Cái ao trước cửa như một tấm gương khổng lồ phản chiếu để ngôi nhà ba gian, một buồng lồi soi bóng làm duyên dù ngôi nhà đã hàng trăm năm tuổi và chẳng còn trẻ đẹp gì với mái ngói nâu trầm, tường vôi loang lổ, và những cái cửa sơn xanh đến nhức mắt.
Ao nhà tôi thả cá. Cái ao cũng tròn xoe như mắt cá. Cuối chạp bố tôi cùng các chú tát ao bắt cá để ăn tết và bà nội đem ra chợ Hoành Nha bán kiếm ít tiền sắm tết. Lúc đầu là đánh cá bằng lưới rồi khi tháo cạn thì bắt cá bằng nơm. Người xuống bắt cá khi ao đã cạn thì lấm bùn từ đầu đến chân, chỉ có đôi mắt sáng rực và nụ cười trắng loá. Một lũ trẻ con lít nhít đứng trên bờ cầm giỏ đựng con cua, con ốc mà người lớn bắt được ở dưới ao nhón tay bỏ vào. Giỏ đứa nào nhiều hơn sẽ thắng. Cá ao nhà tôi thì ngon nức tiếng vì bà nội nuôi cá bằng cám và cỏ, ngày ấy làm gì đã có thức ăn chăn nuôi tăng trọng như bây giờ. Những con cá trắm mình đen chắc lẳn, những con cá mè vảy bạc lấp lánh, những con cá chép quẫy đuôi mạnh như muốn hoá rồng, những con cá chày mắt đỏ ngầu sắp khóc, những con cá giếc khôn lanh giả vờ đang ngủ trong chiếc rổ xảo có lót áo mưa chờ tay người mua chọn lựa lao xao. Chỉ loáng một cái bà nội đã bán hết rổ cá nặng. Tiền ấy đủ để sắm một cái tết tươm tất, để dành một ít thả cá bột vụ sau, và mua cho anh em tôi manh quần, tấm áo mới diện tết thơm nức mùi hồ. Niềm vui long lanh trong đôi mắt trẻ thơ cũng trong veo như đôi mắt cá. Cái ao tháo cạn trơ đáy, rắc vôi bột khử trùng và phơi nắng mấy hôm cho đất nẻ ra rồi lại bơm nước vào chờ một vụ cá mới. Một vụ cá ăm ắp niềm vui bội thu sau bao ngày vất vả, mong chờ.
Quanh bờ ao trồng những cây mai - một loài cây bụi và ưa nước để chống xói lở đất. Ngắt lá mai cuộn lại thành chiếc kèn thổi toe toe rất vui tai. Hãy nhìn kĩ mà xem, phải tinh mắt sẽ tìm thấy lá mai bị xoắn lại như tổ kén, trong đấy có một chú sâu xanh non và béo mẫm đang ngủ khì. Bóc lấy chú sâu ấy để câu cá săn sắt. Cá săn sắt nhiều vô kể, chúng bơi tung tăng từng đàn như múa, vảy và đuôi rực rỡ như màu cầu vồng, khơi gợi sự háo hức, thèm thuồng với các tay câu thôn làng cự phách. Bốc một nắm cám rang trong ống bơ ném xuống ao, thả cần và phấp phỏng chờ đợi. Cái phao rung động rồi đấy, nhưng chớ sốt sắng mà giật cần câu, hỏng ăn ngay. Phải chờ cho con săn sắt kéo miết đi thì hẵng giật mạnh dứt khoát một cái. Và niềm vui vỡ oà ra trong sung sướng khi con săn sắt háu ăn đang giãy đành đạch trên bờ cỏ. Quên mất là hét to quá thì bố sẽ dậy cầm roi ra vì tội trốn ngủ trưa. Nhẹ nhàng tháo lưỡi câu từ miệng con săn sắt, thả nó vào cái lọ gốm để nuôi. Con săn sắt ngơ ngác trong ngôi nhà mới. Tôi bảo nuôi mấy hôm rồi thả nó về với mẹ nó, không nó nhớ mẹ nó đấy. Thằng Việt, thằng Hưởng cùng gật đầu đồng ý.
Có chiều tôi ngồi học bài trong nhà, hết đánh vần rồi làm tính. Con mèo cuộn tròn như len nằm bên cạnh xem tôi học bài. Tôi hỏi tao đố mày một cộng một bằng mấy. Con mèo ngước cặp mắt xanh ngọc đầy nắng thu kêu "meo". Sai rồi, bằng hai cơ mà - tôi nghiêm mặt. Tôi lấy phấn trắng viết lên bảng đen chữ "mèo" rồi hỏi tiếp giọng kẻ cả thế chữ gì đây. Con mèo vuốt mấy sợi râu cước trong gió heo may ngáp một cái rõ to "meo". A, mày trả lời đúng rồi đấy, giỏi quá. Tôi vừa reo dứt lời thì con mèo lăn ra ngủ. Gọi mãi mà nó không dậy, hư quá. Đúng là con mèo lười ham ngủ, trong khi tôi vẫn chăm chỉ học bài. Tôi ngước lên, nhìn qua cửa sổ ra phía bờ ao nắng vàng rực rỡ, cùng lúc mùi hoa hoàng lan thơm ngát ngoài vườn theo gió thoảng đưa vào. Một con chim bói cá xanh biếc như mảnh trời đang sà xuống nhanh như chớp cắp một con cá săn sắt rồi vụt bay lên bụi tre. Tôi hét to thả ngay con săn sắt ra, con bói cá kia. Nghe tiếng tôi con mèo dụi mắt tỉnh giấc chạy theo tôi ra bờ ao. Nhưng con chim bói cá đã mất hút vào khoảng trời thu thăm thẳm. Để lại lá tre rụng xao xác trên mặt ao bèo. Tôi thương cá săn sắt bị làm mồi cho chim bói cá. Tối nay nó không được về nhà với mẹ. Chắc mẹ nó nhớ nó lắm. Nghĩ thế tôi ứa nước mắt. Con mèo nhìn tôi không nói gì, hình như nó cũng biết buồn.
Cơn mưa rào mùa hè sầm sập, hối hả chạy một mạch từ sáng sang trưa khiến nước ao dềnh lên ngập sân gạch. Mưa tạnh nhưng nước chưa rút ngay, tôi cùng bố lội bì bõm xuống sân để bắt cá rô. Cá rô thường bơi theo đàn lên sân sau trận mưa rào. Dùng lưới quây cầu ao lối cá rô lên, sau đó lấy rổ xúc trong sân. Cá rô nháo nhác chạy trốn trong tiếng cười trẻ con nắc nẻ. Bắt trọn một đàn cá rô đủ để kho một niêu cá. Cá rô mùa mưa toàn trứng là trứng đem kho riềng thật cạn ủ trong bếp rơm mà ăn với cơm gạo tám vụ chiêm và canh cua đồng nấu mồng tơi, rau đay cùng quả cà muối thì có thể ăn trôi cửa nhà, ruộng vườn không biết chừng. Bố bảo bắt cá rô không chỉ có chiến thuật mà phải có nghệ thuật nữa. Vì cá rô rất tinh khôn và ác chiến nữa. Nó thấy nguy hiểm sẽ trốn chạy, nếu không trốn chạy được sẽ chống trả quyết liệt. Cá rô có cái đầu cứng đanh như đá, và bộ vây sắc lẹm có thể cứa rạch lên sân gạch. Tôi đã có chút kinh nghiệm bắt cá rô cùng bố bao trận mưa rào mà vẫn bị cá rô tặng cho chiến lợi phẩm là vết sẹo lồi trên mu bàn tay phải. Mỗi khi chạm vào vết sẹo ấy, tôi thấy đau nhói trong kí ức về một thời thơ bé đi bắt cá rô sau mỗi trận mưa rào. Và ước mình tự nhiên nhỏ dại như thuở lên năm, lên ba để tắm trong trận mưa xa lắc xa lơ không biết bao giờ trở lại?
Vào một đêm trăng sáng vằng vặc, cây cau ngoài sân lặng lẽ thả hoa vào vại sành đựng nước mưa. Nằm trong buồng, gối đầu lên tay bà nội tôi nghe thấy tiếng hoa cau rụng xuống khẽ khàng như hơi thở, ngửi thấy hương cau tan ra êm đềm trong làn nước mưa mát lành. Bà phe phẩy quạt mo cau xua đi oi nóng và bắt đầu kể chuyện ngày xưa, lâu lắm rồi chẳng còn ai nhớ nữa. Câu chuyện về một bà cô tổ họ Hoàng hồi tám tuổi ăn thị xong ra cầu ao rửa tay, chính là cái ao nhà tôi bây giờ, chẳng may trượt chân ngã xuống chết đuối. Từ đó ngày giỗ hàng năm, con cháu đều nhớ hái thị ở cây thị bên kia bờ ao đem vào nhà thờ họ dâng lên cúng giỗ. Có một năm nào đó, bà vợ ông trưởng họ vô ý cúng thay bằng một loại quả khác. Sáng hôm sau, dù đêm qua không hề mưa gió mà tự nhiên cây thị rụng gần hết quả như có người vặt trụi ném vàng suộm dưới gốc, còn sót lại vài ba quả trên cành thì cũng mềm nhũn như bị ai bóp nát, lá thị tươi rơi lả tả. Các cụ trong họ nhìn nhau xì xào bà cô tổ về hái thị ăn, phật ý lắm đấy, đã bảo rồi mà. Từ đó trở đi, ngày giỗ của bà cô tổ đều phải hái thị chín để cúng. Sau này cây thị bị đổ sau trận mưa lớn thì phải mua thị ngoài chợ Hoành Nha về dâng lên bàn thờ bà cô tổ. Tôi sợ quá nằm im thiêm thiếp ngủ, trong giấc mơ thơm mùi trầu quế của bà, tôi thấy bên kia bờ ao nhà mình mọc lên một cây thị quả chín vàng ươm, sai trĩu trịt và tiếng cười trong veo, lảnh lót như giọng chim chào mào của người đang hái thị ăn trốn trong vòm lá. Vỏ và hạt nhả xuống bay phơi phới như mưa ngâu tháng bảy cô hồn.
Một buổi trưa tĩnh lặng như ca dao, như cổ tích. Quả sung chín rụng xuống buổi trưa vẽ vòng sóng trên mặt ao. Đàn cá ngoi lên tranh nhau đớp. Tôi và thằng Việt ngồi câu cá, thằng Hưởng hôm trước bỏ học đi bẫy chim bị bố đánh nên hôm nay không thấy ra. Tôi với thằng Việt ngồi trên cầu ao đá xanh phủ rêu thò chân xuống bậc ngâm trong nước. Có con cá tham ăn rỉa chân làm tôi cười ngặt nghẽo. Bỗng cái phao của thằng Việt lay động. Nó vội vã đứng lên để giật cần câu. Cần câu cong gập, lưỡi nặng trịch như móc phải chì, dây cước như có ai nắm lấy lôi đi. Thằng Việt trượt chân loạng choạng rồi ngã ùm xuống ao nhanh đúng bằng một tích tắc đồng hồ quả lắc nhà ông kí Đài. Tôi trông thấy mặt cắt không còn giọt máu kêu to cứu...cứu với, có người ngã xuống ao rồi. Bố tôi đang đan rổ trong bếp, vứt dao vứt lạt chạy ra nhảy luôn xuống ao túm tóc thằng Việt lôi lên trong lúc nó đã uống no nước và đang "giã gạo" nhấp nhô trên mặt sóng. Đêm ấy, thằng Việt lên cơn sốt cao, uống thuốc tây, thuốc nam mà không hạ sốt, trán nóng như lửa đốt, hơi thở hầm hập như gió Lào. Trong cơn mê sảng nó đòi ăn thị làm ai cũng bay hết hồn vía, rụng rời tay chân. Hôm sau, bố nó phải mời ông thầy Viêm giỏi nhất làng đến cúng. Tôi đứng thập thò ngoài cửa. Có cả mâm thị chín vàng như nắng. Trống chiêng, chuông mõ, thanh la, não bạt kêu rền rĩ, mũ hài, khăn áo múa xập xoè, hương khói, vàng mã bay mù mịt. Tận khuya, thằng Việt mới cắt sốt và đòi ăn cháo chứ không đòi ăn thị nữa. Mọi người mới thở phào nhẹ nhõm như trút được cối đá đè nặng trên ngực. Dân làng bảo thằng Việt con ông Hoán bị ma bắt vía đấy, may mà bố mày cứu kịp, nhưng vía đi lang thang chưa nhập vào hồn, phải nhờ ông thầy Viêm gọi vía về thì "bệnh âm" mới khỏi. Phúc tổ bảy mươi đời nhà nó còn lớn lắm. Chẳng biết thực hư thế nào. Từ đấy, chúng tôi không dám trốn ngủ trưa câu cá hay bơi lội như vịt đồng ngoài ao nữa.
Những hôm trở trời sắp hay có nhiều ốc. Mẹ cắt mấy tàu lá chuối trong vườn đặt cạnh cầu ao để cho lũ ốc nổi lên bám kín vào đấy. Chỉ việc nhấc tàu lá chuối lên và quờ tay xuống cầu ao thì tha hồ nhiều ốc, đầy kín cả rổ. Nhưng phải bắt ốc vào những ngày tối trời cuối tháng vì sáng trăng ốc nhiều con non trong ruột, lại gầy, ăn nhạt và lạo xạo mất cả ngon. Ốc ngâm nước gạo thả vài lát ớt, cay quá nhả sạch bùn đất. Rửa sạch rồi đổ ốc vào nồi gang, cho vài cái lá bưởi với một muôi nước dưa rồi đảo trên bếp lửa. Nước cạn xăm xắp thì trút vào cái rổ bày ra giữa sân nhà, đặt cái đèn dầu vào giữa. Đèn dầu toả bóng leo lét soi từng khuôn mặt hớn hở. Lấy chiếc gai bưởi để khêu ốc, phải khêu theo hình trôn ốc để giữ nguyên cả đầu và ruột. Phần đầu giòn sựt, phần ruột mềm mướt. Chấm cả con ốc vào bát nước mắm cá Giao Châu pha thìa giấm bỗng chua nồng, củ gừng cay đập dập, lá mùi thơm thái nhỏ thì cái miệng cứ muốn mở ra đón lấy con ốc treo trên đầu gai bưởi, cái mông cứ muốn dán chặt lấy ghế đẩu kê trên sân gạch mãi không rời.
Chuồn ớt đậu trên cọc bè rau muống ngơ ngác khi thấy trời xanh rơi tõm xuống đáy ao quê. Ngày thơ bé tôi giống con chuồn ớt thích soi bóng xuống trời xanh. Một thằng bé xinh trai và hiền lành dưới nước hiện ra cười lỏn lẻn với tôi trên bờ. Bây giờ da tôi đã sạm sương gió, mắt tôi đã rạn chân chim. Tôi muốn soi bóng xuống ao quê cũng không được nữa. Ao quê bị vùi lấp để nhường chỗ cho bao ngôi nhà bê tông loè loẹt vươn mình. Tiếng ếch nhái vọng về quá khứ. Đom đóm lập loè trong nỗi nhớ. Làng lên phố. Hồn làng ngày xưa và kí ức tuổi thơ của tôi đã chìm sâu dưới đất lâu rồi...
Theo Chuyện quê