Toàn cảnh.
Sáng 10/12/2019, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt sách “Mắt trùng khơi”, Triển lãm ảnh cùng tên và công bố Dự án Tủ sách biển đảo quê hương.
Sau thành công của cuốn sách “Nơi đầu sóng” (tác giả Lữ Mai – Trần Thành, NXB Văn học, phát hành 5.000 bản) và Triển lãm ảnh cùng tên giới thiệu 100 hình ảnh tiêu biểu về biển đảo Tổ quốc trong dịp Quốc khánh 2/9/2019 với sự tham dự, hỗ trợ đưa tin của các nhà báo, đồng nghiệp trên tinh thần chia sẻ, đồng cảm… nhóm tác giả tiếp tục xuất bản tập 2 “Nơi đầu sóng” với tên chính thức: “Mắt trùng khơi”.
Cuốn sách được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) cùng với các hoạt động bổ trợ: Triển lãm ảnh, tọa đàm, giao lưu, phát động chương trình tặng sách ra biển đảo dịp Tết 2020... Đồng thời, Nhà xuất bản Văn học phối hợp nhóm tác giả giới thiệu Dự án Tủ sách Biển đảo quê hương.
Tại buổi ra mắt sách, nhà thơ – nhà báo Lữ Mai đã xúc động kể lại những khoảnh khắc khi chị ở biển đảo. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Chị cũng chia sẻ thêm về việc hợp tác thành công khi thực hiện đề tài này cùng Trần Thành, đặc biệt có sự giúp đỡ của thương hiệu Evashoes.
Trần Thành tâm sự: Ra đến biển đảo, nhìn thấy hải quân là tôi đã xúc động. Họ là những người quanh năm sống với sóng gió, nhất là những khi bão về. Ánh mắt các anh chứa nhiều cảm xúc, những hình ảnh đồng ruộng, quê hương ẩn chứa trong đó. Có ánh mắt chồng nhìn vợ, vợ nhìn chồng lúc chia xa, rồi cứ xa dần... Đó là những ấn tượng không bao giờ quên. Trần Thành mong muốn thông qua tác phẩm của mình, chúng ta hiểu và thông cảm hơn với những người lính biển đảo.
Đại diện nhà Nhà xuất bản Văn học đánh giá cao Lữ Mai và Trần Thành đã làm một số chương trình về biển đảo trong thời gian qua, đó là những việc làm xuất phát từ trái tim. Hai tác giả rất tâm huyết, đau đáu về biển đảo. Họ nghiêm túc và có trách nhiệm trong công việc, cũng như khi hoàn thành tác phẩm này.
Nhà thơ - Nhà báo Lữ Mai. Ảnh Huyền
Nhà thơ Hữu Việt cho rằng, viết về Trường Sa khó viết, vì đã có nhiều người và nhiều tác phẩm viết về đề tài này. Trần Thành và Lữ Mai đã tạo ra sự kết hơp giữa văn học và nhiếp ảnh, đó là cách làm mới được về đề tài Trường Sa. Hữu Việt mong cuốn sách được lan toả đến với nhiều người.
Bà Cao Thị Thanh Nga – Chủ tịch Hội đồng quản trị VIT Group – Nhà sáng lập nhãn hàng Evashoes, cảm thấy xúc động và mong tác phẩm về biển đảo sẽ đến được tay nhiều người đọc. Nhà thơ Đoàn Văn Mật (chồng nhà thơ – nhà báo Lữ Mai) cảm thấy khâm phục sức viết của hai tác giả. Hai tác giả không có cảm xúc mãnh liệt thì rất khó viết được như vậy.
Bà Cao Thị Thanh Nga – Chủ tịch Hội đồng quản trị VIT Group – Nhà sáng lập nhãn hàng Evashoes
“Hồi tôi đi Trường Sa về và tâm sự với bạn ấy – (Lữ Mai). Ngay lập tức, bạn ấy nói sẽ ra đó. Nhưng bạn nói sẽ không viết trường ca, truyện ngắn mà viết ở dạng khác. Tôi thấy cách viết đó không dày dặn như Trường Ca, không khô khan như báo chí, nhưng rất xúc động. Tôi nghĩ hai tác giả đã chọn đúng thể loại”, nhà thơ Đoàn Văn Mật nói thêm.
Thượng tá Vũ Duy Khánh – Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 – V4HQ - đại diện binh đoàn Trường Sa, nói lời cảm ơn các nhà văn, nhà báo trong thời gian qua đã có những sẻ chia với lính biển đảo, anh cũng cảm ơn các đơn vị khác đã luôn hỗ trợ, đồng hành. Anh xin hứa, lính biển đảo sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được giao.
Thượng tá Vũ Duy Khánh – Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 – V4HQ - đại diện binh đoàn Trường Sa
Trong lời mở sách, nhóm tác giả đã chia sẻ về chủ đề Mắt trùng khơi xuyên suốt tác phẩm: “Đi biển, trong ngàn vạn điều thiêng liêng và thương mến, có lẽ những ánh mắt nơi trùng khơi luôn thuộc về nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đã có những đôi mắt rưng rưng tiễn nhau nơi cầu cảng, lặng lẽ nhìn nhau mà khoảng cách cứ xa dần khi con tàu rời bến; những ánh mắt bỡ ngỡ, ngơ ngác của những người lính mới khi còn đang ở dưới xuồng nhìn lên hòn đảo bé nhỏ mà mình sắp đặt chân lên; những ánh mắt đó lại bịn rịn, bần thần khi hoàn thành nhiệm vụ rời đảo về đất liền, xa rồi đấy mà vẫn chan chứa yêu thương; rồi những cặp mắt lại hòa trong cặp mắt khi con tàu chuẩn bị cập mạn về tới đất liền... Bên mắt người, còn có cả những mắt biển, mắt trời bất kể ngày hay đêm đang ngời lên giữa nghìn trùng sóng gió. Đó là hải đăng, là ra-đa, là tàu trên biển đấy... Nhìn đâu cũng thấy cờ Tổ quốc, thấy mắt trùng khơi, để lại thêm vững tâm vào biển của lòng người, biển của cuộc đời mỗi con dân nước Việt”.
Kỹ sư - Nhiếp ảnh gia Trần Thành. Ảnh Huyền.
Nếu “Nơi đầu sóng” được ví như cánh cửa mở ra biển trời, hoa lá, sóng gió khơi xa qua hình ảnh, ngôn ngữ giàu cảm xúc thì “Mắt trùng khơi” đề cập trực diện tới số phận con người. Đó là những lực lượng đang làm nhiệm vụ giữ biển và cả gia đình họ trong đất liền cũng chung nhịp đập thổn thức của trái tim người giữ biển. Đó là những người vợ, người cha người mẹ, những người con bao năm đi học không có bố đưa đến trường; những thủy thủ can trường trên từng chuyến tàu nối đất liền với biển đảo; những người trông giữ “mắt biển” là hải đăng, ra-đa…
Trong tập sách Nơi đầu sóng, nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái; nhà phê bình PGS .TS Văn Giá, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, nhà thơ- nhà báo Nguyễn Quang Hưng… đã dành những chia sẻ trân trọng cho hai tác giả. Riêng Mắt trùng khơi, phần cuối sách sẽ đăng tải trích đoạn nhật ký của những người lính biển với nhiều xúc động. Đây chính là món quà tinh thần quý giá mà những người lính dành tặng nhóm tác giả và độc giả. Phần “vĩ thanh” này có tựa đề “Tâm tình người lính” là tự sự mộc mạc, đau đáu yêu thương, trách nhiệm với gia đình, quê hương, Tổ quốc của bộ đội trên đảo, trên những chuyến tàu trực, tàu cấp hàng... vào những giờ khắc đặc biệt như: đón giao thừa trên biển, bước chân lên tàu làm nhiệm vụ, khi sóng gió bao giông... Theo tác giả sách, đây chính là phần quan trọng làm nên giá trị của “Mắt trùng khơi” bởi đó là người thực, việc thực. Tác giả hay Nhà xuất bản không can thiệp biên tập.