Người yêu thiên văn sắp có cơ hội chiêm ngưỡng siêu trăng, hiện tượng xảy ra khi trăng tròn gần trùng với cận điểm (điểm gần Trái đất nhất trên quỹ đạo Mặt trăng), khiến nó trông lớn và sáng hơn bình thường.
NASA cho biết Mặt trăng sẽ đi qua cận điểm lúc 1h08’ và tròn nhất lúc 9h35’ ngày 8/4 (giờ Hà Nội). Ông Rick Fienberg, phát ngôn viên của Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ cho biết Mặt trăng sẽ xuất hiện lớn hơn và sáng hơn bình thường. Đó là thời điểm người quan sát thấy siêu trăng rõ nhất.
Trăng tròn tháng 4 được gọi là “trăng hồng”, theo màu sắc của hoa Phlox subulata, một trong những loại hoa đầu tiên nở khắp miền Đông nước Mỹ khi mùa xuân đến. Ngoài ra, trăng tròn tháng 4 còn được gọi là “trăng trứng”, “trăng cá” hoặc “trăng cỏ nảy mầm”.
Như vậy, “siêu trăng hồng” sẽ là siêu trăng thứ 3 xuất hiện trong năm nay. Trước đó, người yêu thiên văn đã có cơ hội chiêm ngưỡng 2 lần siêu trăng khác vào ngày 9/2 và 10/3. Siêu trăng cuối cùng của năm 2020 sẽ xuất hiện vào ngày 7/5.
Khái niệm “siêu trăng” do nhà thiên văn học Richard Nolle đưa ra vào năm 1979. Trung bình, siêu trăng lớn hơn khoảng 7% và sáng hơn 15% so với trăng tròn thông thường. Tuy nhiên, nếu quan sát bằng mắt thường, khác biệt này rất khó nhận ra.
Theo các chuyên gia, để quan sát siêu trăng một cách rõ rằng nhất, mọi người nên chọn một khu vực quang đãng, có tầm nhìn xa, ngắm Mặt trăng ngày từ lúc mới mọc, lúc này Mặt trăng to và có màu sắc đẹp hơn cả.
Hoàng Phương