Tác phẩm "Thụ Lâm Bồng Thạch" của Nghệ nhân Chu Mạnh Hùng, Hà Nội
Rồi một ngày như duyên tiền định, Thụ Lâm về với "Hiệp sĩ làng cây" Nghệ nhân Chu Mạnh Hùng hay dân chơi còn gọi là Hùng Xiếc. Kể từ đó, đời Thụ Lâm đã bước sang một trang mới. Tên của tác phẩm đã được trả lại. Danh của nó lại được tôn vinh. Thu Lâm xuất hiện ở đâu như một sự "báo hỉ" cho sự kiện đó thành công.
Dưới bóng Thụ Lâm bao "lữ khách đa tình với thiên nhiên" thăm quan chiêm ngưỡng đã thổ lộ tâm tình, chuyện cây chuyện đời và cả những niềm đam mê dường như chẳng có điểm kết thúc đối với những ai "chót" dính vào thú chơi thanh cao tao nhã này. Bao nghệ nhân, nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc, ở các châu lục trên thế giới đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp hút hồn của một kiệt tác thiên nhiên đã được con người "chấm phá" tạo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo hiếm thấy.
Tác phẩm "Thụ Lâm Bồng Thạch" xuất hiện ở đâu cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi vẻ đẹp độc đáo của nó.
Cứ nghĩ về thân phậm của Thụ Lâm, chuyện đời cây đời người lại khiến người ta thêm tin vào thuyết tâm linh cây cỏ của nhà Bác học Cleve Backster chế ra máy Dò Nói Dối, người Mỹ gọi là Lie Detector hay Polygraph. Những điều còn làm cho chúng ta kinh ngạc là cây có trí nhớ và tình cảm. Chúng nhận biết những kẻ chuyên phá hoại hoặc những người hay chăm sóc chúng. Ông Charles A. Lewis trong quyển Ý nghĩa của cây cỏ trong đời sống chúng ta (The Meaning of Plants in our Lives) viết: "Sự say mê nghiên cứu về những liên kết giữa cây cỏ với tâm trí con người mà những tương tác làm tăng thêm hạnh phúc ở ngoại cảnh và môi trường có tác động đến đời sống con người (Fascinating research can lead to enhanced well-being and an appreciation of the environment). Một gia đình an vui, hạnh phúc, cây cỏ trong nhà cũng tươi tốt. Khi người chăm sóc cây cối, cái tương tác tâm linh giữa Cây và Người làm cho cả hai đều khỏe mạnh hơn. Ðó là lý do tại sao những cây mọc gần nhà thường tốt hơn những cây mọc xa. Vậy chúng ta hãy nâng niu, trân trọng từng cọng cây chiếc lá. Hãy dành một chút thì giờ để chăm sóc cây cỏ và vườn tươi (lawn and garden) sức khỏe chúng ta có thể nhờ đó mà tốt hơn. Ngược lại những người thường xuyên chặt phá cây cối thường gặp điều kém may mắn hay nhuốm bịnh là vì khi cây bị xâm phạm, phản ứng tâm linh yếu ớt của cây đánh vào thủ phạm. Mỗi lần một ít, lâu dần người đốn cây sẽ bị bệnh nặng. Có thể người xưa sống an vui, hạnh phúc vì cái thú Ðiền Viên chăng?".
Chúng ta có thể tìm hiểu những chứng nghiệm được Tâm Linh Cây Cỏ thì kỹ sư Kirlian đã chụp được hào quang của chúng. Kirlian, tên đầy đủ là Semyon Davidovich Kirlian(1900-1980) sinh tại tỉnh Krasnoda, xứ Amenia nước Nga. Năm 1939 Ông cùng vợ là Valentina đã phát minh ra máy Chụp Hào Quang gọi là Kirlian Electrophotographic Camera (gọi tắt là máy Kirlian). Ông bà này đã áp dụng từ trường của điện vào thuật chụp hình của sinh thực vật (Bio Electrography). Một tấm ảnh chụp chiếc lá của máy Kirlian hiện ra như một thế giới điểm sáng. Chung quanh nó là hào quang (Corona). Những tia lửa nhỏ màu ngọc lam, màu da cam, phát ra từ trung tâm và đi xa theo những kinh xác định. Không phải chỉ lá mới có hào quang. Cây càng lớn, càng già, hào quang càng rực rỡ và Trường Sinh Lực (bio field) càng mạnh. Trường Sinh Lực (TSL) chính là sức mạnh vô hình của thảo mộc. Có những tiều phu vừa đốn xong một đại thụ bỗng lăn đùng ra chết. Có thể người này đã chặt phải một linh mộc có TSL quá mạnh.Trong tín ngưỡng nhân gian ta, có tục thờ cây đa. Bên gốc đa già, thường có một cái miếu nhỏ, đặt bát hương, những chiếc bình vôi, để hương khói cho Thần Linh. Do kinh nghiệm của cha ông truyền lại thì cây lớn có Thần lớn. cây nhỏ có Thần nhỏ.
Từ đời sống của tác phẩm Thụ Lâm Bồng Thạch và các tài liệu nghiên cứu của các nhà bác học Đông Tây Kim Cổ kể trên về thực vật đã giúp ta thêm những tri thức mênh mông về thế giới của cỏ cây hoa lá, Sinh Vật Cảnh. Phải chăng giữa vũ trụ, thiên nhiên, cỏ cây hoa lá và vạn vật trong trời đất đều "hữu linh" có mối quan hệ hữu cơ tương tác với nhau? Chỉ những ai chăm cây, yêu cây tha thiết hết mình mới biết cây không phụ mình như thế nào!?
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp)
Theo PV