Thái Bình: Đình lang Chi Cấp xưa (nay là thôn Khuốc) và làng Phù Ngự xưa (nay là thông Ngừ) thờ Đức Thái sư Trần Thủ Độ

Theo Hương ước của hai thôn Chi Cấp và thôn Ngự hiện lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm và thư viện tổng hợp Thái Bình, được ghi vào năm 1938 cho biết rõ: Thôn Chi Cấp (làng Khuốc) thờ Đức Trần Thủ Độ, thôn Ngự thờ bốn vị thành hoàng trong đó có thờ: Trần Thủ Độ linh ứng đại vương. 

Tương thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ tại Đình lang Khuốc, xã Liên hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh do tác giả cung cấp.


Theo tài liệu : "Khảo cứu về việc thờ cúng các vị thành hoàng và phong tục" hiện do thư viện khoa học tổng hợp tỉnh Thái Bình lưu trữ, do chánh tổng Uyên và lý trưởng xã Khuông Phù tổng Khuông Phù huyện Hưng Nhân khai báo năm 1938 thì : "Xã Khuông Phù (nay là xã Liên Hiệp) khi xưa có 3 thôn : thôn An Nữ (nay là làng Nứa), thôn Chi Cấp (nay là làng Khuốc) và thôn Ngự (nay là làng Ngừ).


Căn cứ theo thần tích của hai làng và tài liệu cổ sử thì tổ tiên của Trần Thủ Độ xưa là người Hương Tức Mạc huyện Mỹ Lộc sống bằng nghề đánh cá. Sau này đến đời Trần Hấp di cư sang ấp Lưu Gia (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình). Trần Hấp sinh ra Trần Lý, Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung v.v .Trần Thừa sinh ra Trần Liễu ,Trần Cảnh...… Tài liệu chính sử từ xưa đến nay (ngay cả các tài liệu và thần tích cũng không cho biết rõ thân phụ của Trần Thủ Độ là ai. Có một số nguồn tài liệu chỉ ghi: “Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ bé ở với bác là Trần Lý tại Lưu Gia Trang”-nay là làng Lưu Xá ,xã canh Tân,Huyện Hưng Hà ,tỉnh Thái Bình. Nhà Trần Lý vốn nghề đánh cá mà trở lên giàu có. Trần Lý lại lấy chị gái của Tô Trung Từ (một viên quan nhà Lý) sau này con ông là Trần Thừa lấy bà Lê Thị con gái của Thái phó Lê Điện (triều Lý). Chính vì thế dòng họ này trở thành một thế lực mạnh ở vùng Hải ấp. Từ cuộc nhân duyên của Trần Thị Dung với Thái tử Sảm khi chạy loạn quách bốc về Lưu Gia(1209-1210)-, dòng họ Trần đã lần đầu tiên bước vào "chiến" trường chính trị của vương triều Lý với việc Trần Lý được phong tước minh tự, Tô Trung Từ được phong chức Thái Úý để rồi đến cuối năm 1225, dòng họ Trần dưới sự đạo diễn tài ba của Trần Thủ Độ đã làm một cuộc chính biến hoà bình với việc vị vua nữ: Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Chính thức khởi đầu cho một vương triều mới của nhà nước Đại Việt tồn tài 175 năm (1225 – 1400). Khi đánh giá về Trần Thủ Độ, sách ĐVSKTT đã viết : "Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn “Thái Tôn (vua Trần Cảnh) lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua” -(Sdd trang 478).


Trần Thủ Độ không những tài trí hơn người mà ông còn là người thẳng thắn, hết lòng vì cơ nghiệp nhà Trần. Sử cổ còn ghi lại khi ông đi duyệt hộ khẩu, quốc mẫu đã từng nhờ cậy xin cho một người làm Câu Đương, khi gặp người này, Thủ Độ nói: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu Đương, không ví như người Câu Đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác” -(Sđd. )-Người kia sợ quá van xin thôi không làm Câu Đương, từ đó không ai dám đến thăm nhà riêng nữa. Ở thời kỳ phong kiến, một người nắm toàn quyền giúp vua cai trị đất nước mà Trần Thủ Độ xử sự được như vậy đã chứng tỏ ông là người liêm chính, trung thực hết lòng xây dựng một xã hội Đại Việt vững mạnh, không chỉ giỏi về chính trị, quân sự, kinh tế mà Trần Thủ Độ còn là người giỏi trong sử dụng người. Không kéo bè kết cánh kể cả là người thân của mình, sử cũ ghi lại khi vua Thái Tôn muốn cho anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tướng, Thủ Độ nói: “An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc. Nếu cho là thần hiền hơn hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc làm tướng. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều đình sẽ ra sao”?...


Đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lược thì Trần Thủ Độ đã khẳng khái thể hiện tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh bằng câu nói nổi tiếng truyền đời của ông: “Đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo”. Chính vì thái độ kiên quyết của Trần Thủ Độ đã làm cho vua Trần Thái Tông vững tâm cùng các vương hầu tướng lĩnh và nhân dân quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông ra khỏi đất nước. Giáp Tý năm thứ 7 (1264) mùa xuân tháng Giêng, Thái sư Trần Thủ Độ chết (tuổi 71), truy tặng Thượng phụ Thái Sư trung vũ đại vương” (Sdd trang 478).


Theo thần tích ở hai làng: Ngừ và Khuốc thì Trần Thủ Độ mất ngày 06 tháng một ta. Chắc hẳn thể theo nguyện vọng của ông khi còn sống, nên triều đình nhà Trần đã đưa ông về chôn cất tại làng Phù Ngự, nơi thái ấp của vợ ông khi xưa, đồng thời cũng gần với mộ của bà Trần Thị Dung (tại đất làng Lại ngày nay). Hiện tại ở làng Khuốc (Chi Cấp), làng Ngừ (phù Ngự) đều có đình thờ ông, các triều đại phong kiến đều có sắc phong truy tặng cho Trần Thủ Độ.


a) Tại làng Ngừ còn hai đạo sắc phong:


1. Ngày 18 tháng 3 năm thứ 2 vua Khải Định tôn phong : Đương cảnh Thành hoàng Trần Triều tướng quốc đại nguyên suý tổng quốc chinh chính sự tôn thần.


2. Ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 vua Khải Định lại phong tôn ông là: Nguyên quang ý dực bảo trung hưng đức cảnh thành hoàng Trần triều tướng quốc Đại nguyên soái tổng quốc chính thái sư Trần Thủ Độ tôn thần.


b) Ở thôn Chi Cấp (làng Khuốc) có hai đạo sắc phong.


1/ Ngày 18 tháng 3 năm thứ 2 vua Khải Định phong: Đương cảnh Thành hoàng Trần triều hoàng thúc Trần Thủ Độ tôn thần.


2. Ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 vua Khải Định phong nguyên tặng dực bảo trung hưng linh phù đức cảnh Thành hoàng Trần triều hoàng thúc Trần Thủ Độ tôn thần. Gia thăng trác vĩ thượng đẳng thần.
.
Theo thần tích và phong tục địa phương thì hàng năm ở hai thôn Ngự, Khuốc và nhân dân xã Liên Hiệp cùng các xã trong địa phương thường tổ chức tế lễ tại đình, đền, mộ và những ngày sinh, ngày mất của đức Trần Thủ Độ. Thông thường lễ hội tổ chức từ 2 – 3 ngày (từ 6 – 7 hoặc mồng 8 tháng Giêng). Trong tế lễ có quan viên hàng phủ, huyện về dự. Những người được dự tế thì phải được lựa chọn cẩn thận, tắm gội sạch sẽ, tính cách thanh bạch. Đặc biệt chỉ dành cho trai tân, gái tân mới được rước kiệu. Khi vào tế phải mặc áo tế, mũ tế, đi hia. Hiện nay ở hai làng nói trên đều có tượng và bài vị thờ Trần Thủ Độ. Đình làng Ngừ mới được nhà nước đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp, thu hút rất đông khách du lịch tới thăm quan lăng mộ và bái viếng vợ chồng Trần Thủ Độ – Trần Thị Dung.


Đ.H