Suy ngẫm ngày xuân

Người xưa từng nói, quyền hành và danh vọng là một thứ đáng sợ. Nó tôn cao con người và cũng đè bẹp con người. Nhưng sẽ không còn là đáng sợ khi người được giao một chức tước nào đấy dù nhỏ, dù lớn không xem đấy là tấm giấy thông hành giắt lưng suốt đời.

Hơn 600 năm trước, nói đến việc thiếu vắng người tài, Nguyễn Trãi (1380-1442) vị khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong Bình Ngô đại cáo đã viết: “Lại ngặt vì: Tuấn kiệt như sao buổi sớm/Nhân tài như lá mùa thu”. Cũng vào thời ấy, Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) vị vua anh minh được xem là “Vua Thánh” của Đại Việt coi dùng người là hệ trọng nhất trong mọi điều hệ trọng. Từ đó, triều Lê đã áp dụng rất nhiều biện pháp mang tính hệ thống để tìm người tài ra giúp nước; khuyến khích việc học; tổ chức thi tuyển để lựa chọn kẻ cơ mưu, trí lực hơn người.

cam-nghi-ve-mua-xuan2-1643330959.png

 

Xem thế đủ biết cha ông ta coi trọng việc tìm người và dùng người tài đức như thế nào. Đầu thế kỷ 20, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Cùng với việc “lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin làm cốt” coi đó như chiếc la bàn định hướng, Đảng ta đặc biệt chăm lo công tác cán bộ. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói, bài viết về việc dùng người. Khi chính quyền còn non trẻ, chuẩn bị bước vào kháng chiến toàn quốc, Bác không quên việc tìm người đứng mũi chịu sào. Ngày 20/11/1946, Người viết trên Báo Cứu quốc bài “Tìm người tài đức”-bài viết được ví như “Chiếu cầu hiền” của thời cách mạng.

Bấy lâu chúng ta thường băn khoăn một điều, người tài thời nay không còn hiếm đến nỗi như “lá mùa thu”, nhưng vì sao vẫn chưa tìm được, tìm đúng người giỏi giang? Không một nhiệm kỳ đại hội nào, Đảng không nhấn mạnh những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác cán bộ. Sau Đại hội VIII (1996), Trung ương đã xây dựng Nghị quyết 03 về Chiến lược cán bộ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách với những quy định cụ thể, tiếp tục hoàn thiện bộ “luật” cơ bản, để làm sao chọn đúng người xứng đáng sắp xếp vào các vị trí lãnh đạo. Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân”.

Ngang tầm nhiệm vụ, một yêu cầu không dễ thực hiện đối với mỗi cán bộ và cả một đội ngũ, nhất là cấp chiến lược. Hằng ngày, trong đời sống, trong công tác, nhất là khi nhận xét, đánh giá cán bộ, có một câu hỏi trở đi trở lại: đồng chí ấy có mặc vừa “chiếc áo”? Xứng đáng hay dưới tầm? Trả lời những câu hỏi có khá nhiều đáp số trừu tượng, thường là “chưa họp đã biết”. Những đáp số của rất nhiều ưu điểm, thành tích được thổi phồng hết cỡ.

Ở những nơi có tình trạng mất dân chủ, đoàn kết xuôi chiều, bè phái, lợi ích nhóm, thì cán bộ nào cũng mười phân vẹn mười. Còn người đứng đầu thì cứ như khuôn vàng thước ngọc. Đi liền đó là những thiếu sót, nhược điểm cũ như Trái đất: “Còn e dè, nể nang, chưa thẳng thắn trong đấu tranh phê bình”; “Tính tình đôi lúc còn nóng nảy”; “Cần sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học hơn, phân cấp phân quyền mạnh hơn”… Những dẫn chứng này chúng tôi dẫn từ một đơn vị có người đứng đầu tham nhũng, phải vào tù, nhưng trước đó, tập thể nhận xét về ông ta như thế đó! Không thấy ai “mạnh dạn” chỉ ra thói cơ hội, dối trá, mặc dù bên ngoài cuộc họp luôn có tiếng xầm xì. Vẫn là do bệnh hình thức trong sinh hoạt đảng, chính quyền, đoàn thể, thành tích thì kể đến công trạng của nhiều người, còn khuyết điểm thì như một đứa con rơi. Bằng mặt dễ nhìn ra, nhưng bằng lòng thì không dễ nhận thấy. Như vậy, căn bệnh thành tích, mất dân chủ, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm vẫn đang là vật cản lớn, khiến cho không ít người “được làm” nhưng kém đức kém tài ngật ngưỡng trên ghế của mình, khiến cho bao người “làm được” không có chỗ.

Ngang tầm nhiệm vụ thường được đánh giá chung về một đội ngũ, một thế hệ. Họ được cho là đào tạo cơ bản, được chuẩn bị, sàng lọc qua thực tiễn với những quy trình chặt chẽ. Nói một cách mộc mạc: anh chị ấy “thuộc bài”, “làm tròn vai”. Thuộc và tròn thì chưa hẳn là xuất sắc. Thế nên lời tâm sự của một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mới ngoài 40 tuổi thật sâu sắc: “Nhận nhiệm vụ tôi lo lắm. Công việc càng lúc càng khó khăn, nặng nề. Điều đã “thuộc” có khi lại khiến mình chủ quan, thậm chí bảo thủ. Vì thế mới phải vừa làm vừa học.

Hãy lắng nghe chân lý từ những lời nói, đừng quá nặng về chức vụ người đang nói. Một chiếc lá tía tô người Nhật Bản trồng ở Lâm Đồng bán với giá 700 đồng. Điều này gợi ý điều gì với người lãnh đạo về việc trồng và xuất khẩu nông sản?”. Nhận xét về đồng chí Bí thư trẻ, các cộng sự ghi nhận, đó là một người “nghĩ rất nhiều” và rất quyết đoán. Có khi ban đầu ý kiến đồng chí ấy là thiểu số nhưng cuối cùng đã thuyết phục được tập thể bởi những phân tích khoa học, sát thực tiễn. Và rồi khi thực hiện chủ trương đó đã mang lại lợi ích kinh tế rất lớn. Dám nghĩ dám làm chỉ có được ở người lãnh đạo có “tầm”. Họ lo xa từ chuyện qua cầu và lo gần đến việc bước tới cầu. Việc đến thì làm, không chọn chỗ, chọn việc để cầu danh, để đánh bóng tên tuổi.

Ngang tầm nhiệm vụ còn được hiểu là người lãnh đạo có tài đức để thu phục người tài đức. Nhận ra và thừa nhận tài năng của người khác cũng đã là một cái tài. Người thủ trưởng chỉ thật sự có cả uy và tín khi tập hợp được nhiều tài năng, tính cách nào cũng có thể chấp nhận vì cái chung, ngoại trừ tính cách… tham. Không chỉ tham nhũng mà còn tham danh, tham lợi, đam mê quyền lực. Uy tín của người lãnh đạo không phải một ngày, một thời gian mà có được, đó là sự rèn luyện, tu dưỡng suốt đời. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đến điều này trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, được tổ chức ngày 24/11/2021: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”…

Bởi tham tiền, tham quyền, bất chấp lẽ phải mà không ít cán bộ đã sa ngã. Người lợi dụng dịch bệnh để nâng giá trang thiết bị y tế, thuốc men; ngoảnh mặt làm ngơ, che đỡ “sân sau”, bao che buôn lậu; người trông nom luật pháp thông đồng với kẻ vi phạm luật pháp để ăn chia, nhận hối lộ… Không biết đủ, biết dừng, biết biến cho nên hàng chục tướng lĩnh cảnh sát biển đã sa ngã, có người phải vào vòng lao lý. Thật đau xót! Họ đã từng có lúc “ngang tầm”, được trọng thưởng, cất nhắc. Nhưng rồi, tự khi nào họ không còn là chính mình, “rơi tự do” trong bầu khí quyển mê hoặc của quyền lực.

Cuối năm vừa rồi Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Chuyện không mới, nhưng đặt ra lúc này thật cần thiết. Biết đâu đó chẳng là điểm tựa cho những người tự trọng, biết mình đã “dưới tầm”, nên thoái lui đúng lúc và đúng cách. Suy cho cùng, chất lượng công tác cán bộ chính là bảo đảm bằng vàng để đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chợt nhớ câu nói của V.I. Lê-nin, đại ý: Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta.

Một sớm xuân thức dậy, lòng ngân rung khi cánh én chao nghiêng, ngọn cỏ mềm, nhành non lộc, là khi ta thấm thía quy luật vĩnh hằng của đất trời, cũng như quy luật phát triển của con người, có sinh, có diệt, có cho, có nhận. Nhận những gì quá với trí mình, sức mình, chẳng áy náy lắm sao? Bạn ta chỉ với chiếc li nhỏ trong tay chẳng mấy khi đầy nước mà thấy ung dung, thanh thản. Nghĩ về việc chọn người tài đức thấy không ngoài vòng tuần hoàn ấy. Cái gì hợp quy luật thì nó tồn tại, tự nhiên, bền vững muôn đời.