Phú Thọ: Yên Lập nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Là huyện có tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đông, huyện Yên Lập (Phú Thọ) triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và cho học sinh dân tộc thiểu số nói riêng. Nhờ đó, chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên. 

dt1-32a-1629294418.jpgTrao thưởng cho học sinh tham gia đoạt giải giao lưu câu lạc bộ tiếng Anh

Ông Đinh Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Với trên 75% dân số là người dân tộc thiểu số, cùng với phát triển kinh tế, công tác phát triển giáo dục được huyện Yên Lập xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Năm học 2020 - 2021, huyện Yên Lập có 60 trường và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với 810 lớp và 24.364 học sinh. Trong năm học vừa qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục; mạng lưới, quy mô trường, lớp từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho các em học sinh. Đặc biệt, tại các thôn, bản vùng cao, tỷ lệ phòng học kiên cố được xây dựng ngày càng nhiều; cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại.

Ngoài việc xây mới, tu sửa, bổ sung phòng học, phòng bộ môn, từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ, trong năm học vừa qua, các trường học trên địa bàn huyện Yên Lập đã được trang bị 49 máy chiếu, 100 máy tính, 65 tivi phục vụ công tác giảng dạy, học tập với tổng kinh phí đầu tư 4.926.478.000 đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt chỉ tiêu đề ra với 5 trường được kiểm tra công nhận lại chuẩn quốc gia; đồng thời tiếp tục chuẩn bị các điều kiện đề nghị kiểm tra công nhận mới đạt chuẩn quốc gia đối với Trường Mầm non thị trấn Yên Lập; Trường THCS Xuân Viên vào tháng 8/2021 và kiểm tra công nhận lại 10 trường trong năm 2021. Ngoài ra, huyện cũng tập trung chỉ đạo xây dựng 4 trường trọng điểm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trên địa bàn. UBND huyện, các xã, thị trấn đã quan tâm, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho các trường trọng điểm gồm: Trường THCS Lương Sơn được đầu tư trên 7 tỷ đồng; Tiểu học Lương Sơn A: 1,4 tỷ đồng; Tiểu học Thị trấn: 500 triệu đồng; THCS Thị trấn II: 250 triệu đồng. Đồng thời, rà soát, lựa chọn, bổ sung giáo viên cốt cán, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện cho các trường này.

Nhờ tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt chất lượng giáo dục mũi nhọn nên kết thúc năm học chất lượng giáo dục mũi nhọn có khởi sắc, Trường Tiểu học Thị trấn và THCS Thị trấn II đã có học sinh đoạt giải cấp quốc gia qua các kỳ thi, sân chơi trí tuệ do ngành GD&ĐT tổ chức. Trong đó, Trường Tiểu học thị trấn có 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; có 1.095 lượt học sinh đoạt giải, trong đó cấp huyện 884 giải, cấp tỉnh 186 giải, cấp quốc gia 25 giải (tăng 623 giải các cấp so với năm học trước).

dt2-14b-1629294528.jpgCô và trò chụp ảnh với học sinh đoạt thành tích xuất sắc

Trường Tiểu học Lương Sơn A có 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; số lượng giải đạt giải qua các kỳ thi, giao lưu là 233 giải, trong đó cấp huyện 220 giải, cấp tỉnh 13 giải; có 1 học sinh đạt giải Huy chương Vàng và 1 học sinh đạt Huy chương Bạc kỳ thi Giải Toán không biên giới (tăng 119 giải các cấp so với năm học trước). Số học sinh đoạt giải qua các kỳ thi, giao lưu của Trường THCS Thị trấn II cũng tăng lên. Tổng có 210 lượt học sinh đoạt giải, trong đó cấp huyện 196 giải, cấp tỉnh 11 giải và cấp quốc gia 3 giải (tăng 47 giải các cấp so với năm học trước). Điểm bình quân 3 môn thi vào THPT đạt 6,92 điểm. Kết quả khảo sát lớp 9 do Sở GD&ĐT tổ chức được xếp thứ 2/258 trường trong toàn tỉnh. Đặc biệt, tại Trường THCS Lương Sơn, số học sinh đoạt giải qua các kỳ thi, giao lưu được tăng lên với 94 lượt, trong đó cấp huyện 92 giải, cấp tỉnh 2 giải (tăng 55 giải các cấp so với năm học trước).

Công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được quan tâm chú trọng. Hiện nay tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của toàn huyện là 1.710 người. Để đảm bảo số lượng, cơ cấu giáo viên tại các cơ sở giáo dục, huyện đã thực hiện tuyển dụng thêm 15 giáo viên; điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 30 cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học và THCS; điều động, luân chuyển 77 giáo viên, nhân viên trường học… Đồng thời chỉ đạo phòng GD&ĐT và các nhà trường cử cán bộ giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức, nhất là đối với giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022.

Trong năm học 2020 - 2021, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các trường học trên địa bàn huyện Yên Lập đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới nội dung, phương thức dạy học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ học sinh mẫu giáo 5 tuổi ra lớp là 1.892/1.893 học sinh, đạt tỷ lệ 99,95%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cuối năm giảm so với đầu năm; 100% trẻ đến trường được cân đo, theo dõi biểu đồ tăng trưởng và khám sức khỏe định kỳ. Các cơ sở giáo dục mầm non đều thực hiện tốt song song các nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Hiện 100% các trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các trường đều thực hiện hiệu quả phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời triển khai dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo yêu cầu. Trong năm học vừa qua, số học sinh hoàn thành chương trình lớp học, cấp học đạt 98,6%; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học.

Ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi đạt 43,5%. Học sinh tốt nghiệp THCS đạt 98,6%. Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 có 881 học sinh đỗ vào lớp 10 hệ THPT, hệ giáo dục thường xuyên và học nghề trong tổng số 1.251 học sinh, đạt 70,42%.Bậc THPT, tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi đạt 78,3%. Thi tốt nghiệp THPT năm 2021 toàn huyện có 867 học sinh dự thi, 858/867 học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp, đạt 98,96%.

dt3-12c-1629294658.jpgSinh hoạt ngoại khóa của học sinh trường THCS Đồng Thịnh

UBND huyện chỉ đạo phòng GD&ĐT luôn quan tâm chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, đặc biệt đối với cấp trung học cơ sở; chỉ đạo thực hiện rà soát, phát hiện khả năng học sinh; thực hiện phân hóa đối tượng, tổ chức dạy học phân hóa và bồi dưỡng học sinh. Chất lượng giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi, học sinh năng khiếu các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực so với nhiều năm trước. Kết quả kỳ thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc mầm non có 9/9 giáo viên dự thi được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trong có có 5 giáo viên được công nhận xuất sắc; bậc tiểu học có 8/8 giáo viên dự thi được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trong đó có 1 giáo viên dạy Tiếng Anh được công nhận xuất sắc.

Trong năm học 2020 - 2021, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, các cuộc giao lưu, Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh huyện Yên Lập đạt tổng số 132 giải. Đặc biệt, tham gia thi Violympic Toán, Vật lý qua Internet cấp quốc gia có 3 học sinh tiểu học đạt giải, trong đó có 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.Tham gia kì thi Olympic Tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia đạt 4 giải, trong đó có 2 Huy chương Bạc; 1 Huy chương Đồng và 1 giải Khuyến khích.

Kết quả học tập, giảng dạy trong năm học 2020-2021 thể hiện sự thay đổi tích cực của nền giáo dục huyện miền núiYên Lập.Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong năm học vừa qua, trong năm học tới ngành Giáo dục Yên Lập tiếp tục ưu tiên cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Chú trọng công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường học “An toàn- thân thiện- bình đẳng”. Tăng cường siết chặt kỷ cương, nền nếp dạy học, quy chế, nội quy nhà trường.Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục và xoá mù chữ.

“Để bức tranh giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Yên Lập thêm khởi sắc, huyện sẽ tiếp tụctăng cường xã hội hóa giáo dục, huy động tối đa các nguồn lực nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục; đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho giáo viên yên tâm công tác, học sinh yên tâm đến trường. Từ đó, tạo ra những thế hệ mới, có tri thức, góp phầntừng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện” -Ông Đinh Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.