Thái Bình: Xây dựng mô hình sản xuất muối hữu cơ truyền thồng kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng

Hiện nay muối phơi cát tại xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là công nghệ độc đáo trên thế giới, và sản phẩm của nó được một số nước nhập khẩu đánh giá cao về độ ngon và hương vị không nơi đâu sánh được. Vì vậy, việc bảo tồn nghề sản xuất muối phơi cát tại xã Thụy Hải, ngoài các ý nghĩa khác, còn là sự bảo tồn làng nghề nhiều đời, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Đồng chí Ngô Đông Hải - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy tỉnh Thái Bình.

Ngày 25/12/2019, tại khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Đen, (huyện Thái Thụy), diễn ra Hội thảo khoa học Xây Dựng Mô Hình Sản Xuất Muối Hữu Cơ theo phương pháp truyền thống tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, kết hợp Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Tham dự Hội thảo, đại diện tỉnh Thái Bình gồm có đồng chí Ngô Đông Hải - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở VHTT&DL, đồng chí Trần Lê Huy - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL.

Đồng chí Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác & Phát triển Nông thôn, cùng nhiều nhà khoa học, quản lý, chuyên gia nghiên cứu, và các doanh nghiệp, lãnh đạo các sở, huyện, đại biểu…

Hội thảo có 9 tham luận chủ yếu tập trung xây dựng mô hình sản xuất muối hữu cơ theo phương pháp truyền thống tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, kết hợp Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Như chúng ta đã biết, ngành muối là ngành cổ xưa, đồng thời là ngành vĩnh hằng và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các tổ chức liên quan, Sở Văn hóa thể thao & Du lịch tỉnh Thái Bình đã tổ chức cuộc Hội thảo trên nhằm bảo tồn và phát triển đồng muối xã Thụy Hải là việc làm rất có ý nghĩa và cần thiết.

Đồng chí Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác & Phát triển Nông thôn.

Hiện nay, muối phơi cát tại xã Thụy Hải là công nghệ độc đáo trên thế giới, và sản phẩm của nó được một số nước nhập khẩu đánh giá cao về độ ngon và hương vị không nơi đâu sánh được. Vì vậy, việc bảo tồn nghề sản xuất muối phơi cát tại xã Thụy Hải, ngoài các ý nghĩa khác, còn là sự bảo tồn làng nghề nhiều đời, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, đồng muối Thụy Hải còn có mối quan hệ hữu cơ với di tích văn hóa – lịch sử đền Bà Chúa Muối, đây là một quần thể kinh tế - văn hóa – tâm linh. Xã Thụy Hải, một vùng đất mang tên nghề Muối – Diêm Điền, vừa mang chất tâm linh làng nghề, với đền thờ Bà Tổ nghề - Bà Chúa Muối, nơi đây là một vùng làng nghề cổ truyền làm ra mặt hàng tối quan trọng đối với cuộc sống con người.

Tuy công việc còn thủ công, lao động còn cực nhọc, sản phẩm còn rất rẻ, nhưng tại nơi đây, con người vẫn cần cù chịu khó, chắt chiu giọt nắng để làm ra hạt muối trắng, kết tinh sức người và nước biển lấy từ nguồn sống thiên nhiên tạo thành một sản vật tinh túy, quý báu cho nhân loại.

Đất nước ta có chiều dài đường biển với 3260km, nhiều vùng làm muối, có nhiều vùng nổi tiếng, nhưng không đâu như ở nơi đây: Diêm Điền “rừng phi lao gió mát” lại hội tụ những yếu tố đặc biệt về nghề Muối – sản xuất muối trên cát rất có lợi, vì là muối nhạt, có nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe, cả về tâm linh, tên đất, tên người Bà Chúa Muối như ở nơi đây, thật xứng danh là cái nôi của một vùng làng nghề độc đáo.

Đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

Đền Bà Chúa Muối tọa lạc ngay bên trong con đê biển có từ hàng ngàn năm trước. Ngày nay phía ngoài biển (sau đền Bà Chúa Muối) tỉnh Thái Bình và huyện Thái Thụy đã tổ chức quai đê lấn biển, đắp một con đê mới bao quanh vùng biển cũ dài cả chục km, mở mang hàng ngàn ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản, vùng đất muối xưa kia, hiện nay đã lùi vào phía trong đồng (phía trước đền Bà Chúa Muối).

Sản phẩm muối ở xã Thụy Hải được làm theo phương pháp truyền thống của miền Bắc là thẩm thấu nước mặn qua cát, nên muối giữ được vitamin và khoáng chất hữu cơ, muối nhạt của vùng cửa biển, giàu phù sa.

Sản xuất muối tại xã Thụy Hải, và các nét đẹp truyền thống trong sản xuất muối tại Thái Bình, hiện nay vẫn còn có các khó khăn chủ yếu như: Sản xuất theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo diêm dân, năng suất muối thấp, lao động nặng nhọc, thu nhập thấp và không ổn định, đời sống diêm dân còn gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối đã bị xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo việc cấp nước biển và tiêu thoát trong sản xuất; chưa có nguồn lực đầu tư từ Trung ương và địa phương rất hạn chế cho đổi mới công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng; chưa có nhiều nghiên cứu sâu về chất lượng muối Thụy Hải (hàm lượng vitamin, các chất khoáng…) từ đó chỉ ra các dẫn chứng quan trọng về sự khác biệt giữa muối Thụy Hải với muối trong nước và ngoài nước.

Thương hiệu, chỉ dẫn địa lý muối Thụy Hải chưa được quan tâm thực hiện, việc mua bán muối không có hợp đồng, phụ thuộc vào thương lái, nên diêm dân thường bị ép giá, chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến muối với các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác và diêm dân trong khâu tiêu thụ; chưa có chiến lược phát triển du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm đồng quê, trải nghiệm sản xuất muối cùng diêm dân, từ đó quảng bá rộng rãi đến du khách.

Hầu hết các tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo đều nêu được những vấn đề cơ bản sau, đó là việc cần phải bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối hữu cơ theo phương pháp truyền thống. Cho phép đăng ký “Làng nghề Muối di sản” cho diêm dân tại địa phương.Hỗ trợ nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm muối gắn với xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu muối hiện có tại Thụy Hải.

Xây dựng mô hình du lịch nông thôn, nông nghiệp trên sản vật muối, trog đó đề xuất xây dựng mô hình điểm để đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn của quy hoạch mô hình du lịch nông thôn, nông nghiệp trên sản phẩm làng nghề.

Kiến nghị cụ thể về xây dựng thương hiệu muối Diêm Điền thành thương hiệu cấp quốc gia; xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để hõ trợ cho bà con nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý; kết hợp sản xuất đa dạng các sản phẩm muối ra thị trường với nghỉ dưỡng, chữa bệnh bằng muối hữu cơ.

Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra ra ba ý chính cơ bản sau: Thứ nhất, khẳng định việc khôi phục nghề muối tại Tam Đồng Thụy Hải là việc rất cần thiết vừa có ý nghĩa bảo tồn và phát huy nghề truyền thống sản xuất muối hữu cơ, duy trì sản xuất nâng cao cho các hộ dân, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất muối hữu cơ. Đồng thời gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử; kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Thứ hai: Để triển khai , thực hiện có hiệu quả các công việc, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, của để đề tài này được đạt hiệu quả cao nhất cần sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương. Trước mắt yêu cầu các sở, ngành của tỉnh, huyện Thái Thụy khẩn trương đánh giá mọi yếu tố liên quan báo cáo các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch nhằm bảo tồn cánh đồng muối Thụy Hải. Lập đề tài khoa học cấp tỉnh, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền đánh giá, công bố về hàm lượng vi chất trong hạt muối Thụy Hải.

Toàn cảnh.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết phát triển sản xuất muối, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu “Muối Thái Bình”; lập quy hoạch du lịch, đề án phát triển du lịch của huyện Thái Thụy để đa dạng hóa về sản phẩm du lịch của huyện, xâu chuỗi lại thành rua du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và kết nối giao lưu với các khu du lịch nghỉ dưỡng trong và ngoài tỉnh.

Thứ ba: Trân trọng đề nghị Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Cục kinh tế hợp tác và phát triển sớm báo cáo Chính phủ phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng sản xuất muối đến năm 2025 và năm 2030”. Đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ đánh giá chất lượng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm “Muối Thái Bình”. Các doanh nghiệp, các trường Đại học, đơn vị về dự Hội thảo đã có hoạt động ký kết chương trình phối hợp quan tâm triển khai, thực hiện đảm bảo đúng thời gian, nội dung đã ký kết.