Robot ‘đắt hàng’ mùa COVID-19

(Chinhphu.vn) - Dịch bệnh COVID-19 hoành hành và sự lo ngại lây nhiễm cũng như việc thiếu nhân lực khiến cho robot trở thành giải pháp hữu hiệu tại các nước trên thế giới.

Robot XDBOT được trang bị một chiếc vòi có công suất lớn, có thể phu thuốc khử trùng và làm sạch các bề mặt lớn nhanh chóng - Ảnh: AFP
Các nhà nghiên cứu Singapore mới đây đã phát minh ra một robot khử trùng với cánh tay có thể chuyển động giống con người, giúp giảm tải công việc cho các nhân viên lau dọn trong mùa dịch.

XDBOT là loại robot có hình hộp và di chuyển bằng bánh xe với cánh tay có thể hoạt động khéo léo, vươn đến các điểm khó tiếp cận như gầm bàn hay gầm giường.

Robot này do các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) phát triển. Nó được trang bị một chiếc vòi có công suất lớn có thể phu thuốc khử trùng và làm sạch các bề mặt lớn nhanh chóng. Robot này có thể được điều khiển từ xa bằng máy tính xách tay, máy tính bảng để giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho các nhân viên lau dọn.

Nhà khoa học Chen I-Ming, người đứng đầu dự án, cho biết người dùng có thể kiểm soát chính xác quá trình khử trùng thông qua việc điều khiển robot từ xa.

Các loại robot lau dọn hiện nay trên thị trường chỉ có thể làm sạch mặt sàn và không thể khử trùng các vật có hình dạng đặc biệt. Tuy nhiên, robot mới này có thể đáp ứng nhu cầu làm sạch kỹ và khử trùng tại Singapore trong bối cảnh các nhân viên lau dọn của nước này phải làm việc thêm giờ do nhu cầu bùng nổ trong mùa dịch.

Robot XDBOT đã được thử nghiệm tại Đại học NTU và các nhà phát minh hy vọng có thể thử nghiệm nó ở những khu vực đông người hơn và bệnh viện.

Trong khi đó, một công ty chuyên xử lý chất thải tại Áo ngày 16/4 đã bắt đầu sử dụng súng phun tuyết trong cuộc chiến ứng phó với dịch COVID-19.

Công ty DAKA tại vùng núi Tyrol đã sử dụng súng phun tuyết được cải tiến trong chương trình khử trùng tại các khu vực, trong đó có các cơ sở kinh doanh và các không gian công cộng. Loại thiết bị này vốn rất phổ biến tại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết của Áo. Giám đốc dự án của DAKA Matthias Zitterbart xác nhận súng phun tuyết đã được triển khai tại một doanh nghiệp chế biến gỗ ở thị trấn Schwaz.

DAKA hy vọng việc sử dụng súng phun tuyết và 5 cỗ máy nhỏ hơn có thể giúp phát tán thuốc khử trùng một cách hiệu quả tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như các viện dưỡng lão, trạm xe lửa hay cửa hàng dược phẩm. Công ty cho biết đã nhận được yêu cầu của nhiều doanh nghiệp. Theo quy định của Chính phủ Áo, bất cứ doanh nghiệp nào tiếp khách hàng trong mùa dịch COVID-19 đều phải thường xuyên khử trùng.

Còn tại Liban, một nhóm chuyên gia đã sáng chế 2 robot hỗ trợ quá trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho các y bác sĩ.
Các robot nói trên gồm một robot giúp đưa các ống chứa mẫu bệnh phẩm từ phòng cấp cứu đến phòng xét nghiệm và robot còn lại được thiết kế để chứa 20 lít dung dịch sát khuẩn giúp khử trùng phòng cấp cứu. Dự án sử dụng các robot này cùng với camera và truyền tải giọng nói qua mạng internet được triển khai từ ngày 16/4 tại Bệnh viện Geitawi ở khu vực Ashrafieh.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học Malaysia cũng đã chế tạo thành công một robot mang tên Medibot để hỗ trợ công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, qua đó có thể giảm nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế. 

Cao 1,5 m, Medibot là một robot hình trụ, có màu trắng, do các nhà khoa học thuộc trường Đại học Hồi giáo quốc tế Malaysia nghiên cứu và phát triển. Medibot được gắn bánh xe để có thể tự di chuyển, đồng thời được trang bị cả máy quay và một màn hình mà thông qua đó, bệnh nhân có thể kết nối giao tiếp cùng các nhân viên y tế. 

Theo ông Zulkifli Zainal Abidin - một thành viên của nhóm nghiên cứu, chi phí để chế tạo ra một Medibot khoảng 15.000 ringgit (tương đương 3.500 USD) và trường Đại học Hồi giáo quốc tế Malaysia có kế hoạch thử nghiệm robot này trong bệnh viện của trường này. 
Sau khi thử nghiệm thành công, robot Medibot sẽ được đưa vào vận hành tại các bệnh viện của chính phủ, nơi đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. 

H.Phương (tổng hợp)