Triệu Vân có ngoại hình hùng dũng, uy phong lẫm liệt, giỏi võ nghệ và có tài thao lược, được đánh giá là bậc hổ tướng trí dũng song toàn và là một trong số những nhân vật góp công không nhỏ vào sự thành lập của nhà Thục Hán.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa nhà văn La Quán Trung mô tả Triệu Vân là mãnh tướng muôn người không địch nổi, cả đời giao chiến với không ít người và giết cũng không ít. Khi Lưu Bị khởi binh ở Nhữ Nam, Cao Lãm - một trong Hà Bắc tứ trụ hay Hà Bắc tứ đình trụ (bốn cột trụ của Hà Bắc) theo Hạ Hầu Uyên trấn áp. Cao Lãm chiếm được thành, truy sát Lưu Bị. Lưu Tích liều mình cứu giúp, bị Cao Lãm đâm chết. Khi Cao Lãm sắp đuổi kịp Lưu Bị thì Triệu Vân xuất hiện giết chết Cao Lãm. Tuy nhiên đây chỉ là tình tiết do La Quán Trung hư cấu, bởi theo sử liệu trong 2 lần Lưu Bị và Triệu Vân đến Nhữ Nam, không hề có đụng độ với Cao Lãm và Hạ Hầu Uyên.
Triệu Vân là một trong số những nhân vật góp công không nhỏ vào sự thành lập của nhà Thục Hán. |
Theo sử liệu, lần thứ nhất, Lưu Bị và Triệu Vân đến Nhữ Nam liên kết với Lưu Tiết và Lưu Thiệu, đánh chiếm được Ẩn Cường thuộc Dự Châu. Nhân dân các huyện kế cận nghe tin Lưu Bị tới đều hưởng ứng.
Tào Tháo đang chống giữ với Viên Thiệu ở Quan Độ nghe tin Lưu Bị chiếm Ẩn Cường rất lo lắng, sai Tào Nhân mang quân từ Hứa Đô tới đánh. Tào Nhân ra quân đánh bại Lưu Bị ở Ẩn Cường. Lưu Bị phải bỏ Dự châu trở về phía bắc, trở về chỗ Viên Thiệu ở Quan Độ phục mệnh.
Lần thứ hai, Viên Thiệu không tin Lưu Biểu đủ nhiệt tình và can đảm ra quân nên chưa thuận theo. Vừa lúc đó lại có tướng Khăn Vàng khác là Cung Đô từ Nhữ Nam sai người tới liên lạc với Viên Thiệu, đề nghị liên minh cùng chống Tào. Viên Thiệu bèn sai Lưu Bị và Triệu Vân lại cùng đi Nhữ Nam.
Lưu Bị cùng Triệu Vân đến Nhữ Nam, tập hợp cùng Cung Đô được vài ngàn quân. Quan Vũ nghe tin Lưu Bị rời khỏi chỗ Viên Thiệu, cũng rời khỏi quân ngũ Tào Tháo ở Quan Độ chạy về phía nam tìm đến chỗ ông. Trương Phi từ Cổ Thành cũng mang quân tới hội.
Triệu Vân và Lưu Bị. |
Tháng 8 năm 201, sau khi Viên Thiệu không còn đủ sức tấn công Tào Tháo. Tào Tháo yên tâm trở lại đối phó với Lưu Bị. Tào Tháo từ Hứa Xương mang quân đi đánh Nhữ Nam.
Quân Cung Đô vốn ô hợp, nghe tin đại quân Tào Tháo kéo đến vội vã bỏ chạy tan tác. Lưu Bị biết mình không thể đối địch được với Tào Tháo, bèn bỏ luôn Nhữ Nam chạy về phía nam, đến Kinh Châu xin nương nhờ Lưu Biểu.
Cao Lãm vốn là tướng của Viên Thiệu sau hàng Tào Tháo
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Cao Lãm xuất hiện ở hồi 31, là mãnh tướng dưới trướng Viên Thiệu, theo Thiệu ra quân Quan Độ, chiến đấu dũng cảm, từng đánh ngang tay với Hứa Chử, Từ Hoảng.
Khi tướng của Viên Thiệu là Hàn Mãnh đem xe lương đến trại Viên Thiệu thì bị tướng Tào là Từ Hoảng, Sử Hoán đem quân ra chẹn đường. Từ Hoảng thúc quân vào đốt sạch cả mấy nghìn cỗ xe. Viên Thiệu sai Trương Cáp, Cao Lãm đi cứu nhưng bị quân Tào đánh bại. Sau khi kho lương Ô Sào mất, hai người sợ tội nên hàng quân Tào. Tào Tháo phong cho Cao Lãm làm Thiên tướng quân tước Đông Lai hầu. Sau này đi theo Hạ Hầu Uyên trấn áp Lưu Bị ở Nhữ Nam bị Triệu Vân đâm chết.
Trong sử liệu nói rất ít về ông, chỉ biết Cao Lãm là một tướng lĩnh dưới trướng quân phiệt Viên Thiệu cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Theo Tam quốc chí, năm 200, trong trận Quan Độ, khi kho lương Ô Sào bị tấn công, mưu sĩ Quách Đồ kiến nghị với Viên Thiệu cho quân đánh lén trại Tào Tháo. Viên Thiệu nghe theo, phái Cao Cán cùng Trương Cáp dẫn kỵ binh nhẹ tấn công nhưng thua trận.
Khi hai tướng dẫn quân về, Quách Đồ lại đổ trách nhiệm cho Cao Lãm, Trương Cáp không tận lực, buộc hai người dẫn quân đầu hàng Tào Tháo. Hậu Hán thư chỉ ghi lại hai người thua trận nên đầu hàng, không nhắc tới chuyện bị hại như trong Tam quốc chí. Về sau không còn ghi chép.