Trước khi theo đuổi môn Toán học, Giáo sư Sĩ Đức Quang từng nhiều năm học đội tuyển văn của trường.
Ông Sĩ Đức Quang là ứng viên trẻ nhất được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư năm 2019, hiện đang giảng dạy tại khoa Toán - tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Trong cuộc trò chuyện với PV báo Đời sống& Pháp luật, tân giáo sư 38 tuổi đã có những chia sẻ khá cởi mở về quá trình học tập và nghiên cứu của mình. Thỉnh thoảng, câu chuyện của chúng tôi lại có những khoảng lặng khi thầy Quang nhớ lại về những khó khăn và trải nghiệm đã qua.
Cậu học trò rẽ ngang nhờ "vé vớt"
Trở thành GS Toán học trẻ nhất năm 2019, chắc hẳn, thầy đã yêu thích và gắn bó với môn Toán từ nhỏ?
Cũng không hẳn. Thực ra, khi còn học THCS, tôi chọn vào đội tuyển Văn của trường một cách vô cùng tình cờ để đi thi ở cấp thị xã. Sau đó, từ năm lớp 7 đến lớp 9, năm nào tôi cũng được gọi vào đội tuyển của trường đi thi văn.
Dù vậy, tôi vẫn cố gắng học đều các môn khác, trong đó có môn Toán.
Có bao giờ thầy cảm thấy lãng phí khi đã từng dành nhiều thời gian cho môn Văn hay không?
Tôi chưa bao giờ cảm thấy lãng phí khi học Văn cả. Trong mắt tôi, môn Văn thời điểm đó là những gì rất đẹp, thuần khiết và trong sáng. Tôi yêu thích những tác phẩm Văn học trung đại của các đại thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Đến bây giờ, tôi vẫn rất yêu thích môn học này.
Nhưng có lẽ, khả năng của tôi cũng không tốt lắm nên chẳng bao giờ có giải.
Cơ duyên nào đưa thầy đến với môn Toán học và theo đuổi cho đến tận bây giờ?
Từ nhỏ, bản thân tôi vẫn thích môn Toán và cố gắng học đều các môn. Sang đến cấp 3, chỉ đơn giản là mình thấy thi Văn mãi mà không được giải gì nên chuyển hướng sang thi Toán Sinh.
Kể từ khi tôi tiếp xúc với báo Toán học Tuổi trẻ mượn từ bạn bè, tôi bắt đầu say mê với môn Toán. Thời điểm đó, tài liệu chưa có nhiều nên có quyển báo nào, chúng tôi đều chuyền nhau để đọc.
Một kỉ niệm vui và cũng là cơ may giúp tôi đến với môn Toán là khi lớp Toán còn thiếu 16 chỉ tiêu mà tôi lại xếp thứ 18. May mắn, năm đó, nhà trường lại lấy thêm 5 chỉ tiêu dự khuyết, nhờ "vé vớt" đó tôi đỗ vào chuyên Toán và theo đuổi đến tận bây giờ.
Thiêng liêng nhất hai tiếng "thầy- trò"
Đoạt giải quốc gia và có nhiều cơ hội tuyển thẳng vào các trường đại học, tại sao thầy lại lựa chọn trường Đại học Sư phạm Hà Nội?
Thực ra ban đầu, lựa chọn của tôi là trường Học viện kỹ thuật quân sự và cũng chỉ chuẩn bị duy nhất một bộ hồ sơ. Hồ sơ tất cả mọi thứ đều xong xuôi rồi, kiểm tra sức khỏe, thẩm định hồ sơ, điều tra lý lịch.
Nhưng những tháng cuối cùng ở cấp 3, lúc nào tôi cũng rơi vào một cảm giác bần thần, thấy nuối tiếc, cảm giác như mình sắp có một mất mát rất lớn. Khao khát muốn đi học Toán trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Cùng thời điểm đó, một người bạn giới thiệu cho tôi về lớp Cử nhân chất lượng cao của khoa Toán- trường Đại học Sư phạm Hà Nội và được biết, nhà nước bắt đầu miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Khi gọi về trường, tôi được các thầy cô hướng dẫn rất tận tình nên đã quyết định lựa chọn khoa Toán của trường Sư phạm để theo học.
Điều gì khiến thấy gắn bó với nghề dạy học?
Thời sinh viên của tôi cũng sôi nổi và đầy nhiệt huyết như bao bạn khác và có lẽ. khoảng thời gian khi đi thực tập là thời điểm đầy đáng nhớ. Gần chục bạn thuê chung một nhà dân, cùng ăn chung, ngủ chung, sinh hoạt chung, cùng thảo luận về chuyện lên lớp và giảng dạy. Lần đầu tiên được gọi là "thầy", cảm giác xúc động và thiêng liêng vô cùng. Ngay cả khi đã lên xe ô tô đi về trường, nhìn thấy học sinh bịn rịn chia tay thầy cô giáo sinh, thực sự khoảnh khắc đó vô cùng cảm động.
Quãng thời gian đó là gần gũi với học sinh nhất và nhiều ý nghĩa nhất với tôi. Nó cũng khiến tôi có thêm nhiều động lực và gắn bó với nghề dạy học.
Tân giáo sư Sĩ Đức Quang và giây phút bên học trò.
Ai là người đã giúp thầy định hướng cũng như giúp đỡ trong quá trình thầy học tập và nghiên cứu?
Trong quá trình tôi học tập và nghiên cứu từ thời sinh viên đến bây giờ, có 3 người thầy đã giúp đỡ, động viên và hướng dẫn tôi rất nhiều trên con đường học thuật.
Người đầu tiên là thầy Đỗ Đức Thái. Không chỉ với riêng mình, mà với nhiều bạn khóa của mình trong lớp Chất lượng cao, thầy luôn cố gắng tìm ra và bồi dưỡng những bạn học khá qua những buổi seminar. Thầy cũng chính là người hướng dẫn tôi trong quá trình học cao học và giới thiệu tôi cho Giáo sư Noguchi Junjiro (Đại học Tokyo, Nhật Bản)- là người thầy bên Nhật của tôi sau này.
Sau khi được quen biết và làm việc với thầy Noguchi một thời gian, thầy đã nhận tôi sang bên Nhật học nghiên cứu sinh. Tôi cảm thấy thực sự may mắn khi được theo học và được thầy Noguchi hướng dẫn, bởi tại thời điểm đó, thầy là người giỏi nhất thế giới về lý thuyết phân bố giá trị.
Thầy Noguchi ảnh hưởng đến tôi rất nhiều về phong cách khoa học, phong cách nghiên cứu, cách suy nghĩ, ứng xử khoa học.
Người thứ 3 là một người thầy rất đặc biệt. Thực ra, tôi chưa được học thầy Fujimoto ngày nào. Khi tôi đang bế tắc ở một vấn đề mà thầy Thái giao cho trong suốt nhiều tháng trời thì vô tình đọc được 2 bài báo của thầy Fujimoto, học được nhiều thứ và cảm thấy có thể phát triển lên được từ những kết quả mà hướng nghiên cứu thầy đã vạch ra.
Tôi chỉ có cơ may được gặp thầy duy nhất một lần tại khoa Toán của trường Đại học Tokyo. Sau buổi thuyết trình tại lần gặp gỡ duy nhất đó, tôi được thầy tặng cho một bài báo và đó cũng là công trình nghiên cứu cuối cùng của thầy.
Được biết, thầy học xong Thạc sỹ ở Việt Nam và bảo vệ Tiến sĩ thành công tại các nước phát triển như Nhật, Đức, Pháp, cơ hội việc làm ở nước ngoài đối với thầy lúc bấy giờ khá rộng mở, lý do nào thầy quay trở lại Việt Nam và công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội?
Thực ra một phần vì tôi ra nước ngoài là do được nhà trường cử đi. Bản thân tôi cũng như nhiều người khác, luôn ý thức được việc trở thành một lực lượng kế cận để trở về xây dựng xây dựng cơ sở, đóng góp cho sự phát triển của trường đại học - nơi mình đã ra đi.
Còn mối duyên với trường ĐH Sư phạm, thực ra mọi thứ đến với tôi rất là tự nhiên. Trong quá trình mình học, từ khi bước chân vào trường, tôi đã xác định gắn bó với nghiên cứu khoa học. Do đó, việc ở lại một trường đại học, tiếp xúc và làm việc với những thầy cô mình vô cùng ngưỡng mộ về cả cách sống, cách làm việc, sự uyên bác,..như thầy Đoàn Quỳnh, thầy Thái,..điều đó sẽ giúp tôi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu.
Hãy cứ theo đuổi nếu đam mê có ý nghĩa
Sau một thời gian dài học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, khi trở về nước và giảng dạy, thầy nhớ nhất về điều gì?
2 năm đầu tiên trở về nước là những trải nghiệm rất đáng nhớ đối với tôi khi phải chật vật để đảm bảo điều kiện sống bằng nguồn thu nhập từ trường đại học. Trở về nước, nhận lương tháng đầu tiên, ban đầu tôi khá là sốc khi nhận được mức lương 1.1 triệu đồng/tháng trong khi thuê nhà đã mất 1.2 triệu.
Bởi khi ở nước ngoài, học bổng khá cao so với thời điểm bây giờ, đảm bảo cuộc sống, khiến tôi có thể yên tâm học tập, nghiên cứu, làm tất cả mọi thứ chuyên môn của mình.
Tuy nhiên, chính khó khăn đã tạo cho tôi một động lực để cố gắng làm việc, tìm mọi cách để khiến cho khoa học giúp tôi đảm bảo cuộc sống. Những lần được trường tạo điều kiện đi dạy từ xa tại chức, các chuyến đi công tác nước ngoài,.. tất cả chi phí đó tích góp lại giúp tôi trang trải cuộc sống.
Tôi không muốn đi dạy thêm quá nhiều và thú thực là không đặt nặng chuyện kiếm tiền, vì thời điểm đó khá nhạy cảm và quan trọng, quyết định có thể tiếp tục làm nghiên cứu được nữa hay không. Bởi sau khi bảo vệ Tiến sĩ thành công, tôi phải làm việc độc lập mà không có sự hướng dẫn của các thầy cô nữa, do đó, cần phải tự đặt cho mình một các đích phía trước để cố gắng tiếp tục làm khoa học.
Thầy Sĩ Đức Quang cùng đồng nghiệp.
Đã bao giờ thầy cảm thấy "hụt hẫng" khi phải cố gắng cân bằng giữa đam mê nghiên cứu và cuộc sống đời thường hay chưa?
Tôi cũng chỉ gặp khó khăn thời gian đầu khi về nước. Qua 2 năm, mọi thứ dần trở nên ổn định hơn. Ngoài đồng lương khi đi dạy, từ khi chương trình trọng điểm quốc gia về Toán học bắt đầu vận hành, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán ra đời, tôi cũng được hỗ trợ rất nhiều để yên tâm công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Việc giảng dạy ở trên trường có chiếm nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu của thầy hay không?
Tôi tham gia công tác giảng dạy nhiều khóa ở trường đại học nên việc đi dạy cũng chiếm khá nhiều thời gian, nhưng tôi không nghĩ việc đi dạy ảnh hưởng đến việc nghiên cứu.
Ngoài giúp thay đổi không khí, bởi không phải lúc nào cũng vùi đầu vào đọc sách, nghiên cứu, việc đi dạy còn giúp tôi có cơ hội giao tiếp với các bạn sinh viên, tiếp xúc với nhiều suy nghĩ tươi mới.
Rất nhiều khi, tôi cảm thấy, quá trình đi dạy vừa mang lại niềm vui, cũng tạo cảm hứng và giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu.
Là một giáo sư trẻ tuổi và cũng là một thầy giáo đang công tác tại trường đại học, thầy có điều gì muốn nhắn nhủ với các bạn sinh viên hay không?
Sinh viên bây giờ có quá nhiều thứ để hấp dẫn ngoài những giờ học trên lớp. Tôi chỉ có một lời khuyên duy nhất cho các bạn ấy. Khi có đam mê thì hãy theo đuổi đam mê ấy, xác định công việc mình làm là có ý nghĩa thì hãy cố gắng đến cùng. Không vì những khó khăn, cám dỗ trước mắt mà từ bỏ đam mê của mình.
Nhiều người hay nói vui: "chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm", tôi thì lại không nghĩ như thế, sinh viên Sư phạm ra trường so sánh với hệ thống sinh viên cả nước, cơ hội việc làm sau khi ra trường rất nhiều, không chỉ bó hẹp trong ngành giáo dục. Những kiến thức được học trên trường có thể phục vụ cho rất nhiều ngành khác.
Cảm ơn thầy về những chia sẻ vừa rồi!