Tết Xíp Xí có phải là tết đón năm mới của cư dân Tày - Thái ?

Bây giờ hầu hết các tộc người Tày - Thái (Tày, Thái, Nùng, Giáy, Sán Chay, Bố Y...) đều ăn tết Nguyên đán như người Kinh. Nhưng ngày xưa, họ đón năm mới vào tháng mấy? Tết mừng năm mới tên là gi?

Để trả lời được hai câu hỏi trên rất khó. Vì các tộc người chuyển sang ăn tết Nguyên đán từ rất lâu rồi. Dấu vết tết năm mới cổ truyền có còn lại chỉ là một vài mảnh vỡ của phong tục, trò chơi, lễ vật. Vậy, ta thử tìm các mảnh vỡ ghép lại xem sao.

tet-1q-1629559220.jpgNgười Thái Nghĩa Lộ (Yên Bái) thường mổ vịt vào Tết Xíp xí với quan niệm xua đi những đen đủi trong năm. Ảnh: https://www.yenbai.gov.vn/

Vào dịp tết Xíp xí (tết 14 tháng 7) âm lịch năm 1980, ông Lò Văn Tâm, Giám đốc đài truyền thanh huyện Văn Chấn (Yên Bái) là trí thức người Thái cho tôi xem cuốn lịch Thái cổ. Ông dịch qua cho tôi nghe. Tôi rất ngạc nhiên tháng 7 âm (tháng có tết Xíp xí) là tháng 1 - tháng mở đầu năm mới của lịch Thái (bương chiêng). Như vậy lịch người Thái đen ở Mường Lò bắt đầu từ tháng 7. Khi tôi hỏi ngày nào là ngày đón mừng năm mới như ngày mùng một tết của người Kinh. Ông Tâm nghĩ một lát rồi nói: người Thái Mường Lò chỉ có ngày 14 là ngày ăn tết to nhất. Ông còn cho biết thêm ngày tết Xíp xí là ngày tết to như tết nguyên đán. Các nghệ nhân nhà nghiên cứu văn hoá dân gian người Tày (nghệ nhân Ma Thanh Sợi), người Nùng (ông Nùng Chản Phìn), người Giáy (ông Sần Cháng) đều cho rằng tết tháng 7 Xíp xí là tết to của dân tộc mình. Về nghi lễ, phong tục có nhiều dấu vết của lễ đón năm mới. Ông Lò Văn Tâm và một số thầy cúng ở Mường Lò cho biết ngày Xíp xí phải làm 5 lễ cúng: cúng tổ tiên ma nhà, cúng ma ruộng, cúng vía trâu, cúng ma họ ngoại, cúng Then (người làm then). Các lễ cúng này là nghi lễ chính trong lễ mừng năm mới (tết Nguyên đán) hiện nay. Theo cố PGS TS Hoàng Lương, tết Xíp xí của người Thái trắng ở Sơn La cũng có nhiều phong tục đặc sắc như lễ cúng tổ tiên, lễ cúng thần đất thần nước, lễ cúng trâu và nông cụ. Tết này còn gọi là tết trẻ em. Đặc biệt các sinh hoạt trai gái giao duyên mang tính phồn thực cũng diễn ra ở các khu rừng, bờ suối... mong mùa màng tốt tươi, con người sinh sôi... Lễ Xíp xí của người Tày còn có tục con gái cùng chồng con về thăm, tặng vịt cho ông bà ngoại như ngày mùng 2 tết Nguyên đán. Có lẽ ngày xưa, tết đón năm mới của người Tày - Thái là tết Xíp xí chăng? Sau đồng bào tiếp nhận tết Nguyên đán thì một số nghi lễ, lễ vật, phong tục tết tháng 7 vẫn còn lưu các mảnh vỡ trong ngày tết nguyên đán hiện nay.

Và năm mới của cư dân nhóm ngôn ngữ Tày Thái bắt đầu từ tháng 7 (tháng 1 theo lịch cổ người Thái).