René Dumont nhà nông học cả đời vì nông nghiệp và nông dân toàn cầu

René Dumont sinh ngày 13 tháng 3 năm 1904 mất ngày 18 tháng 6 năm 2001. Ông là kỹ sư nông học người Pháp, đồng thời cũng là nhà xã hội học và là một chính khách môi trường.

Kết thúc thế kỷ XX, Rene Dumont qua đời. Ông không còn nhưng cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học lỗi lạc này đã để lại cho nhân loại, đặc biệt là người nông dân ở đồng bằng sông Hồng Việt Nam những ấn tượng rất khó phai mờ.

Với những đóng góp lớn lao của ông cho nền nông nghiệp toàn cầu, sau ngày ông mất, đồng nghiệp và lãnh đạo nước Pháp đã tổ chức giải thưởng René Dumont để hằng năm trao tặng cho những nhà nông học xuất sắc trong phục vụ nông dân trên toàn Thế giới,

R. Dumont sinh ra ở Cambrai  Nord, phía Bắc nước Pháp. Cha ông Rémy Dumont, xuất thân nông dân, từng là giáo viên tiểu học, sau tự kiếm tiền học đại học và trở thành kỹ sư nông nghiệp. Bằng những  tri thức tích lũy được, cha ông đã viết 14 cuốn sách kỹ thuật nông nghiệp và là người chủ biên cuốn từ điển nông nghiệp Larouse đầu tiên của nước Pháp vào năm 1921, Nối nghiệp cha , ông theo học và tốt nghiệp Đại học INA P-G ;trở thành một kỹ sư  nông học. René Dumont bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là người quảng bá việc sử dụng phân bón hóa học và cơ giới hóa nông nghiệp, Ông đã gắn bó phần lớn cuộc đời với tư cách là giáo sư khoa học nông nghiệp (1933–1974).  Lần đầu tiên được cử đến Việt Nam  vào năm 1929.; ông từng làm việc ở 80 nước, viết trên 40 cuốn sách và công bố hàng trăm bài báo trong hơn 60 năm  nghiên cứu khoa học, ông đã trở thành lớp người đầu tiên quan tâm đến môi trường sinh thái,  nêu cao ngọn cờ bảo vệ môi trường từ trong thập niên 1970.

rene-dumont-afp-archives-1974-ok-0-1634909544.jpgRené Dumont nhà nông học cả đời vì nông nghiệp và nông dân toàn cầu

Là một chuyên gia của tổ chức Lương thực Thực phẩm Thế giới (FAO) và Liên Hợp Quốc (UN), ông chủ trương thực hiện nhân khẩu học điều khiển; tiết kiệm năng lượng; hợp tác quốc tế để giúp đỡ quốc gia nghèo và bảo quản, khắc phục hạn chế chất lượng đất đai. Ông quan niệm, sự phát triển không phải là vấn đề quá tốn nhiều về tiền bạc, phân bón, hoặc hạt giống, nhưng là một sự cân bằng thận trọng cả ba nhân tố này. Ông chủ trương  trong quan hệ con người ở mọi lĩnh vực trước hết cần  dựa vào quan hệ của chính con người với nhau; quan hệ xã hội đúng đắn là cơ sở để phát triển nông nghiệp và công nghiệp, Ông tin là cơ sở cho mối quan hệ xã hội tốt đẹp của con người là mối quan nam-nữ; từ đó chủ trương kiểm soát nhân khẩu học phảỉ dựa vào giải phóng phụ nữ.

Trong thời đại của mình, nhà nông học Renế Dumont là một trong những người đầu tiên giải thích hậu quả của toàn cầu hóa, bùng nổ nhân khẩu học, chủ nghĩa sản xuất, sự ô nhiễm, những khu ổ chuột, suy dinh dưỡng, rạn nứt giữa các quốc gia trong quan hệ Bắc-Nam. Ông cũng là một trong những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "sự phát triển lâu bền" (phát triển bền vững).

 Vào năm 1974 với tư cách là ứng cử viên sinh thái học, ông đã mở ra con đường về sinh thái chính trị. Hệ sinh thái chính trị Pháp được thành lập bởi R. Dumont và được nhiều nước kém phát triển đi theo để chống lại chiến tranh, chống lại chủ nghĩa tư bản và vì sự đoàn kết. R.Dumont còn được coi là cha đẻ của Đảng Xanh nước Pháp. Trong một tuyên bố, Đảng Xanh Pháp gọi ông là "người có công đưa các chính sách môi trường một cách trực tiếp và tự nhiên vào thế giới chính trị".

Trước ngày được cử đến Việt Nam, René Dumont học thêm ngành nông nghiệp nhiệt đới, khi tới Hà Nội ông làm việc tại sở Nông nghiệp Bắc Kỳ. Khác với nhiều chuyên gia nông nghiệp Pháp khi đến Việt Nam, họ thường cho rằng, phải dạy lại từ đầu cho những người nông dân bản xứ; René Dumont tiếp cận với những người dân quê ở vùng châu thổ đông dân và cảm nhận được; từ hàng ngàn năm gắn bó với đồng ruộng, trải qua biết bao cuộc chống thiên tai và quân xâm lược, nông dân châu thổ sông Hồng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu của nghề trồng lúa nước.

 Những năm làm việc tại sở nông nghiệp Bắc Kỳ, ông đã cùng cộng sự người Việt đi vào thực tế để hiểu sâu hơn về kỹ thuật nông nghiệp truyền thống. René Dumont đặc biệt quan tâm đến bèo hoa dâu và cây điền thanh, coi đó là những cây phân xanh rất có giá trị. Cũng trong thời gian này ông qua Trung Hoa tìm hiểu tình hình nông nghiệp của một nước đông dân. Ngoài nông nghiệp, ông rất quan tâm đến vấn đề dân số và đã rút ra, nếu không hạn chế được sinh đẻ thì nhân loại khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nạn nghèo đói. Bất bình với chính sách cai trị thực dân đối với một dân tộc thuộc địa, 3 năm sau ông quyết định rời Việt Nam về nước.

Ngay khi trở lại quê hương, năm 1932, René Dumont đã hoàn thành cuốn sách “Nghề trồng lúa ở châu thổ Bắc Kỳ” được giới khoa học đánh giá rất cao và Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp nước Pháp đã trao thưởng huy chương vàng cho công trình này, Tiếp sau đó, ông cho ra đời cuốn sách “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” và cả 2 cuốn sách đã sớm trở thành sách giáo khoa dùng trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Từ năm 1933 đến 1974, René Dumont giảng dạy ở Đại học nông nghiệp Paris và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu phát triển nông nghiệp nước Pháp và các quốc gia phát triển Âu-Mỹ. Trong giai đoạn đầu, ông quan tâm nhiều đến cuộc cách mạng nông nghiệp dựa trên chủ nghĩa “Năng suất”. Đến năm 1955, René Dumont thành lập bộ môn nông nghiệp so sánh đê nghiên cứu sâu về phát triển nông nghiệp ở những nước đang phát triển. Là người quan tâm đến nền sản xuất nông nghiệp phương Đông, ông đã có nhiều bài viết về nông nghiệp Trung Hoa, thể hiện sự đồng tình về việc trở về với kinh tế hộ nông dân. Ông có dịp trở lại việt Nam và cũng băn khoăn về gia tăng dân số nhanh vào những thập niên thuộc nửa cuối thế kỷ XX.

Trong  gắn bó với sự nghiệp khoa học nông nghiệp, quan điểm xuyên suốt của René Dumont là phải nghiên cứu phục vụ nông dân. Gần như cả cuộc đời ông đã dành trọn cho cuộc chiến chống dối nghèo, ông tự nhận mình là ‘nhà nông học của nạn đói’ như tên cuốn sách ông viết vào năm 1974.

Là nhà khoa học chân chính, ông tuân thủ nguyên tắc mà các nhà nông học từng tuyên thệ, đó là "phục vụ nông dân”. Cam kết thực hiện đi cùng cam kết công dân đã được ông thể hiện xuyên suốt gần một thế kỷ trong đời sống cho đến lúc qua đời,

Mặc dù không phải là cha đẻ của sinh thái học, nhưng René Dumont lại là một trong những người đầu tiên thúc đẩy các nhà sinh thái tham gia đấu tranh chính trị với hy vọng có thể đổi mới cách nhìn lỗi thời. Trên nền tảng này, năm 1974, ông đã vạch ra những nét khởi đầu của sinh thái học chính trị. Từ ý tưởng ông đề xuất, sinh thái học bắt đầu hướng đến sự phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

Thế kỷ XXI, sinh thái học có sức sống để vượt qua thách thức thời đại và trở thành một trong những động lực của phát triển bền vững. Nhân loại đang phải đối mặt với những mâu thuẫn trong sự tăng tốc toàn cầu về phương pháp phát triển. Thách thức sinh thái, kinh tế-xã hội và những thách thức trong từng lĩnh vực đều có thể dẫn đến đổ vỡ mà giải pháp tháo gỡ chỉ có thể đạt được bằng phát triển kinh tế-xã hội không hủy hoại môi trường sinh thái.

Với nhiều xu hướng phát triển khác nhau, Thế giới ngày nay rất cần có nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết và giầu kinh nghiệm như René Dumont. Bài viết hy vọng được là một nén tâm hương để tưởng nhớ đến công lao của nhà khoa học suốt đời phục vụ nông dân toàn cầu./.