Các di sản văn hóa là lợi thế để thành phố phát triển du lịch. Ảnh Mạnh Cường
Việt Nam có 9 Di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO vinh danh thì Việt Trì là thành phố duy nhất trong cả nước “sở hữu” tới 2 di sản, đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Có thể nói, tất cả các di tích, các hoạt động liên quan đến 2 di sản này đều tập trung tại Việt Trì bao gồm Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và hệ thống các đình, đền, miếu cũng như các “báu vật nhân văn sống” là các nghệ nhân truyền dạy Hát Xoan.
Trên địa bàn thành phố hiện lưu giữ 169 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có 52 Di sản văn hóa phi vật thể và 117 Di sản văn hóa vật thể với một di tích xếp hạng cấp đặc biệt Quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 40 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Tất cả các di sản là một tổ hợp gắn liền với những câu chuyện, những truyền thuyết từ thời Hùng Vương dựng nước và giữ nước. Đặc biệt tháng 10/2019, Lễ hội đền Tam Giang, phường Bạch Hạc được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, trở thành một điểm du lịch văn hóa kết hợp du lịch tâm linh của thành phố Việt Trì.
Những năm qua, thành phố đã khai thác mọi nguồn lực để phát triển đô thị mới hiện đại kết hợp với giữ bản sắc văn hóa truyền thống theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Việc thực hiện đề án “Xây dựng đô thị văn minh - văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì giai đoạn 2016-2020” phải đi đôi với đảm bảo các tiêu chí của một thành phố sinh thái, du lịch, bảo vệ môi trường- những tiêu chí cần thiết để Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội. Trong đó quan tâm đến công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di sản văn hoá trên địa bàn thành phố với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nguồn vốn xã hội hóa chiếm khoảng 60%. Hàng năm, thành phố và các phường, xã thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng các di tích lịch sử văn hoá nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại di tích và có biện pháp tôn tạo, tu bổ đối với những di tích đang bị xuống cấp cũng như khôi phục các lễ hội đã bị mai một, thất truyền…
Cơ sở hạ tầng thành phố Việt Trì được đầu tư xây dựng xứng tầm Đô thị loại I.
Từ những lợi thế về văn hóa, cộng với sự phát triển của hạ tầng đô thị, thành phố đã chủ động khai thác “Du lịch tâm linh gắn với di sản văn hóa”, công bố 9 điểm trong 3 tour du lịch “City tour Việt Trì” gồm: Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Làng cổ và đình cổ Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn và các địa điểm trình diễn Hát Xoan làng cổ, các điểm di tích lịch sử khác như Đền Thiên Cổ Miếu (gắn với người thầy giáo đầu tiên của Việt Nam), Đền Bát Nàn đại tướng quân (nữ tướng của Hai Bà Trưng); tour du lịch hàng ngày “Hà Nội - Phú Thọ” đưa vào khai thác đang dần thu hút hàng vạn du khách khi đến với vùng Đất Tổ. Bên cạnh đó, thành phố tập trung khai thác các thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp sạch, các làng nghề thủ công truyền thống. Từ đó, du khách sẽ được trải nghiệm các phương thức canh tác, chế biến sản phẩm nông nghiệp như: Trồng rau tại Tân Đức, cấy lúa tại Minh Nông; làm mỳ, bánh chưng, bánh giầy tại Hùng Lô…
Bà Nguyễn Thu Hiền- Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin thành phố Việt Trì cho biết: Đền Hùng hay Hát Xoan là hai di sản tiêu biểu trong hàng trăm di sản đang hiện hữu trên mảnh đất Việt Trì. Hiện thành phố đang duy trì, phục dựng, tổ chức các hoạt động lễ hội kết hợp với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối trong tỉnh với vùng Tây Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ. Để các di sản văn hóa trên địa bàn Việt Trì trở thành những điểm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, thành phố đã tích cực tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan và qua các sản phẩm, ấn phẩm bản đồ du lịch tiếng Việt, bản đồ du lịch tiếng Anh, bản đồ di sản, quy tắc ứng xử văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Vấn- Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì khẳng định: Phấn đấu đến năm 2020, thành phố thu hút vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 10 - 12%/năm để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch… đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị loại I gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đây cũng là thực hiện 3 khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh văn hóa, tạo cơ sở để Việt Trì sớm trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.