Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, với quyết tâm đấu tranh, loại bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi trường học, ngành giáo dục nhiều năm qua đã luôn chủ động và tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đưa giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy vào chương trình chính khóa của các cấp học; lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp, xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực pháp luật, kỹ năng về phòng chống ma túy cho đội ngũ giáo viên…
Tuy nhiên, những việc làm đó vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn hiệu quả tình trạng ma túy và thuốc lá điện tử xâm nhập vào trường học. Nhận thức và hành động của học sinh, sinh viên trong trường học vẫn là điều rất đáng lo ngại, đặc biệt là trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, ẩn dưới nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, trà sữa, bóng cười,… cùng thủ đoạn tinh vi của các nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Ông Nguyễn Trọng Bé, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, tại Nghệ An, với đặc thù là một tỉnh có diện tích rộng lớn, địa hình đồi núi phức tạp, những năm qua, công tác phòng, chống ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Trên địa bàn, có tình trạng học sinh sử dụng ma túy và cá biệt có cả những trường hợp giáo viên ở vùng sâu, vùng xa tham gia vào việc buôn bán, vận chuyển ma túy.
Từ thực trạng này, tỉnh cũng đã triển khai ký cam kết giữa gia đình, học sinh, giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo đơn vị về công tác phòng, chống ma túy với 4 nội dung: không thử, không giữ, không dùng và không vận chuyển ma túy; lồng ghép giáo dục phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội trong nội dung các môn học tích hợp có liên quan; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa…
Đánh giá hiệu quả hoạt động tuyên truyền và cảnh báo ma túy cho thanh thiếu niên trong trường học hiện nay còn thấp, PGS.TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) cho biết, qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy, trong các trường học phần lớn các em học sinh thiếu kỹ năng phòng ngừa ma túy, không biết cách ứng xử an toàn trong các hoàn cảnh, tình huống có nguy cơ cao liên quan đến ma túy, thậm chí không có năng nhận diện thế nào là ma túy và những sản phẩm liên quan đến ma túy.
Vì vậy việc trang bị cho các em các kỹ năng nhận biết và phòng ngừa ma túy là vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay. Đây chính là chìa khóa góp phần giảm người nghiện ma túy, bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa ma túy, với mục tiêu hình thành "vaccine" phòng ngừa ma túy cho cho học sinh, sinh viên.
Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT phối hợp với Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) đã cho ra mắt bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy” và triển khai dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”.
Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy” hướng dẫn chuyên sâu về tác hại các loại ma túy, kỹ năng phòng ngừa ma túy (những vấn đề đang thiếu hụt và thiết yếu đối với học sinh), là cẩm nang giúp các em nhận thức sâu sắc về về ma túy, tác hại của ma túy; giáo dục, trau dồi các kỹ năng sống tự hoàn thiện bản thân để chiến thắng ma túy, kỹ năng phòng ngừa từ xa, các tình huống nguy cơ, các kỹ năng tự bảo vệ mình.
Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma tuý” gồm nhiều hoạt động như: Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, xây dựng các sản phẩm truyền thông hấp dẫn giới trẻ, các chiến dịch truyền thông trên diện rộng, mở rộng và phát huy khu trưng bày phòng chống ma túy, các cuộc thi tìm hiểu về tác hại ma túy, gắn kết các hoạt động phòng, chống ma túy với các hoạt động thể thao, văn nghệ…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị các Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương triển khai có chiều sâu, đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố 4 nhiệm vụ: Tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng công tác phòng, chống ma túy trong trường học; Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của các nhà trường; Xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học; Triển khai Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh.
“Riêng việc phối hợp xét nghiệm chất ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh sinh viên trong trường học, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm tại 30 tỉnh, thành phố. Tại mỗi tỉnh thành phố chọn triển trải khai ở một số trường học. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.