Phú Thọ: Độc đáo nghề đánh cá bống trên sông Lô

Khi gió mùa đông Bắc tràn về, thời tiết chuyển lạnh cũng là lúc người dân làng Vân Cương, xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng lại dong thuyền đi đánh cá bống trên sông Lô. Không giống với những nơi khác, nghề đánh bống của làng Vân Cương có nét độc đáo riêng, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Màn đánh bống được may từ những chiếc màn tuyn cũ gắn vào ba cây tre nhỏ tạo thành thế chân kiềng cắm xuống bãi.

Không ai trong làng nhớ nghề này có từ bao giờ, chỉ thấy các cụ cao niên nhắc đến với câu nói “khi tôi còn nhỏ, đã có nghề này rồi”. Nghề đánh bống là nghề phụ sau vụ nông nhàn ở các xã ven sông Lô thuộc huyện Đoan Hùng. Thường sau khi gieo cấy xong, đàn ông trong nhà sẽ chèo thuyền nan ra sông đánh bống kiếm thêm thu nhập. Nhiều năm trở về trước, với lượng bống dồi dào của sông Lô và giá cả tương đối ổn định, nghề đánh bống đã đem lại nguồn thu đáng kể cho những người dân làng Vân Cương.

ca bong-song-lo1

Ngư dân dùng dây sò để rung lắc lùa bống vào màn

Mùa bống trên sông Lô bắt đầu vào khoảng mùa đông kéo dài đến nửa đầu mùa xuân. Thông thường, ở những nơi khác, ngư dân chỉ dùng đăng chặn dòng để đánh đó hoặc thả lưới bát quái cho bống chui vào, nhưng người dân chài làng Vân Cương lại sử dụng dây sò và màn tự chế để đánh bống. Màn bống được may từ những chiếc màn tuyn cũ gắn vào ba cây tre nhỏ tạo thành thế chân kiềng, ngư dân sẽ phải phán đoán xem khu vực nào có nhiều bống, quan sát chiều gió và dòng nước chảy để cắm màn, việc cắm màn rất quan trọng, quyết định 60% sự thành bại của mẻ bống. Giống cá bống thường sống theo đàn ở tầng đáy vùng nước nông, hễ nhìn thấy ngao, sò, ốc, hến là chúng chạy tán loạn. Lợi dụng nhược điểm này, người dân đã đục lỗ vỏ con sò rồi xỏ vào dây, tạo thành dây sò dài chừng 100m, một người cầm đầu dây sò đi dọc theo bờ, người còn lại bơi thuyền ra xa, thả dây sò theo hình vòng cung. Hai người vừa đi, vừa giật cho dây sò rung lắc để lùa bống về màn.

ca bong-song-lo2

Anh Nguyễn Văn Hoàng, người có kinh nghiệm 18 năm làm nghề đánh bống trên sông Lô cho biết: “Nghề đánh bống đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó. Ai nóng vội thì không thể đi đánh bống được. Với những người đánh bống lâu năm, mỗi mẻ bống có thể đánh được từ 0,3 đến 0,8kg, những mẻ trúng tổ bống có thể đạt trên 2kg. Sau khi bống được mang về, ngư dân đem đến chợ quê hoặc lái buôn sẽ đến lấy sỉ tận nhà với giá từ 80.000 đến 130.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm và kích cỡ bống”.

ca bong-song-lo3

Sau khi lùa bống vào màn, ngư dân sẽ nhấc màn lên lấy rá hớt cá.

Do sống ở những bãi cát vàng ít rong rêu, ít phù sa nên cá bống sông Lô có bụng trắng trong, vây mày xanh thẫm, khác với bống sông Hồng, sông Đà .Cá bống là tuy loài cá nhỏ, sống trong môi trường nước ngọt nhưng được xem là loại thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng. Cá bống có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon như: Bống kho tộ, kho tiêu, chiên mắm, nấu canh chua… được nhiều người ưa thích.

ca bong-song-lo4

Cá bống sông Lô có bụng trắng trong, vây mày xanh thẫm, khác với bống sông Hồng, sông Đà

Ngày nay, do ảnh hưởng của việc khai thác cát, sỏi trên sông nên số lượng cá bống sinh sản ngày càng ít đi, người sống bằng nghề đánh bống cũng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, những hộ dân chài ven sông Lô vẫn lưu giữ những nét độc đáo của nghề đánh bống truyền thống, góp phần giữ gìn những nét đẹp văn hóa của cha ông để lại.

Nguồn: baophutho.vn