơ roi lên nói không ra tiếng: “Anh đừng đánh cháu nữa”. Bố Thái quay lại nhìn tôi đang khóc như mình bị đánh sững lại rồi buông roi. Tôi chạy lại phía Thái, em ôm chặt cứng lấy tôi, những vết lằn ngang dọc tứa máu trên người.
- Cô ơi… cô ơi…!
Bố Thái ngồi sụp dựa lưng vào cây cột nhà nham nhở vết bong tróc, khuôn mặt khắc khổ đen sạm, từ đôi mắt trũng sâu đùng đục những giọt nước mắt ngấm vào những vết nhăn hằn sâu trên má ông. Ông ôm ngực ho rũ rượi. Thái buông tôi lao lại đỡ bố rồi vuốt vuốt ngực. Khuôn mặt ông tím tái, bàn tay co quắp cứng đơ. Thái cuống cuồng đặt bố nằm thẳng xuống day lồng ngực, nắn nắn đôi tay luôn miệng gọi bố ơi. Một lúc thì ông ho lại được, những cơn ho dài như móc ruột móc gan.Mẹ Thái hớt hải từ đồng chạy về, bàn chân còn lấm bùn, bà giang đôi cánh tay gầy quắt khô ôm con ôm chồng rồi khóc. Căn nhà hoang lạnh, trống trải bơ vơ. Tôi mời cô giáo chủ nhiệm lớp B, phụ huynh và cậu học trò bị đánh vào cuối buổi học. Thái ngồi cạnh tôi run rẩy, những vết roi tứa máu phồng rộp ngang dọc trên hai cánh tay.Một làn roi vút dọc in từ trán xuống cằm…
Chẳng hiểu sao tôi không khóc mà nước mắt cứ giàn dụa, càng cố càng không được. Tôi liên tục lau nước mắt, thở sâu. Thế nhưng không hiểu sao vẫn không được. Nói được mấy câu lại nghẹn lại….Thái cũng khóc, rồi tự nhiên chẳng hiểu sao cô chủ nhiệm lớp B cũng khóc, cậu học trò bị đánh cũng khóc và bà mẹ cậu học trò bị đánh cũng rưng rưng. Tôi không nói nổi, cứ khóc là không sao nói nổi. Tệ thế chứ. Thái sát lại gần bên tôi thêm nữa rồi cậu ấy nói rành rọt rõ ràng.
- Cháu đánh bạn là cháu sai rồi, cháu xin lỗi bác… xin lỗi cô, xin lỗi bạn.
Thái quay về phía cậu bạn giọng trùng xuống: “Anh tôi xấu nhưng không làm gì đến bạn. Anh ấy sai anh ấy đã đền tội rồi. Xin bạn đừng bao giờ chửi rủa tới anh tôi. Nếu bạn vẫn chửi rủa thì tôi vẫn đánh. Bạn nhớ lấy”. Im lặng trôi đi…
- Tôi nóng tính quá cô à, thành ra….
Bà buông lửng câu nói….nhìn tôi.
….
Cậu học trò bị đánh cũng xin lỗi cô, xin lỗi Thái. Chúng tôi trò chuyện với nhau thật cởi mở chân tình. Ra về bác phụ huynh nắm tay tôi rồi nói:
- Nói chuyện với cô tôi hiểu thêm được nhiều điều. Cảm ơn cô!
Tôi cũng không còn nhớ rõ là lúc ấy tôi nói những gì. Tôi chỉ biết tôi luôn hướng và giải quyết mọi chuyện tôi gặp bằng thứ cảm xúc bật ra trong lòng mình ngay lúc ấy. Cũng không biết những điều tôi nói chạm vào lòng người thế nào. Chỉ biết là sau đó, người phụ huynh có con bị đánh là người hàng xóm đầu tiên bước vào nhà Thái kể từ khi anh trai Thái nhận án tử hình. Một ngày chủ nhật, cả nhà Thái lên gặp tôi. Cho dù tôi cố gắng tạo không khí vui vẻ cũng không sao tạo nổi. Đau khổ và những bất hạnh của cuộc đời đã khiến nụ cười gượng gạo trên khuôn mặt bố mẹ Thái trở nên lạc lõng tội tội.
- Tôi lên để cảm ơn cô, nhờ cô mà con trai tôi đã đổi thay nhiều. Suốt ngày nó nhắc cô, cái gì cũng cô. Tôi cũng thấy ấm lòng cô ạ…
- Hôm nay tôi lên để chào cô, vợ chồng tôi tính kỹ rồi, chúng tôi chuyển đi nơi khác sinh sống làm ăn để cho cháu yên tâm học hành. Ở đây, nỗi khổ không thoát ra được…
Tôi bất ngờ quá, ông nói quả quyết…và tôi hiểu đó đã là quyết định rồi. Thái rơm rớm nước mắt…
- Em không biết nói gì…nhưng cô thật sự quan trọng với em…
Thái đến lớp với chiếc áo sơ mi trắng và quần đen mới tinh. Mái tóc nhẹ xoăn vuốt cao, đôi mắt buồn long lanh, nước mắt cứ trực trào. Tôi chuyển toàn bộ hồ sơ chuyển trường cho em rồi nói với lớp.
- Thái đến để chào tạm biệt các em, cô xin lỗi đã không nói trước với các em vì bạn Thái muốn thế.
- Cả lớp ngơ ngác…: ‘Sao ạ?”
- Bạn theo gia đình đến một nơi khác… (Tôi lại chỉ nói được thế rồi lại không nói được nữa).
Cả lớp khóc rưng rức túm tụm quanh Thái, mấy đứa con gái khóc nấc lên. Thái khóc nhiều, những giọt nước mắt ấm áp và hạnh phúc. Những bàn tay đan chặt, những cái ôm không rời… Có những lúc bao nhiêu yêu thương cũng không kịp cho những đắp đền. Tôi dẫn Thái lên văn phòng chào các Thầy cô, mọi người ai cũng rưng rưng,cậu học trò của tôi nói những lời chia tay nghẹn ngào trong nước mắt. Chỉ có một người đồng nghiệp quay đi tránh ánh nhìn của tôi. Tôi tặng Thái chiếc bút đang viết dở, đó là mong muốn của Thái bày tỏ với tôi. Còn em tặng tôi chiếc khăn len màu đỏ rồi nói:
- Mùa đông cô nhớ giữ ấm, đừng để bị ho nhé.
Sân trường nắng vàng trong veo theo gió lấp lánh dưới tán lá. Bóng cậu học trò nhỏ tinh khôi khuất sau cổng trường. Hình ảnh cậu bé chạy theo chiếc xe tử tù ngày nào chợt mờ xa trong tôi. Tôi biết cậu ấy vừa đi vừa khóc… Học trò lớp tôi vẫn khóc dù tôi đã lau khô nước mắt của mình trước khi bước vào.
- Chúng ta học nhé…!
Thế nhưng tiết học ấy và buổi học ấy lớp tôi không học được. Không hiểu vì sao đứa nào cũng khóc rõ lâu…
- Bạn ấy có viết thư cho cô không?
- Không em à.
- Cô có địa chỉ không?
- Không.
Tôi và học trò lớp tôi mất liên lạc với Thái từ đó, tôi có hỏi thăm nhưng không ai biết. Chúng tôi chỉ còn nhắc Thái trong những giờ chơi, trong những giờ lao động, trong giờ học liên quan đến tình yêu thương, nỗi bất hạnh, sự đồng cảm sẻ chia. Khóa học kết thúc, mỗi trò về mỗi ngả, những lần về thăm tôi cũng không ai biết tin tức Thái ở đâu. Tôi cũng chuyển công tác. Cứ mỗi khi có việc ngang qua triền đê trên bến sông, tôi lại nhớ cậu học trò thưở ấy. Có những lúc tự hỏi thầm: Giờ em nơi đâu? Đã mười ba năm trôi qua….
Chiều nay về nhà, trên bàn có tấm thiệp mời tân gia, tôi nhìn địa chỉ và tên mà không nhớ ra được người mời mình. Nhưng có quý có biết mới mời, nhà tôi cứ có giấy mời là đi, bất kể quen thân đến đâu. Tôi hỏi theo địa chỉ trong thiệp tân gia, con đường mỗi lúc một quen. Tôi bước vào cổng, ngõ nhỏ dẫn vào nhà lát gạch đỏ tươi, hai bên là hoa mười giờ nở rực. Trong nhà rộn rã, Thái đón tôi ngay trên lối đi. Cậu ấy cứ đứng lặng nhìn tôi. “Em già đi nhiều không cô?”… Thái ôm tôi rất lâu, gục đầu vào vai tôi như ngày ấy. Học trò cũ năm xưa cũng có mặt khá đủ đầy. Tôi lại thế, không khóc mà nước mắt cứ lăn dài, nắm tay từng đứa nhắc lại tên. Bố mẹ Thái khỏe hơn nhiều, nụ cười hồi sinh đầy niềm tin sáng trên khuôn mặt đã bớt những khổ đau. Thái bế bé con trên tay và dắt một cô gái giới thiệu với tôi:
- Đây là vợ và con trai em cô ạ!
Cô gái lần đầu tiên tôi gặp khẽ gọi tên tôi: Cô Hoài … Em chào cô! Khuôn mặt tròn trĩnh rạng ngời hạnh phúc.
- Con ôm bác Hoài, cô giáo của ba đi.
Cậu bé nhoài người ôm lấy tôi, hôn lên má tôi: “con chào bác, con yêu bác.”. Tôi bế cậu bé trên tay, hôn lên đôi má bầu bĩnh: “Bác yêu con…”. Tôi cùng mọi người đi thăm hết các phòng của ngôi nhà mới khang trang, tiện nghi đầy đủ. Khu vườn được cải tạo và trồng nhiều cây ăn quả. Trên bậc thềm, những bông hồng ngoại nở rực trong nắng tỏa hương. Thái đưa riêng tôi vào một căn phòng nhỏ, đấy là nơi Thái dành cho người anh trai của mình. Bức ảnh người anh với khuôn mặt thanh tú được đặt ngay ngắn trên bàn thờ. Hoa tươi và trái ngọt được sắp đặt cẩn thận. Phía bên trái là chiếc hộp màu đỏ, Thái mở chiếc hộp cho tôi xem: “Cô ơi, đồng hồ em mua cho anh trai em đấy”. Tôi nhìn chiếc đồng hồ trong hộp rồi nhìn lên tay Thái, hai chiếc đồng hồ ý chang nhau. Hai chiếc đồng hồ cho một lời hứa không thành, hai chiếc đồng hồ thay vào trò chơi bằng lá dừa của anh em Thái ngày xưa. Tôi và Thái dạo trên triền đê dọc dòng sông đang xuôi về biển. Chiều buông nắng vàng rực trên mênh mông sông nước và vời vợi những cánh đồng tít tắp xanh…
- Ngay từ khi ra đi, em đã quyết tâm: Dứt khoát phải trở về cô ạ. Những năm tháng qua, mọi nỗ lực, mọi cố gắng của em luôn có một phần vì cô trong đấy. Với em… cô thật quan trọng cô biết không!
…..
….
Mặt trời chưa khuất núi, trăng đã lên sáng trong bên trời. Buổi chiều chầm chậm êm trôi. Thái đã quay trở về nơi mình sinh ra, nơi lưu dấu bao niềm thương, bao niềm đau và sự cô đơn. Để trở về thực sự, Thái đã phải đi qua những nẻo đường đầy đau khổ, cơ cực đẫm nước mắt và bao đêm không ngủ. Tôi biết em đã cố gắng không phải cho riêng em. Tôi biết nơi trái tim ấy, lẽ sống đang thắp sáng cho một kí ức ăm ắp những kỉ niệm của tình anh em, soi lối cho một linh hồn trót đi lạc vào bóng tối. Lẽ sống đang cháy vì sự hồi sinh niềm tin trong ánh mắt và nụ cười của mẹ của cha. Lẽ sống đang chảy để xóa mòn một bản án khắc nghiệt giữa cuộc đời…
“Phía sau bản án của một người, niềm tin và hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống là điều không dễ dàng có lại được đâu cô… Em chỉ mong cuộc đời bớt đi những bản án khắc nghiệt để niềm đau không về nơi đây…”. Tôi nhớ mãi ánh mắt buồn nhưng đầy nghị lực niềm tin của cậu học trò khi nói với tôi điều ấy.
Theo Chuyện Làng quê