Theo theo điển tích và xất phát, Tết Trung thu từ Trung Quốc rồi từ đó lan chuyển đến một số nước có ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc như: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singaopre...
Tuy nhiên, Tết Trung thu ở Trung Quốc và một số nước nói trên về cơ bản là mang nét tương đồng. Đó là: tết của sự đoàn viên, ai đi xa cũng nhớ về sum tụ gia đình, ăn bữa cơm sum họp, treo, thả đèn và thưởng thức đêm trăng rằm tháng 8 âm lịch, với các loại bánh trái...
Có những quốc gia, Tết Trung thu được coi trọng như, thậm chí hơn cả tết cổ truyền, Tết trung thu là được nghỉ, thậm chí nhiều cơ quan, trường học ở Nhật Bản còn được nghỉ từ 7-10 ngày, hơn thế nữa, Nhật Bản còn ăn Tết trung thu hai lần (15-8 và 13-9 âm lịch).
Mặc dù Tết Trung thu cũng theo nền tảng văn hoá Á Đông, đặc biệt là các nước sử dụng nông lịch (âm lịch, dương lịch). Tuy vậy, Tết Trung thu ở Việt Nam, dù vẫn có những nét chung như: sum vầy, làm cỗ cúng gia tiên, vui chơi giải trí, làm cỗ trông trăng... hướng đến cuộc sống an lành, tương lai tốt đẹp. Đó là giá trị và ý nghĩa nhất của Tết Trung thu. Nhưng, từ rất lâu, việc ăn Tết Trung thu của người Việt đã có những biến chuyển, không còn mang nguyên bản những nghi thức như TQ và các nước khác. Nền tảng văn hóa Việt xuất phát từ nền văn minh lúa nước đã hình thành nên cốt cách và những nét văn hoá riêng, cho dù lịch sử có những thời kỳ bị đồng hoá và cố tình xoá bỏ.
Có một điều thật đặc biệt và thật thú vị về Tết Trung thu mà không một quốc gia nào làm được. Đó là sự thay đổi gần như hoàn toàn về hình thức cũng như ý nghĩa, lễ nghi của Tết trung thu. Sự thay đổi đã hình thành nên một Tết Trung thu khác biệt, của riêng Việt Nam, thoát ra khỏi ảnh hưởng văn hoá bên ngoài. Dù vẫn tưng bừng hoan hỉ vui Tết Trung thu, nhưng ít ai để ý rằng Tết Trung thu đã là tết của riêng ta chứ không lệ thuộc vào văn hoá, lễ nghi của nước khác. Đây là lỗi của truyền thông.
Tết Trung Thu đầu tiên trên nước nhà sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, vào ngày 21/9/1941 Bác đã viết bài thơ cho thiếu nhi vô cùng xúc động:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành, giáo dục đã thông
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa…”
Cách mạng tháng 8-1945 thành công, xoá bỏ chế độ phong kiến, thuộc địa, ngày 2/9/1945 ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là năm cố một Trung Thu đặc biệt cho tất cả các em thiếu nhi khi nước nhà được độc lập. Không chỉ được đón Trung thu trong không khí tưng bừng nô nức mà còn được hòa trong tình yêu thương chan chứa của vị lãnh tụ kính yêu. Các em thiếu nhi ở thủ đô Hà Nội được đón trung thu cùng Bác Hồ. Trong đó, Bác viết một bức thư: “Trung thu năm nay, già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái!”.
Từ đó Tết Trung thu còn được gọi là Tết Thiếu nhi. Một sự thay đổi vô cùng khéo léo và mềm mại mang tính lịch sử để hình thành cái của riêng ta. Tết Trung thu hướng đến thiếu nhi mạnh mẽ và cũng từ đó, về hình thức, Tết Trung thu của Việt Nam cũng được tổ chức chủ yếu cho thiếu nhi. Các hình thức vui chơi chủ yếu như; cắm trại thiếu nhi, các trò chơi dân gian, tổ chức sinh hoạt văn nghệ, chia quà...
Chiếc đèn ông sao trở thành biểu tượng của Tết Trung thu thay vì treo, thả đèn lồng. Hình ảnh chiếc đèn ông sao trong Tết trung thu là hình ảnh chỉ riêng có ở Việt Nam. Hình thức trông trăng của người Việt từ lâu cũng đã mang nét văn hoá riêng không giống với cách tổ chức thưởng trăng của một số nước. Nếu mâm cỗ trông trăng của một số nước chủ yếu là bánh trái, trà hoa; thì mâm cỗ trông trăng và phá cỗ của người Việt lại mang nét văn hoá dân gian, giản dị, đơn sơ, gần gũi từ cây trái vườn nhà nhưng vẫn mang tính giáo dục cao. Các hình ảnh biểu trưng về ông trăng như: quả bưởi là cái đầu, đĩa ngô rang là răng, đĩa ốc nhồi luộc là mắt, nải chuối là bàn tay...Dù đơn sơ hay đủ đầy, dù có trẻ con hay không có trẻ con, nhưng đêm Trung thu nhà nào cũng bày một mâm cỗ trông trăng ngoài sân.
Đêm Trung thu, sau khi đã nô nức tụ tập vui chơi ở sân đình, lũ trẻ sẽ tụ thành từng nhóm kéo nhau đi vào từng nhà để phá cỗ, bất kể nhà có trẻ con hay không, nhà quen hay không quen. Được lũ trẻ kéo vào phá cỗ, tranh nhau chí choé... Dù chúng có phá phách tung toé bừa bãi, nhưng chủ nhà lại thấy rất vui và lấy làm may mắn.
Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mời ông mời cỗ
Đánh nhau vỡ đầu
(Đồng dao)
Ngày nay, khi xã hội đã phát triển, kinh tế khá giả, cuộc sống đủ đầy hơn, tết trung thu cũng đã đủ đầy, phong phú vật chất hơn, việc ăn Tết Trung thu hay mâm cỗ trông trăng cũng bội phần đổi khác, vẽ vời hơn, sang chảnh hơn... Người lớn ngoài việc cúng bái gia tiên, còn mượn Tết Trung thu để mưu nhiều việc khác. Nhưng, dù có thế nào thì Tết Trung thu vẫn là Tết Thiếu nhi như từ lâu đã có trong tiềm thức.
Trung thu này, dịch dã lan tràn, rất nhiều nơi đã không thể tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi như mọi năm. Tất cả phải tuân thủ qui định về phòng chống dịch Covid-19. Một cái Tết Trung thu thiệt thòi cho lũ trẻ. Covid-19 rồi sẽ qua, “Trung thu trăng sáng như gương” (thơ Bác Hồ) hàng năm lại về trên đất nước và quê hương bình yên mang đến những giá trị Việt cho tâm hồn tuổi thơ.