Tục xem gan lợn trong ngày tết truyền thống của đồng bào dân tộc Hà Nhì
Theo lời mời đến ăn tết sớm cùng gia đình ông Khoàng Cà Chừ, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), chúng tôi cảm nhận rõ nét không khí rộn ràng đón xuân sang của người Hà Nhì nơi biên giới. Theo chia sẻ của chủ nhà, cứ vào ngày Thìn hoặc ngày Dần cuối cùng của tháng cuối năm, người Hà Nhì ở các xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) lại đón tết truyền thống của dân tộc. Ðiều chúng tôi cảm nhận đầu tiên là dường như cái rét của vùng cao biên giới không hề ảnh hưởng đến việc đón tết của bà con. Khắp mọi nhà trong bản Tả Kố Khừ rộn ràng tổ chức chào đón xuân mới với việc tất bật chuẩn bị làm bánh trôi, thịt lợn, giã bánh giầy… Niềm vui đón tết đã xua đi cái giá lạnh của thời tiết, chỉ còn tiếng nói, tiếng cười của bà con làm rộn rã cả núi rừng. Vừa chuẩn bị làm món bánh trôi truyền thống, chủ nhà Khoàng Cà Chừ vừa chia sẻ: Cũng như các dân tộc khác, ngày tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên người Hà Nhì chuẩn bị rất chu đáo: Từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái đều tươm tất. Trong ngày Tết của người Hà Nhì, mọi người cùng chúc nhau năm mới khỏe mạnh, có nhiều ngô lúa, nuôi được lợn béo… Những người cao tuổi cùng nhau đi chúc tết các gia đình với những lời tốt đẹp và tình cảm chân thành. Con cháu dù ở đâu cũng cố gắng về ăn Tết với gia đình như một nét đẹp truyền thống mà người Hà Nhì vẫn giữ được cho đến nay. Vào ngày tết, khi có khách đến nhà, chủ nhà đón tiếp niềm nở, bày mâm cỗ đủ đầy đón khách. Không cứ người dân trong bản, kể cả người nơi khác đến với bà con trong dịp này đều được chào đón, cùng nhau ăn uống và chúc nhau một năm mới may mắn, mạnh khỏe.
Cùng với mùa xuân mới đang về, chúng tôi còn nhận thấy sự đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây. Người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua làm ăn tốt, mùa màng bội thu. Bởi thế những con lợn mổ Tết đều là những con lợn đã được nuôi từ 1 - 2 năm, nhiều con nặng tới hơn một tạ. Có lẽ, gánh nặng cơm áo đã vơi đi thế chỗ bằng niềm vui trong ngày tết. Bà Lỳ Lò Phi, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu chia sẻ: “Ngày trước đời sống còn nhiều khó khăn, tết không được vui như bây giờ. Như năm nay nhà nào cũng chuẩn bị tết sớm, mổ con lợn to; bánh trôi, bánh giầy thì lúc nào cũng có sẵn. Các món ăn ngày tết cũng được chuẩn bị nhiều hơn, đa dạng hơn chứ không còn đơn điệu như ngày xưa. Anh em họ hàng có nhiều thời gian để đến chúc tết, quây quần bên nhau… Ðời sống ngày một đổi thay khiến không khí tết ở bản càng nhộn nhịp, vui vẻ hơn”.
Cũng giống như đồng bào dân tộc Hà Nhì, cứ vào dịp cuối tháng 11 hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, người dân tộc Cống bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) lại quây quần cùng nhau vui trong lễ Tết Hoa (theo tiếng địa phương là Mền loóng phạt ái). Năm nay người Cống Lả Chà lại rộn ràng đón tết sớm. Con đường vào bản Lả Chà hôm nay nhộn nhịp hơn mọi ngày với những khuôn mặt háo hức, phấn khởi tưng bừng đón tết. Chị em phụ nữ dân tộc Cống đã khoác lên mình bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất của dân tộc mình. Theo người già ở bản kể lại, tết Hoa gồm 2 phần chính: Phần nghi lễ và phần hội. Trong phần nghi lễ, các gia đình tự chuẩn bị lễ vật có thể là lợn hoặc gà tùy theo điều kiện kinh tế của từng nhà, để sắp mâm cúng tổ tiên. Sau khi mỗi gia đình đã cúng gia tiên xong thì đóng góp vật phẩm để làm lễ cúng chung của cả bản. Hai nghi lễ này mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi đem lại cho dân bản một cuộc sống ấm no. Ðồng thời qua nghi lễ cũng là dịp để cầu cho một năm mới may mắn, an lành, cầu cho mọi người mọi nhà có sức khỏe để phát triển kinh tế. Sau các nghi lễ, không phân biệt già trẻ gái trai, đều nắm tay nhau hòa mình vào đất trời thiên nhiên mang niềm vui được mùa gửi vào trong các điệu múa cổ truyền, cùng tiếng trống tiếng chiêng để vui chơi ngày tết. Người Cống cũng quan niệm, ngày tết là phải vui, phải chơi hết mình thì năm sau mới may mắn, mọi chuyện mới được như ý nguyện.
Ðược biết, trên địa bàn huyện Nậm Pồ, dân tộc Cống chỉ có duy nhất ở bản Lả Chà, xã Pa Tần với 79 hộ và gần 400 nhân khẩu. Người Cống có đời sống tinh thần phong phú thông qua trang phục, các phong tục tập quán, lễ hội như: Tết Hoa, Lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên, Lễ cưới, Lễ lên nhà mới, Lễ lên lão, Lễ tạ ơn Ngọc Hoàng... Trong đó Tết Hoa là độc đáo nhất bởi đây là nghi lễ trong ngày tết cổ truyền của người Cống và cũng có nghĩa là kết thúc một năm cũ, đón chào năm mới. Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần chia sẻ với chúng tôi: Những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước hỗ trợ xây dựng các công trình, các chương trình dự án phát triển sinh kế như Chương trình 30a, Chương trình 135, nhất là Ðề án bảo tồn dân tộc Cống đã giúp cho cuộc sống của bà con nơi đây có rất nhiều đổi thay. Ðặc biệt, Lễ hội Tết hoa mào gà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Ðiện Biên vào năm 2019 là niềm vinh dự, động lực rất lớn cho người Cống Lả Chà nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, cấp ủy chính quyền địa phương tiếp tục vận động bà con duy trì và tổ chức Tết hoa hàng năm. Hiện nay, cả bản còn khoảng 32 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã cũng sẽ ưu tiên các chính sách để hỗ trợ người dân Lả Chà phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân tộc Cống.
Một mùa xuân ấm áp nữa lại về với bà con các dân tộc vùng cao. Ðiều chúng tôi cảm thấy rõ ràng nhất là sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào trên những vùng đất vẫn còn nhiều gian khó. Trong những ngày tết, đâu đâu cũng tưng bừng, nhộn nhịp, niềm vui được thể hiện từ ánh mắt tới nụ cười của bà còn. Không chỉ vậy, mỗi dân tộc lại có những phong tục đón tết truyền thống riêng của mình, góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa 19 dân tộc tỉnh nhà thêm đa dạng, đặc sắc. Mong rằng, cùng với sự phát triển của xã hội, những sắc màu ấy sẽ ngày càng rực rỡ và được duy trì tới các thế hệ mai sau.