SỰ CẦN THIẾT PHẢI THÀNH LẬP HIỆP HỘI SX&KD HOA LAN VIỆT NAM

Huy Hoàng

Vào ngày 23/4/2021 tới đây, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội thảo "Phát triển Hoa Cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh", sẽ diễn ra sự kiện ra mắt Ban Vận động thành lập Hiệp hội SX&KD Hoa lan Việt Nam. Nhân dự kiện này, xin giới thiệu bài viết cảu tác giả Dương Đinh với chủ đề SỰ CẦN THIẾT PHẢI THÀNH LẬP HIỆP HỘI SX&KD HOA LAN VIỆT NAM.

Sự cần thiết

Theo ngọc phả ở đình làng Vị Khê (Điền Xá, Nam Trực, Nam Định), thì nghề trồng hoa cây cảnh nơi đây có từ thế kỷ XIII (năm 1211) do một vị quan nhà Lý là Tô Trung Tự truyền dạy cho dân làng. Dù làng hoa cây cảnh trải qua nhiều thăng trầm, nhưng dân làng Vị Khê vẫn giữ được nghề truyền thống của làng hoa cây cảnh. Làng Vị Khê được biết đến là cái nôi của nghề trồng hoa cây cảnh ở nước ta.

Từ phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động những năm 60 của Thế kỷ trước, đến năm 1989, Đảng và Nhà nước cho phép thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam với tôn chỉ mục đích là gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống và hiện đại trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại có liên quan để góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, tôn tạo di tích lịch sử, tăng cường mối đại đoàn kết toàn dân.

Như vậy, Sinh Vật Cảnh được hiểu theo nghĩa rộng và mang nhiều nội hàm của giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, từ động thực vật, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái. Với tôn chỉ, mục đích này, sau hơn 30 năm, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã rất thuận lợi trong phát triển tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh theo chiều rộng.

Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ – CP về ngành nghề Phát triển Nông thôn, trong đó xác định, hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 ngành nghề phát triển Nông thôn. Đây là bước đánh dấu sự chuyển dịch từ một nét đẹp văn hóa, một thú chơi thành một ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, khi triển khai Nghị định 52 trong thực tế thì phần lớn các địa phương lại cụ thể Sinh Vật Cảnh bước đầu với hai đối tượng chính là Hoa và Cây cảnh. Điều này là phù hợp với thực tế phát triển hai nhóm đối tượng sản phẩm nông nghiệp này của Việt Nam và thế giới.

Trong hoa cây cảnh lại chia làm rất nhiều phân ngành nhỏ theo các loại sản phẩm nông nghiệp cụ thể. Đặc biệt trong đó phải kể đến các loại hoa lan. Việt Nam là một trong 16 quốc gia đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới, trong đó hoa lan có tới gần 1000 loài được phân bổ dọc chiều dài đất nước. Nhiều loại lan bản địa của Việt Nam là nguồn Gen thực vật quý giá phục vụ cho ngành dược liệu, chiết xuất tinh dầu phục vụ các ngành mỹ dược phẩm cao cấp…

 Từ thực tế đó, Ban Hoa Cây cảnh thuộc Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam và một số tổ chức Hội nghề nghiệp khác sẽ không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn như: Công tác nghiên cứu chuyên sâu, tập hợp hội viên chuyên ngành hép, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Hoa và cây cảnh. Đặc biệt không thể triển khai được nhiều hoạt động với tư cách một ngành nghề theo Nghị định số 52.

Nghề nuôi trồng sản xuất hoa Lan là một phân ngành độc lập đã phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Ở Việt Nam, nghề này cũng đã được quan tâm phát triển 40 – 50 năm nay, nhất là sau khi chúng ta thực hiện việc đổi mới mở cửa hội nhập Quốc tế. Ngày nay vị thế của ngành hoa lan đang có thế và đà phát triển mạnh mẽ, tiềm năng lớn nhưng nặng về tự phát và cảm tính - mặt tốt chưa được phát huy đồng bộ, chưa được tuyên truyền sâu rộng để các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân ủng hộ; mặt tiêu cực vẫn nhởn nhơ tồn tại gây bức xúc cho xã hội, làm ảnh hưởng uy tín của những người chơi, người nuôi trồng, người kinh doanh chân chính, nhưng cũng chưa có tổ chức nào đứng ra đấu tranh, bảo vệ theo đúng nghĩa và thật trách nhiệm.

Với những ngành nghề sản xuất khác như Xăng dầu, Vật liệu xây dựng, nước mắm..., chỉ cần có một bài báo, một đoạn tin truyền hình nêu chưa đúng vấn đề thì ngay lập tức Hiệp hội ngành nghề sẽ có văn bản trao đổi để truyền thông xử lý đúng hướng công bằng.

Chính vì chiều hướng tích cực tự phát của nghề Lan nên giá của từng giống hoa Lan được định tuỳ tiện dẫn đến việc có hiện tượng thổi giá, đẩy giá. Chúng ta chưa có tổ chức hoặc hội đồng thẩm định, đưa ra tiêu chí cụ thể chấm điểm cho từng mặt bông Lan quý. Nhóm SVC nước ta hiện có Hiệp hội chó giống (VKA), tổ chức này đã ban hành bộ tiêu chí chấm điểm chó giống, cấp chứng nhận và chíp cho từng cá thể chó quý của thành viên. Qua đó các thành viên tự thẩm định được Pet cưng của mình đạt được điểm nào, giá trị ra sao.

Thiết nghĩ với nghề Lan nếu chúng ta coi bông 5CTPT, HYT là “bông quốc dân, nền móng của Lan var” mặc định ở bước thang điểm 5/10 (thuộc 2 tông màu 5 cánh trắng và 5 cánh hồng) thì các bông đẹp hơn (tầm trung, tầm cao, siêu cao) sẽ được Hội đồng chấm chọn xét bao nhiêu điểm thì thị trường sẽ tự định được giá trị của bông đó - Nếu điều này thực hiện bởi 1 hội đồng trình độ, công tâm, khách quan thì nghề Lan sẽ minh bạch rõ ràng, chống lợi ích nhóm. Người chơi mới không bị lạc vào mê hồn trận - gọi nôm na là: không bị kết nối u mê.

Với sự bao trùm gắn kết của Hiệp hội với các hội của các tỉnh sẽ còn giúp định hướng cho các nhà vườn đăng ký thực hiện đúng quy định của Luật trồng trọt, Luật thuế. Hướng dẫn các nhà vườn đăng ký công bố giống, số lượng giống cung cấp ra hàng năm, sẽ minh bạch rõ ràng nguồn cây chuẩn nhằm hạn chế tối đa hiện tượng lừa đảo cung cấp giống sai tương tự như vụ việc sai giống cây HYT số lượng lớn năm 2020.

Nay nghề trồng Lan phát triển, người chơi đã tự sưu tầm các giống Lan trong nước, hạn chế việc phải nhập khẩu các giống ngoại lai gây chảy máu ngoại tệ nhưng muốn đưa hoa Lan ra thị trường quốc tế thì cần phải có pháp nhân đại diện. Trước tiên là quảng bá nhờ liên kết triển lãm, giao lưu trao đổi, đến khi tìm được thị trường và nhu cầu số lượng thì Hiệp hội định hướng sản xuất, xin quota xuất khẩu, ký kết hợp đồng. Chắc chắn là trong quá trình hội nhậpkinh tế quốc tế muốn xuất khẩu sản phẩm hoa Lan đến các quốc gia khác, các pháp nhân, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoa Lan cần có một tổ chức HIỆP HỘI đại diện và tăng cường bảo về quyền lợi của mình trong các quan hệ kinh tế.

Với những luận cứ trên cho thấy: Sự ra đời của HIỆP HỘI SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH HOA LAN VIỆT NAM là vấn đề cấp thiết, giúp nghề Lan phát triển bền vững mang lại thu nhập ổn định cho người dân, phá bỏ định kiến “ảo, đa cấp, lừa đảo...” từ đó cộng hưởng giúp thúc đẩy các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, vật tư hoa Lan, du lịch sinh thái, dịch vụ vận tải, nghỉ dưỡng ...cùng khởi sắc góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Cơ sở pháp lý

Quyền lập hội ở nước ta được quy định rất sớm bởi Luật số 102-SL/L-004 ngày 20.5.1957 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ. Ngày 21/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2010/NĐ – CP quy định về Quản lý, Hoạt động và Tổ chức Hội. Theo đó điều kiện để thành lập Hiệp hội gồm:

Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội). Đề thành lập hiệp hội, phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất: Điều kiện thành lập hội.

+ Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ.

+ Có điều lệ.

+ Có trụ sở.

+ Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội: Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hội có phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất hai mươi công dân, tổ chức trong huyện có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hội có phạm vi hoạt động trong xã có ít nhất mười công dân, tổ chức trong xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất mười một đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

Thứ hai: Về thành lập bạn vận động thành lập hội.

Người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động.

Số thành viên trong ban vận động thành lập hội được quy định như sau: Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất mười thành viên; Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, có ít nhất năm thành viên; Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, có ít nhất ba thành viên; Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất năm thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế; đối với hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất ba thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế trong tỉnh.

Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận.

Thứ ba: Trình tự, thủ tục thành lập hội.

Nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ bao gồm:

– Đơn xin phép thành lập hội.

– Dự thảo điều lệ.

– Dự kiến phương hướng hoạt động.

– Danh sách những người trong ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

– Lý lịch tư pháp người đứng đầu ban vận động thành lập hội.

– Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của hội.

– Bản kê khai tài sản do các sáng lập viên tự nguyện đóng góp (nếu có).

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ xin phép thành lập hội:

– Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác.

– Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận hồ sơ xin phép thành lập hội phải có giấy biên nhận. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, quyết định cho phép thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Đối chiếu với những quy định hiện hành, việc thành lập HIỆP HỘI SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH HOA LAN VIỆT NAM là hoàn toàn có cơ sở khả thi, đúng với các quy định của pháp luật.

Dương Đinh