Quảng Nam: Bảo vệ toàn diện Di sản Văn hóa thế giới Hội An

Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) Phạm Phú Ngọc cho biết: Giai đoạn 2020 - 2025, Trung tâm thực hiện 7 nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy bền vững phố cổ Hội An; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc chống xuống cấp nghiêm trọng cho những di tích có giá trị văn hóa, lịch sử cao.



Chùa Cầu - một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: TTXVN


Cụ thể 7 nhóm giải pháp gồm: Chống ngập lụt phố cổ; chống xói mòn, sạt lở; phát triển không gian cảnh quan tuyến phố hướng tới phát triển bền vững; bảo tồn các công trình cổ, công trình cũ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; quy hoạch đô thị nông thôn vùng di sản và phát triển làng nghề; nhóm giải pháp về nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản.

"Những nhóm giải pháp được triển khai đồng bộ, kỳ vọng sẽ bảo vệ di sản trước yếu tố ảnh hưởng về sự phát triển như môi trường, thảm họa thiên nhiên, du lịch, dân cư sống trong khu vực, bảo vệ lâu dài giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, bảo vệ các công trình kiến trúc vốn có và cảnh quan sinh thái của Khu phố cổ Hội An"- ông Phạm Phú Ngọc nhấn mạnh.


Một góc phố cổ Hội An. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN


Theo ông Phạm Phú Ngọc, từ khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999 đến nay, với nhiều nguồn vốn khác nhau, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã hỗ trợ hơn 152 tỉ đồng để trùng tu, bảo vệ khẩn cấp các di sản đang bị xuống cấp.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức quốc tế, kinh phí trùng tu, bảo vệ Di sản Văn hóa thế giới Hội An được trích phần lớn từ hoạt động bán vé cho khách tham quan. Năm 2019, nguồn thu này đạt khoảng 300 tỉ đồng. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng khách tham quan giảm mạnh, khiến nguồn thu này sụt giảm nghiêm trọng.

Thành phố Hội An hiện có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ.