Quang cảnh đại hội
TS. Nguyễn Đăng Vũ, Chi hội trưởng nhiệm kỳ 2015-2020 nêu rõ: Hiện nay, Chi hội có 8 hội viên, trong đó có 7 hội viên hiện đang cư trú tại địa bàn thành phố Quảng Ngãi, 1 hội viên là người dân tộc thiểu số, đang cư trú tại huyện Sơn Hà. Tuy hội viên còn ít nhưng trong nhiệm kỳ 2015-2020 các hội viên trong Chi hội thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu, công bố tác phẩm văn hóa văn nghệ dân gian. Trong đó, các công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên khảo của các tác giả được xuất bản theo chương trình dự án, hoặc được tài trợ xuất bản như: Địa danh dân gian Quảng Ngãi; Văn hóa cổ truyền dân tộc - tổng thể và những giá trị đặc trưng của Cao Chư; Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi của Nguyễn Đăng Vũ; Ca dao Quảng Ngãi của Lê Hồng Khánh; Lễ hội đình làng An Hải của Phan Đình Độ; Tín ngưỡng thờ âm hồn của cư dân ven biển Quảng Ngãi của Phạm Tấn Thiên; Văn hóa dân gian Hre của Nga Ri Vê; Lễ hội truyền thống ở Quảng Ngãi của Võ Thị Thảo…
TS. Nguyễn Đăng Vũ, Chi hội trưởng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020
Cùng với việc xuất bản các tác phẩm, các hội viên trong Chi hội đã có nhiều công trình, những bài nghiên cứu về Văn hóa biển đảo Việt Nam; Văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo; Hoàng Sa Trường Sa trong thư tịch cổ của các tác giả xuất bản chung tại các nhà xuất bản và các Hội chuyên ngành Trung ương. Bên cạnh đó, các hội viên còn chủ trì hoặc tham gia thực hiện các đề tài khoa học, như: Sưu tầm, dịch thuật, phân loại và đánh giá tư liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi (Nguyễn Đăng Vũ chủ nhiệm, tham gia thực hiện có các hội viên: Cao Chư, Lê Hồng Khánh, Phan Đình Độ, Phạm Tấn Thiên); Địa chí huyện Bình Sơn (Cao Chư, Phan Đình Độ, Phạm Tấn Thiên...). Ngoài ra, các hội viên trong chi hội tham gia tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế, hoặc hội thảo toàn toàn quốc tại Quảng Ngãi như: Hội thảo "Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á" (hội thảo quốc tế); Hội thảo Công viên địa chất toàn cầu và 110 năm phát hiện Văn hóa Sa Huỳnh (hội thảo quốc tế); Hội thảo Văn hóa biển đảo miền Trung (hội thảo quốc tế); Tại Đà Nẵng như Hội thảo toàn quốc "Văn hóa dân gia với vấn đề biển đảo" (hội thảo toàn quốc); Tại Hà Nội như Hội thảo Nghiên cứu Hán Nôm năm 2019...; Chi hội còn phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức lớp tập huấn sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến văn nghệ dân gian tại Quảng Ngãi hơn 200 học viên tham dự, trong đó có hơn 50 học viên được tập huấn lớp nâng cao, chủ yếu cho các học viên tại Quảng Ngãi, và một số khác ở các tỉnh, thành. Các hội viên cũng tích cực tham gia thực hiện các lớp Truyền dạy dân ca các dân tộc trong tỉnh, như các lớp mở tại Sơn Hà, Sơn Tây,Trà Bồng....; các lớp tập huấn về Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh và Di sản văn hóa Quảng Ngãi tại Thành phố Quảng Ngãi và các huyện Mộ Đức, Tây Trà, Trà Bồng, Tư Nghĩa, Đức Phổ...; Tham gia xây dựng hồ sơ Bài chòi Quảng Ngãi, góp vào nội dung bộ hồ sơ Bài chòi miền Trung Việt Nam được UNESO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Trong nhiệm kỳ các hội viên trong chi hội đã giới thiệu, lập hồ sơ trình Ban chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xét và đã công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 4 nghệ nhân, nâng tổng số Nghệ nhân dân gian trên địa bàn được công nhận danh hiệu này là 6 người; giới thiệu để xét và công nhân hàng chục nghệ nhân dân gian trong tỉnh được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân dân. Chi hội VNDGVN tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh…
Ban chấp hành Chi hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt tại đại hội
Trong nhiệm kỳ 2020- 2025, Chi hội VNDGVN tỉnh Quảng Ngãi đề ra các nhiệm vụ cụ thể đó là: Ngoài việc tự giác nghiên cứu, sưu tầm, các hội viên cần tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo, quảng bá di sản văn nghệ dân gian của địa phương nói riêng, của cả nước nói chung do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức, phát động hoặc do Hội Văn học nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức như tham gia các trại viết, các chương trình tập huấn, các buổi tọa đàm khoa học, các hội thảo khoa học và các buổi sinh hoạt chuyên đề khác. Chú trọng khai thác di sản văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi, vùng biển, đảo. Phấn đấu có 05 -10 công trình chuyên khảo của hội viên được xuất bản. Toàn thể hội viên tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; viết bài nghiên cứu, quảng bá trên các báo, tạp chí ở địa phương cũng như tại các tạp chí chuyên ngành. Phấn đấu có 20 - 30 bài nghiên cứu của hội viên được công bố trên các tạp chí, các hội thảo khoa học. Tích cực gửi công trình tham gia xét giải thưởng hằng năm của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và các hội chuyên ngành phù hợp khác; gửi tác phẩm tham gia Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phạm Văn Đồng; đăng ký đề tài tham gia tài trợ sáng tạo của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Các hội viên tích cực tìm kiếm, giới thiệu, lập hồ sơ cho các nghệ nhân dân gian tiêu biểu trong tỉnh để Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian hoặc Chủ tịch nước xét công nhận Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân. Xét đề nghị kết nạp từ 3 đến 5 hội viên mới và trẻ hóa hội viên trong Chi hội…
Các hội viên Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và các đại biểu dự đại hội.
Chi hội cũng đã bầu BCH Chi hội nhiệm kỳ 2020-2025 với 3 thành viên, TS. Nguyễn Đăng Vũ (Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng) tái đắc cử Chi hội trưởng; đồng thời bầu 3 đại biểu chính thức đi dự đại hội Hội VNDGVN nhiệm kỳ 2020-2025.