PV: Kính thưa ngài, chúng con vô cùng hạnh phúc khi được diện kiến Ngài, được tiếp đón Ngài trở lại Việt Nam trong chuyến thăm và hoằng pháp lần này. Thời điểm này rơi vào đúng dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, một dịp rất đặc biệt trong năm, xin Ngài hãy chia sẻ một vài cảm nhận của mình về chuyến thăm và hoằng pháp của mình lần này.
Ngài:
Lời đầu tiên, tôi muốn bày tỏ sự tri ân sân sắc đến Giáo hội, đến Chư Tăng, Ni, các vị Pháp hữu tại Việt Nam, những người đã đón tiếp rất chu đáo và nhiệt thành. Tôi rất vui khi được quay trở lại Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tôi đến Việt Nam. Trước đây, tôi đã đến Việt Nam một vài lần rồi. Tôi vui vì được quay trở lại Việt Nam sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và những khó khăn, bất ổn khác đã và đang diễn ra trên thế giới. Thời gian qua mọi người đã không thể đi lại nhiều.
Tôi đã đến Việt Nam được một tuần, và trong một tuần vừa qua, chủ yếu là chúng tôi chia sẻ đến mọi người những gì mà Đức Phật đã dạy, và chia sẻ cả những vấn đề trong cuộc sống. Và những gì chúng tôi chia sẻ không phải là chỉ dành cho những người Phật tử mà cho tất cả mọi người. Không chỉ người Việt, mà tất cả mọi người trên thế giới, có cả những người không theo đạo Phật, họ đều gặp phải các vấn đề bất ổn trong cuộc sống, và mọi người đều muốn có được hạnh phúc, bình an, thậm chí cả các loài động vật cũng muốn được hạnh phúc. Chính vì thế, chúng tôi đến đây để chia sẻ, để nói về hạnh phúc, nói về bình an, và nói về những cách thức để có thể sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, bất luận là mọi người có theo đạo Phật hay không.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiến hành các buổi lễ cầu nguyện để cầu nguyện sự bình an và những điều tốt đẹp nhất cho đất nước và con người Việt Nam. Và đấy cũng là lý do chúng tôi từ Ấn Độ đến đây để chia sẻ với nhiều người, nhiều hội chúng khác nhau.
Trong quá trình chia sẻ của chúng tôi thì không phải lúc nào cũng có những chủ đề cụ thể, mà tùy theo nhu cầu thực tế của mọi người, chúng tôi sẽ chia sẻ những nội dung tương ứng.
Cùng với đó, trong chuyến viếng thăm lần này, chúng tôi còn tổ chức các buổi lễ cúng dường, cầu nguyện cho những người không may đã qua đời vì dịch bệnh Covid-19. Đấy là những gì chúng tôi đang tiến hành và cũng là lý do mà chúng tôi đến Việt Nam lần này.
PV: Kính thưa ngài, như ngài đã chia sẻ, tất cả mọi người đều mong muốn được hạnh phúc, được bình an, ngay cả các loài động vật cũng mong được bình an. Cũng chính vì điều này mà Ngài đã tham gia và đã tiến hành nhiều chương trình hành động bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, giúp đỡ những người khó khăn ở Ấn Độ, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới. Xin Ngài hãy chia sẻ một vài thông tin liên quan đến các chương trình hành động, các công việc mà ngài đã làm về những vấn đề này ở Ấn Độ và trên thế giới.
Ngài: Vâng, bản thân tôi, với tư cách là một người đệ tử của Đức Phật, tôi tin tưởng sâu sắc và nhiệt tâm thực hành theo hạnh từ bi mà đức Phật đã chỉ dạy. Tôi cho rằng, lòng từ bi là thứ quan trọng nhất và cần thiết nhất đối thế giới mà chúng ta đang sống.
Với vai trò là một người hành giả, chúng tôi cố gắng chuyển những lời dạy của Phật trở thành những việc làm cụ thể, những hành động thiết thực trong đời sống.
Nói một cách nghiêm túc, giúp đỡ người khác, cộng đồng xã hội khác và cả các loài động vật, bảo tồn thiên nhiên là điều hết sức quan trọng, bởi vì chúng ta đang sống trong cùng một thế giới. Trong thế giới này, chúng ta phụ thuộc vào nhau. Đức Phật từng dạy rằng, chúng ta cần phải đối xử tốt với nhau, với tất cả mọi người. Không phải vì bạn là người Phật tử nên bạn đối xử tốt với những người Phật tử khác, mà bạn cần phải đối xử tốt với tất cả mọi người, vì chúng ta đang phụ thuộc lẫn nhau.
Ở Ladakh, Ấn Độ, và nhiều vùng khác trên dãy núi Hymalaya, như ở Nepal, Ấn Độ, Bhutan, Sikkim, bất cứ nơi nào có các tu viện của dòng truyền thừa của chúng tôi, có người của chúng tôi, dưới sự lãnh đạo và chỉ dạy của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, vị lãnh đạo tối cao trong dòng truyền thừa của chúng tôi trong hiện tại, chúng tôi đã hoạt động rất tích cực trong việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã trồng hàng chục nghìn cây xanh tại các khu vực xung quanh Hymalaya, đặc biệt là tại Ladakh, một khu vực thuộc núi cao, khô hạn và có nhiều đất trống đồi trọc, bị chặt phá rừng… Nói chung là có nhiều vấn đề đang xảy ra tại Ladakh. Chính phủ có nhiều việc phải làm nên có nhiều nơi Chính Phủ chưa thể lo xuể. Tuy nhiên, ở đó còn có chúng tôi. Mọi thứ sẽ tốt hơn nếu chúng ta làm việc với cả 2 tay. Chúng ta vẫn có thể làm việc bằng 1 tay, nhưng nếu làm bằng cả 2 tay thì sẽ hiệu quả hơn, làm được nhiều việc hơn. Chính phủ Ấn Độ vẫn đang cố gắng tiến hành nhiều chương trình hành động để bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời, bản thân tôi và người của chúng tôi, dòng truyền thừa của chúng tôi luôn có mặt ở đấy, phối hợp cùng với Chính Phủ để bảo tồn thiên nhiên.
Hơn nữa, vì tương lai của Hymalaya, tương lai của thế giới, giáo dục là vấn đề rất quan trọng. Như mọi người có thể thấy, Hoa Kỳ, Australia là những quốc gia lớn mạnh và giàu có. Ở đấy có rất nhiều người giàu có, nhiều người có học vấn cao, có nhiều trường học tốt và đắt đỏ, và cũng có nhiều người thông thái trong việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, họ giỏi trong việc viết lách, nói chuyện, thuyết trình… Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề tình cảm, về cách mà chúng ta thể hiện tình cảm của mình đối với người khác, giúp đỡ người khác, thì vấn đề này lại đang bị thiếu hầu như khắp mọi nơi, ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhìn chung, họ là những người rất thông minh, nhưng cũng vì sự thông minh ấy mà họ đã phá hoại thế giới. Họ thật sự rất tài giỏi và với sự tài giỏi của mình, họ lại phá hoại thế giới nhiều hơn, nhanh hơn. Đúng ra, họ nên dùng sự thông minh, tài giỏi đó vào việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và giúp đỡ cộng đồng, được như thế thì thật sự rất tốt. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Cho nên, điều quan trọng là chúng ta cần phải giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay để các em có hiểu biết đúng đắn và hành động đúng đắn hơn. Thế giới ngày nay đang trở thành thế giới công nghệ số. Mọi người đều sử dụng các thiết bị số, điện thoại thông minh, họ dành nhiều thời gian cho việc lướt web, sử dụng mạng xã hội, cho nên họ ít có sự kết nối với thế giới xung quanh, với môi trường tự nhiên. Do vậy, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh hoạt động giáo dục. Tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ hôm nay chính là nhưng người lãnh đạo trong tương lai, họ sẽ là những người bố, người mẹ trong tương lai. Cho nên, tại Ấn Độ, ở vùng Hymalaya, chúng tôi đã trò chuyện với rất nhiều học sinh, sinh viên, chúng tôi cố gắng kết nối với các em và giúp đỡ các em, để các em có được một vị thế tốt hơn trong cuộc sống. Đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng chỉ dạy cho các em về đời sống chơn chánh. Chúng tôi còn có một trường học của riêng mình, và hiện có hơn 900 em học sinh đang theo học.
Đối với các loài động vật, chúng tôi cũng có nhiều chương trình hành động để bảo tồn và bảo vệ các loài động vật. Đặc biệt là ở vùng núi Hymalaya, con người sống cùng với động vật, thiếu các loài động vật thì con người không thể tồn tại được. Thậm chí, ngay tại các thành phố cũng vậy, không có động vật thì con người cũng không thể tồn tại được. Cụ thể là nếu không có động vật thì mọi người không có thịt để ăn, không có sữa để uống, không có phô-mát để dùng, nhưng nhiều người chưa hiểu được điều này. Chỉ khi nào có những tình huống vô cùng khốn khó nảy sinh thì người ta mới hiểu được vấn đề này. Bây giờ mọi người chỉ nói về phô-mát, thức ăn, bánh, kẹo, sô-cô-la,… mọi thứ dường như rất dễ có được. Nhưng nếu chúng ta nhìn xa hơn, nghĩ sâu hơn, thì có thể đến 70%-80% những thứ chúng ta sử dụng hằng ngày là đến từ động vật. Cho nên, động vật là một phần thiết yếu trong đời sống con người. Chính vì thế chúng ta cần bảo vệ động vật và thể hiện lòng thương yêu, sự tôn trọng của mình đối với các loài động vật.
Ở Hymalaya, chúng tôi có nhiều hoạt động để thể hiện sự tôn trọng và lòng thương yêu đối với các loài động vật. Nhưng hiện tại thì thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và sự tôn trọng, yêu thương của con người đối với các loài động vật đang có xu hướng sụt giảm. Động vật đang được đối xử như là một loại thức ăn, một thứ vật dụng, chứ không phải là một sinh vật. Tôi cho rằng, bảo vệ động vật cũng là một vấn đề rất quan trọng đối với tương lai của chúng ta, cho nên chúng tôi có nhiều dự án để bảo vệ động vật, không chỉ là đối với các loại động vật phổ biến trong khu vực, mà cả những loài động vật quý hiếm. Tại vùng Hymalaya, hiện nay có một số loài động vật không còn tồn tại nữa, chúng dường như đã bị tuyệt chủng. Cho nên chúng tôi cũng đang cố gắng để bảo tồn các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Thực ra, những gì chúng tôi đã và đang thực hiện là đều dựa trên những lời Đức Phật đã dạy, dựa trên tinh thần của đạo Phật, chứ không phải dựa vào khoa học, dựa vào y học, dựa vào chính trị, hay là bất cứ thứ gì khác. Tất cả đều dựa trên những lời dạy về lòng từ bi của Đức Phật, và được thể hiện bằng những hành động cụ thể khác nhau. Như một người mẹ, bằng tình thương yêu của mình đối với con, người mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng con, nhưng người mẹ có thể thể hiện tình yêu thương đó theo nhiều cách khác nhau, thậm chí có khi người mẹ còn la mắng, than trách con, đánh con, tranh luận với con... Dù người mẹ thể hiện nhiều cách khác nhau, nhưng đều xuất phát từ tình mẫu tử.
Có người hỏi tôi rằng: “Thầy là một nhà tu hành, tại sao thầy không ở yên trong tu viện, đóng cửa phòng của mình lại và tọa thiền?”. Vâng, điều đó là quan trọng đối với một người tu sĩ, nhưng tôi cho rằng, trong thời đại ngày nay, mọi người cần nhiều thứ. Những lời dạy của Đức Phật là rất cần thiết đối với mọi người, và những lời Phật dạy cần chuyển hóa thành những hành động thiết thực, cụ thể trong đời sống xã hội, chứ không phải chỉ để cho những vị Tăng, Ni tu tập trong các tu viện. Ngay tại Việt Nam, chúng tôi cũng đang dần dần hiện thực hóa giá trị từ những lời Phật dạy vào trong cuộc sống của mọi người. Chúng tôi hy vọng là có thể góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, chung tay vì một Việt Nam tốt đẹp hơn trong tương lai.
PV: Thưa Ngài, như ngài đã chia sẻ, hiện Ngài đang quản lý và điều hành một trường học ở Ladakh, xin Ngài chia sẻ thêm về chương trình và nội dung giáo dục của nhà trường ở Ladakh. Ở đấy, nhà trường có chương trình hay nội dung giáo dục nào đặc biệt không, xin Ngài vui lòng cho biết thêm về vấn đề này.
Ngài: Vâng, như tôi đã chia sẻ ở trên, giáo dục là vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm. Trường của chúng tôi tọa lạc tại Ladakh, đây là một vùng núi hẻo lánh, xa cách với các đô thị ở Ấn Độ. Cho nên, nhiều người, nhiều trẻ em ở Ladakh không được tiếp cận với nền giáo dục, không được đi học. Chính vì thế, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa nhận thấy cần phải phát triển giáo dục ở Ladakh, và chúng tôi đã xây dựng trường học ở đấy. Cách đây hơn 20 năm, lúc nhà trường mới bắt đầu đi vào hoạt động, thì trường chỉ có 80 học sinh, đến nay thì nhà trường đã có đến 950 học sinh đang theo học.
Khi chúng tôi thành lập ngôi trường, chúng tôi đã chủ trương xây dựng ngôi trường trở thành trường học thân thiện với môi trường. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi không sử dụng bất kỳ viên gạch, hay thanh kim loại nào cả. Tất cả những vật dụng chúng tôi dùng để xây dựng ngôi trường đều được lấy từ nguồn tại nguyên sẵn có trong vùng, chẳng hạn như là cát, đá, gỗ… Nói chung là chúng tôi sử dụng các nguồn vật liệu tại chỗ chứ không sử dụng vật liệu được vận chuyển từ các nhà máy trong quá trình xây dựng. Đấy cũng là lý do khiến trường của chúng tôi đã dành được nhiều giải thưởng cao quý do nhiều tổ chức trên thế giới trao tặng, như là giải thưởng “Ngôi trường đẹp nhất trên thế giới”, “Ngôi trường xanh nhất trên thế giới”… Với sự nỗ lực và cố gắng làm việc nhiệt tâm của nhiều người, chúng tôi đã xây dựng ngôi trường xanh, thân thiện với môi trường như thế. Ngay đối với học sinh, chúng tôi cũng cố gắng định hướng cho các em một lối sống xanh nhất có thể. Học sinh của chúng tôi không được phép mang các vật dụng được làm bằng nhựa đến lớp, chẳng hạn như chai nhựa, túi nhựa,… và ngay cả kẹo cao su cũng không được phép ăn trong khuôn viên trường.
Và đối với chương trình dạy học, giáo dục trong nhà trường, chúng tôi đưa các nội dung giáo dục lành mạnh, tích cực vào để dạy cho học sinh. Với những nội dung, vấn đề có nguy cơ gây tổn hại đến đời sống của học sinh trong tương lai thì chúng tôi cố gắng chuyển tải những nội dung đó theo hướng tích cực hơn. Trong quá trình dạy học, chúng tôi cố gắng trò chuyện với các em nhiều hơn là dạy các em về vấn tình thương yêu của cha mẹ dành cho con. Vào đầu buổi sáng mỗi ngày học trong tuần, chúng tôi dành khoảng 20 phút để giáo viên trò chuyện với học sinh về sự quan trọng và tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái, chia sẻ với các em cách mà các em thể hiện sự tôn trọng đối với cha mẹ, về cách con cái đối xử tử tế với cha mẹ trong hiện tại và tương lai, về cách mà học sinh giúp đỡ người khác, giúp đỡ ông bà, cha mẹ, giúp đỡ cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong trường của chúng tôi, chúng tôi luôn chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới, chúng tôi bảo vệ và tôn vinh phụ nữ, không có sự phân biệt giữa nam giới và nữ giới. Tôi thấy việc phân biệt đối xử, đánh giá thấp thân phận người phụ nữ hiện vẫn còn diễn ra ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở Hymalaya, cụ thể là ở Ladakh, người dân từng có văn hóa phân biệt đối xử. Trong cộng đồng thì người phụ nữ luôn ở vị thế thứ 2, đứng sau người đàn ông, đàn ông luôn luôn là số một, được ưu tiên hàng đầu. Khi đi đâu hay làm gì, nói chuyện với ai thì luôn hướng đến người đàn ông đầu tiên. Lãnh đạo cộng đồng, lãnh đạo tập thể phải là đàn ông. Khi có sự phân biệt giới tính như thế thì bình đẳng giới không có mặt, sự biểu hiện của tình yêu thương cũng thiếu đi sự công bằng, những cơ hội trong cuộc sống cũng không được trao một cách bình đẳng đến với tất cả mọi người. Cũng chính vì thế mà trong trường của chúng tôi, chúng tôi đón nhận nhiều học sinh nữ vào học hơn so với nam, và phần lớn giáo viên trong trường của chúng tôi là phụ nữ.
Tại Ladakh, chính bản thân nhiều người phụ nữ, nhiều bé gái nghĩ rằng, họ sẽ không bao giờ có cơ hội để phát triển và trở thành người có uy thế, bởi vì họ cho rằng họ là phụ nữ, chỉ người nam mới có cơ hội thành công. Đấy là những gì họ nghĩ. Theo tôi thì điều đó là không nên có. Chúng tôi đang cố gắng tạo cơ hội cho người nữ được phát triển và khẳng định bản thân, từ đó mọi người sẽ nhận thấy rằng, người nữ cũng có thể gánh vác tất cả mọi việc trong xã hội. Bình đẳng giới là rất quan trọng, chúng ta cần tôn trọng tất cả mọi người. Trong giới tu hành tại Ladakh cũng vậy, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đang tạo cơ hội cho nhiều người nữ xuất gia tu tập, trở thành nữ tu sĩ Phật giáo, và trở thành những hành giả tu học theo giáo pháp của Phật. Trước đây, ở Ladakh cũng như ở vùng Hymalaya, Ni giới rất hiếm thấy, rất ít người nữ xuất gia trong Phật giáo, chư Tăng thì phổ biến hơn. Tất cả các tu viện lớn ở đấy đều do các vị Tăng sĩ lãnh đạo, điều hành. Hiện tại thì ngày càng có nhiều người nữ xuất gia, trở thành các vị nữ tu sĩ Phật giáo tu học trong giáo pháp của Phật và họ còn được đào tạo rất bài bản.
Bình đẳng giới hiện đang là một dự án mà Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và dòng truyền thừa của chúng tôi, người của chúng tôi đang theo đuổi. Và tôi là người đã và đang hiện thực hóa triết lý bình đẳng giới bằng những hành động cụ thể.
PV: Thưa Ngài, ngài đã đến Việt Nam được hơn 01 tuần, và Ngài cũng đã từng đến Việt Nam nhiều lần trước đây, Ngài nghĩ như thế nào về việc tu tập và thực hành giáo pháp của người đệ tử Phật ở Việt Nam?
Ngài: Chúng tôi đến từ Ladakh, Ấn Độ, nên những truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ của chúng tôi khác xa so với truyền thống và văn hóa, ngôn ngữ của người Việt Nam. Khi đến Việt Nam, chúng tôi thấy rất nhiều thứ khác biệt so với chúng tôi, và điều đó là đương nhiên, chúng không thành vấn đề. Điều đáng ghi nhận là chúng tôi thấy người Việt Nam rất kính trọng Đức Phật, và nhiệt thành thực tập giáo pháp của Phật. Nhìn chung, người Việt ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới đều rất mộ đạo. Thực tế thì rất nhiều người ở các quốc gia khác cũng rất mộ đạo, nhưng vì thế giới thay đổi nhanh chóng, cuộc sống bận rộn nên nhiều người không có thời gian để tu tập, để trau dồi bản thân để mỗi ngày một tốt hơn. Nhiều người chỉ biết dồn hết tâm sức vào việc làm và kiếm tiền mà thôi. Nhưng ở Việt Nam thì tôi luôn thấy có rất nhiều người mộ đạo và nhiệt tâm thực hành giáo pháp của Phật. Tôi hy vọng rằng, với sự mộ đạo và nhiệt tâm tu tập đó, người Việt sẽ tạo ra được một tương lai tốt đẹp hơn, hòa bình và hạnh phúc hơn. Và đấy cũng là một trong những lý do mà chúng tôi đến đây, chia sẻ những giá trị tốt đẹp từ trong kho tàng giáo pháp của Phật đến với mọi người. Có một số nơi người ta cũng đã mời tôi và thầy của tôi đến thăm và chia sẻ giáo pháp, nhưng khi chúng tôi đến thì họ thường rất bận rộn trong việc kiếm tiền, thay vì nhiệt tâm trong việc tu tập để chuyển hóa tâm thức, và kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn. Theo tôi, người Việt rất là đáng quý, họ luôn sẵn lòng học hỏi và tiếp thu những điều tốt đẹp, họ muốn làm được nhiều thứ tốt đẹp hơn, họ muốn thay đổi, họ muốn học và trở nên tốt hơn từ những lỗi lầm của bản thân. Chính vì thế mà chúng tôi đã đến Việt Nam hết lần này đến lần khác. Người Việt rất là đặc biệt trong đời sống tâm linh và tu tập.
Hơn nữa, dòng truyền thừa của chúng tôi tại Việt Nam cũng đang cố gắng tạo ra nhiều nét tương đồng trong các khía cạnh văn hóa, truyền thống và cả phương thức tu tập giữa Việt Nam và Ấn Độ. Và tôi cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có mối liên hệ với nhau, mà chúng ta đã có mối liên hệ với nhau từ nhiều kiếp trước cho đến hôm nay.
Xin cảm ơn ngài vì đã dành thời gian, trả lời cho buổi phỏng vấn này và chia sẻ nhiều điều ý nghĩa. Kính chúc ngài có một chuyến thăm và hoằng Pháp tốt đẹp tại đất nước của chúng con.