Tản mạn về Tết xưa và Tết nay

Lắm lúc tôi chợt nghĩ: Bao giờ sẽ trở lại cảnh ấm áp thân tình, con người luôn sống thật với nhau, tình người chan chứa.

tet-xua-1641898910.jpgẢnh minh họa

 

TẾT XƯA

Ngày xưa do điều kiện kinh tế khó khăn, nên sự lo lắng về ngày Tết cũng nhiều hơn bây giờ.  Nhưng cái độ háo hức, phấp phỏng thì hơn rất nhiều. Bởi vì quanh năm quần áo cũ rách, vá víu... Cốt sao không hở thịt ra là được.

Cả năm đến Tết dù phải cố gắng bao nhiêu, nhưng mỗi gia đình vẫn cố  lo cho các con bằng được bộ quần áo mới, dù là vải phin hoa xoàng xoàng cũng được: " Già được bát canh, trẻ được manh áo mới". Là vậy, háo hức phải biết. Đúng sáng mùng 1 mới được lấy ra mặc. Ngắm trước ngắm sau.

     Ăn uống thì kham khổ..Ruột xanh lét toàn rau. Nhưng kiểu gì ngày Tết cũng có thịt để ăn đã miệng, dù giàu hay nghèo.  Vậy mới có câu: " Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà". Thời nay thì ngày nào mà chả treo thịt, còn phải tìm loại thật ngon để ăn ấy chứ.

      Bánh kẹo cũng thế, thời nay quán xá ê hề các loại mứt bánh kẹo, ai thèm khát nữa. Trẻ con tụi tôi ngày xưa thấy bà bán rong bê mẹt kẹo bột đã chạy ào ào theo nuốt nước dãi ừng ực, làm sao chả mong Tết. Vì kiểu gì cũng được ăn không nhiều thì ít cái bánh kẹo. Chả hiểu bố mẹ mua bằng cách nào cũng không nhớ nữa.

    Tết xưa thời chưa cấm pháo, lại càng náo nức hơn. Còn nhớ ngày đó nhà tôi nghèo quá, mà thằng em trai chỉ thích pháo. Mẹ tôi bảo: Chỉ cố gắng mua quần áo mới cho hai chị em, chứ không có tiền mua pháo.

  Em tôi nói:

    -  Con không cần quần áo mới, ầm chỉ mua cho con bánh pháo là được ( Nhà tôi gọi mẹ bằng ầm)

    May sao có chú nhà bên cạnh mua cây chuối rừng cho lợn ăn. Vậy là em tôi đi học về, buổi chiều đi lấy chuối bán. Góp tiền mua bằng được bánh pháo treo lên gác bếp mới yên tâm.  Đêm 30 lấy ra đốt nổ thật to, cười khoái chí.

 TẾT NAY

  Cái sự lo lắng về mua sắm Tết thời nay cũng giảm đi nhiều.  Vì nhà ai cũng có khoản để chi tiêu. Hàng hóa thì nhiều chủng loại, tha hồ lựa chọn.   Chiều 30 ra quán sắm vẫn có đầy đủ.

   Trẻ con thì cả năm quần áo đẹp, cần gì phải mong Tết.

   Bánh kẹo hoa quả đủ thứ.  Thịt cá chả thiếu gì. Ngồi vào mâm lũ trẻ còn gẩy gót, phụng phịu chán chưa chịu ăn cho.

   Thế nên cái Tết bây giờ chỉ còn là nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam ta. Tết CỔ TRUYỀN  để mỗi gia đình được sum họp sau những ngày dài làm ăn vất vả, có khi phải xa nhà.

   Tất nhiên cái sự háo hức mong đợi sẽ không còn cháy bỏng như ngày xưa nữa. Không khí ngày Tết cũng hay nhạt nhẽo hơn xưa: Tụ họp gia đình, hỏi han nhau lấy lệ vài câu rồi mỗi người ôm một cái điện thoại, lùi về một góc, tìm không gian riêng cho mình.  Còn đâu cảnh đoàn tụ ấm cúng thân mật của ngày xưa nữa.

Lắm lúc tôi chợt nghĩ: Bao giờ sẽ trở lại cảnh ấm áp thân tình, con người luôn sống thật với nhau, tình người chan chứa.

   Nhớ lắm NGÀY XƯA ơi.

Theo Chuyện Làng Quê