Một góc Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi
Tham dự lễ khánh thành với sự có mặt của khoảng 250 khách mời đến từ UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành, BQL Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, chuyên gia, các hợp tác xã du lịch cộng đồng, các cư dân trong khu vực Thành cổ Quảng Ngãi, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh…
Các đại biểu xem Tượng tu sĩ Chăm pa - Phú Hưng niên đại thứ IX- X bảo vật quốc gia tại bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi
Sau hành trình 30 năm nghiên cứu, khảo sát, thăm dò, sưu tầm và khai quật trên vùng biển Việt Nam, Công ty Đoàn Ánh Dương đã nhận thấy giá trị đích thực của di sản và hiểu rõ vai trò của bảo tàng đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc. Hiện nay đa số các bảo tàng đều đang vấp phải một thực trạng ảm đạm, không thu hút đông đảo du khách mặc dù mở cửa thường xuyên và liên tục đầu tư kinh phí chỉnh trang, nâng cấp, thậm chí là xây mới. Nhận thấy, những hoạt động Bảo tàng phải gắn với phát triển du lịch, Công ty Đoàn Ánh Dương đã thành lập Dự án “Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi – giai đoạn 1”để xã hội hóa sân vườn bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi. Ngày 8/8/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định số 1431/QĐ-UBND Quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi (giai đoạn 1). Ngày 24/10/2017, Sở xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng số 37/GPXD cho Công ty Đoàn Ánh Dương khởi công xây dựng các công trình trực thuộc.
Các cổ vật trưng bày tại Trung tâm
Ông Đoàn Sung- Giám đốc Trung tâm giới thiệu các cổ vật trưng bày cho đại biểu tham quan
Các hiện vật tàu đắm cổ Hòn Dầm- Kiên Giang - TK XV trưng bày tại Trung tâm
Hiện vật tàu đắm cổ Phú Quốc- Kiên Giang TK XIV trưng bày tại Trung tâm
Ông Đoàn Sung- Giám đốc Trung tâm giới thiệu mô hình phục dựng tàu cổ được phát lọ và trục vớt
Dự án là loại hình Khu văn hóa đa năng ngoài công lập, nằm trong danh mục xã hội hóa thuộc lĩnh vực văn hóa với diện tích gần 5.000 mét vuông trong sân vườn Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi. Dự án gồm 4 phân khu chính với các hoạt động trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh gồm Nhà trưng bày Di sản văn hóa vật thể, Nhà văn hóa đa năng, Khu nhà Rường cổ Việt và khu văn phòng kết hợp dịch vụ văn hóa. Đồng thời, nội dung thể hiện của những phân khu này cũng là những giá trị nổi bật của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Đúng như tên gọi, dự án hướng đến đưa khu vực này thành Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng dựa trên những thành tựu, giá trị độc đáo của tỉnh. Trong đó, phần cơ bản thể hiện các giá trị địa chất, di sản văn hóa biển; văn hóa đồng bào dân tộc miền núi Quảng Ngãi H’re - Cor - CaDong; văn hóa truyền thống cư dân Quảng Ngãi qua 3 thời kỳ gồm văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Điều này cho thấy rõ chủ ý của dự án hướng đến một sự cộng hưởng với Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh trong tương lai, tạo cầu nối chặt chẽ giữa du khách và bảo tàng.
Nghệ nhân thư pháp Lâm ZDũ Xênh viết thư pháp tại Trung tâm
Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi khánh thành và đưa vào hoạt động với các phân khu chức năng được trưng bày theo nhiều chủ đề hấp dẫn gồm: Hành trình khai quật tàu đắm Bình Châu 700 năm tuổi với việc phục dựng một con tàu nguyên trạng như khi được phát lộ cùng hàng ngàn cổ vật từ thế kỷ 13; Con đường gốm sứ trên biển với bộ sưu tập của 9 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam; Khu Chợ quê với nhiều hoạt động Tết cổ truyền của người Việt như: gói bánh chưng, bánh tét, viết thư pháp… Trải nghiệm trò chơi văn hóa dân gian cùng nghệ nhân nặn tò he, làm gốm, tranh Đông hồ... Các hoạt động này sẽ diễn ra bắt đầu từ khánh thành đến xuyên suốt Tết Nguyên Đán 2020 và thay đổi thường xuyên theo các chủ đề trong tương lai.
Một góc cơ sở làm gốm Sa Huỳnh hoạt động tại Trung tâm
Sau khánh thành, các phân khu sẽ mở cửa với các hoạt động trưng bày, các nền văn hóa được tái hiện qua các hoạt động giúp du khách có những trải nghiệm tốt nhất khi đến Quảng Ngãi.Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi đang thực hiện là một bước ngoặc lớn trong việc phát huy giá trị văn hóa địa phương, một sự kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố bảo tồn và phát triển. Trung tâm đi vào hoạt động sẽ đưa Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi trở thành điểm đến văn hóa nổi bật nhất Thành phố, kích thích nhu cầu hưởng thụ văn hóa thông qua các dịch vụ cơ bản, đem lại một không gian mới sôi động, văn minh hơn.