Sơn Đại Việt (DVG) hợp tác đầu tư cùng TCTC phát triển dự án 10.000ha trồng cây hông

Ngày 11-12, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sơn Đại Việt và Công ty Cổ phần Đầu tư TCTC Quảng Bình đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư trồng 10.000ha cây hông từ địa phận Quảng Bình trở ra các tỉnh phía Bắc với trị giá đầu tư 2.200 tỷ đồng.

hong-1-1639296322.jpg

Ông Hồ Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Đại Việt và ông Mai Công Xuân, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư TCTC Quảng Bình ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư

 

Tham dự lễ ký kết có Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Thiện Trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban dân số gia đình và trẻ em Việt Nam; ông Hồ Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Đại Việt; ông Mai Công Xuân, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư TCTC Quảng Bình.

Nằm trong chiến lược mở rộng địa bàn hoạt động cùng định hướng đầu tư đa dạng hóa các dự án của Tập đoàn, phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Tập đoàn Đại Việt và Công ty Cổ phần Đầu tư TCTC Quảng Bình đã ký bản ghi nhớ Thỏa thuận hợp tác dự án “Đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp, gắn với sản xuất nông lâm kết hợp, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo hướng kinh doanh phát triển bền vững” với cây hông là cây công nghiệp chủ đạo.

Thông qua việc ký kết hợp tác này, DVG sẽ đầu tư về vốn, phân bón phục vụ cây trồng, nhà máy chế xuất, đồng thời định hướng đầu ra của sản phẩm, hướng tới các thị trường xuất khẩu mục tiêu như Âu Châu, Bắc Mỹ. Trong khi đó, TCTC chủ động về gây nguồn quỹ đất và thực thi triển khai dự án.

hong-2-1639296322.jpg

Cây Hông 4 tháng tuổi to bằng bắp chân người trưởng thành

Chương trình hợp tác giữa hai bên không chỉ phù hợp với chủ trương ưu tiên phát triển trồng rừng di giãn dân từ vùng đồng bằng lên vùng sâu vùng xa, đảm bảo an ninh quốc phòng mà còn xuất phát từ giá trị kinh tế cao từ cây Hông. Đây là bước đệm mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc: tạo công ăn, việc làm cho bà con dân tộc thiểu số; tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao trình độ người dân; giảm trừ tệ nạn xã hội, đưa lại nhiều tác động tích cực và nâng cao đời sống an sinh.

Cây hông (tên khoa học Paulownia) được biết đến là loại cây “chiến lược” của thế kỷ 21 với giá trị kinh tế - xã hội và môi trường vượt trội. Cây trồng 2 - 3 năm đã cho khai thác, trong cùng thời gian sinh trưởng từ 7 – 10 năm, trong khi cây keo chỉ đạt đường kính từ 25 – 40cm thì cây hông đạt tới 65cm đến 1m đường kính. Nhờ gỗ rất cứng, rất nhẹ, không cong vênh và chỉ cháy khi nhiệt độ trên 400°C nên được ứng dụng rộng rãi cho nội thất cao cấp, nguyên liệu in tiền giấy, đóng tàu thuyền, trang bị nội thất máy bay…

hong-3-1639296322.jpg

Buổi lễ ký kết diễn ra thành công tốt đẹp

Trước đó tại Hội nghị các nhà nông tiêu biểu của hơn 20 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa qua, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian phân tích hiệu quả kinh tế của cây hông. Cây hông có giá bán rất cao trên thị trường, khoảng 700 đến 1.000 USD một khối gỗ. Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho rằng, cây hông là loại cây của thần tiên. GS.TS Vũ Khánh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam là người đã bỏ ra hàng chục năm để nghiên cứu về cây hông. Theo ông, dân ta bây giờ chưa hiểu mấy về giá trị của loại cây này, nhưng ông hy vọng rồi họ sẽ hiểu và sẽ trồng nhiều rừng hông, họ sẽ giàu lên nhờ cây hông, cuộc sống của họ sẽ không còn khó khăn nữa.