Sáng ngời tình mẹ

Biết bao bà mẹ của quê hương Điện Bàn Quảng Nam, những bà mẹ kiên cường bất khuất trước quân thù với tấm lòng bao la bảo vệ che chở cho cán bộ, bộ đội, nhưng khi đất nước cần các mẹ sẵn sàng hiến dâng những người con thân yêu của mình cho tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn.

241801441-177224404524515-8167056884789282414-n-1631613155.jpgMẹ Lê Thị Kiểm ngồi ở giữa chụp lúc còn trẻ

Cũng như bao bà mẹ khác mẹ Lê Thị Kiểm quê ở xã Điện Trung đã cống hiến cho tổ quốc, cho sự nghiệp cách mạng 7 người con ruột và bản thân mẹ và chồng cũng tích cực tham gia giúp đỡ cách mạng. Đối với mẹ Lê Thị Kiểm mẹ không được trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng nhưng tôi xin được gọi mẹ là Mẹ Anh Hùng bởi cống hiến, hy sinh của mẹ cũng như bao bà mẹ Việt Nam anh hùng khác.

“Gia đình Việt Cộng trăm phần trăm”

Có lẽ trong kí ức của bà Trần Thị Liễu người con gái thứ tư của mẹ dù đã hơn 50 năm trôi qua nhưng cái ngày đặc biệt đó bà không thể nào quên. Đó chính là cái ngày mà mẹ Lê Thị Kiểm đến xin tờ giấy xác nhận của bọn hội đồng xã để đem vào cơ quan Quận Điện Bàn cho phép được tản cư ra sinh sống tại Đà Nẵng, bọn hội đồng xã cho giấy xác nhận xong vốn dĩ mẹ không biết chữ nên khi chúng đưa thì mẹ cứ đem vào cơ quan Quận Điện Bàn, khi đem vào tới cổng Quận mẹ đưa cho tên lính gác chúng quát to: “gia đình bà là Việt Cộng Trăm Phần Trăm mà bà đòi đi đâu”. Nhưng nói thật ra bọn lính gác ấy cũng tội chúng bảo mẹ về xin lại chứ ri là bị bắt chết, tìm hiểu kĩ thì mới hiểu được rằng gia đình bà là “Việt Cộng trăm phần trăm thật”. Đầu tiên là phải kể đến chồng của mẹ là ông Trần Hoàn trong mùa thu cách mạng năm 1945 ông là đội trưởng đội bạo động tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại Phủ Điện Bàn trong những năm tháng kháng chiến ông tích cực đóng góp tiền vàng cho cách mạng, bản thân ông dù thương tật trên mình vẫn lặn lội vào Tây Nguyên quyên góp tiền vàng cho cơ quan Cụm Tình Báo Miền Trung. Gia đình của mẹ Lê Thị Kiểm và ông Trần Hoàn có tất cả 9 người con (4 trai, 5 gái), hai người con đã mất lúc còn nhỏ còn 7 người con lớn lên đến tuổi trưởng thành thì tất cả đều tham gia cách mạng, ngoài ra gia đình mẹ còn có 3 người con rể tham gia cách mạng. Tất cả những số liệu đó đã chứng minh gia đình mẹ đúng như tờ giấy xác nhận của bọn hội đồng xã xác nhận gia đình mẹ. Người con trai đầu của mẹ là đồng chí Trần Huynh tham gia cách mạng từ năm 1945 nguyên là sĩ quan Quân Đội, Thuyền Trưởng Hải Quân, Chính Ủy Đoàn Văn Công Hải Quân, hiện nay vẫn còn sống với 72 năm tuổi Đảng. Tiếp theo là người con gái thứ tư là bà Trần Thị Liễu nguyên là cán bộ Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Giải Phóng Xã Điện Chính trong kháng chiến chống Mỹ và người con trai thứ năm là ông Trần Văn Năm nguyên là một cán bộ Mặt Trận Tổ Quốc xã giai đoạn 1954-1956, ông Trần Văn Năm đã ngã xuống trên đường đi họp nhưng không được công nhận là liệt sĩ chỉ được công nhận là có công cách mạng. Người con gái thứ bảy của mẹ là bà Trần Thị Bảy nguyên là một cán bộ hoạt động nội thành của cơ quan Cụm Tình Báo Miền Trung, người con trai thứ tám của gia đình mẹ là Liệt Sĩ Trần Ngọc Lợi nguyên là Trung Đội Phó của trung đội quân báo Quân Khu 5 hi sinh năm 1969. Hai người con gái út của mẹ là Trần Thị Chín và Trần Thị Mười, đồng chí Trần Thị Chín tham gia cách mạng năm 1966 nhập ngũ vào tiểu đoàn V25 tỉnh Quảng Đà sau được đưa ra Bắc học tập và được phong hàm Trung Úy chỉ huy đơn vị nữ dân quân Thanh Hóa, còn đồng chí Trần Thị Mười tham gia cách mạng năm 1969 bà vào một đơn vị Dược của tỉnh Quảng Đà đóng tại Trà My. Những đóng góp của gia đình mẹ đã làm nên thắng lợi chung cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam và đây đích thị là gia đình Việt Cộng trăm phần trăm.

241970585-177224447857844-5306956319223226466-n-1631613155.jpgTấm giấy xác nhận của 75 năm trước

Tấm lòng của mẹ

Nếu như những người lính của Tiểu Đoàn R20 hay các tiểu đoàn bộ đội khác cùng các đồng chí của cơ quan Cụm Tình Báo Miền Trung còn sống họ chắc chắn rằng không bao giờ quên hình ảnh và tấm lòng bao la của mẹ, một người mẹ hết lòng giúp đỡ đùm bọc cho cách mạng. Mẹ Lê Thị Kiểm trong những năm 1954-1956 phong trào đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử mẹ cũng tích cực tham gia, bọn ác ôn ở địa phương quy cho mẹ vào dạng “căn cứu” chúng bắt mẹ tra tấn tại trường Hát Đồng Phủ, dưới đòn roi của bọn kẻ thù tàn ác mẹ vẫn kiên trung không phản bội lại cách mạng. Trong giai đoạn này người con trai của mẹ đang hoạt động cách mạng thường xuyên lấy chính ngôi nhà mình để cất giấu tài liệu, vào tháng 10 năm 1956 khi nhận nhiệm vụ đi họp tại thôn Trừng Giang lúc này đang diễn ra một cơn lũ lớn nhưng anh vẫn cùng các đồng chí đi thực hiện nhiệm vụ không may ghe bị chìm và anh đã ngã xuống. Mất đi người con trai chỉ mới vừa hai mươi mẹ đã trở thành một người mất trí cứ đi thơ thẩn tìm con. Sau ngày Gò Nổi trở thành vùng giải phóng gia đình mẹ đã được các đơn vị chọn làm nơi trú quân, gia đình mẹ đã che chở cho cơ quan bộ chỉ huy tiểu đoàn R20, trạm phẫu tiểu đoàn R20, tiểu đoàn V25, cơ quan Cụm Tình Báo Miền Trung, các đồng chí cán bộ Huyện,... Mẹ luôn dành tình cảm đặc biệt cho các anh bộ đội nhường cho các anh củ sắn, hạt gạo, gia đình mẹ còn là nơi tiếp tế lương thực cho các cán bộ, bộ đội. Giữa bom rơi đạn nổ cái chết luôn cận kề trong gang tấc nhưng mẹ vẫn một mực không đi quyết tâm bám trụ để che chở cho cách mạng, ngôi nhà của mẹ nhiều lần bị giặc đốt nhưng với mẹ nhiêu đó chẳng là bao với sự gian khổ của anh em, chiến sĩ nếu thiếu người dân bên cạnh, mẹ lại dựng lại ngôi nhà khác để các anh em, chiến lại mỗi khi về lại có nơi nghỉ ngơi, nhà mẹ còn đào hầm bí mật ngay trong vườn để che chở cho các anh cán bộ tình báo, mẹ tình nguyện tháo dỡ căn nhà gỗ để làm chiến hầm nổi kiên cố nuôi dưỡng thương binh. Bản thân mẹ là một người có tính cách cương trực, thẳng thắn bản lĩnh kiên cường không sợ cái chết nên mẹ được các anh cán bộ, du kích giao nhiệm vụ làm liên lạc cho các đồng chí. Mỗi lúc giặc Mỹ đi càn mẹ lại vào vai bà già đi mua nước mắm để nắm bắt tình hình, coi đường đi nước bước của chúng rồi về báo lại hướng dẫn cho các anh đặt chông mìn đánh địch. Có những lúc mẹ bị bọn chúng bắt vì tình nghi làm liên lạc, bà mẹ già đi trong mưa bom bão đạn đi trước hàng chục hàng trăm nòng súng quân thù mà vẫn bình tĩnh vẫn thủy chung với nước bởi các anh như là các con của mẹ, mẹ có thể chết nhưng các anh phải còn để chiến đấu giải phóng quê hương. Khi Gò Nỗi bị địch cày ủi thành vùng trắng mẹ vẫn trụ bám ở lại để sống với cách mạng, nhưng đến năm 1969 người con gái út của mẹ và đã thoát ly tham gia kháng chiến, người mẹ già sống một thân một mình giữa nơi bom đạn ác liệt không ai nương tựa nên mẹ đành phải ra sinh sống cùng con gái ở Đà Nẵng. Tháng 4 năm 1969 mẹ nhận tin người con trai của mẹ đã ngã xuống trên chiến trường mẹ như chết lặng, mẹ òa khóc giữa lòng địch bọn lính đi ngang qua dò hỏi nhưng mẹ nào dám nói. Ôi biết nói sao cho hết tấm lòng của mẹ đã cống hiến hi sinh cho đất nước này. Nỗi nhớ con cứ day dứt trong lòng mẹ để rồi mẹ ngã bệnh và ra đi khi ngày giải phóng chỉ mới đi qua, mẹ ra đi đã hưởng không khí ngày độc lập nhưng độc lập rồi các con mẹ vẫn công tác chưa về, người đang ở Bắc người đã hi sinh. Mẹ ơi!

Quang vinh hai tiếng mẹ ơi

Tình yêu của mẹ sáng ngời bao la.

Đi trong lửa đạn quân thù

Bao nhiêu gian khổ cho dù hi sinh.

Dâng cho đất nước đẹp xinh

Con yêu của mẹ hi sinh chẳng màn.

Ngày nay rợp bóng sao vàng

Con về bên mẹ ngôi làng quê hương

Nhưng bên mẹ là khói hương

Lòng con đau xót rưng rưng lệ tràn.

 

Theo Trái tim Người lính