HỘI NHẬP|| Hôm trước, sau một giờ đoạn cảm xúc “Thương tiếc Phi Nhung” trên MXH (sau đó Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/ đã trân trọng giới thiệu), Giám đốc một Hãng phim tư nhân phía Nam đã gọi điện cho tôi, trân trọng và tha thiết mời tôi viết kịch bản điện ảnh về Phi Nhung, rồi sau đó tham gia làm phim này với tư cách đạo diễn chính.
Vì có vài kinh nghiệm khá cay đắng trong quan hệ với các Hãng phim phía Nam, tôi đã thận trọng trao đổi khoảng hơn nửa giờ để có thể hiểu được - ít nhất là một điều cốt lõi sau: Lý do gì mà họ muốn đưa cuộc đời và tiếng hát của ca sĩ Phi Nhung lên màn ảnh lớn?... Khi đã hiểu cái lý do ấy và biết là chân thật, tôi xin một ngày để suy nghĩ trước khi trả lời dứt khoát.
Một ngày cũng là thời gian để tôi nghe một số bài hát mới – cũ của Phi Nhung, tìm hiểu thêm về cuộc đời cô ca sĩ, và thẩm tra lại chính cảm xúc của mình có thật sự đủ để thực hiện nổi dự án Điện ảnh này không?
Tôi đã xem clip "Nhớ mẹ lý mồ côi" của nhạc sĩ Trương Quang Tuấn do Phi Nhung hát - bài hát có bóng dáng cuộc đời Phi Nhung: "Phương xa cha nào có hay. Mà chiều nay con giỗ mẹ nơi này"… Qua nhiều nguồn thông tin trong nước và nước ngoài, tôi biết thêm một cách khá chi tiết về tiểu sử của cô: Phi Nhung sinh ra trong một gia đình nghèo tại Pleiku. Cô là kết quả của mối tình giữa mẹ cô và một người lính Mỹ. Dù không được ông ngoại chấp nhận, nhưng mẹ cô vẫn quyết giữ lại giọt máu của mình và trốn vào chùa sinh con. Khi Phi Nhung lên một tuổi, mẹ cô đi bước nữa với người chồng quê Cam Ranh. Phi Nhung ở lại sống với ông bà ngoại và luân phiên qua nhà các dì, các cậu. Vì là con lai, nên Phi Nhung luôn phải chịu điều tiếng, bị bắt nạt trong suốt thời đi học...
Phi Nhung từng chia sẻ trong một chương trình TH kể qua nước mắt: “Tôi rất thần tượng mẹ và thèm được gọi hai tiếng mẹ ơi nhưng không dám. Năm 8 tuổi, tôi được mẹ đón về ở chung nhưng chỉ dám nhìn mẹ từ xa và gọi thầm trong miệng. Đến khi mẹ qua đời, tôi mới có thể thốt lên hai tiếng thiêng liêng đó và hứa sẽ thay mẹ nuôi các em ăn học thành tài...”
Năm cô lên 11 tuổi, mẹ cô qua đời do tai nạn giao thông, bố dượng đi tìm hạnh phúc mới. Phi Nhung một mình đưa các em cùng mẹ khác cha về Gia Lai, nghỉ học, xin làm thợ may để thay mẹ nuôi em ăn học…
Năm 1989, Phi Nhung được người mợ bảo lãnh sang Mỹ định cư theo diện con lai. Ở xứ người, cô được một tổ chức từ thiện dạy tiếng Anh trong 6 tháng và đào tạo cấp chứng chỉ dọn dẹp vệ sinh để có thể đi làm ở khách sạn. Cô tranh thủ làm nhiều việc cùng lúc để có tiền trang trải cuộc sống, từ may vá thuê đến công nhân sản xuất đèn cầy, rồi đóng hộp thực phẩm.
Được một ca sĩ hải ngoại thành danh phát hiện ra năng khiếu thiên bẩm, Phi Nhung bắt đầu theo đuổi nghiệp ca hát, với sự giúp đỡ nhiệt tình của chị. Là người giàu cảm xúc, cô còn sở hữu một chất giọng đặc biệt truyền cảm, lay động lòng người qua các ca khúc trữ tình, đặc biệt là dân ca Nam Bộ. Cùng với lao động nghệ thuật gian khổ và nghiêm túc, tới những năm 1994-1998, Phi Nhung được biết đến là nữ ca sĩ ra nhiều album nhất, doanh số bán chạy cũng thuộc hàng kỷ lục, nên được đồng nghiệp và khán giả đặt cho nghệ danh: “Nữ hoàng băng đĩa”. Phi Nhung còn thành công ở lĩnh vực diễn xuất qua các vai diễn trong một số phim và vở diễn sân khấu…
Tuổi thơ bất hạnh, đường tình duyên của nữ ca sĩ cũng gặp không ít trắc trở. Nhưng cô luôn kín tiếng về chuyện đời tư và tập trung vào ca hát và các hoạt động từ thiện xã hội. Phi Nhung xa lạ với những chuyện tai tiếng, scăng-đan của giới nghệ sĩ, và mặc dù có lúc bị tung tin thất thiệt bôi xấu, cô vẫn lặng im làm việc thiện nguyện của mình.
Phi Nhung lớn lên trong cảnh mồ côi, nghèo khó, bản chất thương người, dễ đồng cảm; và đó là một trong những lý do mà cô trở thành nữ nghệ sĩ có nhiều con nuôi nhất Việt Nam…
Giữa lúc đại dịch bùng phát dữ dội tại TP.HCM, lẽ ra đã tới ngày bay về Mỹ thăm con gái sau hai năm xa cách, Phi Nhung quyết ở lại, lăn lộn tới những vùng bị phong toả để giúp đỡ đồng bào. Không may, nữ nghệ sĩ bị lây nhiễm Covid-19. Sau một thời gian chống chọi với tử thần, Phi Nhung đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy khi tài năng nghệ thuật đang chín muồi, để lại biết bao thương tiếc cho hàng triệu khán giả...
Người đại diện của Phi Nhung mới đây chia sẻ với truyền thông: “Trước đây hay sau này, Phi Nhung mãi mãi là một vùng ký ức đẹp đẽ trong trái tim người yêu nhạc. Hơn hết, chị còn là người truyền cảm hứng cho nhiều người, với hành trình thiện nguyện, giúp người giúp đời…"
Và hôm nay tôi đã chính thức nhận lời với Hãng phim (xin được tạm giấu tên, cùng các điều khoản hợp đồng - theo yêu cầu của nhà sản xuất); rất vinh dự được cộng tác với Hãng trong dự án Điện ảnh này để góp phần tạo nên hình tượng một người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất - như công luận đã/đang thừa nhận trong nỗi tiếc thương bàng hoàng trước sự ra đi của cô ca sĩ-Phật tử đáng yêu, đáng kính trọng...