Sĩ tử thời COVID: Vượt khó ôn thi

(Chinhphu.vn) - Để có một kỳ thi thành công trọn vẹn giữa mùa dịch là kết quả của sự đồng lòng, quyết tâm của rất nhiều người bởi kỳ thi này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường tương lai của các sĩ tử.

(Chinhphu.vn) - Để có một kỳ thi thành công trọn vẹn giữa mùa dịch là kết quả của sự đồng lòng, quyết tâm của rất nhiều người bởi kỳ thi này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường tương lai của các sĩ tử.

Các sĩ tử ôn thi mong đến ngày “vượt vũ môn” thành công - Ảnh minh họa

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưngngành giáo dục đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh lớp 9 và lớp 12 ôn thi.

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 sẽ diễn ra. Ðối với những địa phương, trường học bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 bùng phát, các thầy cô giáo cùng học trò của mình đang thực hiện việc ôn tập trực tuyến dưới nhiều hình thức, bảo đảm các yêu cầu bài bản theo Thông tư 09/2021/TT-BGDÐT về tổ chức quản lý dạy học trực tuyến.

Ngay khi có yêu cầu tạm dừng cho học sinh đến trường do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều trường đã chỉ đạo các thầy giáo, cô giáo xây dựng đề cương dạy ôn thi trực tuyến cho học sinh lớp 12 theo quy định. 

Các nhà trường đã chủ động lên phương án ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với thực tiễn. Trong đó, giáo viên tập trung ôn luyện theo cấu trúc đề thi tham khảo, nội dung ôn luyện bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT hiện hành. Ðồng thời, các thầy giáo, cô giáo cũng theo dõi từng học sinh, có hình thức hướng dẫn ôn tập phù hợp để các em có thể nắm vững các kiến thức, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng kỳ thi.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ÐT), điều quan trọng nhất trong ôn tập cho học sinh lớp 12 hiện nay dù đến trường hay trực tuyến là giúp các em tự học dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của thầy giáo, cô giáo thì mới hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ thêm rằng trong ôn tập cho học sinh, quan trọng là cần hệ thống hóa kiến thức và giúp học sinh tự biết cách hệ thống hóa kiến thức đã học; hệ thống hóa kiến thức theo từng chương, từng phần rồi đến hệ thống kiến thức môn học, luyện tập các kỹ năng. Giáo viên cần xây dựng hệ thống câu hỏi bài tập ôn thi để giao cho học sinh làm, sau đó hướng dẫn và chữa bài tập cho các em hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng đã học, xây dựng hệ thống bài tập sao cho bảo đảm phủ kín các dạng bài và các kỹ năng làm bài.

Bên cạnh đó, ngoài việc học trực tiếp tại trường, hầu hết học sinh lớp 12 còn lựa chọn các gói học trực tuyến trên mạng internet với thời gian học linh động và có thể xem lại bài giảng bất cứ lúc nào nên nhìn chung, tình hình dịch bệnh không ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình ôn thi của học sinh lớp 12.

Tuy nhiên, để nói về tính hiệu quả thì chắc chắn việc học và ôn thi trực tuyến vẫn không thể so sánh với việc học trực tiếp.

Phương Linh (học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, Hà Nội) cho biết hiện tại em đang trong quá trình ôn lại toàn bộ kiến thức của các môn thi và luyện đề để bổ sung những phần kiến thức còn chưa nắm được. “Đây là giai đoạn nước rút rất quan trọng, chúng em cần sự giúp đỡ nhiều từ thầy, cô và trao đổi với bạn bè, nhưng mọi thứ đều khó khăn hơn do không thể đến trường. Các lớp học ôn thi tại các trung tâm cũng phải dừng lại. Em thấy rất hoang mang, lo lắng, học bao nhiêu cũng chưa thấy đủ”. Cùng một thời gian học 45 phút, nhưng Linh cho biết lượng kiến thức khi học trực tuyến không được nhiều như học trên lớp, thầy cô cũng không thể giảng bài kỹ như trên lớp.

Không chỉ hoang mang khi bài vở cần ôn tập còn nhiều, các sĩ tử và gia đình còn mang nặng tâm lý lo lắng, căng thẳng, hồi hộp về việc kỳ thi sẽ bị thay đổi thời gian, lịch thi.

Để có một kỳ thi thành công trọn vẹn giữa mùa dịch là kết quả của sự đồng lòng, quyết tâm của rất nhiều người bởi kỳ thi này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường tương lai của các em. Phía sau bước đi của con cái là những ánh mắt luôn dõi theo từ phía cha mẹ. Ai nấy đều lo lắng bởi kỳ thi diễn ra giữa đợt quay trở lại của dịch bệnh COVID-19.

Chị Nguyễn Hiền Chi (Hà Nội) là phụ huynh có con vừa trải qua kỳ thi lớp 10 vừa qua cho hay: “Dù có cố gắng đến đâu thì thực sự mà nói hiệu quả của việc học ôn trực tuyến vẫn không thể bằng học trực tiếp. Hơn nữa, với nhiều ngày liền, mỗi ngày học từ 2-3 ca (sáng, chiều, tối) rất ảnh hưởng tới sức khoẻ. Con kêu đau mắt, đau người, mệt mỏi và càng những ngày cuối con càng thiếu ngủ trầm trọng nhưng vẫn cố gắng ngồi dậy mỗi lần chuông báo thức kêu để kịp có mặt trước màn hình máy tính đúng giờ”.

Đêm trước khi con thi, chị Nguyễn Hiền Chi mới thở phào vì đến giờ này thì chắc chắn sẽ không lùi lịch nữa.

Chị Lê Phương Thu, phụ huynh có con học tại Trường THCS Ngôi sao Hà Nội vừa dự thi vào lớp 10 tâm sự: “Các con và phụ huynh giờ đã vượt qua giai đoạn căng thẳng vừa qua. Có những tuần học online 8-10 giờ/ngày cả 7 ngày trong tuần, rồi thức đêm làm bài, trả bài tập liên tục. Đúng là phục các con quá, đặc biệt là các bạn ôn thi chuyên. Nếu không có sức khoẻ thì ít con chịu được áp lực này”.

Lời khuyên dành cho các sĩ tử

Thầy Lại Tiến Minh, giáo viên môn Toán Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết có 2 bước đơn giản giúp học sinh có thể bắt đầu việc tự ôn tập và tự học trong khoảng thời gian ôn tập tại nhà.

Bước 1: Đọc lại và hệ thống lại tất cả các kiến thức đã học. Làm lại tất cả các ví dụ, dạng bài đã được ghi chép trong vở và trong sách giáo khoa.

Bước 2: Sử dụng sách giáo khoa, tự đọc các phần kiến thức mới. Xem kỹ các ví dụ và làm các bài tập giống với ví dụ trong sách giáo khoa. Tìm tòi, xâu chuỗi các kiến thức mới đọc và các kiến thức đã biết, sau đó sử dụng để làm các bài tập nâng cao và khó hơn. Tiếp đó, nếu có các đề ôn tập hoặc sách nâng cao thì có thể sử dụng để luyện tập.

Theo thầy Minh, để không bị áp lực học dồn, các em cần chủ động đọc trước và học trước các phần kiến thức trong sách giáo khoa trong thời gian nghỉ dịch. Bên cạnh đó, các em cần rèn luyện cách học tập trung, ghi nhớ sâu và tư duy nhanh. Đây là một kỹ năng không thể thiếu được để làm đề trắc nghiệm.

Thêm một lời khuyên của các chuyên gia giáo dục dành cho sĩ tử trong khoảng thời gian áp lực này là các em không nên ôn luyện trong sự nóng vội, hoang mang, thay vào đó là tập cách học chắc, hiểu sâu và có tư duy liên kết các phần đã học. Bên cạnh đó, cần phải dành thời gian luyện đề và căn chỉnh thời gian làm từng câu, tư duy nhanh chính xác.

Nhật Nam