Sau giải phóng, dân ngoài Bắc có phong trào đi thăm thân nhân ở phía Nam. Giữa năm 1976 tôi làm đơn xin vào Nam thăm thân nhân và rồi cũng có giấy phép của vụ tổ chức cán bộ cho đi Sài Gòn. Ra phố Bà Triệu đổi tiền VNĐ ra tiền GP. Nghe người đi trước khuyên mang theo vài cân thuốc lá sợi vàng Lạng Sơn, chiếc màn tuyn Hà Nội mà trong Sài Gòn rất thích... là có thêm tiền tiêu vặt.
Xe chạy liên tục ba ngày thì tới SG, trời đã về tối, nhưng hòn ngọc Viễn Đông vẫn tấp nập và sáng trưng (khác hẳn HN lúc đó nghèo nàn và rất nhà quê). Nhớ tới địa chỉ ông anh họ Ngo The Long cho khi ở HN, xe ôm đưa tới cửa. Mấy cái đầu thò ra lại nghe tiềng Bộ đội! Bộ đội!Thì ra tôi đang đội cái mũ cối TQ mốt của ngoài Bắc thời đó. Hai Bác tôi ở Bắc vào đang ở đây, nhưng hôm nay đi chơi nhà người thân không về. Cô Nhung chủ nhà vui vẻ cho tôi tá túc qua đêm, như một người quen lâu ngày gặp lại. Chồng cô một sỹ quan quân y quân đội cũ đang đi cải tạo.
Qua mấy ngày xe chạy liên tục trên đường, được tắm rửa và sau giấc ngủ ngon, tôi quan sát ngôi biệt thự hoa trái xanh tươi, trong sân rộng có xích đu, hoa giấy hồng nhạt rụng đầy sân... Cuộc sống êm đềm như chưa có cuộc "giải phóng", ăn sáng với gia đình xong, cô con gái lớn khoảng 14, 15 tuổi với bộ Mi ni zuyp trắng đi học Piano, các em nhỏ hơn mỗi người có nhiệm vụ học tập riêng của mình. Một nhận xét của tôi: Trẻ em SG rất ngoan, rất lễ phép...
Cô Nhung cho tôi sử dụng một chiếc xe đạp, có địa chỉ tôi tìm đến nhà ông cậu vợ. Vì vợ tôi đã đi phép trước và đã gặp cậu tôi rồi, nên cậu cháu không lạ lẫm nhiều. Cậu tôi hỏi ngay: "Mày vào Đảng chưa?", tôi đáp: Đã vào được gần chục năm! Ông cậu đùa: "Tao là thành phần địa chủ đại gian đại ác, đã bỏ CS vào đây lại gặp mày!". Tuy nói vậy nhưng tình máu mủ ruột già ông rất quý tôi, tự hào đưa cháu đi chơi gặp họ hàng bên ngoại, rồi khắp SG, đi đâu cũng khoe thằng cháu Cộng sản... Cậu tôi giáo viên dậy môn Văn, chế độ mới không trọng dụng, ông lại ghét Cộng sản nên cũng bỏ dậy luôn. Mợ tôi làm công chức ở một Viện dược liệu, một hôm có việc gì đó cậu cháu tôi ghé qua chỗ mợ, gặp một phụ nữ lứa tuổi mợ tôi, đẹp quý phái trong bộ áo dài (mợ tôi cũng vậy, đi làm đều mặc áo dài). Câu chuyện người Bắc kẻ Nam đang vui, bỗng có người nhắc đến Thủ Đô SG Hoa lệ, tôi vô tình nói:"Bây giờ thống nhất rồi VN chỉ có một Thủ đô HN". Thấy mọi người không vui nữa, nhìn vào mắt những người đang nói chuyện cảm nhận một niềm nuối tiếc một thứ gì đã mới mất đi... Ông cậu tôi nhắc khéo cháu lại tuyên truyền CS à? Cô đây là phu nhân Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đấy! Từ đó nói chuyện với những người đã sống ở chế độ cũ tôi cũng giữ ý hơn, những người ở SG ai cũng dùng chữ ông trước tên gọi như ông Diệm, ông Thiệu, ông Kỳ...
Một hôm lang thang SG bắt gặp Dương Trung Quốc (bạn học cũ lại cùng dân KHXH) vào SG công tác, ở gần nhà thờ Ba Chuông, nhà ông cậu tôi cũng gần chỗ Quốc ở. Tối đó chúng tôi gặp nhau. Quốc giới thiệu với tôi ông anh họ từng là Tổng trưởng Canh Nông thời Diệm. Sau vài tuần rượu Martell XO đã ngấm, câu chuyện sôi nổi hẳn, chẳng còn hận thù, chẳng còn chiến tranh, chuyện xoay quanh hoà hợp dân tộc, xây dựng kinh tế rồi cả CNXH...
Phải công nhận bạn tôi nhà sử học có duyên nói chuyện, gia chủ chăm chú nghe rất thích thú thỉnh thoảng chêm vào mấy câu hỏi... Riêng tôi thầm nghĩ sao thằng Pháp có loại rượu ngon thế này mà bây giờ tôi mới được thưởng thức! Mặc cho ông nghị tương lai đại biểu QH của một tỉnh sát SG "tiếp xúc cử tri "(sau này Quốc còn làm ĐBQH ở tỉnh đó ba khoá liền X, XI, XII)...
Rồi đến những ngày cuối ở SG, tôi mới tìm đến bà cô ruột ở Gò Vấp. Ngày ấy, Gò Vấp như ngoại thành, nơi đây là Lục quân công xưởng của chế độ cũ. Cô chú tôi đều học ĐH Bách Khoa ở Hà Nội . Ông chú thiếu tá QĐNDVN xuất thân học sinh Miền Nam tập kết. Nên khi giải phóng SG đã trở vào sớm nhất làm giám đốc Lục quân công xưởng. Tôi đang ở SG đông vui, vào "trại lính" tôi lại nhớ SG, hàng ngày buồn ra cà phê sáng (hoặc tối) bên ngoài Lục quân công xưởng nghe nhạc, ông chú giám đốc luôn căn dặn: "Khi ra ngoài cháu cẩn thận đấy, xung quanh toàn dân Bắc công giáo di cư, buổi tối ra ngoài chú đều mang súng ngắn đấy!".
Ở nhà cô tôi trong Lục quân công xưởng (Z.751 ), tôi có một nhận xét: những người bên thắng cuộc vào tiếp quản SG còn nguyên vẹn, cuộc sống mới đầy đủ hơn, sung túc hơn. Thấy căng tin chỗ cô tôi bán bánh mỳ rất ngon và môt số "đồ nguội", tôi mua chút quà tặng cậu mợ. Không ngờ mợ tôi cảm động lắm, mắt rưng rưng nói rằng trước đây chẳng thiếu gì, bây giờ đã lâu nhà mình không có...
Tôi nhớ đến việc anh bạn cùng phòng với tôi, kỹ sư Lê Mạnh Chiến nhờ, tôi tìm đến toà soạn báo SGGP đưa một bức thư tay. Cô tiếp tân rất lịch sự trong bộ áo dài duyên dáng đưa tôi vào phòng khách hỏi tôi dùng trà hay cà phê? Rồi: "Xin phép! Ông chờ chút xíu!". Chưa uống xong tách Cà phê, cô mang ra quyển sổ bảo tôi ký vào và trao cho tôi một phong bì tiền. Ngỡ ngàng hơn, số tiền GP tôi nhận khá lớn... Lại một nhận xét nữa, phong cách làm việc trong này rất lịch sự, nhanh gọn, hiệu quả.
Phải nói một chút về KS Lê Mạnh Chiến. Anh là giảng viên ĐH Mỏ-Địa Chất, chuyển về KHXH sau tôi gần một năm. Anh là một người rất thông minh, chăm chỉ, có lẽ từ cái gốc "Ông đồ Nghệ Tĩnh" nên buổi trưa anh thường mua cơm nóng ăn với vừng lạc mang theo để sẵn trong phòng, vừa ăn vừa đọc sách. Ông chú tôi cùng dậy với anh ở ĐH Mỏ- địa chất còn kể một giai thoại, khi còn ở quê, trên lưng trâu với cuốn tự điển Nga Việt anh đã thông thạo tiếng Nga từ đấy. Tất nhiên về nghe nói tiếng Nga anh chưa chuẩn nhưng dịch tiếng Nga, Anh, Pháp anh dịch đều tốt... Trong đầu anh như có cái "bướu" ngoại ngữ. Số tiền tôi lĩnh hộ anh ở báo SGGP, sau này anh nói với tôi chính là nhuận bút những bài dịch, những truyện cười, truyện ngắn từ tạp chí, các loại báo tiếng Nga anh đã dịch và gửi hàng loạt bài cho báo đăng dần...
Gọi điện cho Lê Mạnh Chiến ở HN, anh bảo tôi cứ tiêu hết khoản nhuận bút đó đi, khi ra Bắc chuyển cho anh tiền VNĐ. Tôi tự nhiên thành người giầu có, tiêu không hết tiền! Liền nhờ bà dì vợ mua thêm cho cái tủ lạnh, còn ti vi, máy khâu đã có sẵn. Muốn tặng cậu mợ tôi ít tiền trước khi ra Bắc, nhưng ông cậu nhất định không nhận. Cuối cùng thỏa thuận được với ông cậu (khó tính và ghét Cộng sản) là cả gia đình đi ăn một bữa đặc biệt... Cậu tôi đưa đến quán "Đêm mầu Hồng", "chuyên trị" thịt bò bẩy món. Khi ăn xong thanh toán, mợ tôi nhẩm tính gần hết chỉ vàng. Ông cậu hỏi ngay: "Mày có tiếc tiền không?". Không ngần ngừ, tôi đáp ngay: "Chưa bao giờ cháu được ăn ngon, trong khung cảnh đẹp, phục vụ chu đáo như hôm nay, thật xứng đáng!". Cậu tôi chỉ nói thêm "Thằng này được !". Sau đó, cậu tôi đã ra đi, về thẳng cõi Vĩnh hằng, nhất quyết không một lần về lại quê cha đất tổ ở Miền Bắc.
Ngày tôi ra Bắc, cậu đưa tiễn, chỉ chất được chiếc máy khâu lên nóc xe đầy ú ụ hàng hoá, ti vi gửi cậu mang về, chờ gửi ra sau cùng chiếc tủ lạnh. Ngồi cạnh tôi là một anh bộ đội đi phép, hành trang của anh vẫn chiếc ba lô quen thuộc, treo lủng lẳng con búp bê và chiếc khung xe đạp được cuốn cẩn thận bằng giấy báo...
Bốn mươi bốn năm sau, viết những dòng này tôi nhận ra sự phân chia giầu nghèo hiện nay có mầm mống phát sinh từ những ngày "Hòn ngọc Viễn Đông được giải phóng"... Quên sao được hai triệu người Việt đã di tản và sau này là vượt biên. Tôi rất muốn khép lại quá khứ đen tối để hướng tới tương lai tươi sáng trong quan hệ Việt Mỹ. Để tin tưởng Việt Nam sẽ Thịnh vượng dân tộc Việt Nam sẽ hoà hợp, như thủ tương Võ Văn Kiệt hằng mong muốn.