Mấy năm trước, sau khi xem một bộ phim nội địa, tôi có viết một bài báo nhỏ: “Người làm phim cần biết sợ Điện ảnh”. Mấy năm qua, vì quá chán ngán với các loại phim “mỳ ăn liền” nối dài, tôi chẳng muốn nói gì về phim ảnh nữa, loay hoay về với chữ nghĩa, và chợt thấy rằng chính mình cũng phải dặn mình: “Cần biết sợ cả chữ nghĩa nữa!”. Và đọc quanh quẩn, thấy chữ nghĩa của không ít nhà báo được gọi là chuyên nghiệp, nhà văn của Hội NVVN... quá cẩu thả, tôi rất khổ tâm và xin mạn phép dặn chung ạ: “Cần biết sợ chữ nghĩa!”. Bởi nếu không “biết sợ” như thế, rồi tới lúc cả người dân ít chữ cũng sẽ phải đau đớn “phán” theo cụ Tú Xương: “Văn chương nào phải như đơn thuốc/ Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu!”.
Tôi không nói hàm hồ. Trên báo chí, trên mạng XH nhiều năm qua đã có biết bao ý kiến, bài báo vạch ra những câu cú ngớ ngẩn đập vào mắt dội vào tai người đọc người nghe từ sóng truyền hình Quốc gia, từ những trang sách báo in tốn kém, khiến những ai thật sự yêu “tiếng Việt rất ân tình” (LQV) phải xấu hổ, đau xót!
Tôi đưa một xin dẫn chứng cụ thể: tại trụ sở Hội Nhà văn VN- số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, từng có một lễ kỷ niệm trang trọng diễn ra để tưởng nhớ 40 năm ngày mất của nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (1941-1969). Nhưng một “hạt sạn” lớn nuốt không trôi, một sơ suất không đáng có tại một nơi vốn là chốn “quần anh tụ hội” của các nhà văn Việt Nam: Ở phông trang trí, đập ngay vào mắt người dự là dòng chữ lớn: "Kỷ niệm 40 năm ngày hi sinh nhà văn - liệt sĩ 8-3-1969 - 8-3-2009". Một học sinh phổ thông (cơ sở và trung học) nếu viết một câu như trên sẽ bị thầy cô giáo đánh lỗi sai trầm trọng. Viết thế, người đọc sẽ thầm tự hỏi: ai đã hi sinh Dương Thị Xuân Quý? Rồi nữa, đã có chữ “hi sinh”, chữ “liệt sĩ” đâm ra thừa. Vả lại, chữ “kỷ niệm” bình thường quá! Câu hoàn chỉnh, giản dị nhất và chính xác nhất sẽ phải là như sau: “Lễ tưởng niệm 40 năm ngày mất của nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý”, hoặc: “Lễ tưởng niệm 40 năm ngày nhà văn Dương Thị Xuân Quý hi sinh”. Một nỗi buồn, một sự lấn cấn cứ theo đuổi tôi suốt buổi lễ đó cho đến tận hôm nay…
Và cũng từ hôm đó, tôi thấy rằng mình cần phải “học” tiếng Việt một cách thực sự. Một trong những cẩm nang để “học tiếng Việt” đó, là cuốn sách mang tính học thuật nghiêm túc của nhà nghiên cứu trẻ Hoàng Tuấn Công: “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu”. Cuốn sách này tôi luôn có bên mình để thường xuyên “học tiếng Việt” - cạnh những cuốn từ điển khác như: “Đại từ điển Tiếng Việt”, “Từ điển Truyện Kiều”, ”Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh”, “Hán Việt tự điển Thiều Chửu”, “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”, “Le petit La Rousse”, “Câu cửa miệng”, v.v.
Vào năm học mới, tôi kính mong các thầy cô giáo đồng nghiệp của tôi ( và một số nhà văn mới vào Hội NV) cần tìm ít nhất là ba cuốn sách: “Từ điển tiếng Việt” (KH-XH-NV), “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu” (Hoàng Tuấn Công) và “Câu cửa mệng” (Nhàn Vân Đình) để tự mình “học tiếng Việt” nhằm dạy học trò và viết văn một cách xứng đáng với TIẾNG VIỆT!