Tác động của yếu tố kinh tế đến việc bảo tồn và phát huy giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thời Lý, trải qua thời gian lịch sử ngôi chùa vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc cổ kính vốn có của những ngôi chùa Bắc Bộ. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ 3.050 mộc bản bản rời làm bằng gỗ thị có niên đại từ TK XVII đến TK XX được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào trung tuần tháng 5 - 2012. Sau khi được UNESCO công nhận, việc bảo tồn và phát huy giá trị...

Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thời Lý, trải qua thời gian lịch sử ngôi chùa vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc cổ kính vốn có của những ngôi chùa Bắc Bộ. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ 3.050 mộc bản bản rời làm bằng gỗ thị có niên đại từ TK XVII đến TK XX được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào trung tuần tháng 5 - 2012. Sau khi được UNESCO công nhận, việc bảo tồn và phát huy giá trị mộc bản là vấn đề được chính quyền và nhà chùa đặc biệt quan tâm.

Ván in bộ Thiền Tông Bản Hạnh. Ảnh Trường Giang

1. Vài nét khái quát về chùa Vĩnh Nghiêm

Theo sử sách ghi lại, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ thời Lý khi Phật giáo là quốc giáo của đất nước: “Triều Lý luôn sủng ái Phật giáo, triều Lý dành cho Phật giáo những đặc ân lớn… vì vậy chùa chiền mở rộng. Năm nào Toàn thư cũng ghi chép lại việc xây dựng chùa chiền”(1). Theo Đào Duy Anh “Phật giáo truyền vào nước ta vào khoảng TK II, III... đến khi nước ta độc lập thì Phật giáo ở trong dân gian đã thịnh lắm, nên vua Đinh Tiên Hoàng mới định giai phẩm các Tăng... Đến thời Lý nhà vua rất trọng đãi các nhà tu hành, thường ban y phục cho các tăng ni, lại dựng cung Thái Hanh, lập chùa Vạn Tế cùng vô số chùa khắp trong nước... Đến thời Trần vua Nhân Tông lấy tư cách một vị thiên tử mà còn đi tu làm hòa thượng, hoàng hậu cũng đi tu làm ni cô, dùng các vương công đi tu làm tăng chúng, thế đủ thấy Phật giáo lúc bấy giờ thịnh hành thế nào”(2)… Những ghi chép lịch sử đã chứng tỏ thời kỳ phong kiến Lý, Trần là giai đoạn huy hoàng đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Phật giáo trong lịch sử dân tộc: “Tháp xây ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua... dân chúng hơn nửa là sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền”(3).

Chùa Vĩnh Nghiêm còn có tên nôm là chùa La, chùa Ông La, chùa Đức La. Ba tên này do nhân dân địa phương gọi theo tên làng La (Ông La) là nơi chùa tọa lạc. Chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên địa bàn thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, bên trái giáp sông Lục Nam, trước mặt giáp với thôn Thanh Long, bên phải là dải Đèo Dẻ, núi Con Voi, Con Lân, phía sau là dãy núi Cô Tiên.

Ngoài việc thờ Phật, chùa còn thờ 3 vị Trúc lâm Tam tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Chùa có diện tích hơn 10.000m2 qua cổng tam quan đi vào hơn 100m là chùa Hộ (tiền đường).

2. Gắn yếu tố kinh tế vào việc bảo tồn và phát huy giá trị mộc bản

Đất vùng La là bãi bồi chiêm trũng được bồi lấp bởi phù sa của dòng sông Lục Nam, tạo nên những cánh đồng màu mỡ thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Ngoài trồng trọt nông nghiệp người dân vùng La còn đánh bắt cá, hành nghề chài lưới... và làm một số nghề thủ công như đan lát, đan lưới... Theo ông Nguyễn Văn Điển, Phó chủ tịch UBND xã Trí Yên, huyện Yên Dũng cho biết: trồng lúa nước là nguồn kinh tế chính của người dân nơi đây, ngoài ra, họ còn trồng thêm đậu tương để làm tương và trồng khoai lang để bán.

Theo tư liệu chúng tôi khảo sát, trước đây địa phương có nhiều nghề thủ công như đan lát, đan lưới, buôn bán... nhưng hiện nay những nghề này đã bị mai một. Hiện nay, chỉ còn nghề làm tương và trồng khoai lang vẫn được người dân duy trì phát triển.

Nghề làm tương có lịch sử hình thành lâu đời gắn với sự hình thành và phát triển của ngôi chùa cổ kính Vĩnh Nghiêm. Xưa kia hầu như gia đình nào cũng làm tương để dùng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, đã có thời kỳ nghề tương La có nguy cơ bị mai một do người dân địa phương rời quê hương đi làm ăn xa. Nhưng vài năm trở lại đây nghề làm tương được chính quyền quan tâm xây dựng kế hoạch và đăng ký thương hiệu cho tương La.

Bên cạnh đặc sản tương La, khoai lang ở đây cũng được nhiều người biết đến với chất lượng tươi ngon. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Thanh Long, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng thì khoai lang ở vùng La ăn rất ngon, người dân thu hoạch đến đâu là bán hết đến đó.

 Từ khi được tổ chức UNESCO ghi danh và tôn vinh là Di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thế giới, số lượng du khách thập phương đến tham quan chùa Vĩnh Nghiêm đông hơn, nhất là vào dịp lễ hội chùa ngày 14 - 2 âm lịch. Nhờ có lượng khách này mà hoạt động kinh tế của địa phương cũng phát triển theo. Các sản phẩm nông nghiệp truyền thống dần được đưa vào phục vụ thương mại, du lịch địa phương. Ông Nguyễn Văn Điển, phó chủ tịch UBND xã Trí Yên cho biết: sau khi mộc bản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khách thập phương đến tham quan chùa ngày càng đông, cùng với đó hàng hóa nông nghiệp sản xuất ra được khách du lịch mua tại chỗ. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn: khi mộc bản được công nhận là di sản tư liệu năm 2012, thì tương La sản xuất ra bán chạy hơn, đồng thời khoai lang không đủ bán cho du khách thập phương đến vãn cảnh chùa.

Theo tài liệu chúng tôi khảo sát tại địa phương, tương La được chính quyền xã Trí Yên quan tâm đến vấn đề phát triển thương hiệu và có chính sách đầu tư phát triển. Năm 2014, UBND huyện Yên Dũng hỗ trợ 70 triệu đồng để hỗ trợ người dân mua dụng cụ sản xuất tương góp phần thúc đẩy nghề làm tương của địa phương.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: huyện Yên Dũng đã đề nghị với UBND tỉnh Bắc Giang cấp bằng công nhận sản phẩm cho tương Trí Yên, để tiếp tục duy trì và thúc đẩy sự phát triển của nghề làm tương La. UBND huyện Yên Dũng sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư về tư liệu sản xuất để người dân có điều kiện mở rộng sản phẩm làng nghề truyền thống. Còn theo ông Nguyễn Văn Điển, thì UBND xã Trí Yên đã có văn bản chỉ đạo thành lập Hợp tác xã để khuyến khích người dân làm tương, đồng thời quản lý vấn đề an toàn thực phẩm.

Cùng với nghề làm tương La, khoai lang cũng là nông sản có thể phát triển thành thương hiệu và đem lại thu nhập cho người dân Đức La. Tuy nhiên, chính quyền chưa có chính sách định hướng cho việc trồng và phát triển thương hiệu khoai lang. Người dân hiện nay đang trồng và bán khoai lang theo kiểu tự phát chưa có sự định hướng của chính quyền. Theo ông Nguyễn Văn Điển, Phó chủ tịch UBND xã Trí Yên, hiện nay UBND xã đang tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tương La, đồng thời UBND cũng đã có sự quan tâm đến việc trồng và phát triển giá trị khoai lang Đức La.

Ngoài các ngành nghề nông sản, chính quyền địa phương cần đề ra kế hoạch phát triển nhiều nghề thủ công dựa vào việc phát huy giá trị mộc bản, ví như phát triển nghề chạm ván khắc kinh (mộc bản), đan lát… cung cấp sản phẩm cho du khách đến tham quan chùa. Theo bà Vũ Thị Phụng, nguyên trưởng khoa Lưu trữ học & Quản trị Văn phòng, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội: Nếu chính quyền địa phương và người dân có kế hoạch đầu tư sản xuất và biết kết hợp với việc phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của mộc bản, chế biến những hàng hóa thủ công nghiệp gắn với mộc bản thì việc thu lợi về kinh tế sẽ mang lại nhiều hiệu quả.

Với mong muốn người dân được lợi từ du lịch, chính quyền tỉnh Bắc Giang cần đưa ra các chủ trương chính sách có hiệu quả như: đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hình ảnh để thu hút khách tham quan, tuyên truyền để người dân biết cách làm du lịch,… Đặc biệt, cần chú trọng đến việc bảo tồn giá trị mộc bản, có như vậy mới đảm bảo nguồn sinh kế lâu dài cho người dân địa phương (4).

_______________

1, 2. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam: từ nguồn gốc đến giữa TK XX, Nxb Nhã Nam, 2014, tr.176 -177, 199.

3. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011, tr.245.

4. Bài viết này là sản phẩm của đề tài khoa học cấp nhà nước năm 2014 - 2016: Định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang, mã số ĐTĐL - G02/2014 do GS, TS Vũ Đức Nghiệu làm chủ nhiệm.