Một tài hoa ra trận
Là con thứ tư trong một gia đình Hà Nội gốc, Nguyễn Kim Duyệt được hưởng thụ một nền giáo dục khá toàn diện. Bởi vậy, ngay từ nhỏ những năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc của cậu bé Duyệt đã được phát hiện và nuôi dưỡng. Mặc dù chỉ học thêm ở nhà và tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ thiếu nhi song Duyệt chơi đàn rất hay. Ngoài ra, Duyệt vẽ cũng rất khá.
Năm 1970, Nguyễn Kim Duyệt tốt nghiệp phổ thông trung học. Mặc dù học lực giỏi song do xuất thân từ gia đình thành phần không cơ bản nên Nguyễn Kim Duyệt chỉ được vào Đại học Nông nghiệp. Nhưng rồi, sự học của anh cũng không được suôn sẻ.
Tháng 9.1971, cùng hàng vạn sinh viên các trường đại học Duyệt lên đường nhập ngũ. Hành trang khi lên đường của Duyệt chỉ có vài cuốn sổ tay cùng cây đàn ghi- ta. Sau thời gian huấn luyện tân binh Duyệt được chuyển về binh chủng Thiết giáp và trở thành pháo thủ xe tăng của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn xe tăng 203.
Năm 1972, cùng với các đồng đội, Nguyễn Kim Duyệt đã trải qua những tháng ngày vô cùng ác liệt trên mặt trận Quảng Trị với các trận đánh nổi tiếng ở Phượng Hoàng, Ái Tử... Ngay cả khi Hiệp định Pa- ri được ký kết, Tiểu đoàn XT 1 vẫn phải tham gia trận phản công bảo vệ cảng Cửa Việt.
Tiếp đó, đơn vị của anh có nhiệm vụ hỗ trợ cho bộ binh bảo vệ khu vực có ý nghĩa chiến lược này. Những chiếc xe tăng lại giấu mình trong cát nhưng sẵn sàng xuất kích đánh địch bất cứ lúc nào. Và thực tế, các xe trong đơn vị của anh đã bắn chìm một tàu biệt kích khi chúng cố tình vượt sang vùng kiểm soát của ta.
Trong những năm tháng ấy, giữa những trận đánh ác liệt hay trong căn hầm dưới bụng xe... tiếng đàn điêu luyện của Nguyễn Kim Duyệt và những tờ báo tường mà anh làm “chủ bút” đã góp phần làm cho cuộc sống của những chiến sĩ xe tăng thêm chút sắc màu lãng mạn, củng cố và nâng cao ý chí chiến đấu của họ.
Đầu năm 1973, họa sĩ Lê Trí Dũng- phóng viên chiến trường của Bộ Tư lệnh TTG vào Trung đoàn 203 công tác. Theo yêu cầu của đơn vị, anh tổ chức lớp bồi dưỡng hội họa cho một số chiến sĩ có năng khiếu. Cũng không mong anh em có tác phẩm gì mà mục đích trước tiên là để họ làm tờ báo tường của đơn vị chất lượng hơn, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần bộ đội.
Vậy là một lớp học vẽ ngay trên trận địa đã ra đời, Nguyễn Kim Duyệt là một học viên trong lớp học 4 người đó và được cử làm lớp trưởng. Vốn có năng khiếu hội họa nên Duyệt tiến bộ rất nhanh, thường được thày Dũng biểu dương. Ngoài những bài vẽ cơ bản, Duyệt còn đòi thày Dũng vẽ vào sổ tay mẫu những bông hoa hồng, đóa hoa sen, Lênin, Bác Hồ…để dùng sau này.
Cùng là dân Hà Nội nên thày Dũng rất quý Duyệt. Ban đêm, hai anh em thường mắc võng nằm cạnh nhau trong căn hầm thùng cạnh xe tăng. Họa sĩ Lê Trí Dũng kể: Tâm sự cùng nhau, Duyệt bảo: “Hết đánh nhau, em chỉ muốn về học tiếp ngoại ngữ và ghi ta, là hai thứ em sẽ theo hết đời…không gì hơn”. Một ước mơ thật là giản dị!
Trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn và ước mơ gửi lại
Ngày 29.3.1975, Tiểu đoàn XT1 có nhiệm vụ chiến đấu trên hướng chủ yếu tiến công Đà Nẵng. Đà Nẵng giải phóng, đơn vị của Nguyễn Kim Duyệt trở về đóng quân tại căn cứ Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn tại Hòa Khánh. Tại đây, Lữ đoàn XT 203 nhận lệnh chuẩn bị cơ động về phía Nam để tham gia chiến dịch cuối cùng.
Để chuẩn bị cho cuộc hành quân đường dài và những trận đánh ác liệt sắp tới, Lữ đoàn XT 203 có sự điều chỉnh về tổ chức biên chế. Đại đội XT 4 từ Tiểu đoàn XT 4 được chuyển về Tiểu đoàn XT 1 và Nguyễn Kim Duyệt cũng được điều về đại đội này làm Pháo thủ số 2 trên xe 380. Hành trang về đơn vị mới của anh chỉ là chiếc ba lô nhỏ và cây đàn ghi- ta cũ kỹ đã tróc sơn nhiều chỗ.
Các thành viên cũ của xe 380 khá dè dặt khi đón thành viên mới. Dường như Nguyễn Kim Duyệt quá mảnh khảnh so với nhiệm vụ của một pháo thủ số 2 xe tăng- người phải xoay xở nạp những quả đạn nặng hơn 30 kg vào buồng đạn trong một không gian hết sức chật hẹp, lại còn phải bật cửa lên bắn 12 ly 7 khi cần...
Nhưng rồi Nguyễn Kim Duyệt đã làm họ yên lòng bởi sự thành thạo của anh trong sử dụng vũ khí cũng như sự dẻo dai trong công việc rất nặng nhọc khi chuẩn bị xe pháo.
Không chỉ vậy, vào lúc thảnh thơi nhất sau bữa cơm chiều, tiếng đàn điêu luyện của Duyệt lại như thỏi nam châm hút những người lính tập trung về xe 380. Họ lặng im thả hồn theo tiếng đàn của anh và gửi lòng về quê hương yêu dấu... Anh em xe 380 còn một phát hiện nữa: té ra Nguyễn Kim Duyệt còn là một đầu bếp rất khéo tay. Từ ngày Duyệt về, kíp xe được ăn ngon hẳn lên.
Ngày 14. 4.1975, hai tiểu đoàn xe tăng hạng nặng của Lữ đoàn XT 203 bắt đầu cuộc hành quân dọc miền duyên hải để vào phía Nam. Chức trách lo bữa ăn cho kíp xe được pháo hai Duyệt hoàn thành rất tốt. Anh còn có sáng kiến treo một bi động nước vào buồng động lực, khi xe vừa dừng nghỉ là có ngay nước nóng pha sữa bồi dưỡng cho lái xe.
Cây đàn ghi- ta cũ kỹ cũng tham gia cùng những người lính trong cuộc hành quân “Thần tốc” ấy. Trong những chặng nghỉ, tiếng đàn của Duyệt đã góp phần làm cho những người lính Đại đội XT 4 vơi bớt phần mệt nhọc. Tiếng đàn ấy cũng làm cho bà con nhân dân, nhất là các cháu nhỏ ở vùng mới giải phóng thật sự ngạc nhiên: “Chú Giải phóng chơi đàn hay thiệt!”.
Sau hơn chục ngày hành quân, Lữ đoàn XT 203 đã đến vị trí tập kết chiến dịch ở Long Thành (Đồng Nai). Tại đây, họ biết chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã chính thức được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh và sẽ bắt đầu trong một vài ngày tới, Đại đội XT 4 sẽ nằm trong đội hình thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc lập.
Không có bản đồ quân sự, chỉ có cái bản đồ du lịch to bằng tờ giấy học sinh họ thống nhất với nhau: “Cứ đi qua cầu Sài gòn, đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái là đến Dinh. Nhiệm vụ của từng người thế nào thì đã rõ cả rồi, bây giờ phải chuẩn bị cho thật tốt để không xảy ra bất cứ điều gì đáng tiếc trong chiến đấu”.
Biết rằng trận chiến đấu sắp tới sẽ vô cùng ác liệt, kẻ địch sẽ chống trả điên cuồng bằng tất cả sức mạnh còn lại nên ngoài cơ số đạn theo xe, các xe trong Đại đội XT 4 đều nhận thêm vài viên đạn xuyên nưã. Buồng chiến đấu vốn đã chật hẹp nên để xếp thêm số đạn đó kíp xe phải bỏ hết tư trang và tất cả những gì không cần thiết ra ngoài.
Ở xe 380, 3 cái ba-lô của trưởng xe, pháo thủ và lái xe đã được buộc gọn gàng sau tháp pháo, còn Duyệt vẫn lúi húi tìm cách nhét cái ba-lô của mình vào một góc buồng chiến đấu. Thấy vậy, có anh em trong xe đã tưởng đó là những gì rất quý báu mà anh đã “sưu tầm” được ở Huế và Đà Nẵng.
Đúng như dự đoán, ngay phía sau đã là Sài Gòn nên lực lượng địch ở căn cứ Nước Trong đã chống lại một cách điên cuồng. Các đơn vị có nhiệm vụ “bóc vỏ” đã trải qua 2 ngày trầy trật vẫn không nhích lên được bước nào. Đại đội XT 5 bị thiệt hại nặng nề, chỉ còn 3 xe chiến đấu được, trong khi đó dầu và đạn đều sắp cạn.
Sốt ruột vì tốc độ tiến công quá chậm, Lữ đoàn XT 203 quyết định điều xe 380 lên tăng cường cho Đại đội XT 5. Chiều 27.4.1975, xe 380 đã có mặt tại rừng cao su An Viễn. Ngay trong đêm, họ đã cùng các xe trong đơn vị cơ động đến Trường Thiết giáp Long Thành để chuẩn bị cho trận đánh hôm sau.
8 giờ sáng 28.4, trận đánh bắt đầu. Quân địch dựa vào hệ thống công sự vững chắc và hỏa lực chi viện hết sức hữu hiệu của pháo binh, không quân ngăn chặn quyết liệt các đợt xung phong của quân ta. Xe 380 đã bắn diệt được khá nhiều ụ chiến đấu của địch. Nguyễn Kim Duyệt đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình.
Đúng lúc đó, các xe của Đại đội XT 5 báo cáo lên trên đã hết dầu, hết đạn, xin về phía sau tiếp tế. Xe 380 được sở chỉ huy giao nhiệm vụ ở lại, hỗ trợ bộ binh bảo vệ trận địa, chờ lực lượng phía sau lên sẽ tiếp tục tiến công. Sau khi nghe trưởng xe phổ biến lại, cả xe bắt tay thể hiện quyết tâm thực hiện mệnh lệnh trên giao.
Gần trưa, địch tăng cường thêm lực lượng cho trận địa phòng ngự và tổ chức phản kích. Hỏa lực dày đặc của chúng làm một số bộ binh dao động. Xe 380 lợi dụng địa hình, địa vật dùng pháo và súng máy kiên quyết ngăn chặn chúng để giữ vững trận địa. Duyệt đã nạp hàng chục viên đạn pháo rất nhanh và còn đội cửa lên bắn nhiều loạt 12 ly 7 về phía địch.
Nhưng rồi một loạt đạn pháo đã trùm lên khu vực. Xe 380 bị trúng một viên đạn vào tháp pháo, khẩu 12 ly 7 cùng tất cả những gì buộc ngoài tháp pháo bị hất tung đi, cây đàn ghi ta cũ bị chém nát tươm thành từng mảnh. Tháp pháo bị thủng một lỗ ở đỉnh quạt thông gió ngay trên đỉnh buồng pháo hai. Mảnh đạn chém vào cổ pháo làm pháo bị kẹt cứng.
Mảnh đạn pháo, mảnh quạt gió trút xuống làm bẹp rúm khẩu đại liên song song bên pháo. Mảnh đạn cũng làm pháo hai Duyệt bị thương rất nặng, nửa người bên trái bị chém tơi tả từ thái dương xuống đến đùi. Phía đối diện, trưởng xe Nguyễn Đình Luông cũng bị thương nặng, nằm gục trên đài vô tuyến điện.
Pháo kẹt, súng hỏng, hai thành viên bị thương nặng, xe 380 bị loại khỏi vòng chiến đấu. Lái xe đưa xe về trạm quân y để cấp cứu thương binh. Sau khi đưa thương binh vào cấp cứu, hai thành viên còn lại lên xe lấy tư trang của thương binh gửi lại để còn về khôi phục xe tiếp tục chiến đấu.
Moi chiếc ba lô của Duyệt được giấu rất kỹ trong vành tháp pháo ra, cả hai cùng lặng người đi. Trong cái ba-lô cũ kỹ, mà có người đã từng nghĩ là những của quý Duyệt nhặt nhạnh từ các thành phố Huế và Đà Nẵng chỉ có bộ quần áo cũ, cái võng và một bó sách!
Bó sách đó toàn là sách học tiếng Anh, tiếng Pháp và từ điển Anh- Việt, Việt- Anh, Pháp- Việt, Việt- Pháp của các nhà xuất bản phía Nam. Có lẽ, với những người khác thì đó chỉ là những thứ vô tích sự nhưng nó lại thật sự là của quý của Nguyễn Kim Duyệt để anh thực hiện ước mơ của mình khi yên hàn trở lại.
Nhưng rồi ước mơ đó đã không thể, không bao giờ trở thành hiện thực. Vì vết thương quá nặng, Nguyễn Kim Duyệt đã hy sinh vài giờ sau đó. Anh ra đi để lại trong lòng người thân và đồng đội biết bao thương nhớ, để lại những ước mơ vô cùng giản dị nhưng mãi mãi còn dang dở cho đời.