Hát trống quân làng Hữu Bổ thường được biểu diễn tại Sân Đình.
Làng Hữu Bổ trước đây có tên Kẻ Giỏ, thuộc xã Xứ Nhu nay là Kinh Kệ. Điệu hát Trống quân chính xác có từ bao giờ cũng không ai nắm rõ, chỉ biết rằng những câu hát vui tươi được biểu diễn trong dịp hội làng, đêm trăng sáng và lưu truyền, truyền miệng đến tận bây giờ, trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong những dịp trọng đại của dân làng Hữu Bổ, làm cho ai đi xa cũng phải nhớ nhung, lần theo câu hát, thôi thúc tìm về nguồn cội, quê hương. Theo truyền thuyết của làng Hữu Bổ hát Trống quân có từ thời Hai Bà Trưng kháng chiến chống quân Đông Hán. Bà Trưng Trắc đóng quân ở làng Hữu Bổ rồi cùng Trưng Nhị chỉnh đốn quân ngũ, luyện quân tập trận. Trong những giờ nghỉ ngơi, nam binh thường chơi trò đấu vật, nữ binh vừa hát đối đáp, vừa gõ trống hiệu làm nhịp cho vui. Điệu hát ấy gọi là “hát Trống Quân”. Cũng bởi lẽ đó, đạo cụ chính khi hát Trống quân là trống.
Hát Trống quân làng Hữu Bổ có cả nam và nữ tham gia biểu diễn, đứng thành 2 hàng dọc đối nhau. Ở trên cùng sẽ có đôi nam nữ vừa đánh trống cái vừa hát giống như người cầm chương để đôi bên nam nữ hát theo. Điểm đặc biệt của làn điệu này là không sử dụng tiếng phách gõ vào thành trống. Mỗi một tiết mục hát Trống quân sẽ trải qua 6 chặng hát là: Lập đám, Ghẹo hỏi, Xe kết, Thách cưới, Đố, Chua, Giã… Trang phục khi biểu diễn của làn điệu này mang hơi hướng của người dân vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ xưa; nam mặc áo the khăn xếp, nữ vận áo bà ba bên ngoài áo yếm và váy đụp.
Đôi nam nữ đánh trống cái đứng giữa được xem là những người cầm chịch giữ cho nhịp hát được nhịp nhàng.
Từ những câu nói thường ngày qua âm điệu ngân nga, luyến láy mượt mà của người hát mang đến cảm nhận mộc mạc, chân thành và chứa đựng trong đó một kho tàng quý giá về tri thức sáng tạo dân gian, những hiểu biết của quần chúng lao động được tích lũy thành những kinh nghiệm trong quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội. Đó là những tri thức, kinh nghiệm dân gian được đúc rút từ bao đời lao động sản xuất, ứng xử cộng đồng, tình yêu đôi lứa, cuộc sống… Trước những năm 2010 hát Trống quân làng Hữu Bổ được duy trì hàng ngày, tháng bởi các cụ cao niên trong những đêm trăng rằm vẫn tập trung nơi mái đình cùng nhau ca hát và trong những dịp hội làng. Năm 2010, Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca làng Hữu Bổ được thành lập, điệu hát Trống quân có cơ hội được lan truyền, gìn giữ, phát triển sâu rộng hơn. Bà Lê Thị Thiết - Nghệ nhân văn nghệ dân gian làng Hữu Bổ, xã Kinh Kệ cho biết: “Từ khi câu lạc bộ được thành lập, chúng tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để tập luyện, trao truyền, biểu diễn, giao lưu với các đơn vị trong và ngoài huyện. Đặc biệt hàng năm vinh dự được tham gia biểu diễn trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, càng làm cho chúng tôi thêm yêu làn điệu của quê hương và thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, trao truyền cho thế hệ mai sau…”.
Hát Trống quân Hữu Bổ tuy còn chứa đựng nhiều nét thô sơ, mộc mạc nhưng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng, nâng cao trình độ thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật. Đó là kho tàng tri thức dân gian của người dân Đất Tổ, góp phần bổ sung thêm cho kho tàng tri thức của dân tộc Việt Nam. Rời làng quê anh hùng khi nắng chiều thu đã bớt vàng trên những luống rau, ruộng bí đang thì mơn mởn, bên tai chúng tôi vẫn nghe văng vẳng câu hát mượt mà, tình tứ trong bài Trống quân giao duyên:
“Trống quân anh hát sân đình
Nào ai có nghĩa có tình về đây
Trống quân em hát thờ vua
Em chẳng đi đùa với chúng anh đâu
Qua cầu ngả nón vào đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu…”