Phú yên - cửa ngõ về Nam

Những biến đông liên tục và quyết liệt trên mảnh đất Phú Yên suốt trong một thời gian dài phần nào cho thấy vị trí hiểm yếu của dãi đất được mệnh danh là “vựa lúa của miền Trung”.

h2-thap-nhan-1625878454.JPG

Tháp Nhạn (Phú Yên)

 

Nếu vùng Quảng Nam xưa (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày nay) là nơi người Việt tạm lưu chân, bồi thêm thực lực trước khi tiếp tục cuộc hành trình Nam tiến gian nan, thì Phú Yên chính là nơi biên trấn địa đầu, trực diện đối mặt với phong ba, bão táp, hun đúc con người trở nên cứng cỏi, dạn dày, sẵn sàng chịu đựng sương gió, nắng mưa.

Ngọn núi Đá Bia sừng sửng trên đường vào Nam ra Bắc đã trở thành nhân chứng của những năm tháng lịch sử đầy biến động.

 Năm 1471, sau cuộc hành binh của vua Lê Thánh Tông vào đến đất Thị Nại, Đồ Bàn, vùng đất từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông hình thành 3 phủ Thăng Hoa (nay là Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định), trong khi đó, phần đất từ Cù Mông đến Đèo Cả (Phú Yên ngày nay) vẫn còn là nơi biên cương binh hỏa suốt một thời gian dài.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng, dần dần khuếch trương thanh thế ở Đàng Trong. Đến năm 1578, chúa  cử Lương Văn Chánh dẫn quân vượt đèo Cù Mông, mở rộng quyền cai quản trên một vùng đất rộng lớn đến tận Đại Lãnh. Năm 1597, Lương Văn Chánh lại theo chỉ dụ của chúa Nguyễn Hoàng, đưa dân vùng Thanh Nghệ, Thuận Quảng vào khai hoang lập ấp.

 Năm 1611, Nguyễn Hoàng lấy đất từ Cù Mông đến Thạch Bi đặt làm phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, thuộc dinh Quảng Nam.

Năm 1629, dinh Trấn Biên được thành lập.

Năm 1771, anh em nhà Tây Sơn bắt đầu khởi nghiệp, không lâu sau họ lần lượt hạ thành Quy Nhơn, tiếp tục đem quân đánh chiếm Quảng Nam, Phú Yên, Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận,...

Liên tục trong khoảng 30 năm sau đó (1771-1800), vùng đất này cũng chứng kiến những trận chiến đẫm máu giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh.

Những biến đông liên tục và quyết liệt trên mảnh đất Phú Yên suốt trong một thời gian dài phần nào cho thấy vị trí hiểm yếu của dãi đất được mệnh danh là “vựa lúa của miền Trung”. Trong công cuộc khai phá xứ Đàng Trong, Phú Yên là nơi nổ ra những xung đột gay gắt giữa những nhóm quyền lợi, tập đoàn mâu thuẩn nhau, mà nổi bật là mâu thuẩn giữa các thế lực cát cứ và khát vọng không gì lay chuyển của cả cộng đồng dân tộc muốn xây dựng một đất nước thống nhất, giàu mạnh. Đồng thời, chính từ những giải pháp và kết quả giải quyết các mâu thuẩn và xung đột đó, vùng đất nầy đã trở thành bệ phóng và nguồn xung lực mạnh mẽ để hoàn thành công cuộc Nam tiến, thống nhất quốc gia.

Theo nhiều tài liệu và truyền thuyết, đất Phú Yên có mối liên hệ mật thiết với một nhân vật khá nổi tiếng thời mở đất là Trấn quốc công Bùi Tá Hán.

Ông sinh năm 1496 ở Châu Hoan, nay là tỉnh Nghệ An, một nhân vật đứng dưới cờ "Phù Lê diệt Mạc" của Nguyễn Kim.

Năm Ất Tỵ (1545), Nguyễn Kim giao cho Bùi Tá Hán nhiệm vụ bình ổn vùng Thừa tuyên Quảng Nam. Triều đình phong cho ông chức Đô tướng, sau thăng Bắc quân đô đốc phủ chưởng phủ sự, tước Trấn quận công, giao trấn nhận vùng Quảng Nam và ông giữ chức nầy cho đến ngày tạ thế (1568). Lúc bấy giờ thừa tuyên Quảng Nam là vùng biên trấn, đồng thời là vùng bàn đạp trong công cuộc Nam tiến của người Việt. Trong suốt 13 năm quản lãnh nhiệm vụ ở đây, Bùi Tá Hán đã thực thi nhiều chính sách thích hợp, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống người dân, sửa đổi nếp sinh hoạt và phong tục theo hướng tiến bộ, phát triển giao thương, giữ sự giao hòa giữa miền xuôi và miền ngược. Rừng Lăng - núi Ông Trấn là những địa danh liên quan đến Bùi Tá Hán được nhân dân gọi tên để tỏ lòng kính trọng ông. Đền thờ ông còn được người dân dựng lên nhiều nơi ở miền tây các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào Nam.

h1-di-tuong-bth-1625878454.jpgDi tượng Bùi Tá Hán tại đền thờ ở thành phố Quảng Ngãi (Tương truyền do một hoà thượng người Phú Yên tạo tác)            

 

Tương truyền, thuở sinh thời, trong một lần Bùi Tá Hán đi kinh lý Phú Yên, có nhà sư ở đây ngưỡng mộ công đức ông đã xin được khắc tượng toàn thân để phụng thờ. Một thời gian sau, có vị quan đầu tỉnh Quảng Ngãi khi công cán ngang qua ngôi chùa đấy, nhìn thấy di tượng liền xin phép nhà sư cho rước về bản quán, nơi con cháu ông dựng làng, mở đất để khói hương, thờ phụng. Bức tượng ấy đến nay vẫn còn tại nhà thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán – một di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, tọa lạc tại thành phố Quảng Ngãi.

Đã tròn 550 năm, kể từ cuộc hành quân Nam tiến của vua Lê Thánh Tông, hơn 4 thế kỷ kể từ khi địa danh Phú Yên xuất hiện, lịch sử đã đi qua một chặng đường dài, với bao nhiêu đổi thay dâu bể. Là vùng đất mới, khi người Việt từ Thanh Nghệ, Thuận Quảng vào đây khai lập, Phú Yên lại trở thành cửa ngõ nâng bước lưu dân dày dạn từ phía Bắc, từ Nam Ngãi tiếp bước về Nam. Một dải miền Trung từ đèo Hải Vân đến đèo Cả, vốn là đất Quảng Nam xưa, nay là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trong đại gia đình Việt Nam thống nhất. Có lắm đổi thay, nhưng cũng có những điều bất biến. Vẫn là bánh bèo, bánh canh, bánh xèo, bánh ít. Vẫn là ngày lễ cầu ngư, điệu hát bài chòi, câu ca bình dân từ lâu rồi đã trở thành dấu chứng của cả vùng Nam Trung bộ:

                               Ai về nhắn với nậu nguồn

                         Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.

LHK