Dịch Covid- 19 gây thiệt hại lớn đối với ngành du lịch tỉnh Quảng Nam. Cả 2 Di sản Văn hóa Thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đều phải đóng cửa cả tháng nay. Thời gian này, chính quyền và ngành chức năng địa phương gấp rút triển khai công tác trùng tu, tôn tạo di tích chờ ngày mở cửa đón khách.
Trùng tu nhóm tháp A, khu Đền tháp Mỹ Sơn.
Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cả trăm công nhân, kỹ thuật và chuyên gia đang tập trung trùng tu các đền tháp A8, A10 và A11 (thuộc nhóm tháp A) và hệ thống tường bao xung quanh.
Do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, từ giữa tháng 3 năm nay, Khu di tích này phải tạm dừng đón khách tham quan. Đây cũng là lúc công việc trùng tu được đẩy nhanh hơn. Ông Lê Văn Cường, chuyên viên phụ trách kỹ thuật bảo tồn thuộc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn cho biết, nhóm tháp A là trung tâm Khu đền tháp Mỹ Sơn, được bao bọc bởi bức tường gạch dày hơn 1 m, trên diện tích gần 3.000 m2. Nhóm tháp A gồm các tháp: A1, A8, A10, A11, A12, A13.
Theo ông Cường, trong năm 2020, được sự thống nhất của các chuyên gia Ấn Độ, các tháp A8, A11 và A10 được ưu tiên trùng tu trước: "Khu A so với các khu khác thì nhiều hệ thống đền tháp hơn, mặt bằng thoáng và rộng hơn, có Đền Mỹ Sơn A1 là ấn tượng nhất tại Mỹ Sơn, và đặc biệt là có 2 cửa là cửa hướng Đông và cửa hướng Tây. Nói chung, xét về mặt tổng thể hệ thống đền tháp nếu còn nguyên vẹn thì khu A có thể nói là quan trọng nhất".
Khu đền tháp Mỹ Sơn xuống cấp theo thời gian.
Dự án trùng tu nhóm tháp A, K, H do Chính phủ Ấn Độ tài trợ 50 tỷ đồng và 10 tỷ đồng từ nguồn đối ứng của Việt Nam. Dự án triển khai trong vòng 6 năm (từ năm 2015 đến năm 2021). Năm 2016, dự án chính thức được triển khai. Các tháp K, H hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc huy động đội ngũ công nhân kỹ thuật, chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam tham gia vào trùng tu nhóm tháp A, cụ thể là A8, A10, A11 cũng như hệ thống tường bao, hệ thống thoát nước thể hiện quyết tâm gìn giữ, bảo tồn các đền tháp quý giá còn sót lại ở Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Do bị sạt lở, hư hỏng nặng nề qua thời gian, bom đạn chiến tranh nên các đền tháp ở khu A, trong đó có đền tháp A10 bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng phần đế tháp. Sau khi hoàn chỉnh trùng tu phần đế sẽ dựng lại 4 trụ trước cửa để du khách dễ hình dung sự uy nghiêm từng trải một thời của các đền tháp ở Mỹ Sơn.
Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai hàng loạt công trình trùng tu, sửa chữa trong thời điểm dừng đón khách tham quan. Trong đó có cầu Cẩm Nam thuộc địa bàn phường Cẩm Nam. Sau nhiều năm xây dựng, chiếc cầu nối đôi bờ Thu Bồn đang xuống cấp trầm trọng.
Dự án xây dựng cầu Cẩm Nam mới với tổng vốn đầu tư hơn 337 tỷ đồng được khởi công xây dựng vào giữa tháng 4 vừa qua. Tuyến đường 607 (đoạn qua địa bàn thành phố Hội An) được xem là “cửa ngõ” vào thành phố cũng được thi công rầm rộ. Thành phố đang hoàn tất thủ tục để khởi công 2 bãi đổ xe, giảm áp lực giao thông khu vực phố cổ.
Tuyến đường vào cửa ngõ thành phố đang được mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, năm nay thành phố dự kiến đầu tư 723 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng thiết yếu như cầu Cẩm Nam, cầu Cẩm Kim, các bãi đổ xe, khu vực đón tiếp khách cũng như hạ tầng đô thị. Nhưng do dịch bệnh nên thành phố cắt giảm hơn 1 nửa nguồn vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, để “dồn sức” cho việc chỉnh trang các tuyến đường khu vực nội thành như đường Hùng Vương, Lê Lợi, thành phố đã tạm dừng thi công một số tuyến đường cũng như vỉa hè khu vực phường Tân An. Bên cạnh đó, thành phố còn tập trung sửa chữa các nhà vệ sinh công cộng khu vực phố cổ, khởi công công trình nhà vệ sinh khu vực Quảng trường do phía Nhật Bản tài trợ.
"Rà soát hết những tuyến đường chỗ nào vỉa hè hư hỏng sẽ dặm vá. Ngay cả mái che Châu Ấn Thuyền bây giờ cũng cho cải tạo, thay đổi do trước đây mái tôn rất xấu giờ làm lại theo kết cấu rất đẹp, dễ thương để tôn tạo không gian giao lưu văn hóa Việt- Nhật. Cố gắng trước khi đón khách trở lại sẽ làm cơ bản hạ tầng trong phố và những hạ tầng thiết yếu để phục vụ du lịch" - ông Sơn cho biết.